Ký ức về cuộc chiến thần thánh của dân tộc vẫn nguyên vẹn trong tâm trí của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên tư lệnh Quân khu 4. Đối với ông, ngày dân tộc độc lập, non sông thu về một mối cũng chính là thời điểm lời tiên đoán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành hiện thực.
“Ít lâu nữa tớ sẽ cho cậu về với gia đình lâu hơn”
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước từng giữ cương vị nguyên tư lệnh Quân khu 4. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông từng là tham mưu trưởng mặt trận Tây Nguyên, tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên và tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đoàn 3, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nói về cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, đỉnh cao là thắng lợi cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, ông không giấu nổi sự tự hào về quá khứ hào hùng của dân tộc. Trong tâm trí vị tướng già, ký ức về một thời khói lửa vẫn hiện hữu một cách rõ nét, qua giọng kể sang sảng, đầy chất thép.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên tư lệnh Quân khu IV (ảnh: Internet) |
Sau hiệp định Pari (1973), Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam, cục diện giữa các bên tham chiến có sự thay đổi rõ rệt. Tình hình thay đổi nhanh chóng, tháng 10/1974, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Miền Nam trong 2 năm (1975-1976). Đồng thời, chọn Tây Nguyên là địa bàn, chiến dịch mở đầu cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1975.
Năm 1974 ông Nguyễn Quốc Thước nhận được lệnh ra Hà Nội, báo cáo tình hình, đồng thời nhận chỉ thị, chuẩn bị cho cuộc chiến mở màn.
Tướng Thước nhớ lại: “Cuối năm 1974, tôi được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tại nơi ở 30 Hoàng Diệu. Tại cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, Đại tướng ân cần hỏi han: “Cậu vào miền Nam bao lâu rồi?". Tôi đáp: “Thưa Đại tướng đã 10 năm rồi, và đây là lần đầu tiên tôi được ra Bắc”.
"Lúc đó Đại tướng bất ngờ và phân vân vì câu trả lời của tôi, bởi theo quy định, sau 3 năm đi chiến trường sẽ được nghỉ phép, chứ ít ai lại ở lại lâu đến thế”.
"Để giải đáp cho sự phân vân đó, tôi giải thích ngay với Đại tướng rằng: "Thưa Đại tướng! vì tôi là cán bộ tham mưu vai trò nặng nề quá nên Bộ Tư lệnh động viên tôi ở lại và tôi cũng vui vẻ đồng ý”. Nhận được câu trả lời, Đại tướng suy ngẫm một hồi rồi vỗ vai tôi động viên: "Thôi, 10 năm là quá lâu rồi. Lần này cậu chịu khó trở lại chiến trường. Ít lâu nữa nữa tớ sẽ cho cậu về với gia đình lâu hơn”.
Câu nói động viên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như một sự dự báo thiên tài về kết quả của cuộc chiến tranh cách mạng. Và rồi, không lâu sau lần gặp gỡ ấy, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện được lời hứa đối với ông.
Nghệ thuật nghi binh chiến dịch
Trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975, chiến dịch giải phóng niềm Nam, Tây Nguyên được chọn làm hướng đột phá chiến lược đầu tiên.
Tướng Thước nhận định, Tây Nguyên là một địa bàn cực kỳ quan trọng. Khi Mỹ đổ vào Đà Nẵng, 3 sư đoàn mạnh nhất của Mỹ đều lần lượt kéo lên Tây Nguyên. Mỹ cũng đánh giá rằng, khống chế được Tây Nguyên thì khống chế được miền Nam Việt Nam và 3 nước Đông Dương.
Để có thắng lợi tại mặt trận Tây Nguyên hơn trên hết, đó là cuộc đấu trí căng thẳng giữa lực lượng 2 bên, nhằm tạo ưu thế, xoay chuyển cục diện trên chiến trường.
“Ta chủ động thực hiện đánh nghi binh chiến dịch, hút địch theo lối đánh của ta. Theo đó, khi chọn Buôn Ma Thuật là hướng tấn công, ta chỉ đạo phát tín hiệu tấn công Pleiku, Kom Tum để đánh lạc hướng địch", Tướng Thước cho biết.
"Mặc dù lực lượng của ta đã di chuyển để phục vụ giải phóng Buôn Ma Thuật, nhưng vẫn để nguyên hệ thống thông tin liên lạc và người vận hành, hàng ngày vẫn đều đặn phát điện tín từ khu vực Pleiku và Kon Tum. Do đó địch hoàn toàn bị lừa, hành động theo đúng kế hoạch của ta”, Tướng Thước kể.
Sau một tháng trời hành quân bí mật, chúng ta từ từ siết
chặt vòng vây Buôn Ma Thuột. Ngày 10/3/1975 ta bất ngờ tấn công trung tâm đầu não của địch tại đây, gây bất ngờ lớn cho cả Mỹ lẫn Ngụy, khiến đối phương trở tay không kịp”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.
Chỉ trong 16 ngày đêm, từ ngày 10/3 đến 25/3/1975, ta hoàn toàn giải phóng 3 tỉnh Tây Nguyên, chiến thắng vang dội vượt ra ngoài dự tính ban đầu.
Không dừng lại ở đó, quân ta thừa thắng thực hiện 3 mũi tấn công trên các đường 19, đường 7, đường 24, sau đó tràn xuống vùng Trung Trung Bộ kết hợp cùng lực lượng địa phương, giải phóng Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, tạo ra một thế chiến lược hoàn toàn áp đảo, đập tan những đơn vị mạnh của địch
Như vậy, sau khoảng 1 tháng (4/3 đến 3/4), chiến dịch Tây Nguyên đã kết thúc thắng lợi thuộc về quân giải phóng .
Tướng Thước cho rằng, chiến dịch Tây Nguyên là bước đệm hết sức quan trọng trong cuộc tổng tiến công mùa xuân 1975: "Đây là thành quả của sự mưu trí, dũng cảm trong việc thực hiện nghệ thuật nghi binh chiến dịch, buộc địch phải theo cách đánh của ta, từ đó tạo ra ưu thế trên chiến trường...”, Tướng Thước nhận định.