"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng?

05/01/2018 07:28
Thuận Phương
(GDVN) - Bộ mới chỉ nhìn xuống cơ sở, mà không thấy rằng chính sách giáo dục bắt nguồn từ 35 Đại Cồ Việt. Chính sách sai, thì mọi thứ không chệch choạc mới lạ.

Trong bài viết “Bệnh giả dối trong giáo dục ở ngay đây, ai dám bỏ?” chúng tôi đã phân tích một thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1 nguyên nhân dẫn đến căn bệnh giả dối trong giáo dục. 

Là người trực tiếp đứng lớp, chúng tôi nhận thấy hầu hết những chuyện giả dối trong giáo dục hiện nay bắt nguồn từ chính những bất cập trong các thông tư, hướng dẫn, công văn chỉ đạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. 

Hơn 10 năm về trước, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng rất quyết tâm xóa bỏ căn bệnh này.

Tuy nhiên sau những hào hứng ban đầu, thì quyết tâm ấy cứ nhỏ dần, và căn bệnh ấy ngày càng lan rộng hơn, và ngày càng khó chữa.

Ảnh chụp clip quay bài của thí sinh trường trung học phổ thông Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012.
Ảnh chụp clip quay bài của thí sinh trường trung học phổ thông Đồi Ngô, Bắc Giang năm 2012.

Sở dĩ quyết tâm của Bộ không trở thành hiện thực, theo chúng tôi có 2 nguyên nhân.

Về mặt khách quan, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hơi vội vàng mà thiếu sự chuẩn bị tuyên truyền cho dư luận hiểu.

Thay đổi một thói quen là khó. 

Đằng này thay đổi hẳn một mặt bằng nhận thức trong khi hiện tượng sính bằng cấp, sính thành tích ảo đã phổ biến tràn lan, trở thành một tập khí xấu ở nhiều địa phương, nhiều cơ sở và cộng đồng dân cư, không thể sử dụng các giải pháp mang tính phong trào ngắn hạn. 

Hãy nhìn vào quá trình triển khai và thành công của chiến dịch cấm đốt pháo, cấm đội mũ bảo hiểm mà Chính phủ thực hiện, có thể thấy rất rõ điều này.

Về mặt chủ quan, chúng tôi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa bắt đúng bệnh, nên cắt thuốc không chuẩn. 

"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng? ảnh 2

Khi sự bất thường trở thành chuyện “bình thường” trong giáo dục

Bộ mới chỉ nhìn xuống cơ sở, mà không thấy rằng chính sách giáo dục bắt nguồn từ 35 Đại Cồ Việt. Chính sách sai, thì mọi thứ không chệch choạc mới lạ.

Khi tìm ra nguyên nhân phải tập trung mọi nguồn lực để khắc phục thì căn bệnh dù nặng đến đâu vẫn có cơ hội chữa khỏi. 

Đằng này, Bộ lại tìm cách “đá quả bóng trách nhiệm” về cấp dưới. Cấp dưới cũng kịp đưa về cấp dưới hơn…và người buộc phải nhận trách nhiệm cuối cùng chính là những giáo viên thấp cổ bé họng như chúng tôi. 

Những người đang hàng ngày nỗ lực hết mình trong giảng dạy và giáo dục học sinh nhưng vẫn hụt hơi, chới với giữa những cuộc tranh đua thành tích giả của các cấp quản lý.

Bộ Giáo dục không nhận ra vấn đề, làm sao tìm được giải pháp?

Ngày 2/1/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Sóc Trăng thông báo kết luận thanh tra chuyên ngành về công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn của ông Huỳnh Hà Thắng, Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A huyện Trần Đề - trường có nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Sở yêu cầu Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề tham mưu với Ủy ban nhân dân huyện trong việc xem xét trách nhiệm, xử lý công chức thuộc quyền; xem xét đến năng lực điều hành quản lý, sự tín nhiệm của tập thể đối với ông Thắng, theo Báo Thanh Niên. [1]

Đây là một trường tiểu học đạt "chuẩn quốc gia". Dù đã vào lớp 2, nhiều học sinh trường này không nhận biết được chữ cái. Hỏi 1 cộng 1 bằng mấy, các em cũng không biết.

Ngày 11/9/2017 Báo Tuổi Trẻ đã cử phóng viên về trường xác minh. Phóng viên Báo Tuổi Trẻ tường thuật:

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Hà Thắng cho biết, trường ông đạt chuẩn quốc gia năm 2004.

