"Chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng Bí thư rơi vào lịch sử"

02/11/2015 13:30
Ngọc Quang
(GDVN) - Đại biểu Quốc hội Lê Nam nhắc lại hình ảnh ấy khi nói về trách nhiệm của Chính phủ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước trước những bức xúc của đời sống xã hội nước nhà.

Sáng nay, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại nghị trường, Đại biểu Lê Nam - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã phát biểu hết sức thẳng thắn về những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, và đời sống xã hội.

Dẫn ra lời dạy của Bác Hồ “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, Đại biểu Lê Nam đánh giá cao nỗ lực của các thành viên Chính phủ, đó là tư duy đổi mới ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Cải cách hành chính ở ngành thuế  và chèo lái con thuyền ngân sách của Bộ Tài chính; Chỉ đạo phá các vụ án của Bộ Công an…

Có nhiều lĩnh vực tạo dấu ấn mạnh được đông đảo cử tri cả nước khen ngợi, như ngoại giao Việt Nam trong sự nghiệp đổi và bảo vệ tổ quốc; ngành ngân hàng đảm bảo sự ổn định là nền tảng quan trọng trong phát triển kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh những thành quả ấy, Đại biểu Lê Nam cũng cho biết, xã hội còn quá nhiều bức xúc, quá nhiều yếu kém. Vì vậy, có những nhận xét không thiện chí rằng, Việt Nam là đất nước không chịu phát triển. Nếu dám tự chỉ trích thì chúng ta cho rằng nhận xét ấy cũng có lý của họ.

Thứ nhất, nền kinh tế với cái gốc là sản xuất không ngừng tụt hậu. Đời sống của người nông dân vẫn luôn khốn khó. Ngư dân mong có tàu lớn ra biển khơi, một năm rưỡi rồi vẫn chưa xong tàu mẫu. Môi trường sống ngày càng tồi tệ. Chống tham nhũng cả chục năm vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự.

Đại biểu Lê Nam đề nghị Chính phủ chấn chỉnh việc xây dựng tượng đài Bác Hồ và quảng trường hoành tráng, tốn kém, trong lúc ngân sách khó khăn và còn nhiều người nghèo. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.
Đại biểu Lê Nam đề nghị Chính phủ chấn chỉnh việc xây dựng tượng đài Bác Hồ và quảng trường hoành tráng, tốn kém, trong lúc ngân sách khó khăn và còn nhiều người nghèo. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Những bức xúc trên có nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm của các Bộ trưởng, của những người đứng đầu các ngành, địa phương. Thậm chí là trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước. Nhiệm kỳ này, chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng Bí thư rơi vào lịch sử.

Báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ được những vấn đề trên. Chưa làm rõ biểu dương ngành, địa phương làm tốt. Chỉ thật rõ ngành, địa phương, lĩnh vực yếu kém, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Chính phủ tổng kết 5 bài học kinh nghiệm, tuy nhiên Đại biểu Lê Nam đề nghị bổ sung thêm bài học thứ 6, đó là “bài học về trách nhiệm, bản lĩnh của các đồng chí Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ và người đứng đầu các địa phương”.

Thứ hai, bộ máy hệ thống chính trị người ăn lương nhà nước quá lớn, vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước. Trung ương và Chính phủ đang chỉ đạo tinh giảm biên chế, đảm bảo đời sống cho người lao động. Nhưng với các chủ trương giải pháp đang làm thì tôi tin là không giảm được ai, thậm chí tạo thêm các bức xúc khác.

"Chúng ta đã chứng kiến nước mắt của đồng chí Tổng Bí thư rơi vào lịch sử" ảnh 2

Ngồi trên mây làm chính sách, đẩy cái khó cho dân thì xử tội gì?

Tôi rất hoan nghênh ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trực tiếp đến cơ sở giải quyết các vụ việc bức xúc về biên chế, tiền lương, và trực tiếp tổ chức chấm điểm cải cách hành chính tại các Bộ.

Tuy nhiên, cần phải sớm nghiên cứu tiếp cận những sáng tạo, trăn trở từ các địa phương, các ngành.

Ví dụ như việc đề nghị sáp nhập các cơ quan Đảng và Nhà nước ở Quảng Ninh; Cổ phần Bệnh viện Giao thông Vận tải. Ngành y tế cần sớm tham mưu cho Đảng, Nhà nước chuyển phần lớn các bệnh viện nhà nước cho các doanh nghiệp đầu tư, quản lý. Ngành giáo dục cũng cần làm như vậy.

Nhà nước không nên tiếp tục tổ chức làm giáo dục, y tế như thời bao cấp. Quan tâm tới giáo dục, y tế bằng chính sách bảo hiểm y tế, bằng chế độ học phí. Làm theo hướng đó thì mới phát triển được, mới giảm được bộ máy và giảm căn bản chi tiêu thường xuyên, có tiền để thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thứ ba, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng, Nhà nước khi Người qua đời thì tổ chức hỏa táng, không được tổ chức phúng điếu linh đình, làm tốn kém tiền bạc và thời gian của nhân dân. Bác của chúng ta là như thế “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”.

Thế nhưng vừa qua, nhiều nơi muốn làm tượng đài Bác Hồ và quảng trường rất hoành tráng, tốn kém. Nay đang còn dự kiến làm thêm, trong khi ngân sách ngày càng khó, còn nhiều người thất học, người nghèo, còn thiếu tiền để làm nhà cho các gia đình chính sách.

Chính phủ cần báo cáo việc này với Quốc hội và sớm chấn chỉnh, nhất là trong lúc toàn Đảng, toàn dân đang học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác Hồ.

Ngọc Quang