Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số phiên họp Chính phủ tại chiến khu

19/05/2017 11:36
Theo Chinhphu.vn
(GDVN) - Suốt 8 năm ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn thảo những vấn đề kháng chiến kiến quốc quan trọng.

Trong kháng chiến chống Pháp, hoạt động cách mạng phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt 8 năm ở Việt Bắc không thể không nhắc đến một hoạt động quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là chủ trì họp Hội đồng Chính phủ để hiện thực hóa đường lối kháng chiến kiến quốc, từng bước khẳng định vị trí của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đưa kháng chiến đến ngày thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trong một phiên họp tại chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trong một phiên họp tại chiến khu Việt Bắc, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Các phiên họp Hội đồng Chính phủ diễn ra hằng tháng, có tháng 2 lần. Công việc kháng chiến bộn bề, cơ quan Chính phủ phân tán nhiều nơi nên phiên họp thường kéo dài đến 2-3h sáng. 

Nhiều phiên, Hội đồng làm việc suốt ngày, đến nửa đêm vẫn chưa xong, phải kéo dài sang hôm sau. Có lần trời mưa to gió lớn, cuộc họp mấy lần tạm nghỉ, đề phòng cây bị gió mạnh quật đổ vào nhà (ngày 28/9/1947). 

Có khi Hội đồng Chính phủ họp giữa tiếng máy bay địch gầm rú, bắn phá (ngày 11/10/1947, ở xã Đình Cả, Vũ Nhai, Bắc Sơn). 

Địa điểm họp Hội đồng Chính phủ ban đầu mượn nhà dân, các thành viên ngồi chiếu, giữa để mấy ngọn đèn dầu, về sau dựng hội trường riêng tuy chỉ tranh tre, phên nứa nhưng trang trọng. 

Phiên họp ngày 18/8/1948 là lần đầu tiên từ ngày đi kháng chiến, Hội đồng Chính phủ họp tại địa điểm rất đẹp, nhà cửa trang hoàng, rộng rãi, mát mẻ, có đủ nơi ăn, chốn ngủ, vườn rộng, cây cao, suối lớn, ghế ngồi có lưng tựa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì các phiên họp Hội đồng Chính phủ bàn thảo những vấn đề kháng chiến kiến quốc quan trọng

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến làng Xảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 2/4/1947 thì đến ngày 19/4/1947, Người chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ đầu tiên tại chiến khu. 

Cuộc họp bắt đầu từ 20h30’, kéo dài tới 2h sáng hôm sau, trọng tâm về vấn đề ngoại giao. Kết thúc phiên họp, Người yêu cầu các Bộ trưởng nhanh chóng thu xếp chuyển vào an toàn khu càng sớm càng tốt. 

Ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa 59 phiên họp Hội đồng Chính phủ để chỉ đạo Chính phủ hiện thực hóa đường lối kháng chiến kiến quốc: 

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của Nhà nước dân chủ mới, xây dựng và củng cố chính quyền, quân đội, tài chính, thương nghiệp, bưu điện, giao thông vận tải, văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, thuế khóa... 

Trong các phiên họp 4 tháng, 6 tháng, tổng kết cuối năm, Người nhận định tình hình, kết quả hoạt động và nêu nhiệm vụ mới về các mặt: Nội chính, quân sự, ngoại giao, dân sinh, văn hóa xã hội, giáo dục, ngân sách, quy định cách làm việc trong các bộ, các bạn của Chính phủ. 

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ đã kịp thời đưa ra những chính sách linh hoạt với diễn biến cuộc kháng chiến. 

Toàn thể thành viên Hội đồng luôn đoàn kết, nhất trí, một lòng biểu thị quyết tâm và niềm tin thắng lợi vào đường lối của Chính phủ. 

Ngày 26/7/1947, chủ tọa phiên họp giải quyết một số vấn đề khẩn cấp ở các bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày lý do cải tổ và mở rộng Chính phủ, nêu các nguyên tắc để Hội đồng cho ý kiến. 