Dịp hè, trường tổ chức bồi dưỡng năm tuần cho những học sinh học yếu, sau đó tổ chức thi, em nào đạt kết quả tốt được lên lớp. 

"K. và T. (hai học sinh lớp 2 phóng viên Tuổi Trẻ khảo sát không biết viết) đã vượt qua kỳ thi này. 

Việc tổ chức thi có hội đồng, có giám sát nên được đánh giá khách quan, không có chuyện bị áp lục hay chạy theo thành tích", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, sở dĩ đầu năm học có một số em "đọc viết yếu" là do ba tháng nghỉ hè không đụng đến sách vở.

"Cũng có thể thấy người lạ, các em run, chứ tôi không tin chuyện học sinh lớp 2 mà không biết đọc", ông Thắng quả quyết.

Ông Huỳnh Hà Thắng, hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A kiểm tra khả năng đọc của K. và T. - Ảnh: K.T. / Báo Tuổi trẻ Online.
Ông Huỳnh Hà Thắng, hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A kiểm tra khả năng đọc của K. và T. - Ảnh: K.T. / Báo Tuổi trẻ Online.

Tuổi Trẻ Online đề nghị ông Thắng cùng đến nhà các em để được "mắt thấy tai nghe".

Sau hai lần dùng dằng, ông Thắng đồng ý đi. 

Sau khi tự kiểm tra khả năng đọc của em K. và T., ông Thắng thừa nhận: "Học như vậy sao được lên lớp 2?". [2]

Trước đó, đầu năm học 2017 - 2018, nhiều phụ huynh phản ánh thực trạng nhiều học sinh lớp 1 của trường này chưa biết chữ vẫn được cho lên lớp 2. 

Xem xét trách nhiệm của ông Thắng là việc cần làm, nhưng không chữa được căn bệnh giả dối trong giáo dục, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không thay đổi.

Báo Hà Nội Mới ngày 14/4/2015 đưa tin, ngày 01/4/2015, Báo Nông thôn Ngày nay có đăng bài “7 năm đi học không viết nổi tên mình”.

Bài báo phản ánh tình trạng một số học sinh đang học tại Trường Tiểu học A Túc, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Dơi thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không biết đọc, biết viết,...

Ngay sau khi biết thông tin trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn công tác vào làm việc để xác minh.

Qua trao đổi và làm việc trực tiếp với Ban giám hiệu, giáo viên, cha mẹ học sinh và kiểm tra thực tế đã khẳng định nội dung bài báo về cơ bản đã phản ánh đúng sự thật.

Trước tình hình trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại ra công văn khẩn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chỉ rõ: 

"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng? ảnh 4

Học sinh phổ thông ngồi nhầm lớp - Ai là người chịu trách nhiệm?

- Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, để xảy ra tình trạng trên, trước hết do giáo viên thiếu tinh thần trách nhiệm, không thực hiện đúng quy chế chuyên môn, không báo cáo thật chất lượng học sinh, không có giải pháp khắc phục tình trạng yếu kém.

- Ban giám hiệu trường buông lỏng quản lý chỉ đạo, thiếu sâu sát thực tế, không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng. 

Nhà trường đều không thực hiện việc nghiệm thu bàn giao chất lượng học sinh từ lớp dưới lên lớp trên.

Phòng Giáo dục và Đào tạo không chỉ đạo nghiêm túc việc này, công tác thanh tra lỏng lẻo, không phát hiện được thiếu sót. [3]

Như vậy, theo công văn khẩn này thì Bộ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chẳng có lỗi gì hết.

Mọi lỗi để trò ngồi nhầm lớp như thế đều do cấp dưới làm. Cấp dưới ở đây chính từ cấp sở đến phòng xuống trường và cuối cùng là giáo viên. 

Bộ đổ lỗi được cho sở, thì sở cũng đổ lỗi được cho phòng, phòng dồn xuống ban giám hiệu thì cuối cùng giáo viên sẽ là nơi bị trút tất cả trách nhiệm lên đầu.

“Hai không” sớm nở tối tàn, cũng bởi bắt sai bệnh, bốc sai thuốc

Ngay cả Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân khi phát động phong trào "hai không" trong giáo dục cũng đã không nhìn ra được bản chất của vấn đề.

