Tiền đâu mà đi làm ở các nước khác
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nêu trong bài viết “Đổ xô xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc" về thực trạng hiện nay có rất nhiều lao động tại các xã vùng nông thôn của huyện Nghi Lộc và Hưng Nguyên (Nghệ An) đổ xô đi xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc qua các cò mô giới với giá rẻ.
Qua cuộc nói chuyện với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, người thân của các lao động này đều có chung một điểm chung về nguyên nhân vì sao người nhà họ lại liều lĩnh đi xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc.
Theo đó, các gia đình đều cho biết, do cuộc sống của người dân vùng nông thôn còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, những thời gian rãnh rỗi họ không có việc làm thêm. Thường những thời gian này các lao động vùng nông thôn các xã thuộc huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc (Nghệ An) lại kéo nhau về TP.Vinh để làm cửu vạn hoặc xây dựng.
Thiếu việc làm thêm trong thời gian nông nhàn là một phần nguyên nhân đẩy các lao động tại vùng nông thôn Nghệ An đi xuất khẩu lao động "chui" sang Trung Quốc (ảnh HL) |
Tuy làm nhiều công việc nặng nhọc như vậy nhưng cuộc sống vẫn không thể khấm khá lên nên nhiều lao động muốn đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài để đổi đời. Nhưng để đi xuất khẩu lao động sang các nước có ký kết hợp tác lao động với Việt Nam lại phải tốn nhiều kinh phí, phải làm nhiều thủ tục.
Cái khó nhất theo các lao động vùng này đó là việc học tiếng của nước sang xuất khẩu lao động. Do các vùng này lao động có trình độ không phải là nhiều nên khi đăng ký đi học tiếng mức tiếp thu chậm đã khiến họ bị rớt lại qua các cuộc thi tuyển của nước có nhu cầu tuyển dụng lao động.
“Chồng tôi không biết chữ, đủ sức khỏe muốn đi xuất khẩu các nước hợp pháp cũng không thể lọt qua xét tuyển mà đi. Nhà thì có tận 5 người nhưng chỉ có hơn 4 sào ruộng làm gì đủ ăn chứ chưa nói đến chuyện làm giàu.
Vì vậy việc đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp sang Trung Quốc cũng là bức bí mà phải đi. Tất cả cũng chỉ muốn cuộc sống kinh tế gia đình khấm khá lên hơn thôi”, chị Trần T.T. (trú tại huyện Nghi Lộc) cho biết.
Cùng với đó mong muốn giấc mơ đổi đời qua hình thức đi xuất khẩu lao động nhưng không đủ điều kiện đi các nước hợp pháp cũng chính là một trong những nguyên nhân đẩy các lao động đi xuất khẩu lao động chui qua Trung Quốc (ảnh nguồn internet) |
Bên cạnh đó việc kinh tế khó khăn trong khi đó chi phí bỏ ra để đi xuất khẩu lao động sang một nước hợp pháp khá nhiều so với người dân vùng nông thôn nên đó quả thực là một bài toán khó giải.
Cùng với đó việc các “cò” xuất khẩu lao động và các công ty mô giới xuất khẩu lao động lấy chi phí chiết khấu của các lao động muốn sang các nước hợp pháp làm việc với giá cao cũng chính là trở ngại lớn cho “ước mơ đổi đời” của người lao động vùng nông thôn Nghệ An.
“Gia đình tôi kinh tế phụ thuộc vào mấy sào ruộng. Khi rảnh rỗi thì vợ chồng tôi người đi làm phụ hồ, người đi cửu vạn thì lấy ra đâu mấy trăm triệu để cho đứa con tôi đi xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Cũng muốn con đi để đổi đời nhưng với số vốn đi lớn quá không cẩn thận lại ôm cục nợ thì chỉ có chết. Nên biết cho con đi lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc là không đúng nhưng hiện tại chúng tôi cũng chưa có giải pháp nào”, chị Nguyễn Thị M. (trú tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) cho biết.
Có đường dây buôn bán đàn ông sang Trung Quốc làm lao động khổ sai
Trong khi hàng trăm lao động tại các xã vùng nông thôn huyện Nghi Lộc và huyện Hưng Nguyên đã tìm cách xuất khẩu lao động chui sang Trung Quốc.
Thì theo tiết lộ của người dân nơi đây nhiều lao động khác đang tìm cách liên hệ với các “cò” để được sang làm việc bất hợp pháp tại quốc gia này.
Hiện đã có hàng chục lao động tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã tử vong khi đi xuất khẩu lao động "chui" sang nước Angola (ảnh Xuân Hòa) |
Trong khi đó gần đây nhiều đường dây mua bán đàn ông sang Trung Quốc để làm lao động khổ sai theo chính sách như “nô lệ”. Cách mà các đối tượng này thường dụ dỗ đàn ông sang bên kia để bán là dùng “mỹ nhân kế”, lấy sắc đẹp của mình để lừa phỉnh. Cách thứ 2 là mở ra một tương lai tươi sáng với công việc có lương cao ở bên kia biên giới.
