Sự việc này xảy ra tại Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), khiến các cán bộ, nhân viên tại cơ quan và dư luận hoài nghi về sự minh bạch ở nhiều khoản chi.
Tiếp khách hết gần 300 triệu đồng trong 4 tháng
Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Sỹ Phượng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa cho biết, ông được điều động đến công tác tại đây từ tháng 5/2016.
Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa, nơi được cho là có nhiều khoản chi tiêu "khủng" không minh bạch. (Ảnh: Thủy Phan) |
Theo đó, khi ông tiếp nhận công việc, cân đối lại ngân sách thì thấy chỉ 4 tháng đầu năm mà cơ quan đã chi hết hơn 1,7 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí hoạt động cả năm của toàn cơ quan chỉ gần 3,5 tỷ đồng.
Trong 8 tháng còn lại, nếu tính hết lương bổng, bảo hiểm xã hội, công tác phí… cho toàn bộ cán bộ, nhân viên thì trung tâm chỉ còn lại hơn 50 triệu đồng để hoạt động.
“Tôi vừa mới được luân chuyển về nhận nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa từ đầu tháng 5 năm nay nên không rõ việc chi tiêu hoạt động tại cơ quan trước đó như thế nào.
Nhưng khi vừa tiếp nhận, tôi thấy phần kinh phí còn lại rất hạn hẹp, gây khó khăn cho việc hoạt động của Trung tâm. Vì vậy thời gian vừa rồi, mọi hoạt động của cơ quan rất hạn chế, chỉ ưu tiên những vấn đề quan trọng như lũ lụt, tập huấn”, ông Phượng nói.
Chiếc xe công của trung tâm bị "đắp chiếu" trong gara 2 năm nay. (Ảnh: Thủy Phan) |
Từ tài liệu chúng tôi nắm được về việc chi tiêu từ tháng 1/2016 đến ngày 10/5/2016 tại cơ quan này, có nhiều khoản thu khiến cán bộ, nhân viên trong cơ quan hoài nghi về sự minh bạch như: tiền chi tiếp khách lên tới hơn 295 triệu đồng; chi bảo hiểm tài sản và phương tiện của các đơn vị hơn 33.5 triệu đồng; chi văn phòng phẩm hơn 50 triệu đồng; chi các khoản khác 70 triệu đồng.
Có dấu hiệu lãng phí?
Mặc dù khoản chi bảo hiểm tài sản và phương tiện của các đơn vị hơn 33.5 triệu đồng, nhưng theo điều tra của chúng tôi, trong 2 năm qua cơ quan này chỉ dùng một chiếc xe ô tô để hoạt động công việc, một chiếc còn lại bị “đắp chiếu” trong gara vì không đăng ký lưu hành.
Điều đáng nói ở đây, chiếc xe này dù không hoạt động nhưng vẫn được trung tâm mua bảo hiểm với số tiền 17 triệu đồng/năm.
Được biết, hậu quả việc chi tiêu “khủng” tại Trung tâm này do ông Lê Đình Thi - Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa điều hành. Hiện ông này đã được luân chuyển công tác sang Trung tâm Y tế Dự phòng huyện Minh Hóa.
Theo phản ánh của nhiều cán bộ, nhân viên trung tâm, dưới thời ông Thi điều hành, vì sự “vung tay qua trán” trong chi tiêu mà cả năm 2015, khoản tiền phụ cấp cho những cán bộ, nhân viên trẻ có mức lương dưới 2.34 không được trả.
Từ tháng 6/2016, Ban lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa đã có báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh Quảng Bình trình bày về việc thiếu kinh phí hoạt động của 7 tháng cuối năm 2016 với nội dung thực hiện quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình về việc điều động công tác, sau khi tiếp nhận công việc triển khai bàn giao về tài sản, nhân lực, tài chính. Tuy nhiên, khi cân đối lại ngân sách thì thấy phần kinh phí còn lại rất ít.
Theo đó kinh phí đối chiếu với kho bạc từ tháng 1/2016 đến ngày 10/5/2016 với dự toán đầu năm giao gần 3,5 tỉ đồng (hoàn toàn tự chủ). Tuy nhiên chỉ mới 4 tháng đầu năm, dự toán đã sử dụng hết hơn 1,7 tỉ đồng.
Trước thực trạng thiếu kinh phí trầm trọng này, Trung tâm đã gửi Sở Y tế xin hướng chỉ đạo và giải quyết để Trung tâm duy trì được các hoạt động.
Ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho rằng, Sở có nhận được báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng huyện Tuyên Hóa, nhưng họ chỉ nói nguồn tiền có khả năng bị thiếu nên vừa rồi chúng tôi đã cấp kinh phí để trung tâm triển khai cơ sở điều trị Methadol.
Còn việc quyết toán thì phải đầu năm sau Sở Y tế với Sở Tài chính mới quyết toán cho năm trước, lúc đó chúng tôi mới xem xét các chứng từ này nọ.
“Do đó, việc báo tiếp khách hết mấy trăm triệu trong 4 tháng thì chúng tôi chưa nắm. Số tiền tiếp khách, chúng tôi cũng phải xem xét xem họ chi tiếp khách là chi cái gì.
Ví dụ như đầu năm, có những hoạt động liên quan đến ngày kỷ niệm ngành 27/2, có tọa đàm rồi cũng mời cơm này nọ nhiều… Nhưng tôi nghĩ với một lễ kỷ niệm thì cũng không đến mức nhiều như vậy. Sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu trung tâm báo cáo”, ông Cường cho biết.