Sáng nay (10/12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 712/2013/UBTVQH13 về việc ban hành Biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Theo tờ trình của Chính phủ, thuế suất thuế tài nguyên là công cụ quan trọng để cơ quan Nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật và góp phần đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành còn hạn chế trong việc góp phần bảo vệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, đồng thời chưa đảm bảo phù hợp với tiến trình đổi mới cơ chế quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rừng theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3-2014 của Bộ Chính trị.
Do đó, để tiếp tục thực hiện chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế suất thuế tài nguyên ở các nhóm: khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, sản phẩm của rừng tự nhiên.
Theo tờ trình, ngoài một số tài nguyên giữ nguyên mức thuế suất hiện hành (bô xít, ni ken, nước mặt, yến sào thiên nhiên, dầu thô, khí thiên nhiên, khí than), còn lại khoáng sản kim loại và không kim loại có mức tăng thấp nhất là 2%, cao nhất 6%.
Sau điều chỉnh, số thu thuế tài nguyên tăng khoảng 3.177,8 tỷ đồng so với số thu năm 2014.
Đối với nhóm gỗ rừng tự nhiên, Chính phủ đề nghị giảm mức thuế suất thuế tài nguyên với Gỗ nhóm I từ 35% xuống 30%; Gỗ nhóm II từ 30% xuống 25%; Gỗ nhóm III, IV từ 20% xuống 18%; Gỗ nhóm V, VI, VII, VIII và các loại gỗ khác từ 15% xuống 12%.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – bà Trương Thị Mai cho rằng, phải có chính sách khuyến khích, đảm bảo mức sống để người dân để bảo vệ rừng, nếu không rừng ngày càng cạn kiệt.
Bà Mai nói thẳng: “Tôi đi giám sát thấy người dân sống quanh vùng rừng nghèo xác xơ, còn tiền rơi vào túi ai không biết. Người ta sống với rừng mà không sống được từ rừng thì bằng cái gì? Còn việc anh quản lý không tốt là chuyện khác”.
Bà Trương Thị Mai: Dân sống quanh rừng nghèo xơ xác, tiền rơi vào túi ai? ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đi thẳng vào chi tiết đề nghị giảm thuế với các nhóm gỗ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - ông Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài Chính Ngân sách không nhất trí với tờ trình của Chính phủ và đề nghị giữ nguyên mức thuế suất như hiện hành, vì hiện nay các sản phẩm gỗ nhóm I, II... đều là các loại gỗ quý hiếm, chỉ có ở rừng tự nhiên.
Ông Hiển nói: “Việc giảm thuế suất đối với sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vô tình khuyến khích việc khai thác, chặt phá rừng, tạo hiệu ứng không tốt đến người dân. Đồng thời, với mức giảm thuế tài nguyên theo báo cáo của Chính phủ là không lớn (6,9 tỷ đồng)”.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng Dân Tộc của Quốc hội - ông KSor Phước cũng cho rằng, nhóm gỗ I,II,III chủ yếu nằm trong rừng bảo tồn, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên hay rừng phòng hộ, khi khai thác sẽ ảnh hưởng đến các cây, hệ thực vật khác xung quanh. Thuế suất cao với các nhóm gỗ này là để không khuyến khích sử dụng.
Ông Ksor Phước nhấn mạnh: “Phải nghĩ đến nguyên nhân vì sao rừng tự nhiên bị thu hẹp lại. Hiện tại, các mức thuế đối với tài nguyên rừng không đáp ứng cho người sống cạnh rừng và cán bộ quản lý rừng đủ sống. Trong khi đang thực hiện nghị quyết của Quốc hội để xem nguyên nhân rừng suy giảm là gì thì không nên thay đổi mức thuế”.
Sau phần thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất giữ mức thuế suất thuế tài nguyên với gỗ nhóm I, II, III như hiện hành. Các nhóm khác có mức giảm như tờ trình của Chính phủ.