Việc cải tổ Chính phủ, mở rộng thành phần tham gia để tránh âm mưu chia rẽ của Pháp và tranh thủ ảnh hưởng đối với quốc tế như đồng chí Võ Nguyên Giáp sẽ giao chức Bộ trưởng Quốc phòng cho ông Tạ Quang Bửu, thêm Bộ Thương binh do bác sĩ Vũ Đình Tụng phụ trách. 

Hội đồng Chính phủ thảo luận về cách thay đổi nhân sự và mọi người đều hoan nghênh chính sách khéo léo, hợp thời của Người. 

Ngày 11/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp bàn vấn đề chia Chính phủ thành 5 đoàn. 

Một đoàn ở lại giữ căn cứ, còn 4 đoàn kia gọi là phái đoàn kinh lý tỏa đi về các tỉnh tuyên truyền cho kháng chiến, đồng thời tránh gọng kìm càn quét của địch.

Những chính sách của Chính phủ trong giai đoạn đầu cầm cự của cuộc kháng chiến chống Pháp, từ 1947-1950, đã đặt cơ sở vững vàng cho sự chuẩn bị tổng phản công thắng lợi của ta. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vấn đề phải củng cố đại đoàn kết, vận động nhân dân vùng địch tạm chiếm đóng tham gia kháng chiến, mở rộng công tác tuyên truyền, củng cố chính quyền nhân dân, tăng cường bộ đội, phát triển quân dân, xây dựng lý luận quân sự, xây dựng lý luận pháp lý dân chủ, huấn luyện và đào tạo cán bộ tư pháp, thảo những bộ luật dân chủ. 

Ngày 16/12, chủ tọa phiên họp cuối năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: Lực lượng địch còn mạnh, nhưng thế của chúng vẫn yếu. 

Lực lượng của ta còn kém địch vì ta không có sự giúp đỡ của ai, nhưng thế của ta rất vững. 

Nếu ta cố gắng thêm nữa, với một sự chuyển biến xảy ra có lợi cho kháng chiến, cuộc tổng phản công sẽ chắc chắn thắng lợi. 

Người chỉ thị: Cần hợp lý hóa việc họp hành; chính quyền và đoàn thể nhân dân phải liên lạc mật thiết và thiết thực hơn nữa; làm cho mọi người dân đều hiểu về chính sách của Chính phủ; hoạt động của các bộ phải ăn khớp với nhau; tổ chức thi đua ái quốc giữa các bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp Hội đồng Chính phủ ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì một phiên họp Hội đồng Chính phủ ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Năm 1950, ta chuẩn bị mọi mặt quân sự, chính trị, ngoại giao... để chuyển mạnh sang tổng phản công, tại phiên họp ngày 11-13/4, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Địch cố tìm biết những công việc ta làm, do đó cần phải giữ bí mật và nhắc cán bộ phải giữ bí mật. 

Địch có thể làm những việc mạo hiểm, do đó cần phải quân sự hóa triệt để. 
Phải làm tốt công tác động viên nhân dân, không động viên được dân thì kế hoạch hay mấy cũng hỏng; lúc nào mọi kế hoạch đến tận dân, dân thực hiện, lúc đó mới thật là tổng động viên.

Từ năm 1951 trở đi, cuộc kháng chiến từ bị động chuyển dần sang thế tiến công với nhiều thuận lợi mới: Khai thông biên giới Việt-Trung, nối liền chiến khu Việt Bắc với các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em, lực lượng kháng chiến được củng cố và tăng cường. 

Tuy nhiên, ta lại đứng trước thử thách mới: Đấu tranh chống quân can thiệp Mỹ, chuẩn bị lực lượng toàn diện để tổng phản công, phá tan kế hoạch Nava, kết thúc kháng chiến thắng lợi. 

Trên cương vị người đứng đầu, trong các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, huy động tối đa trí tuệ, nhân tài, vật lực toàn dân cho kháng chiến;

Ban hành Luật Cải cách ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, tạo ra sức mạnh và khí thế mới của giai cấp nông dân – đội quân chủ lực của cuộc kháng chiến, thúc đẩy kháng chiến mau đi đến thắng lợi. 

