Trong khuôn khổ của Hội báo Toàn quốc 2017, chiều ngày 17/3 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số”.
Đây là một hoạt động nghiệp vụ hòa chung mạch chảy với việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam hiện nay.
Đến dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, các nhà báo lão thành, các đồng chí Chủ tịch Liên chi hội, chi hội, các nhà báo – hội viên trung ương và các địa phương.
Đồng chí Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Phan Hữu Minh- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Diễn đàn.
Nhiều thách thức trong kỉ nguyên số
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của Diễn đàn, đồng chí Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Diễn đàn này vô cùng thiết thực, ý nghĩa trong thời đại kỉ nguyên số hiện nay.
Chúng ta đang đề cập đến một trong những vấn đề lớn nhất của hoạt động nghề nghiệp đó là đạo đức và đạo đức nghề báo.
Năm 2017, Thường trực Thường vụ và Ban điều hành Hội Nhà báo Việt Nam quyết định công bố 10 quy định về đạo đức người làm báo và như chúng ta thấy chưa bao giờ yêu cầu về đạo đức của người làm báo đòi hỏi cấp bách như hiện nay.
Việc đó nằm trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, trong bối cảnh thông tin truyền thông đứng trước nhiều thách thức, bản thân mỗi nhà báo phải nỗ lực hơn nữa, một mặt đáp ứng yêu cầu của khoa học công nghệ, đồng thời đòi hỏi phải bảo đảm quy định về đạo đức của người làm báo…
Và đó cũng là lí do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức diễn đàn này.
Toàn cảnh Diễn đàn. |
Vấn đề đạo đức nghề báo đã được nhắc đến trong nhiều hội thảo, tọa đàm nhưng dường như “sức nóng” của chủ đề này vẫn không hề giảm, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Các nhà báo đã đưa ra nhiều trăn trở khi những người làm báo đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của thời đại kỉ nguyên số.
Nhà báo Đỗ Kiến Quốc – Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau cho rằng:
“Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên kỹ thuật số, internet phát triển mạnh mẽ. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các loại hình và thiết bị truyền thông đa phương tiện đã chia cán cân số lượng công chúng ra thành nhiều nhánh khác nhau với trình độ phát triển rất nhanh.
Công chúng đang có nhiều lựa chọn hơn, họ có thể dễ dàng từ chối truyền hình để chuyển hướng đến những sản phẩm khác phù hợp hơn, thuận tiện hơn.
Điều đó đồng nghĩa với việc làm thế nào để có được lượng công chúng cần thiết đã và đang là bài toán khó cho tất cả các loại hình báo chí, trong đó Đài Phát thanh – Truyền hình các địa phương phải chịu tác động rõ ràng nhất và ngày càng khốc liệt hơn”.
“Lời giải” cho bài toán “giữ đạo đức nghề”
Trước những trăn trở ấy, tại Diễn đàn đã có rất nhiều ý kiến đóng góp, nhiều sáng kiến đưa ra nhằm hướng đến xây dựng một môi trường làm báo nhân văn, trách nhiệm.
Tham luận của nhà báo Trần Lan Anh – Phó Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận chia sẻ:
“Một bậc thầy lão luyện trong nghề từng bảo tôi rằng: “Đẳng cấp của một nhà báo không phải là viết nhiều hay viết ít mà chính ở trách nhiệm với xã hội…
Khi một đối tượng nào đó đang đứng bên bờ vực thẳm, nếu mình đưa chân đạp nhẹ thôi thì có thể họ sẽ rơi xuống vực và không còn lối thoát. Điều này dễ dàng đến mức một đứa trẻ con cũng làm được.
Nhưng nếu nhìn thấy sự bế tắc của họ mà nhà báo bằng đôi tay bao dung và ngòi bút sắc bén của mình, kéo họ thoát khỏi hố sâu và cứu rỗi được họ thì mới xứng tầm của một nhà báo có tâm…”.
Mà bây giờ, với sự tác động của cơ chế thị trường thì nhà báo có tâm và thiếu tâm lại đang song hành và gây nhiễu loạn.
Vì thế, không phải ngẫu nhiên, mà câu chuyện giữ đạo đức nghề lại được đề cập nhiều đến vậy trong thời gian này”.
Đồng chí Mai Đức Lộc – Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và đồng chí Phan Hữu Minh- Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì Diễn đàn. |
Và khi nhắc đến “lời giải” cho bài toán “giữ đạo đức nghề”, nhà báo Trần Lan Anh cũng nhấn mạnh thêm:
“Trong thời báo chí hiện đại, tin nóng, tin nhanh, tin độc… không phủ nhận là sự đòi hỏi “sống, chết” của từng tòa soạn.
Tuy nhiên, cách xử lý thông tin của mỗi tờ báo sẽ khẳng định đẳng cấp của mình. Cũng chính những người làm báo sẽ tự phân loại mình.
Đứng trước nỗi buồn đau, bất hạnh, mất mát của người khác, việc đưa hay không đưa, đưa tin như thế nào là một cách để độc giả nhận ra được nhân cách cùng cái tâm của chính người cầm bút.
Mang tới cho độc giả những gì họ cần là nguyên tắc nghề nghiệp mà mỗi người làm báo phải nằm lòng.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc tác nghiệp bằng mọi giá, giẫm đạp lên những quy chuẩn đạo đức về tình người.
