Lo ngại trục lợi Bảo hiểm Y tế gia tăng

02/03/2017 16:10
Trinh Phúc
(GDVN) - Có tình trạng khuyến mại khám chữa bệnh để tạo nhu cầu ảo, có trường hợp trong quý IV/2016 đi khám chữa bệnh 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau.

Người dân ngày càng tin tưởng Bảo hiểm Y tế

Giải trình tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Ủy ban Các vấn đề xã hội sáng nay 1/3, bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá rất cao chính sách thông tuyến trong khám chữa bệnh.

Theo đó, từ khi áp dụng hoạt động thông tuyến trong khám chữa bệnh và Luật Bảo hiểm y tế  sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua ngày 13/6/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 số người tham gia bảo hiểm y tế tăng mạnh. 

Sau gần hai năm triển khai thực hiện cho thấy, các nội dung sửa đổi, bổ sung đã khắc phục được những bất cập của Luật Bảo hiểm y tế ban hành năm 2008, chính sách bảo hiểm y tế đã thực sự đem lại niềm tin cho người dân và xã hội. 

Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo Hiểm Xã hội Việt Nam (ảnh nguồn quochoi.vn).
Bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc Bảo Hiểm Xã hội Việt Nam (ảnh nguồn quochoi.vn).

Bà Nguyễn Thị Minh cho rằng: "Năm 2015, số thẻ bảo hiểm y tế đã tăng hơn 5 triệu so với năm 2014, đạt 69.972.000 thẻ bảo hiểm y tế bao phủ  76,2% dân số cả nước.

Đến năm 2016, số người tham gia đạt 75.832.000 người (tăng 8,3% so với 2015) bao phủ 81,7% dân số.

Năm 2016, toàn ngành Bảo hiểm xã hội hợp đồng với hơn 2094 cơ sở khám chữa bệnh từ phòng khám đa khoa trở lên và trên 10.000 trạm y tế tuyến xã và tương đương.

Số lượt khám chữa bệnh cả nước ước 148 triệu lượt, tăng 14% so với năm 2015.

Số chi khám chữa bệnh ước 69.410 tỷ đồng, tăng 41,6% so với năm 2015".

Lo ngại trục lợi Bảo hiểm Y tế gia tăng ảnh 2Thông tuyến khám chữa bệnh có lợi cho người tham gia Bảo hiểm Y tế!

Theo Tổng Giám đốc bảo hiểm xã hội Việt Nam:

"Việc tăng số lượng người bệnh đến khám, chữa bệnh đặc biệt là đối với các cơ sở y tế tư nhân đã tăng thu nhập cho nhân viên y tế;

Các cơ sở khám chữa bệnh bắt buộc phải đổi mới phong cách phục vụ, đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút người bệnh.

Thông tuyến làm tăng mức độ hấp dẫn của chính sách bảo hiểm y tế, thu hút người dân tham gia và thúc đẩy mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. 

Năm 2016, số người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là 11.530.389 người, tăng 37,4% so với năm 2015.

Điều này cho thấy người dân đã tin tưởng và nhận thấy lợi ích của chính sách bảo hiểm y tế". 

Có tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế 

Cũng theo bà Minh, bên cạnh những tích cực mang lại của chính sách thông tuyến trong khám chữa bệnh và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế thì có tình trạng lợi dụng sơ hở chính sách để trục lợi. 

Thống kê trên Hệ thống thông tin giám định BHYT từ tháng 7/2016 đến tháng 2/2017, trong 8 tháng qua có trên 1,2 triệu người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh từ 2 lần trở lên mỗi tháng, tổng số lần khám của những trường hợp này là 15.758.388, trong đó có trên 83 nghìn người khám, chữa bệnh hàng tuần.

Ngoài những bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ (2-3 lần/tuần), bệnh nhân điều trị các bệnh mạn tính (tăng huyết áp, tiểu đường 1 lần/tháng), có đến 3 triệu lượt khám nhiều lần trong cùng ngày, nhiều lần trong tháng, chủ yếu ở các bệnh viện quận/huyện thuộc các tỉnh miền Nam, nhất là tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Tại Tp Hồ Chí Minh xuất hiện cả các trường hợp cư trú tại tỉn khác nhưng hàng ngày đến khám, lĩnh thuốc tại nhiều bệnh viện quận/huyện của thành phố.

Thống kê một số trường hợp, trong đó việc gia tăng lượng người khám theo bảo hiểm y tế đã dẫn đến tình trạng quá tải tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện.

Có tình trạng, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật không đảm bảo đúng quy trình, không đủ thời gian;

Sử dụng các nhân viên y tế không có đủ điều kiện pháp lý để cung cấp dịch vụ y tế. 

