"Đừng cứng nhắc, phải vận dụng tất cả các chính sách để lo cho dân"

03/03/2017 15:52
Như Hải
(GDVN) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Thực hiện thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn vì lợi ích của người dân, phải tiếp tục đẩy mạnh".

Nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh

Trong phiên giải trình của Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, sáng 1/3 về vấn đề thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu nhấn mạnh rằng: “Thời gian qua, việc tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt được những kết quả rất quan trọng.

Đến nay, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 81,7% và Chính phủ phấn đấu đến năm 2020 ít nhất là 90% người dân tham gia, chưa kể những người tham gia bảo hiểm y tế dưới dạng thương mại.

Nếu tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%, đi kèm với thực hiện lộ trình tăng giá dịch vụ y tế, nâng mệnh giá bảo hiểm y tế thì sẽ bảo đảm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân một cách bền vững”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh cần được đẩy mạnh hơn nữa (ảnh: VGP/Đình Nam).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng lộ trình thông tuyến khám, chữa bệnh cần được đẩy mạnh hơn nữa (ảnh: VGP/Đình Nam).

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Thực hiện thông tuyến trong khám chữ bệnh bảo hiểm y tế là chủ trương đúng đắn vì lợi ích của người dân.

Dù trong quá trình thực hiện có những bất cập, vướng mắc và không ít tiêu cực nhưng không làm lùi quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành liên quan, các địa phương phải tiếp tục triển khai và đẩy nhanh hơn việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Chính phủ nhận thức rằng các mốc thời gian do Quốc hội quy định đối với việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là thời hạn chậm nhất còn sớm ngày nào tốt hơn ngày đó cho người dân.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất nhiều lần yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước hết là ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thực hiện việc thông tuyến.

Đây là sự thể hiện y đức của những người làm công tác quản lý nhà nước các cấp về y tế”.

Lượng người bệnh được khám chữa bệnh tăng mạnh

"Năm 2015, số thẻ bảo hiểm y tế đã tăng hơn 5 triệu so với năm 2014, đạt 69.972.000 thẻ bảo hiểm y tế bao phủ  76,2% dân số cả nước.

Đến năm 2016, số người tham gia đạt 75.832.000 người (tăng 8,3% so với 2015) bao phủ 81,7% dân số.

Năm 2016, toàn ngành Bảo hiểm xã hội hợp đồng với hơn 2094 cơ sở khám chữa bệnh từ phòng khám đa khoa trở lên và trên 10.000 trạm y tế tuyến xã và tương đương.

Số lượt khám chữa bệnh cả nước ước 148 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2015.

Số chi khám chữa bệnh ước 69.410 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm 2015".

Chia sẻ sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội về mục tiêu là người dân khi có bệnh phải được dùng các dịch vụ y tế, loại thuốc điều trị phù hợp nhất với giá hợp lý nhất, tiết kiệm nhất, khắc phục tình trạng vượt tuyến, Phó Thủ tướng đã nêu hai nhóm giải pháp lớn.

Theo Phó Thủ tướng: “Tin học hóa các bệnh viện để liên thông trong giám định, thanh toán bảo hiểm y tế và khẩn trương tăng cường năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Nói về hai nhóm giải pháp này, Phó Thủ tướng cho biết: “Hiện, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong triển khai hệ thống giám định, thanh toán bảo hiểm y tế kết nối tới 12.000 cơ sở y tế.

Tuy nhiên, mới chỉ có 30% cơ sở y tế thực hiện cập nhật được dữ liệu theo ngày, khoảng 30% cập nhật khi bệnh nhân đi về nhà, ra khỏi cơ sở y tế, còn lại gần 40% không cập nhật.

Hiện nay, với hơn 23.000 loại thuốc, gần 17.000 loại dịch vụ y tế, và khoảng 150 triệu lượt khám bảo hiểm y tế trong năm 2016, nếu không tin học hóa, chưa nói tiêu cực chỉ là nhầm lẫn thôi cũng là con số không nhỏ.

Vì vậy, tin học hóa trong quản lý các cơ sở y tế là yêu cầu bắt buộc”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng: “Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rất tích cực, chủ động và hỗ trợ kinh phí những phần cơ bản trong thực hiện tin học hóa, điều đó là thuận lợi hơn chứ không phải gây khó khăn cho các bệnh viện”.