Ngày 6-7/4/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp, quyết nghị việc phát động phong trào thi đua lấy tên là “phong trào thi đua ái quốc, sản xuất lập công, đề cao chiến sĩ” và triệu tập Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc vào đầu năm 1952. 

Người căn dặn phải chuẩn bị cuộc thi đua cho chu đáo, việc tuyên truyền phải liên tục, tổ chức Đại hội thi đua các ngành phải tránh hình thức tốn kém và thi đua đẩy mạnh phong trào sản xuất chứ không phải đề cao cá nhân. 

Bàn về vấn đề huy động dân công, Người nhắc nhở Chính phủ và các cấp phải tiết kiệm sức dân, cố tránh lúc làm mùa và công trình trong huy động. 

Khi bế mạc cuộc họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trước các thắng lợi đã đạt được về quân sự, cần giải thích cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ cuộc kháng chiến của ta là trường kỳ và gian khổ, tránh chủ quan, khinh địch;

Các cơ quan phải quân sự hóa đề phòng máy bay địch, mọi người phải giữ bí mật, đẩy mạnh việc tăng gia sản xuất trồng rau và hoa màu. 

Trong phiên họp ngày 20/9/1951, Người nêu ý kiến: Chúng ta có một hậu phương rộng rãi, nhân dân sẵn sàng giúp ta. Do đó vấn đề thuế nông nghiệp phải được chú trọng đúng mức, như vậy mới cung cấp đủ gạo cho bộ đội. 

Chủ tọa phiên họp thảo luận về Sắc lệnh ruộng đất, Sắc lệnh trừng trị những kẻ ngoan cố chống lại chính sách ruộng đất của Chính phủ từ ngày 1-2/3/1953, Người nhấn mạnh: Phiên họp đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng, nhất là chính sách ruộng đất. 

Song chúng ta không được chủ quan, phải có quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. 

Nhận xét về hoạt động của Chính phủ năm 1953, trong phiên họp ngày 7/1/1954, Người đánh giá: Chính phủ làm việc có nhiều tiến bộ. 

Năm 1954, công tác nhiều hơn, khó hơn, mọi ngành phải cố gắng nhiều hơn nữa. Trong công tác, các cấp, các ngành phải phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau như một dàn nhạc. 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, họp Hội đồng Chính phủ ngày 13-14/7/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Tình hình có những chuyển biến mới, nói chung là công của dân ta, nói riêng là của bộ đội ta đã cố gắng, quyết tâm và chịu đựng gian khổ. 

Các ngành, các bộ cố gắng thi đua với bộ đội, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chuẩn bị mọi mặt cho đầy đủ, nắm quyền chủ động, chủ động thì nhất định chúng ta thắng lợi.

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết tâm trường kỳ kháng chiến theo con đường của Chính phủ Hồ Chí Minh, quân dân cả nước đoàn kết cùng đồng lòng, chung sức vượt lên mọi khó khăn, gian khổ đi tới ngày thắng lợi mỗi lúc một gần hơn.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên trong những phiên họp Hội đồng Chính phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm phát hiện và chỉ ra những căn bệnh mới nảy sinh trong hoạt động của chính quyền, đoàn thể như bệnh chủ quan, hẹp hòi, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa địa phương, tệ quan liêu xa rời quần chúng nên Người hết sức chăm lo, giáo dục cán bộ, đảng viên về đạo đức cách mạng, phương pháp và phong cách công tác, nêu cao khẩu hiệu “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. 

Theo Người, sự nghiệp cách mạng là của quần chúng, chúng ta đánh giặc và xây dựng xã hội mới bằng những việc làm muôn hình, muôn vẻ của hàng chục triệu con người, chứ không chỉ bằng thành tích nổi bật của một số cá nhân anh hùng. 

Nếu “cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần đi công tác tại chiến khu. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một lần đi công tác tại chiến khu. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện phê bình và tự phê bình thẳng thắn, đúng mức để tiến bộ; phải vận động nhân dân phê bình cán bộ, phê bình chính quyền, như vậy mới là thực hiện dân chủ thiết thực và sâu sắc. 

