Chuyện chưa kể về 13 chiến sỹ hy sinh ở Hang Lèn Hà

02/01/2016 04:08
Thủy Phan
(GDVN) - Thời kỳ chống Mỹ, Hang Lèn Hà là nơi đóng quân bí mật của đơn vị A69. Chính nơi đây, 13 chiến sỹ đã nằm lại mãi mãi.

13 chiến sỹ hy sinh khi đang làm nhiệm vụ

Trong những ngày cuối năm, chúng tôi tìm về khu di tích Hang Lèn Hà (ở xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), nơi đóng quân bí mật của đơn vị A69, Đại đội 9, Trung đoàn 134 thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Tại đây, chúng tôi gặp chị Hoàng Thị Luân, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Tuyên Hóa và được nghe câu chuyện đầy xúc động về 13 chiến sỹ thuộc đơn vị A69 đã hy sinh anh dũng trong khi làm nhiệm vụ.

Chuyện chưa kể về 13 chiến sỹ hy sinh ở Hang Lèn Hà ảnh 1
Nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh (Ảnh: Thủy Phan)

Trong thời kỳ chống Mỹ, Quảng Bình được xem là hậu phương trực tiếp của chiến trường lớn miền Nam. Tuyến đường Trường Sơn ngày đêm trùng trùng điệp điệp đoàn quân ra trận với ý chí đánh thắng giặc giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Để chiến thắng kẻ thù với vô vàn vũ khí tối tân hiện đại, Bộ Tư lệnh Trường Sơn xác định, ngoài việc vận chuyển quân lương thì công tác thông tin liên lạc trên toàn tuyến luôn phải bảo đảm.

Năm 1967, Trạm thông tin liên lạc A69 được thành lập ở hang Lèn Hà, (thuộc bản Hà, xã Thanh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình), một xã nằm sát biên giới Việt - Lào. 

Đây được coi là trạm thông tin cực kỳ quan trọng trên toàn tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Cán bộ, chiến sĩ Trạm A69 chủ yếu là những chàng trai cô gái ở độ tuổi mười tám, đôi mươi từ miền Bắc xa xôi vào.

Khoảng 13h chiều 2/7/1972, trong khi các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ, máy bay Mỹ đã bất ngờ ném bom khói, bom bi, B52 vào Hang Lèn Hà. Trong chốc lát, lán trại ở đây bốc cháy dữ dội.

Bên trong Hang Lèn Hà, nơi đặt Trạm tổng đài cơ vụ A69 (Ảnh: Thủy Phan)
Bên trong Hang Lèn Hà, nơi đặt Trạm tổng đài cơ vụ A69 (Ảnh: Thủy Phan)

Ba chiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, Phạm Thị Vang và Nguyễn Thị Nghiêm lên hang vào phiên trực nên may mắn thoát nạn, còn 13 chiến sỹ ở trong hang đang kết nối liên lạc với mặt trận đã đi vào cõi bất tử.

Nén nước mắt đau thương, ba chiến sĩ còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ thay cho đồng đội của mình. Thông tin lại được thông suốt sau đó một giờ, nửa tháng sau mới có lực lượng về bổ sung. Sau đó, Trạm A69 vẫn tiếp tục hoạt động, phục vụ các chiến trường đến ngày Bắc – Nam nối liền một dải.

Bà Ngô Thị Trương (67 tuổi, ở Thôn 4, xã Thanh Lạng) kể, hồi đó bà là Chủ tịch hội phụ nữ xã Thanh Lạng. Vì đơn vị A69 đóng quân gần đó nên thường giao lưu văn nghệ và kết nghĩa anh em với nhau.

Ngày hôm đó, đúng là một ngày định mệnh. Khi nghe thấy tiếng máy bay, tiếng bom nổ sàn sạt rồi nghe tín hiệu báo có người chết của đơn vị thì chúng tôi đã nghĩ có tin xấu.

Khi đến nhìn thấy cảnh lán trại đổ sập, bốc cháy, từng thi thể của các cô các chú ở đơn vị A69 cháy đen được đưa ra từ đống đổ nát khiến chúng tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi cùng nhiều anh chị em nữa đã cùng nhau khâm liệm, chôn cất cho các cô chú ấy
”, bà Trương nhớ lại.

“Tay chúng tôi toàn mỡ và máu”

Nhà bà Đinh Thị Tân, (ở thôn 3 Bắc Sơn, xã Thanh Hóa) cho biết, thời kháng chiến chống Mỹ, bản Hà cách hang Lèn Hà chừng hơn 500m.

