Đâu là vực thẳm của xã hội?

09/01/2018 06:45
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Theo tác giả Trương Khắc Trà thì vực thẳm của xã hội là thấy sai không dám nói, thấy đúng không dám bảo vệ, xun xoe tất cả hòng vun vén lợi ích cá nhân.

Tư duy phản biện hoặc tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề.

Mạn đàm về "sự im lặng của những người tử tế!"

Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.

Hệ thống giáo dục Anh quốc coi tư duy phản biện như một môn học chính quy.

Trình độ A dành cho học viên 16-18 tuổi. Họ phải làm 2 bài kiểm tra chính: “Sự đáng tin của dẫn chứng” (Credibility of Evidence) và “Phát triển tranh luận” (Assessing/Developing Argument). Đối với học sinh dưới 16-18 tuổi, tư duy phản biện được đưa xen kẽ vào trong bài giảng của giáo viên.

Vì sao phải tôn trọng phản biện?

Lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng cho thấy, bất kỳ một sự vật, sự việc nào đều tồn tại ít nhất hai mặt đối lập, các mặt đối lập ấy vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của thế giới khách quan.

Có nghĩa là, sự vật, sự việc (bất kể vô tri hay hữu tri) đều mang trong mình bản năng phản biện, cái mà Hegel gọi là "phản tư tự thân".

Nhờ đấu tranh, phản biện giữa các mặt đối lập mà mâu thuẫn được giải quyết, tạo động lực cho sự phát triển.

Vậy nên, "phản tư tự thân" hay phản biện là một thuộc tính khách quan của vạn vật, cho dù con người có muốn hay không nó vẫn cứ tồn tại.

Đâu là vực thẳm của xã hội? ảnh 1Chính phủ ủng hộ hoàn toàn chương trình chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc

Không thừa nhận phản biện là dập tắt mâu thuẫn, dập tắt mâu thuẫn là kìm hãm sự phát triển, kìm hãm sự phát triển được hiểu theo nghĩa Hán – Nôm là "phản động". Tức là phản lại sự vận động tiến bộ.

Nhận thức đúng quy luật không có nghĩa là "bẻ cong" được quy luật, mà phương pháp luận lớn nhất là biết tác động đúng lúc, đúng chỗ để quy luật diễn ra nhanh hoặc chậm hơn.

Qua đó, bồi bổ cho cái hay, cái mới, cái tiến bộ mau chóng hoàn thiện, kìm hãm, loại bỏ bớt cái xấu, cái phi tiến bộ. Bởi thế, phản biện và tư duy phản biện có vai trò cực kỳ lớn trong khoa học cũng như đời sống hàng ngày.

Bản chất của phản biện là “một quá trình biện chứng” nên khi thiếu phản biện sẽ rơi vào độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí. Bài học này cách mạng Việt Nam đã mắc phải trong những năm trước đổi mới.

Nhận thấy vai trò của phản biện đối với sự tồn vong của Đảng, năm 2013 Bộ Chính trị đã cho ra đời quyết định 217, ban hành Quy chế giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.

Có thể hiểu Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội không phải ai khác ngoài nơi tập hợp của nhân dân, các giai tầng, các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam và công dân Việt Nam khắp thế giới.

Đó chính là không gian phản biện, giám sát của xã hội đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước.

Ngày 05/01/2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “chúng ta có một đảng lãnh đạo, không có giám sát phản biện sẽ thành một đảng không đi vào lòng dân…”.

Quan điểm của Thủ tướng có thể hiểu, vì chỉ có một Đảng lãnh đạo nên cần có “đối trọng” làm phản biện, giám sát, ngăn ngừa độc đoán chuyên quyền, phòng trừ lợi ích nhóm, chia Đảng thành năm bè bảy mảng, mang Đảng xa rời dân.

Tôn trọng giám sát, phản biện chính là tôn trọng tiếng nói của người dân trong xây dựng Đảng, để cho người dân cảm nhận được mình là Đảng, Đảng là mình.

Như thế cho đến khi nào nhân dân thấu cảm “còn Đảng còn mình, còn mình còn Đảng” thì Đảng mới thực sự ở trong lòng dân, Đảng mới thực sự vững chắc.

Phản biện phải thực chất, chứ không phải mỹ từ, ngoa ngôn đùng để trang trí cửa miệng.

Người lắng nghe phản biện phải gạt bỏ cái tôi ích kỷ, không vì “nói ngược”, “phản đòn” “bàn ngang” mà quy chụp phản động, chống đối.

Ông cha có nói “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Để “đi vào lòng dân” Đảng phải chấp nhận phản biện, chấp nhận phản biện phải chấp nhận sự thật đôi khi không mấy dễ chịu.

Người phản biện phải mang cái tâm “trong sáng”, “rõ ràng”, “logic”, “đầy đủ bằng chứng”, “tỉ mỉ và công tâm”. Tuyệt nhiên một khi đã lợi dụng phản biện để phá hoại, xuyên tạc, bóp méo, phục vụ mục đích cá nhân thì đó mới thực sự phản động.