"Đừng cứng nhắc, phải vận dụng tất cả các chính sách để lo cho dân" ảnh 2Lo ngại trục lợi Bảo hiểm Y tế gia tăng

Phát triển y tế dự phòng là giải pháp có tính căn cơ!

Để giải căn cơ cho “bài toán” vượt tuyến khi thực hiện thông tuyến khám chữa bênh bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Cần phải đi từ “cái gốc” của ngành y tế là cơ sở và dự phòng.

Chính phủ xác định trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn cho y tế dự phòng, y tế cơ sở.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án Tăng cường y tế cơ sở và sắp tới là kế hoạch thực hiện quản lý sức khỏe cho từng người dân gắn với chăm sóc sức khỏe toàn dân, bảo hiểm y tế toàn dân.

Trong hơn 90 triệu người dân, có một số đối tượng thuộc quy định của các luật là phải được chăm sóc sức khỏe ngay từ ban đầu như: học sinh, sinh viên, người già và những người lao động có quan hệ lao động bằng hợp đồng…

Nhưng thực tế nhiều đối tượng vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách do luật định”.

Nói về ý nghĩa của việc thực hiện khám, chữa bệnh trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trạm y tế cơ sở, Phó Thủ tướng phân tích:

"Đừng cứng nhắc, phải vận dụng tất cả các chính sách để lo cho dân" ảnh 3Thông tuyến khám chữa bệnh có lợi cho người tham gia Bảo hiểm Y tế!

“Điều này, không chỉ giúp phát huy hiệu quả hệ thống y tế cơ sở, giảm tải bệnh viện tuyến trên một cách vững chắc, tiến tới giảm chi phí y tế cho cả hệ thống mà còn là việc làm thiết thực thể hiện tinh thần tất cả vì người dân”.

Phó Thủ tướng rất trăn trở và cho biết: “Chỉ khi chúng ta làm được điều này, thì tổng chi cho sức khỏe người dân, dù không tăng được nhiều, nhưng hiệu quả sẽ nâng lên.

Đồng thời khắc phục được tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao để chiếu chụp, xét nghiệm.

Khắc phục tình trạng rất nhiều người dân vùng sâu, vùng xa chỉ đi khám khi đã có bệnh, thậm chí nhiều người bệnh nặng rồi, khám xong là vào giai đoạn cuối.

Hay nhiều người già không được khám mắt nên phải chấp nhận mắt bị mờ đi như một quy luật”.

Theo Phó Thủ tướng: “Về nhân lực thực hiện Kế hoạch, ngành y tế đã có những bước chuẩn bị quan trọng nhất là đưa trạm y tế xã trực thuộc quản lý trực tiếp của trung tâm y tế huyện.

Điều này giúp trạm y tế xã được hỗ trợ trực tiếp cả về chuyên môn, cán bộ, bác sĩ từ tuyến huyện.

Nhiều anh chị em ở trạm y tế nói với tôi, đối với họ không chỉ là nâng cao tay nghề, có thêm thu nhập mà điều quan trọng nhất, day dứt nhất là làm sao mình có ích. Không có việc làm đối với họ cũng là một thứ cực hình.

Cũng có người nói rằng không nên đặt vấn đề này ra một cách toàn dân bởi có nhiều người không đi khám bệnh.

Nhưng chúng ta đừng quên có rất nhiều người nghèo rất tha thiết được đi khám bệnh mà không có cơ chế cho người ta đi khám.

Bằng chứng là cứ khi có những đội bác sĩ trẻ tình nguyện đi thăm khám thì bà con nô nức như thế nào.

Chúng tôi vừa rồi làm thử ở một số địa phương (Phú Thọ, Bắc Ninh) thấy bà con rất cảm động”.

Về nguồn kinh phí thực hiện, bên cạnh phương án đã được Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành ngay gói dịch vụ y tế cơ bản sẽ do quỹ bảo hiểm y tế chi trã chi trả theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế.

Phó Thủ tướng căn dặn: "Các đồng chí đừng cứng nhắc mà phải vận dụng tất cả các chính sách để lo cho người dân.

Đơn cử như nghịch lý khiến bệnh viện hạng II phải xin xuống hạng III để được áp dụng quy định thông tuyến thì phải sửa ngay.

Làm với tinh thần như vậy thì người dân thực sự thấy rằng bảo hiểm y tế rất thiết thực và sẽ cùng với chúng ta phát triển bảo hiểm y tế ra toàn dân”.

Như Hải