Việc quản lý quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các cơ sở khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu gặp khó khăn do không quản lý được số lượng bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại cơ sở khác.

Lo ngại trục lợi Bảo hiểm Y tế gia tăng ảnh 3Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Vị Tổng Giám độc Bảo hiểm xã hội Việt Nam lo ngại về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở khám chữa bệnh.

Theo bà Nguyễn Thị Minh: "Hiện các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân như khuyến mại, thu hút người bệnh bằng quà tặng, chỉ định nhiều dịch vụ kỹ thuật... tạo nhu cầu khám, chữa bệnh tăng “ảo” làm gia tăng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế gia tăng từ phía cơ sở khám chữa bệnh như tăng chỉ định số lượng xét nghiệm cận lâm sàng, chụp X quang, thuốc...;

Người bệnh bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh nhiều lần trong ngày, tuần, tháng để “lấy” thuốc. 

Có trường hợp trong quý IV/2016 đi khám chữa bệnh 160 lần tại 20 cơ sở khác nhau". 

Thống kê cho thấy, có bệnh nhân như ông Nguyễn Gia H. ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành khám chữa bệnh 308 lần trong 6 tháng, với số tiền hơn 51 triệu đồng.

Hay như, bà Nguyễn Thị G. ở  Bình Dương số lần khám chữa bệnh từ tháng 7 2016 đến 15/2 năm nay  là 197 lần, với số tiền lên đené 65 triệu đồng.

Hay ông Mã Bửu Ng., ở thành phố Hồ Chí Minh tiến hành khám chưa bệnh 159 lần từ 6/4/2016 đến 24/2 với số tiền bảo hiểm y tế phải chi trả hơn 71 triệu đồng.

Danh sách những cá nhân có bảo hiểm y tế thăm khám bất thường trong năm 2016 (ảnh: Trinh Phúc).
Danh sách những cá nhân có bảo hiểm y tế thăm khám bất thường trong năm 2016 (ảnh: Trinh Phúc).

Ngoài ra bà Nguyễn Thị Minh còn chỉ ra một số bất cập nữa như: "Việc phân tuyến cơ sở khám, chữa bệnh chưa thống nhất giữa các Thông tư của Bộ Y tế; 

Chưa có quy định hướng dẫn phân hạng, tuyến đối với bệnh viện tư nhân
 Mức giá một số dịch vụ y tế xây dựng cao hơn nhiều so với thực tế làm gia tăng chỉ định từ các cơ sở y tế. Việc xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ chưa đủ mạnh".

Những kiến nghị đầy ý nghĩa của Tổng Giám đốc bảo hiểm Xã hội Việt Nam. 

Để khắc phục những hạn chế và phát huy hơn nữa giá trị tích cục của Bảo hiểm y tế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh kiến nghị rằng:

Đối với Quốc hội:

"Thì tăng cường công tác giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế;

Tổ chức giám sát tình hình khám chữa bệnh thông tuyến trong năm 2017 tại một số địa phương theo vùng địa lý.

Nghiên cứu sửa đổi một số quy định của Luật Bảo hiểm y tế cho phù hợp như xem xét mở rộng đối tượng cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh nhằm tăng cường trách nhiệm trong việc kiểm soát chi phí của người có thẻ bảo hiểm y tế".

Đối với Chính phủ:

"Tiếp tục chỉ đạo về ứng dụng công nghệ thông tin, bổ sung thêm một số nội dung xử phạt hành chính đối với các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế;

Cố tình không liên thông dữ liệu khám chữa bệnh..." 

Đối với Bộ Y tế:

" Sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn giải quyết các nội dung còn vướng mắc. Đối với các văn bản đã hướng dẫn chưa đúng thì cần hướng dẫn lại cho đúng quy định.

 Sớm ban hành phác đồ điều trị chuẩn, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản;

 Phối hợp Bảo hiểm xã hội  Việt Nam chỉ đạo việc kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám chữa bệnh.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đánh giá việc chỉ định điều trị đối với người bệnh bảo hiểm y tế, xử lý nghiêm các cơ sở khám chữa bệnh có vi phạm trong chỉ định điều trị không đúng phác đồ quy định.

Hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về phân tuyến, hạng bệnh viện, loại hình các cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Sớm ban hành thông tư phân hạng, xếp tuyến đối với các bệnh viện tư nhân.

Phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, điều chỉnh giá một số dịch vụ y tế có mức giá cao chưa phù hợp với thực tế".

Đối với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

"Giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế cho các cấp, ngành trên địa bàn, nhằm sớm tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Chỉ đạo Sở Y tế, các bệnh viện tăng cường công tác quản lý quỹ khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế;

Giao trách nhiệm cho người đứng đầu ngành y tế nếu để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế". 

Trinh Phúc