Trong phiên họp Hội đồng Chính phủ để nghe báo cáo về tình hình thế giới và trong nước từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11/1950, sau khi nghe Bộ Quốc phòng trình bày vụ án Trần Dụ Châu (Trần Dụ Châu – nguyên Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu và đồng bọn phạm tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ) và nghe Hội đồng Chính phủ nhận xét, cho ý kiến khắc phục, sửa chữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Chính phủ phải đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình: 

Chúng ta hay nể nả. Mình chỉ biết mình thanh liêm là đủ. Quan niệm “thanh cao tự thủ” là không đủ. Tất cả chúng ta phụ trách trước nhân dân, trong anh em phải có tự phê bình và phê bình”. 

Trong phiên họp ngày 7/2/1951, Người nói: “Trong lúc thực hiện phê bình và tự phê bình, có thể cán bộ sợ bị trù và dân thì có lúc 10 câu chỉ đúng 2 câu, nhưng ta cứ phải để dân phê bình, nếu không ta sẽ khóa cửa sự phê bình”. 

Trong phiên họp 4-6/6/1951, Người nêu muốn thực hiện được các công tác quan trọng thì trong nội bộ tư tưởng phải thông suốt, phải dựa vào dân và thực hành dân chủ.

Ngày 2/7/1952, Hội đồng Chính phủ nghe báo cáo của Phó Tổng Thanh tra về tình hình quản lý tài chính trong quân đội, tình hình tham ô, lãng phí, quan liêu của một số cán bộ. 

Sau khi nghe các thành viên thảo luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tổng kết: Phải nêu gương những cán bộ trong sạch, cần kiệm, liêm chính phụ trách quản lý tài chính trong quân đội cho các cán bộ khác noi theo. 

Bệnh quan liêu, nạn tham ô, lãng phí nguồn gốc ở trong xã hội cũ mà ra. Chúng ta không lấy làm lạ. Nhưng mấy năm sau cách mạng mà tham ô, lãng phí còn khá phổ biến trong cán bộ ta, là vì giáo dục còn thiếu sót. 

Nay ta đã nhận thấy được bệnh đó, chúng ta phải sửa dần, một cách có kế hoạch, chuẩn bị.

Trong phiên họp ngày 29/12/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: Khuyết điểm chính còn tồn tại trong năm 1952 là lãnh đạo không sát dẫn đến tội tham ô, quan liêu, lãng phí. 

Muốn khắc phục những khuyết điểm trên, “chúng ta đã bắt đầu tiến hành ba chống (chống tham ô, lãng phí, quan liêu). 

Năm 1953, phải cố gắng làm ba chống triệt để, cán bộ lãnh đạo phải xung phong, gương mẫu đi đầu trong phong trào... 

Phải có chính sách cán bộ: Cải tiến sinh hoạt, cân nhắc khen thưởng, giáo dục đào tạo, mạnh dạn cất nhắc cán bộ mới, cân nhắc đức, tài”. 

Chăm lo giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng mới củng cố được khối đoàn kết, mới huy động được sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn dân cho kháng chiến.

Hình ảnh vị Chủ tịch Chính phủ kháng chiến luôn tận tụy, hết lòng vì dân vì nước

Với “phận sự chèo chống chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”, quyết tâm “trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi” đã trở thành khẩu hiệu hành động thường trực ngày đêm bên Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Ngày 6/3/1947, Người đặt tên cho các đồng chí phục vụ là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi với suy nghĩ: 

Nhiệm vụ của Bác hiện nay là cùng toàn Đảng, toàn dân đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. 

Đó vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài. Bác đặt tên cho các chú như vậy cũng để hằng ngày nhìn thấy các chú hoặc gọi tên các chú là nhắc nhở Bác phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ”. 

