Làm bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất, ai được lợi?

07/05/2015 13:29
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu quan điểm: Thành phố không thể tạo ra “nhóm lợi ích” cho một doanh nghiệp.

Ngày 5/5/2015, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký văn bản chấp thuận nguyên tắc phương án xây dựng bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh trong Công viên Thống Nhất.

Theo đó, Thành phố giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc hướng dẫn Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội hoàn thiện phương án theo ý kiến của các sở, ngành; lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 bãi đỗ xe ngầm kết hợp trồng cây xanh. Đồng thời, tổ chức thẩm định, lấy ý kiến cộng đồng và báo cáo cấp thẩm quyền xem xét quyết định.

Theo đề nghị của Công ty TNHH MTV khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thì bãi đỗ xe ngầm dự kiến xây dựng trong Công viên Thống Nhất có 3 tầng, mỗi tầng hơn 5.600 m2 đủ sức chứa 390 chỗ cho ô tô.

Công viên Thống Nhất là lá phổi xanh của thành phố, vì vậy bất cứ sự điều chỉnh nào cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Thủ đô. Liên quan đến vụ việc này, trưa ngày 7/5, Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - người đã kịch liệt phản đối dự án trên.

Ông Liên cho biết, cách đây mấy tháng đã gửi văn bản tới Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội và một số cơ quan khác, nhưng cho tới nay không nhận được bất cứ câu trả lời nào.

Tiềm ẩn gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên đường Lê Duẩn

Đường Lê Duẩn từ ngã ba Cửa Nam đến Trần Nhân Tông đi qua ga liên vận quốc tế Hà Nội là đường 1 chiều. Từ đường Trần Nhân Tông đến đường Đại Cồ Việt phải chịu dồn nén của dòng phương tiện và người tham gia giao thông theo trục Bắc Nam từ các Quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, một phần Quận Đống Đa và Hai Bà Trưng.

Đặc biệt đây là tuyến dẫn Đoàn, xe cứu thương kết nối giữa các Bệnh viện lớn, xe tang lễ, xe dẫn giải phạm nhân, hơn 300 lượt xe Buýt, xe 3 bánh tự chế, xe máy, xe đạp và người đi bộ do không có vỉa hè phải đi bộ chiếm lòng đường để ra vào công viên.

Ông Liên phân tích: "Tại đoạn đường từ ngã ba Trần Nhân Tông đến bãi đỗ xe ngầm do đường sắt lượn ra, nên lòng đường từ 14m còn lại 9m, thực sự đây là nút thắt cổ chai tạo nên sự ùn ứ phương tiện.

Sự ùn ứ này gây ra hậu quả: cứ giờ cao điểm là xe kẹt cứng, người tham gia giao thông phải tràn vào ngõ 222 Lê Duẩn, ngõ Hoàng An để ra ngõ Chợ đi về phía nam hoặc quay ngược lại theo đường Trần Nhân Tông ra đường Bà Triệu để đi về phía Nam.

Cách đây khoảng 3 năm, tôi làm đơn đề nghị Sở GTVT Hà Nội cắm biển trước cổng Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam để khi xe ra vào không được quay ngược chiều, nhưng không được giải quyết".

Vị trí dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất. ảnh: dantri.
Vị trí dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm trong Công viên Thống Nhất. ảnh: dantri.

Trên đoạn này còn có hai trạm chờ xe buýt, riêng trạm chờ xe buýt trước cổng trụ sở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam vướng đường tàu, khách chờ phải đứng dưới lòng đường. Mật độ dân cư đổ vào đoạn đường trên từ các ngõ 222 Lê Duẩn, ngõ Hoàng An, ngõ 234, ngõ 304 đi tập thể dục và tham gia giao thông dày đặc. Riêng ngõ 222 Lê Duẩn có gần 1000 hộ dân, 700 người cao tuổi và 600 cháu học sinh các cấp I...

Chưa hết, phía đường Lê Duẩn giáp với công viên, các số nhà 223, 225 - 227-229 góc Lê Duẩn – Trần Nhân Tông và nhà  từ 249 đến 271 không có vỉa hè, ra vào công viên đi bộ theo hướng nào người dân cũng phải đi xuống lòng đường rất nguy hiểm.

Ông Liên cho rằng, việc làm bãi đỗ xe ngầm ở vị trí này sẽ tạo nên xung đột các dòng phương tiện, gây ùn tắc giao thông, nguy cơ mất an toàn và tạo ra “nhóm lợi ích”:

Thứ nhất, bãi đỗ xe chứa được 390 xe, mỗi ngày ra vào 2 lượt cộng với số xe vãng lai thành khoảng 1000 lượt ra vào, nếu xe quay đầu sẽ gây xung đột hết thế hệ này đến thế hệ khác vì phía đối diện là đường sắt trên cao, bên này là hồ không thể mở rộng đường và làm vòng xuyến để phân luồng giao thông.

