Mới đây, Báo Giáo dục Việt Nam có đăng bài: Hầm đường bộ, những công trình…vô tích sự. Theo đó, tại thủ đô có rất nhiều hầm đường bộ để cho người dân qua đường, hạn chế rủi ro, tai nạn. Tuy nhiên, trong số rất nhiều công trình, có không ít hầm đường bộ xây lên rồi khóa cửa để đấy, gây lãng phí lớn cho nhà nước.
Ngày 24/4, tại khu vực ngã tư, giao giữa đường Khuất Duy Tiến với Lê Văn Lương, phóng viên thấy một số công nhân đang hì hục kỳ cọ, lau chùi bụi cho những hầm đường bộ đã khóa cửa từ rất lâu.
Một công trình đã không sử dụng từ lâu nhưng vẫn phải thuê công nhân lau chùi, dọn dẹp |
Tại sao một công trình đã chết, không có tác dụng mà vẫn phải thuê công nhân đi lau chùi, dọn dẹp?
Để tạo nên công trình mang tầm vĩ mô như hầm đường bộ ở Hà Nội là cả một quá trình. Từ khâu lên ý tưởng, họp bàn về tính khả thi, thiết kế, triển khai xây dựng…. tất cả đều mất không ít tiền.
Tuy nhiên, nghĩ thoáng ra thì việc cho xây dựng các công trình rồi để “sống chết mặc bây” như hầm đường bộ đây là một việc làm “nhân văn” của Hà Nội. Nhân văn ở chỗ, cái tiêu cực nào cũng có mặt tích cực. Nó tích cực vì để xây lên một công trình thì có sự tham gia của nhiều cơ quan đơn vị, tạo công ăn việc làm cho không ít người. Nhưng sâu xa hơn, nhà nước mất “tiền oan” và hàng triệu người dân thủ đô đang phải đóng tiền cho một việc làm phi nghĩa.
Tại nhiều cơ quan nhà nước, hằng tháng lãnh đạo phải đau đầu để vẽ ra dự án. Chuyện mà ai cũng hiểu, không có dự án thì lấy đâu ra tiền để cán bộ bớt xén rồi…đút túi. Cho dù nhiều vị thừa biết, dự án đó không khả thi, dự án đó “trên trời” nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn cố “rặn” ra cho bằng được.
“Muốn ăn thì phải phá” – câu chuyện trên đã tồn tại ở nước ta từ lâu. Hầm đường bộ tại Hà Nội chỉ là một ví dụ nhỏ. Nhưng đã trót xây lên, giờ đập đi không đành, do đó vẫn phải duy trì người lau dọn. Cuối cùng, tiền của nhà nước bị thất thoát vô ích, công trình nằm phè phỡn vướng lối đi, nỗi khổ nhân dân phải ghánh chịu.