LTS: Trong thời bình lại nhớ ơn thời chiến, cũng như đạo lý "uống nước nhớ nguồn của dân tộc", chúng ta luôn biết ơn và trân trọng những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống để giữ yên hòa bình cho dân tộc.
Nhân kỉ niệm 69 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016), thầy giáo Nguyễn Văn Khánh đã gửi tới tòa soạn hai bài thơ để bày tỏ sự cảm thương và trân trọng cho những người con đất Việt đã anh dũng ngã xuống này.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả!
NHỮNG NGÔI MỘ VÔ DANH
Chiến tranh quá dài…
Dân tộc mình chịu nhiều những nỗi đau
Địa phương nào cũng có nghĩa trang
Bao người…
nhiều năm rồi chưa tìm ra tên tuổi.
Anh ở đâu?
Cha mẹ, vợ con, những người thân bây giờ mong mỏi
Đi tìm anh trong ngút ngàn nghĩa trang, ngút ngàn nấm mộ.
Chiến tranh quá dài…
Các anh đi không có ngày trở lại
Lạnh lẽo xóm làng xưa,
bến nước,
sân đình…
Hình ảnh mẹ già thao thức thâu canh
Bao cô gái xưa mang lời thề ước,
Thánh năm,
tóc bạc,
lưng còng.
Bao người vợ
nuôi con một mình
đã khóc,
Từng đêm dài thao thức gọi thầm anh…
Chiến tranh quá dài…
Các anh không về,
Quây quần bên đồng đội
Tuổi tên anh đã hóa thành sông núi
Đắp đầy nỗi nhớ muôn sau.
NGHĨA TRANG CHIỀU
Nghĩa trang chiều
Những nấm mộ vô danh không tên tuổi
Kề tựa bên nhau
Như thuở nào các anh chung hầm đánh giặc.
Chiều nay
Đồng đội xưa… kẻ mất, người còn
Âm dương cách biệt
Lại về đây như năm tháng chiến trường.
Người sống đôi mắt buồn rưng rưng khấn vái
Đi khắp nghĩa trang tìm đồng đội thuở nào
Vẫn đề: “liệt sĩ vô danh”
Nghĩa trang có cả ngàn nấm mộ không tên tuổi
Cả ngàn nấm mồ áo trắng, vàng sao…
Tên các anh
Đã hóa thành đất nước
Có tiếng đất thì thầm
Có tiếng gió vi vu.
Có tiếng khóc của người còn sống
Khóc trong đất nước hòa bình
Trong ấm no, hạnh phúc
Khóc cho người nằm lại
Khóc cho chiến tranh
Đất nước mình loạn lạc
Đồng đội không về…
Nghĩa trang chiều nghiêng gió
Những nấm mộ không tên…