Kỷ niệm 4 năm kháng chiến, trong Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc ngày 19/12/1950, Người nhận định do “Chiến sĩ ta dũng cảm, nhân dân ta hăng hái, Chính phủ ta kiên quyết, kháng chiến ta chính nghĩa”, mà “ta từ bị động chuyển dần sang chủ động, từ thế yếu chuyển dần sang thế mạnh, từ thế thủ chuyển dần sang thế công” nhưng để giành được những thắng lợi không thể không nhắc đến vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Trước mỗi phiên họp Hội đồng Chính phủ, “Bác dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và phân tích tình hình. Nhiều đêm Bác đi nằm nhưng vẫn không ngủ. Có đêm Bác thức đến gà gáy canh ba bên ngọn đèn dầu”. 

Trong những ngày cuối tháng 2/1948, chuẩn bị cho phiên họp tại Khuôn Tát, “Chương trình nghị sự... thật nhiều vì là lần đầu năm cả một chương trình hoạt động của Chính phủ phải thông qua”. 

Nói về phiên họp này, Bộ trưởng Lê Văn Hiến ghi lại trong nhật ký: “Một điều đặc biệt là... trong báo cáo tình hình thế giới, Hồ Chủ tịch đã đọc cho Hội đồng nghe một bản sưu tập tất cả các tin tức quan trọng xảy ra ở thế giới có liên quan đến ta. 

Những tin tức này được lựa chọn một cách chu đáo và sắp đặt rất hợp lý để cho ai đấy nghe xong là có thể kết luận ngay một cách cụ thể về chánh sách và đường lối chánh trị của ta lúc này. 

Thật là một bản báo cáo rất có giá trị về phương diện tuyên truyền và giải thích”.

Với Bác, khó khăn phải tìm cách khắc phục. Bác thường ở xa nơi họp Hội đồng, có khi phải băng rừng, leo đèo, lội suối hàng chục km nhưng khi đi Bác dự tính sẽ đi hết bao lâu nên đến rất đúng giờ. 

Các đồng chí chuẩn bị ngựa nhưng Bác nói: Đi ngựa thì lộ mất vì chỉ cán bộ cao cấp mới được đi ngựa. Khi cần, đi xa mấy ngày đường Bác cũng chỉ đi bộ. Không bao giờ Bác tỏ ra mệt mỏi hay phàn nàn.

Có lần đi bộ mấy ngày mà chưa đến địa điểm, anh em sốt ruột hỏi, Bác trả lời: Khắc đi, khắc đến. 

Những lần từ Thái Nguyên đi họp Hội đồng Chính phủ sang tận Tuyên Quang, đường xa, để quên mệt Bác thường động viên anh em kể chuyện. 

Đến chỗ nghỉ, Bác bảo đem báo ra đọc, Bác nói: Trên đường đi các chú không vui, Bác thấy không nên thế. Các chú xem Bác có khác gì các chú, các chú kêu, không giải quyết được gì mà lại làm ảnh hưởng đến người khác. 

Ngày 5/7/1947, tại Tân Trào, các thành viên Hội đồng Chính phủ chờ Bác đến họp, tới 11h nghe tin nước lũ dâng cao, Bác không đến được nhưng sau đó, Bác điện báo không hoãn họp. 15h Bác đến nơi. 

Ngày 25/7/1947, Bác đội mưa đi bộ 20 km đến địa điểm họp Hội đồng Chính phủ ở Hồng Thái, Tân Trào. 

Ngày 22/10/1947, nhận được tin địch nhảy dù càn quét, Bác chuyển lên vùng rừng núi hiểm trở thuộc bản Cóc. 

1h sáng ngày 3/11/1947, vừa đến nơi, Bác đã chuẩn bị cho chương trình nghị sự của Hội đồng Chính phủ, 13h cuộc họp bắt đầu. Nhiều lần họp, dù mệt, Bác vẫn cố gắng dự. 

Đồng chí Hoàng Hữu Kháng kể: Có lần ở Việt Bắc, Bác đang ốm, đúng 7h sáng, Bác nói các chú chuẩn bị đưa Bác đi họp Hội đồng Chính phủ. Lần ấy, Người phải đến nơi họp bằng cáng. 