Bản Hà lúc đó chỉ có 2-3 hộ dân. Bà và một số người người dân nữa sống ở đó là những người đầu tiên giúp đơn vị A69 kẹp lá, lợp mái nhà để dựng lán trại.

Bà Ngô Thị Trương và Ngô Thị Long là 2 trong số những người đã trực tiếp khiêng thi thể các chiến sỹ ra khỏi hang và chôn cất cẩn thận (Ảnh: Thủy Phan)
Bà Ngô Thị Trương và Ngô Thị Long là 2 trong số những người đã trực tiếp khiêng thi thể các chiến sỹ ra khỏi hang và chôn cất cẩn thận (Ảnh: Thủy Phan)

Lúc đó bà  mới 18-20 tuổi, cũng tầm tuổi với những chiến sĩ thông tin đơn vị A69 nên mấy chị em rất thân thiết. 

Các cô chú ấy xa quê, nhớ bố mẹ nên hay qua nhà tôi chơi lắm. Bố mẹ tôi cũng coi các cô chú ấy như con mình, có ăn ăn sắn, có bồi ăn bồi, rồi tâm sự mọi chuyện với nhau.

Tôi còn nhớ, trước khi bị ném bom, cô Xuyên đi nhận áo quần đã mang qua tặng tôi một cái áo lót, mà tôi mặc đến rách rồi vẫn giữ mãi
”, bà Tân kể.

 “Cuối giờ chiều hôm 2/7, chúng tôi nghe tiếng súng lệnh. Biết có người hy sinh ở Lèn Hà nên tập trung đến. Cảnh tượng đó đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được.

Tôi cùng bà Trương và nhiều chị em nữa chính là những người khiêng thi thể các cô ra mặc lại quần áo mới, lấy lọ penicillin để ghi tên tuổi, quê quán và chôn cất cẩn thận. Nhiều cô cháy đen, mặt không còn nhận ra nữa. Sau khi xong việc, tay chúng tôi chỉ toàn mỡ và máu…
”, bà Ngô Thị Long (62 tuổi, ở xã Thanh Lạng, huyện Tuyên Hóa) chua xót kể lại.

Chuyện chưa kể về 13 chiến sỹ hy sinh ở Hang Lèn Hà ảnh 4
Giếng nước dùng để ăn uống của các chiến sỹ thông tin thời bấy giờ (Ảnh: Thủy Phan)

13 chiến sỹ hy sinh ở hang Lèn Hà có 3 người là nam gồm Đoàn Văn Thành, Trần Văn Xây và Lương Văn Chấn. 10 chiến sỹ nữ thì chỉ có chị Vũ Thị Lan lớn tuổi. Trước khi hy sinh, chị Lan đang được đơn vị làm thủ tục ra quân để về ra mắt gia đình người yêu. 

9 chị em còn lại đều đang rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 16, 17 như chị Chu Thị Mạnh, Hoàng Thị Liên, Ngô Thị Luận, Nguyễn Thị Anh, Lê Thị Châm…

Ngày 7/5/2009, Hang Lèn Hà đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia, tên tuổi những chiến sỹ hy sinh đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Hang Lèn Hà giờ đã khang trang, các cô chú cũng đã được Chủ tịch nước phong anh hùng. Nhưng các cô chú ở đây vẫn hiu quạnh lắm vì rất ít ai viếng thăm...”, chị Hoàng Thị Luân, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Tuyên Hóa cho biết.

Ngày 16/12, Thứ truởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã đến thăm và xúc động ghi vào sổ lưu niệm lòng biết ơn đối với 13 liệt sỹ đã hy sinh xuơng máu, góp phần bảo vệ độc lập dân tộc tại Hang Lèn Hà.

Sau khi dâng huơng ở bia tuởng niệm phía dưới chân núi, Thứ truởng đã dẫn đoàn trèo 261 bậc đá lên đến hang Lèn Hà để tận mắt chứng kiến nơi làm việc của các chiến sỹ thông tin A69.

Dù mang ý nghĩa lớn như vậy, nhưng khu di tích này vẫn chưa đuợc nhiều nguời biết đến. Vì vậy, Thứ truởng mong muốn trong thời gian tới, chính quyền địa phương và các kênh thông tin vào cuộc để không chỉ nhân dân cả nước mà bạn bè quốc tế biết và viếng thăm nhiều hơn nữa.

Thứ truởng cũng đã giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT Quảng Bình, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Tuyên Hóa đẩy mạnh công tác thông tin, góp sức tu bổ, nâng cấp để khu di tích này trở thành một điểm nhấn quan trọng về du lịch cách mạng của cả nước.

Thủy Phan