Hội nghị giao ban giám đốc các sở giáo dục và đào tạo tổ chức ngày 7/3/2007 tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Mình nhằm tìm biện pháp giải quyết thực trạng học sinh "ngồi nhầm lớp" qua cầu truyền hình đã bộc lộ điều này.

Hiện tượng ngồi nhầm lớp chủ yếu do truyền thông phát hiện, ngành giáo dục bó tay? Ảnh: VTV.vn.
Hiện tượng ngồi nhầm lớp chủ yếu do truyền thông phát hiện, ngành giáo dục bó tay? Ảnh: VTV.vn.

Báo Lao Động đưa tin về hội nghị, từ đầu cầu thành phố Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng:

Sở dĩ có chuyện học sinh yếu kém, học sinh “ngồi nhầm lớp” là do các thầy cô giáo chưa sâu sát những đối tượng học sinh cụ thể. 

Phân tích vấn đề này, ông Minh nói:

Chất lượng giáo dục phụ thuộc năng lực thể hiện phương pháp dạy học của thầy cô giáo, sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình và cách đánh giá của người quản lý.

Trong đó trách nhiệm quan trọng nhất là ở giáo viên. Phần đông học sinh chưa có phương pháp học tập tốt.

Ông Đỗ Hữu Tài, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, nói: 
Bệnh thành tích đi đôi với thi đua. Cũng có nhiều lãnh đạo địa phương quan trọng hóa chỉ tiêu thi đua. 

Ông Tài cho rằng chỉ tiêu thi đua là điều tất yếu phải có trong mọi ngành, nhất là trong giáo dục, nhưng không nên vì thế mà chạy theo với bất cứ giá nào. 

Ông dẫn chứng ở Đồng Nai trước đây, Sở Giáo dục và Đào tạo không chạy theo thành tích, mạnh dạn chấp nhận tỉ lệ tốt nghiệp tốt nghiệp phổ thông chỉ đạt 40% (bị kiểm điểm vào thời điểm đó).

"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng? ảnh 6

Cải cách giáo dục ngoạn mục của Campuchia bắt đầu từ thi thật

Tại đầu cầu Cần Thơ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ Huỳnh Thị Ngô Minh cho rằng trình độ của giáo viên hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng học sinh. 

Đây là chuyện có thật. Bởi lẽ trước đây, rất nhiều GV của tỉnh chỉ được bồi dưỡng cấp tốc trong thời gian ngắn rồi bước lên bục giảng. [4]

Không có bất cứ nhà quản lý giáo dục nào thấy được trách nhiệm của mình, kể cả các nhà hoạch định chính sách ở 35 Đại Cồ Việt.

Cố nhiên 8 giải pháp Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra để "chống ngồi nhầm lớp" đã không có hiệu quả, vì không bắt đúng bệnh. Ông khẳng định "3 năm nữa không còn học sinh ngồi nhầm lớp". [4]

Thực tế thế nào thì có lẽ chúng tôi cũng không cần liệt kê ra đây, kẻo phiền lòng bạn đọc.

Phải thay đổi tư duy, bỏ lối áp đặt chỉ tiêu phản khoa học xuống cơ sở

Bao giờ cũng thế, ép những điều vượt quá khả năng ắt sinh ra dối trá. Trở về với Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT về các chỉ tiêu của 3 dạng trường (mức tối thiểu, chuẩn mức độ 1 và chuẩn mức độ 2).

Chẳng hạn, chỉ tiêu trường chuẩn mức độ 2 quy định: tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm học đạt ít nhất 90%;

Trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 95% trở lên.

Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục từ trung bình trở lên đạt ít nhất 98%;

Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục khá, giỏi đạt ít nhất 70%, trong đó loại giỏi đạt ít nhất 25%;

Bộ ra chỉ tiêu cao như thế, chúng tôi xin được phép hỏi quý thầy lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng, Bộ căn cứ vào đâu?

Trong khi chính Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã từng có nghiên cứu kết luận:

Trên thế giới, nước nào cũng có 15-25% trẻ em gặp khó khăn trong học tập. Ở Việt Nam 20-30% trẻ em vào lớp 1 khó thích nghi với học tập, trong số đó có 10-15% chậm phát triển ranh giới.