Ngày 1/3/1948, Hội đồng Chính phủ làm việc suốt ngày, đến nửa đêm vẫn chưa hết chương trình, phải kéo dài sang ngày hôm sau. Buổi chiều, Người sốt li bì.

Ngày 3/3/1948, tuy còn mệt, nằm trên giường nhưng Người vẫn yêu cầu những đồng chí đến thăm kể lại các vấn đề đã bàn trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ.

Đối với các thành viên Chính phủ, Người quan tâm như gia đình. Bộ trưởng Lê Văn Hiến kể về phiên họp ngày 2/6/1947, tại Tân Trào, Tuyên Quang, 1h sáng:

Trời mưa, ai nấy đều ướt hết cả. Đường đi vất vả quá... Cụ bắt tay từng người, rờ những bộ quần áo ướt sũng của chúng tôi, rồi lập tức cho đốt lửa để mọi người ngồi quây quần xung quanh sưởi và hong áo cho khô”. 

Là người giàu tình cảm và chu đáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thăm hỏi các thành viên Chính phủ, gửi thư thăm Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn khi đau ốm, gửi thư cho gia đình cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Hoàng Hữu Nam, Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhân dịp giỗ đầu. 

Tết đến, Người dự bữa cơm tất niên với các thành viên Hội đồng. Mùng 1 Tết Tân Mão (1950), sáng sớm, Người đã dậy, đến phòng các Bộ trưởng, Thứ trưởng bắt tay, chúc Tết từng người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người yêu thiên nhiên, yêu văn nghệ nên trong những ngày kháng chiến gian khổ, Người luôn nhìn thấy vẻ đẹp thiên nhiên và tìm thấy niềm vui văn nghệ. 

Vào dịp lễ, tết, các phiên họp Hội đồng Chính phủ thường kết thúc bằng đêm liên hoan lửa trại do Người chủ trì. 

Các Bộ trưởng hát chèo, ngâm thơ, kể chuyện. Đồng chí Phan Anh lẩy Kiều, đồng chí Lê Văn Hiến hát bội. 

Ngày 1/10/1948, sau phiên họp Hội đồng Chính phủ, anh em Vệ quốc đoàn tổ chức biểu diễn phục vụ Hội nghị, Người đề nghị mỗi thành viên Chính phủ góp một trò vui. 

Kỷ niệm Ngày Toàn quốc kháng chiến, tối 19/12/1950, khi phiên họp kiểm điểm tình hình một năm chuẩn bị tổng phản công kết thúc, Người cho tổ chức lửa trại, liên hoan văn nghệ và tham gia vào một tiết mục đọc thơ. 

Ở Việt Bắc, Người sống gần gũi với thiên nhiên “Trên có núi; Dưới có sông; Có đất ta trồng; Có bãi ta vui”. Thiên nhiên là đề tài thường xuyên xuất hiện trong thơ. 

Người sáng tác nhiều về trăng, Trung thu có “trăng sáng như gương”, thức khuya có “trăng lồng cổ thụ”, bàn bạc việc quân về, “trăng ngân đầy thuyền”, đi ngược dòng sông, trăng theo bên mạn, cũng có lúc “trăng vào cửa sổ đòi thơ” mà “việc quân đang bận” đành hẹn “xin chờ hôm sau”. 

Cho dù không bao giờ tự nhận mình là nhà thơ nhưng những sáng tác ở chiến khu chính là sự thể hiện rõ nét tình yêu thiên nhiên trong trái tim nghệ sĩ-chiến sĩ cách mạng Hồ Chí Minh, một người luôn ung dung, tự tại, luôn nắm vững quy luật vận động đi lên của cuộc sống, chủ động và lạc quan trong mọi hoàn cảnh. 

Tinh thần rất Hồ Chí Minh ấy đã trao truyền, thắp lửa, động viên, khích lệ không chỉ các cán bộ, chiến sĩ xung quanh Người mà còn cả nhân dân vùng chiến khu Việt Bắc, nhân dân cả nước vững tin vào thắng lợi.

Theo Chinhphu.vn