Điển hình như vụ việc năm 2011, Vàng Thị Sen (SN 1994, xã Na Khê, Yên Minh, Hà Giang) đã dùng sắc đẹp của mình để dụ dỗ một người đàn ông đã có vợ sang Trung Quốc để bán. Sen đã dùng “mỹ nhân kế” và cho người đàn ông này qua hệ tình dục nhiều lần để dụ dỗ đưa người đàn ông này sang bên kia biên giới để bán.
Nhưng may mắn khi Sen chưa kịp đưa người đàn ông này qua biên giới thì cả hai đã bị bộ đội biên phòng cửa khẩu Tà Lùng bắt và xử phạt hành chính vì không có giấy tờ hợp pháp khi qua cửa khẩu.
Ngay sau khi về đến nhà, người đàn ông này đã quyết định trình báo toàn bộ sự việc bất thường của Sen với các cán bộ bộ đội Đồn Biên phòng Bạch Đích (Yên Minh, Hà Giang). Sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng đã triệu tập Vàng Thị Sen. Lúc bấy giờ, bộ mặt thật của "má mì” đội lốt sơn nữ mới bị bóc trần.
Đối tượng Nguyễn Văn Triền bị bắt khi đưa nhiều lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc ( ảnh BĐBP Hà Tĩnh) |
Gần đây nhất vào ngày 29/3/2015, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Công an huyện Thạch Hà đã bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Văn Bình (SN 1983) và Phạm Trung Chiến (SN 1989) đều trú tại xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh khi đang đưa 19 người sang Trung Quốc trái phép.
Tại cơ quan điều tra, Bình khai nhận, có thời gian dài làm việc tại Trung Quốc, thuộc đường đi lại vì vậy khi về Việt Nam, Bình đã rủ rê lôi kéo người dân địa phương vượt biên sang Trung Quốc làm ăn.
Sau khi gom đủ 19 người với tổng số tiền 103 triệu đồng Bình nhận từ người lao động rồi thuê xe ôtô đưa họ ra Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cắt rừng vượt biên. Bình cũng khai nhận, trước đó đã từng đưa trót lọt 16 người vượt biên trái phép.
Trước đó, ngày 27/3/2015, tại ngã 3 xã Thạch Long, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, lực lượng Phòng chống tội phạm ma túy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với Phòng PA92 Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt Nguyễn Văn Triền (SN 1973, trú tại xã Kỳ Đồng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) về hành vi đưa hơn 50 người Việt Nam vượt biên trái phép sang Trung Quốc.
Như vậy, việc xuất khẩu lao động “chui” có nhiều mối nguy hiểm và dễ rơi vào các đường dây buôn bán người như vậy nhưng khi được hỏi người thân các lao động hiện đã sang Trung Quốc làm việc vẫn chưa hay những vụ việc này.
“Từ xưa đến nay tôi chỉ nghe chuyện buôn bán phụ nữ và trẻ em sang Trung Quốc chứ chưa khi nào nghe đến chuyện đàn ông bị bán. Những thông tin có cả đường dây bán đàn ông sang Trung Quốc làm lao động khổ sai chúng tôi chưa được nghe.
Bởi vùng tôi nhiều người đã đi sang đó làm việc mấy nắm trước và đi về bình thường mà. Chồng tôi đi được gần tháng vẫn chưa được nhận đồng lương nào và cũng ít khi gọi về. Nhưng giờ nghe thông tin này chúng tôi cũng lo lắm”, chị Trần T.H. (trú tại Nghi Lộc) lo lắng khi nghe thông tin trên.
Trao đổi về vấn đề trên ông Lã Thế Vinh – Phó trưởng Phòng việc làm, tiền lương, bảo hiểm (thuộc Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Nghệ An), cho biết: “ Việc lao động bất hợp pháp, nhất là tại các nước Việt Nam chưa ký kết hợp tác lao động người lao động sẽ bị thiệt thòi nhiều về quyền lợi người lao động.
Cùng với đó có những bất trắc và nguy hiểm sẽ khi xảy ra với người lao động khi lao động bất hợp pháp, khi xảy ra sự việc đáng tiếc cho lao động sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp giải quyết”.
Điển hình thời gian qua mặc dù nước ta chưa có ký kết hợp tác lao động với Angola nhưng nhiều lao động tại tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn đi xuất khẩu lao động chui sang quốc gia này.
Hậu quả là thời gian qua đã có hàng chục lao động mắc bệnh và tử vong tại đất nước này để lại số nợ lớn cho gia đình. Cùng với đó việc đưa thi thể các lao động về nước cũng gặp nhiều khó khăn bởi gia đình các nạn nhân phải tự bỏ kinh phí ra. Đây có thể được xem là hệ lụy của việc xuất khẩu lao động “chui”.