Nơi cần không có
Ngày 30/3, Giáo Giáo dục Việt Nam đăng tải clip "Người Hà Nội “nín thở” kéo nhau sang đường", phản ánh việc rất đông người dân phải sang đường trong tình trạng nguy hiểm trên đường Hồ Tùng Mậu, đoạn phía trước cổng trường ĐH Thương Mại (Cầu Giấy).
Đã có nhiều vụ va chạm giữa các phương tiện đi đường và người sang đường xảy ra ở đây. Tuy nhiên, trước thực tại trên, người dân không có sự lựa chọn nào tốt hơn là phải “nín thở” kéo nhau từng tốp, từng tốp để sang đường.
Tình trạng này không chỉ diễn ra trước cổng trường ĐH Thương Mại mà còn xuất hiện ở nhiều khu vực khác như đường Phạm Văn Đồng (đoạn chân cầu vượt Mai Dịch), đường Xuân Thủy...
"Nếu ở đây có hầm đường bộ để mọi người qua đường thì tốt biết mấy, những người vừa ở quê ra thành phố như tôi thực sự không dám đặt chân bước qua đường như mọi người, có hôm tôi phải đứng mấy tiếng đồng hồ mới có thể qua được", bác Trần Hải Nam ( quê Nghệ An ra Hà Nội khám bệnh) phàn nàn.
Nơi có không cần
Các công trình hầm đường bộ được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng mang mục đích chính góp phần tạo nên một hệ thống giao thông văn minh và tiến bộ cho thủ đô. Nhưng thực tế, nhiều hầm từ khi hoàn thành tới nay vẫn cửa đóng then cài và một số khác đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng rồi ngày một hư hỏng, xuống cấp, bị bỏ hoang hoặc bị chiếm dụng.
Nhiều hầm đường bộ luôn ở trong tình trạng "Cửa đóng then cài". Ảnh chụp tại đường Nguyễn Xiển |
Theo quan sát của phóng viên, tuyến đường Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Xiển là nơi có nhiều công trình đang xây dựng, mật độ phương tiện đi lại cao, việc xây dựng những khu hầm đường bộ như thế này là rất cần thiết.
Nhưng khi hầm đường bộ đã xây dựng xong, người dân vẫn cứ băng ngang mặt đường để qua đường, còn hầm thì bị bỏ hoang. Thậm chí, nhiều hầm đường bộ trở thành những hố nước ngập úng, tù đọng hay một bãi rác khổng lồ. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc
Hai hầm đi bộ gần kề với Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng chung số phận là nơi xả rác thải, phóng uế, và chưa một lần được ai đó đặt chân để băng sang bên kia đường, như mục đích "cao quý" mà nó được sinh ra.
Hầm đường bộ tại đường Minh Khai (gần Đại học Công nghiệp ) trở thành bãi rác. |
Như vậy, những khu hầm đường bộ này đã trở thành công trình “vô tích sự”. Mục đích ban đầu khi xây dựng là có một hệ thống hầm an toàn cho người đi bộ sang đường thì lại không đạt được.
Cô Nguyễn Thị Mai (bán nước gần hầm đường bộ bên cổng ĐH công nghiệp) ngao ngán: "Phải gọi là hầm đi bộ dành cho người... bơi lội mới đúng. Tôi bán hàng nước ở đây mấy năm qua, nhưng chưa thấy ai một lần dám sang đường bằng hầm này. Ngồi bên cạnh phải đeo khẩu trang suốt vì không chịu được mùi xú uế bốc lên".