"Hai không" trong giáo dục vì đâu sớm nở tối tàn, bệnh ngày thêm nặng? ảnh 7

Tầm nhìn 4.0 và quyết sách táo bạo của Bộ trưởng làm thay đổi giáo dục Campuchia

Các em gặp khó khăn có thể do đặc điểm thần kinh, tâm lý, nhưng chưa đến mức chuyển sang giáo dục đặc biệt, nếu có phương pháp dạy phù hợp các em vẫn theo được, cho dù chậm hơn. [5]

Nhưng để các em "ngồi nhầm lớp" là vì không giải quyết ngay khi phát hiện mà cứ đẩy các em lên lớp.

Cái này lại là chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chứ không phải thầy cô.

Thời đó, có một giải pháp tình thế được Bộ đặt ra là mô hình “sáng 5, chiều 1” đối với học sinh ngồi nhầm lớp. 

Tức là buổi sáng học sinh vẫn học lớp 5 theo chương trình chính khóa nhưng buổi chiều phải học lớp 1 để học lại từ đầu. [6]

Chúng tôi xin lưu ý, giai đoạn 2000-2008 là thời gian Bộ đang "thay cuốn chiếu" chương trình - sách giáo khoa hiện hành.

Xử lý chưa xong việc "giảm tải" thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lại nhập khẩu VNEN, triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, rồi bàn tay nặn bột, rồi trải nghiệm sáng tạo.

Chương trình và sách giáo khoa hiện hành theo phản ánh từ chính các tác giả, thì chúng được biên soạn khá cẩu thả vì chỉ để giải ngân, kiến thức hàn lâm rất nặng, năm nào cũng phải chỉ đạo "giảm tải";

Nhưng các tiêu chí, chỉ tiêu “chuẩn quốc gia”, “chuẩn phổ cập” để tính thi đua mà Bộ đưa ra lại tăng chứ không giảm.

Nay chỉ tiêu được “phán” từ trên xuống, được ấn định một cách chắc chắn thế kia, hỏi có địa phương nào không dám thực hiện theo? 

Trường lên chuẩn, chất lượng học tập cũng phải lên luôn là điều hết sức vô lý. Mới năm nay, trường tiểu học X vẫn còn là trường ở mức chất lượng tối thiểu, nên tỉ lệ Tỷ lệ học sinh xếp loại giáo dục từ trung bình trở lên “chỉ cần đạt” 90%. 

Con số này đã cao chót vót so với thực tế.

Nhưng năm sau, lên chuẩn mức độ 1 thì mọi chỉ tiêu buộc phải nâng lên theo quy định là 95%... Vẫn con người ấy, mức tiếp thu như thế, giáo viên sao có thể hô biến một đứa trẻ có vấn đề về nhận thức trở nên thông minh sáng dạ ngay trong thời gian ngắn như thế? 

Không làm được điều này, thầy cô bị khống chế xếp thi đua vì không hoàn thành nhiệm vụ, xếp vào diện chống đối cấp trên vì cứng cổ cứng đầu…Nhà trường bị xếp vào tốp trường yếu kém, Ban Giám hiệu bị cắt thi đua, phường, phòng, thị và tỉnh cũng bị vạ lây bởi không đạt “chuẩn phổ cập”.

Chuyện đổ lỗi cho cấp dưới và ra tay kỉ luật họ chỉ là cách làm hớt ngọn, nó không thể chấm dứt căn bệnh giả dối đã trở nên trầm kha. Ngược lại giống như một chất xúc tác ngấm ngầm, âm ỉ cháy nhưng có sức mạnh vô biên thiêu trụi tất cả những giá trị thật bất cứ lúc nào.

Muốn chấm dứt căn bệnh dối trá kiểu này, chúng tôi thiết nghĩ chỉ có cách duy nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo buộc phải thay đổi tư duy, đổi mới giáo dục dựa trên các căn cứ khoa học chứ không phải các dự án, trong đó dạy thật và học thật phải được xem là tiêu chí quan trọng nhất.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/giao-duc/xem-xet-trach-nhiem-hieu-truong-de-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-919907.html

[2]https://tuoitre.vn/soc-trang-nhieu-hoc-sinh-lop-2-chua-biet-doc-20170912092324027.htm

[3]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/749235/khan-truong-khac-phuc-tinh-trang-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-

[4]http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/ba-nam-nua--khong-con-hoc-sinh-ngoi-nham-lop-182256.htm

[5]http://vtv.vn/xa-hoi/dau-la-loi-ra-cho-hien-tuong-ngoi-nham-lop-20150414192655843.htm

[6]https://thanhnien.vn/giao-duc/chua-chua-duoc-benh-ngoi-nham-lop-751107.html

Thuận Phương