Huyện về thì xã mổ trâu...

25/12/2016 07:30
Nguyễn Cao
(GDVN) - Được lòng người chồng và mấy vị khách cũng đồng nghĩa người vợ và mấy đứa con nheo nhóc phải tái tê nhìn cái mâm trắng trơn… đầy xót xa.

LTS: Gần đây, dư luận xôn xao về vụ việc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chi gần 300 triệu cho việc tiếp khách chỉ trong 4 tháng.

Tác giả Nguyễn Cao cho rằng chuyện tiếp khách đang gây lãng phí rất lớn, thậm chí là gánh nặng cho các đơn vị.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh ở một số địa phương, cơ quan nhà nước đã chi hàng trăm triệu đồng để tiếp khách.

Có những nơi “đã vung tay quá trán” dẫn đến chuyện hết kinh phí hoạt động, có nơi chi tiền tiếp khách mà hết nhiệm kì không trả xong phải chờ đến nhiệm kì khác..

Chuyện Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Chỉ 4 tháng đầu năm 2016 đã chi hết gần một nửa kinh phí hoạt động được giao cả năm. Trong đó, số tiền chi cho việc tiếp khách lên đến gần 300 triệu.

Sự việc chỉ bị phanh phui khi thay đổi lãnh đạo Trung tâm. Hay, một xã nghèo như Quảng Thái (Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế) thâm nợ các khoản mà chưa có nguồn thanh toán hơn 676 triệu đồng.

Trong số những khoản nợ kéo dài mà xã Quảng Thái buộc phải thanh toán, có các khoản nợ chưa trả được tại nhiều quán ăn, nhà hàng trên địa bàn được kê khai lên đến hơn 264 triệu đồng…

Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi được cho là có nhiều khoản chi tiêu "khủng" không minh bạch. (Ảnh: Thủy Phan)
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi được cho là có nhiều khoản chi tiêu "khủng" không minh bạch. (Ảnh: Thủy Phan)

Như chúng ta thường thấy, người Việt có truyền thống hiếu khách.

Dù nghèo đến đâu thì khi có khách mà nhất là khách từ xa đến nhà thì cũng phải cố gắng có một mâm cơm dù đạm bạc hay cao sang đã trở thành một thói quen của văn hóa người Việt.

Chính vì thế, chuyện một số địa phương chi ra một số tiền khá lớn để tiếp khách trong thời gian qua không phải là chuyện lạ nữa.

Có điều, sự việc vỡ lở khi mà ngay tại các địa phương đó có các đợt lũ lụt vừa đi qua, khi mà người dân đang rất cần những đồng tiền để trang trải cuộc sống, khi mà mọi tổ chức đoàn thể trong cả nước cũng như các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện vừa ủng hộ, quyên góp cho dân nghèo vùng lũ từ thùng mì tôm hay những bộ quần áo cũ.

Vậy mà, một số cơ quan, một số lãnh đạo lại có thể chi một số tiền quá lớn để… tiếp khách.

Huyện về thì xã mổ trâu... ảnh 2

“Nhiệm vụ chính trị” là gì mà giáo viên không muốn làm thì cũng trốn đằng trời?

Thời gian không dài (chỉ 4 tháng) đối với một cơ quan nhỏ của một huyện nghèo mà chi tới gần 300 triệu tiền tiếp khách đủ cho ta thấy một sự lãng phí đến vô cùng.

Vậy khách ở đây là ai mà nhiều thế, chắc chắn phải là lãnh đạo về kiểm tra, về cơ sở làm việc hay các cơ quan bạn tổ chức về “học hỏi kinh nghiệm” mới được gọi là “khách” và được “tiếp” chứ dân thường thì làm sao có thể là “khách” được?

Ngày nay, chuyện tiếp khách ở các cơ quan nhà nước không còn là hiếm nữa.

Còn nhớ, có một vị Chủ tịch tỉnh nọ đã báo cáo với Thủ tướng trong năm 2013 có tới 70 đoàn khách đến làm việc. Trong đó có những đoàn ở lại đến hơn 3 tháng khiến cho địa phương phải tiếp đón… vất vả.

Tuy nhiên, có một điều là nội dung làm việc của các đoàn lại nhiều khi trùng lắp. Vô hình trung, chuyện “tiếp khách” lại trở thành gánh nặng của các đơn vị, các địa phương khi có các đoàn khách đến làm việc.

Dù không có văn bản nào qui định là các cơ quan chủ quản phải tiếp khách khi các đoàn đến làm việc nhưng hình như đó đã là luật bất thành văn.

Khi có khách, nhất là khách cấp trên về cơ sở thì các đơn vị đều ân cần đón tiếp. Có điều nhiều đoàn khách cả hàng chục người.

Vì thế, vừa chủ vừa khách phải chi một số tiền lớn mới đủ cho những buổi “tiếp khách”. Đó là chưa kể tăng 2, tăng 3 với vô vàn số tiền phải chi. Và, một lẽ đương nhiên là “chủ nhà” phải chi trả số tiền đó.

Ở các đơn vị trường học cũng vậy. Mỗi năm đón rất  nhiều đoàn về thanh - kiểm tra từ Phòng - Sở về trường. Điều thường thấy là không có mấy đoàn không ở lại dùng những “bữa cơm đạm bạc” cùng đơn vị.

Dù không đón tiếp bằng sơn hào hải vị nhưng nhiều đoàn kiểm tra, nhiều lần kiểm tra, mỗi lần nhiều người người kiểm tra thì số tiền cộng lại cũng không phải là ít.

Đối với các cơ quan, đơn vị nhà nước thì ngân sách hàng năm đã được phân bổ số lượng cụ thể. Trong đó, bao hàm nhiều khoản chi như: lương bổng, đầu tư cơ sở hạ tầng, các phong trào văn hóa văn nghệ, bồi dưỡng chuyên môn…

Nhưng, mỗi lần tiếp khách chi một ít và lẽ đương nhiên là chăm lo “tiếp khách” nhiều thì rất khó để chăm lo cho đơn vị mình.

Đó là chưa kể chuyện những hóa đơn tiếp khách được tính khác với số tiền thực của mỗi lần tiếp khách.

Theo qui định hiện hành của Bộ Tài chính thì tất cả các cán bộ, công - viên chức đi công tác, nhất là công tác xa đều có đầy đủ các chế độ tài xe, nhà nghỉ, ăn uống.

Vì thế, sự làm gương các các vị khách khi về cơ sở là cần thiết để tránh những phiền lụy sau này.

Bởi ông cha ta thường nói: “miếng ăn là miếng nhục” mà vô hình trung lại đang tiếp tay cho một số người lợi dụng tiếp khách để trục lợi.

Chuyện Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chỉ trong vòng 4 tháng mà đã chi tới gần 300 triệu đồng để tiếp khách dẫn đến không còn kinh phí hoạt động cho các tháng cuối năm của đơn vị có khác nào câu chuyện “Trẻ con không được ăn thịt chó” của nhà văn Nam Cao.

Được lòng người chồng và mấy vị khách cũng đồng nghĩa người vợ và mấy đứa con nheo nhóc phải tái tê nhìn cái mâm trắng trơn… đầy xót xa.

Nguyễn Cao