Đâu là vực thẳm của xã hội? ảnh 2Những kẻ rắp tâm hại Đảng, hại Dân

Cho nên chấp nhận phản biện phải chấp nhận cả “tàn tro” của phản biện, đôi lúc cái ranh giới giữa phản biện và phản động chỉ cách nhau một sợi tóc.

Cũng đừng nên giãy nảy, hằn học vì nếu một khi Đảng ở trong lòng dân chẳng có thế lực phản động nào có thể lay chuyển nổi, cũng như không có tên phản động nào có khả năng để chống phá.

Nước Việt ta đã trường tồn qua 4.000 năm lịch sử, chưa khiếp sợ bất cứ một thế lực hùng mạnh nào thì hà cớ gì phải e dè những con người nói thẳng, nói thật mang cái tâm trong sáng.

Vì cái ranh giới quá mong manh nên đừng quá vội vàng quy chụp, phán xét ai đó là phản động. Anh A, chị B có phản động hay không hãy hỏi người dân sẽ rõ.

Tin rằng, ai là kẻ phản động, ai là người phản biện đều rạch ròi như ban ngày, nếu có một lực lượng đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, họ (nhân dân) không dễ dàng bỏ qua.

Cần đấu tranh mạnh mẽ để loại bỏ cái ác, cái xấu bảo vệ công lý, lẽ phải chứ không phải ăn theo nói leo làm lẫn lộn đúng - sai, tốt - xấu.

Vực thẳm của xã hội là thấy sai không dám nói, thấy đúng không dám bảo vệ, xun xoe tất cả hòng vun vén lợi ích cá nhân.

“Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”, Martin Luther King đã nói như thế.

Sự im lặng ấy có rất nhiều nguyên nhân để dẫn tới.

Cả về mặt chủ quan và khách quan đều có.

Có thể đã từng rất nhiều lần họ lên tiếng, hành động nhưng không đạt được hiệu quả mà còn có tác động ngược lại.

Nên dần dần, họ nghĩ cứ im lặng thì tốt hơn.

Và thế là sự im lặng xuất hiện và trở thành đặc tính cố hữu.

Dần dần họ chỉ còn nghĩ đến lợi ích của mình. Họ ích kỷ, thiếu lòng vị tha, không quan tâm đến những người xung quanh.

Nên khi đứng trước một sự việc không liên quan đến mình, họ chỉ thờ ơ coi như mình chưa từng thấy.

Sự im lặng của người tốt trước mắt không gây hại gì nhưng đó là sự đồng thuận ngầm cho những hành vi sai trái của kẻ xấu. Và chính vì thế mà những kẻ xấu ngày càng lộng hành.

Với tuổi trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ lo ngại: “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.

Ở đâu đó trong xã hội hiện nay, người ta còn xì xầm vào tai nhau những câu chuyện có màu sắc chính trị, bởi vì theo họ “chính trị không đùa được đâu”, họ sợ “họa vô đơn chí”, họ chỉ âm thầm bàn tán vì họ sợ liên quan, họ sợ đủ điều…

Xã hội ta không thiếu những con người dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Chúng ta chắc còn nhớ cô giáo Hải Âu ở Long An, chỉ vì phản ánh cây cầu sập khiến một vị hiệu phó lọt xuống kênh mà suýt bị kỷ luật vì “đăng thông tin của xã lên facebook (mạng xã hội)”.

Nếu không có sự anh minh từ trên, không có những cái lên tiếng của dư luận thì không biết giờ này cô Hải Âu có còn đứng trên bục giảng. Giám sát phản biện không phải là cái gì đó cao siêu, mà cần những việc làm như cô giáo Hải Âu.

Bài học sau sự độc đoán của chính quyền cơ sở không phải chỉ xin lỗi là xong, mà ở đó cho thấy một tư duy lãnh đạo cũ kỹ, sáo mòn, nhìn sự thật dưới con mắt kẻ cả, thấy sự mát lòng chính là xúc phạm.

Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tạo nên cú sốc trong ngành giáo dục - tố cáo gian lận trong thi cử, chuyện lạm thu, ép học sinh học thêm.

Thầy Khoa được tặng bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ thời điểm ấy người ta tưởng chừng phong trào “hai không” trong giáo dục sẽ bon bon trên đại lộ.

Nhưng 11 năm trôi qua, thầy Khoa không còn là…thầy Khoa; chuyển trường, nghỉ việc, bị bôi nhọ, dọa dẫm…danh hiệu “người hùng giáo dục” ngày nào không giúp gì nhiều cho cuộc sống, đường tiến thân.

Và từ đó cho đến nay người ta không thấy xuất hiện thêm một Đỗ Việt Khoa nào nữa, mặc dù tiêu cực trong giáo dục vẫn còn. Vì sao?

Mong sao, Đảng đã mở ra cánh cửa giám sát, phản biện thì đừng ngần ngại mở toang. Lịch sử oanh liệt của Đảng chưa chùn bước trước kẻ thù nào thì không có lý do gì ngần ngại với sự thật.

Tôn trọng phản biện là tôn trọng quy luật khách quan, tôn trọng quy luật khách quan là không đi vào vết xe đổ của lịch sử.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn của riêng tác giả.

Trương Khắc Trà