Thứ hai, tận dụng được công trình làm dở dang, thành phố đã bồi thường cho chủ đầu tư khách sạn SAS nhiều triệu USD, đây là ngân sách nhà nước, là tài sản quốc gia, trừ trường hợp phục vụ công ích, nếu sử dụng kinh doanh, thành phố phải thu hồi lại vốn, không thể coi đây là tận dụng đầu tư, nhằm tạo ra “nhóm lợi ích” cho một doanh nghiệp.

Thứ ba, trên mặt đất, Công ty công viên quản lý còn dưới hầm thu tiền thuê đất theo quy định nào?

Thứ tư, trên mặt đất không thể trồng cây xanh bóng mát vì đây là trần bê tông chỉ có thể trồng thảm cỏ, cây hoa ngắn ngày (như trồng rau sạch trên sân thượng), nên chăng làm sân chơi, sân trượt, san tập thể dục cho người dân.

"Làm bãi đỗ xe ngầm tại công viên Thống Nhất chỉ có lợi cho 390 chủ xe, có lợi cho một số doanh nghiệp, nhưng cái chưa được là gây ùn tắc giao thông hết thế hệ này đến thế hệ khác, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng và ách tắc giao thông đô thị. Do đó, đề nghị các cấp có thẩm quyền cẩn trọng xem xét để tạo ra sự đồng thuận xã hội", ông Liên cho hay.

Phương án nào để giải tỏa nhu cầu bãi đỗ xe?

Ông Bùi Danh Liên đồng thời đề xuất một số phương án gỡ rối trước nhu cầu cần có chỗ đỗ xe:

Thứ nhất, tạo ra lối ra vào hầm đỗ xe về phía đường Trần Nhân Tông cạnh rạp xiếc Trung ương (hiện đang làm dịch vụ Quán xanh) hoặc làm bãi đỗ ngầm góc Trần Nhân Tông – Nguyễn Đình Chiểu.

Thứ hai, nếu có thể được, sử dụng dải đất ngoài bờ rào công viên phía bên tay trái cổng công viên dọc theo đường Trần Nhân Tông làm bãi đỗ xe thay vì phải làm bãi ngầm.

Thứ ba, tổ chức thi phương án sáng tạo để khai thác và đấu thầu diện tích 10.000 m2 ngầm của dự án khách sạn SAS làm khu vui chơi giải trí cho người dân, học sinh, sinh viên... bằng công nghệ cao.

Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chỉ rõ: Không thể coi đây là tận dụng đầu tư, nhằm tạo ra “nhóm lợi ích” cho một doanh nghiệp. ảnh: Diệu Linh.
Ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội chỉ rõ: Không thể coi đây là tận dụng đầu tư, nhằm tạo ra “nhóm lợi ích” cho một doanh nghiệp. ảnh: Diệu Linh.

Trên thực tế từ nhiều năm nay, các chuyên gia nghiên cứu về giao thông đô thị đã chỉ ra rằng, Hà Nội chỉ có 7% quỹ đất dành cho giao thông, trong khi nhiều quốc gia khác dành ra 15 - 20%.

Ông Liên chỉ rõ một số sự việc đã xảy ra: Bến xe Kim Liên cũ thành khách sạn Nikko; Bến xe Hà Đông cũ thành cao ốc; Đất kẹt giữa đường Đại Cồ Việt và đường Kim Liên có thể đỗ được hàng trăm xe được bán làm quán cà phê, Ngân hàng Bắc Á, bệnh viện tư nhân; Đầm hồ cạnh khách sạn Kim liên lại được cấp cho Tổng công ty Hàng Hải làm trụ sở; Bờ mương dọc đường Nguyễn Khánh Toàn được cống hóa lại lách luật làm nhà lắp ghép hai tầng để kinh doanh thương mại thay vì làm bãi đỗ xe.

Ông Liên cho rằng, ngoài chuyện giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đất, quỹ đất làm bãi đỗ xe, thành phố cần làm ngay những việc sau: "Tiếp tục cống hóa những kênh mương, quy hoạch và cho đấu thầu để làm bãi đỗ xe. Thí dụ, sông Kim Ngưu là sông cụt, có thể khảo sát lập quy hoạch cống hóa từng đoạn một (trừ khoảng trống để nạo vét) để làm bãi đỗ xe trên mặt sông, kêu gọi tư nhân đấu thầu thời gian 50 năm.

Thành phố cũng cần kiên quyết thu hồi những dự án nhiều năm không triển khai, không nộp tiền sử dụng đất của bất cứ tổ chức nào kể cả đất trước đây do các bộ, các ngành quản lý, bổ sung vào quỹ đất giao thông tĩnh, thí dụ như 10.000 m2 đất dành cho Nhà máy mì Sợi Chùa Bộc".

Ngọc Quang