Mỗi nhà báo, bên cạnh cái đầu “lạnh” vẫn phải giữ được một trái tim “nóng” để biết chia sẻ, cảm thông, biết dừng lại trước những nỗi đau của nhân vật”.
Với sự phát triển không ngừng của mạng xã hội, báo chí không chỉ bám theo những nguồn tin truyền thống trước đây mà đã có một nguồn tin phong phú và đa dạng hơn nhiều: thông tin từ mạng xã hội.
Và do đó, đại diện báo điện tử Vietnamnet cho rằng, ngoài trau dồi kỹ năng chuyên môn, nghề nghiệp, hơn lúc nào hết, đạo đức của nghề báo lại càng phải được đặt lên hàng đầu trong tình hình nhiễu loạn thông tin hiện nay.
Bên cạnh các chuẩn mực về độ chính xác, về tính khách quan thì một điều không thể thiếu là tin đó có ích gì cho bạn đọc không?
Thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo
… Đó là một trong những thông tin quan trọng mà diễn đàn hôm nay gửi đến công chúng báo chí và các nhà báo.
Nhà báo Phan Hữu Minh – Ủy viên Ban Thường Vụ, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam cho biết:
Sau gần 1 năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa ra 10 điều quy định về đạo đức người làm báo…Hội Nhà báo Việt Nam đang tiếp tục làm thêm một công việc nữa đó là thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo Việt Nam.
Ngày 21/4/2017 tại Đà Lạt – Lâm Đồng, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị báo chí và Hội nghị toàn quốc, dành một buổi sáng để quán triệt kĩ vấn đề này.
Hội đồng thành lập đang dự thảo, nhưng định hướng là sẽ thành lập Hội đồng cấp trung ương và Hội đồng địa phương, dự kiến trong hội đồng gồm các cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo,… nhằm nâng cao hiệu quả trong việc thực thi 10 quy định đạo đức người làm báo.
Có thể nói, đây là một trong những hình thức được luật hóa và có tính thực tiễn cao.
Nhắc đến vấn đề này, rất nhiều nhà báo đã hưởng ứng và ủng hộ khi vừa qua Hội Nhà báo Việt Nam đưa ra 10 quy định đạo đức của người làm báo.
Nhà báo Nguyễn Uyển chia sẻ: “Bất kể ở đâu, khi nào báo chí và nhà báo cũng phải hoạt động theo luật pháp. Nhà báo phải chịu trách nhiệm trước toàn bộ công chúng về những gì mình đã loan tin.
Cho nên tính trung thực, tính nguyên tắc, lòng dũng cảm và đức khiêm tốn của người làm báo phải được đề cao; luôn vươn tới để phản ánh hiện thực xã hội và thế giới như nó có chứ không phải như người ta mong muốn.
Nhà báo Việt Nam phải có bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội…
Cho nên, nhất thiết người làm báo phải nghiêm chỉnh tuân thủ và thực hiện đúng, đủ, nghiêm ngặt “10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp” hiện hành!”
Đồng quan điểm đó, nhà báo Nguyễn Bảo Lâm – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng:
“Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, khi mà một thông tin trên báo chí có sức lan tỏa cực kỳ nhanh chóng thì Quy định đạo đức người làm báo có vai trò quan trọng giúp nhà báo hành xử khi tác nghiệp.
Đây thực chất là “ba rem” về thực hiện trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, là tiêu chí để “soi chiếu” một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức và hoạt động chuyên môn của một nhà báo.
Quy định đạo đức người làm báo là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo”.
Người làm báo – bên cạnh cái đầu “lạnh” vẫn phải giữ được một trái tim “nóng” (Ảnh phóng viên tác nghiệp tại Hội báo Toàn quốc 2017) |
Cùng mạch cảm xúc ấy, nhà báo Nguyễn Vân Chương – Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên cũng tâm huyết chia sẻ:
“Sự tự nhận thức, lòng khát khao hướng đến những giá trị nghề nghiệp đích thực và cống hiến những gì tốt đẹp nhất của cơ quan báo chí và người làm báo chỉ có thể đạt được khi nó trở thành nhu cầu tự thân của người làm báo và người quản lý báo chí.
Và vì thế, việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam là hết sức quan trọng.
Chúng ta hy vọng và kỳ vọng trong thời gian tới, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam sẽ sớm trở thành yếu tố cấu thành nên phẩm cách của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam”.
Phát biểu bế mạc, đồng chí Mai Đức Lộc khẳng định: “Trong công nghệ số hiện nay, đòi hỏi chưa bao giờ lại cấp thiết về đạo đức như vậy…
Về quy định đạo đức nghề báo có 10 điều quy định và bắt đầu từ năm nay sẽ có một đợt quán triệt sâu rộng cho các nhà báo.
Liên quan đến chủ đề diễn đàn hôm nay thì đề nghị lưu ý các nhà báo hai nội dung, đó là hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi…
Và thứ hai là, chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác…”.
Có thể nói rằng, Diễn đàn với sự tham gia của đông đảo các nhà báo từ khắp mọi miền tổ quốc đã trở thành một buổi giao lưu nghề nghiệp rất hữu ích, thiết thực.
Thông qua những chia sẻ, quan điểm, góc nhìn, Diễn đàn đã góp thêm tiếng nói nhằm xây dựng một môi trường làm báo lành mạnh, nhân văn và phát triển.