Theo giới truyền thông Pháp ngày 2/7, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Đức và Italia đã họp tại Paris để thảo luận "biện pháp tiếp cận phối hợp" nhằm hỗ trợ Italia đối phó với làn sóng người di cư đang đổ về các cảng của nước này.
Cuộc họp có sự tham dự của Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề người di cư Dimitris Avramopoulos. Kể từ đầu năm đến nay, gần 77.000 người di cư đã đến Italia, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016.
Và 3 nước kể trên muốn tìm cách thức tốt nhất để hỗ trợ Italia giải quyết vấn đề người di cư.
Còn theo cảnh báo của Qũy Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), con số kỷ lục trẻ em di cư và tị nạn đi một mình trên các chuyến hành trình đến miền đất hứa, đã đặt chúng trước những nguy cơ bị lạm dụng, bị buôn bán.
Theo ước tính, cứ 3 trong số 5 trẻ em di cư hay tị nạn đến phía Bắc từ khu vực Trung Mỹ và Caribe là nạn nhân của những kẻ buôn người và Liên hợp quốc kêu gọi cần có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ chúng khỏi các nguy cơ này.
Trong diễn biến mới của bọn tội phạm, việc sử dụng mạng xã hội làm công cụ lừa đảo, đang trở thành một xu hướng mới ở nhiều khu vực trên thế giới.
Hiện tượng này đặc biệt nhức nhối trong năm 2016 và là một bài toán mà Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) đang nỗ lực tìm lời giải.
Facebook đang bị lợi dụng trở thành công cụ buôn người của bọn tội phạm (Ảnh minh họa chưa rõ nguồn). |
Trung tâm châu Âu chống buôn người di cư (EMSC) thuộc Europol công bố báo cáo cho biết đã nhận được thông tin về 1.150 tài khoản đáng ngờ trên các mạng xã hội trong năm ngoái, tăng mạnh so với 148 tài khoản ghi nhận năm 2015.
Những kẻ buôn người thường đăng tải hàng loạt dịch vụ "trọn gói" từ nhà ở, phương tiện vận chuyển cho đến việc làm giả giấy tờ tùy thân, thị thực nhập cảnh, giấy phép lao động và thậm chí dàn xếp hôn nhân giả mạo.
Những giao dịch trên mạng thường mang lại lợi nhuận cao cho những đối tượng này khi chi phí ban đầu chúng bỏ ra rất thấp, đồng thời thường gây khó khăn cho giới chức điều tra truy tìm dấu vết, bởi nó được thực hiện thông qua các tài khoản "ảo", dễ dàng "bốc hơi" chỉ trong một hoặc hai ngày.
Chưa dừng lại tại đó, các đối tượng phạm pháp còn "ngụy trang" dưới vỏ bọc của những người thuê nhà hoặc các trang web cung cấp ứng dụng thuê xe chung.
EMSC cho biết hầu hết những kẻ buôn người thực hiện hành vi quảng cáo trên mạng xuất phát từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên từ năm 2016, Europol cũng tìm thấy một số tài khoản được cho là có nguồn gốc từ một số quốc gia châu Âu khác.
Chúng cung cấp các giấy tờ giả mạo với chất lượng cao kèm lời hứa sẽ đưa người di cư đến "Lục địa Già" hoặc đến Bắc Mỹ qua ngả đường bộ, đường thủy, đường sắt hoặc thậm chí bằng đường hàng không.
Báo cáo của EMSC còn cho thấy phạm vi của những "dịch vụ" buôn người này đã được mở rộng đáng kể khi các đối tượng phạm tội bị tình nghi móc nối, hối lộ quan chức các đại sứ quán hay cơ quan lãnh sự ở châu Âu của các nước không thuộc Liên minh châu Âu (EU).
Theo một nguồn tin khác, nhiều quốc gia thành viên EU đang điều tra một số nhân viên thuộc cơ quan đại diện ngoại giao của nước thứ ba bị nghi ngờ nhận hối lộ từ mạng lưới buôn người nhập cư để đổi lấy thị thực vào EU. Tuy nhiên, Europol từ chối bình luận về các thông tin trên để tránh ảnh hưởng đến hoạt động điều tra đang diễn ra.
Trong khi đó, Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) cho biết thời gian qua, IMO đã phát hiện rất nhiều trường hợp người di cư đến Italy hay Hy Lạp có liên quan tới các giao dịch qua mạng xã hội, nhất là Facebook.
Những vụ kì án buôn người ở vùng cao: Bán cả phi đội đàn ông |
Một trong những khó khăn đối với việc giám sát là các hoạt động tội phạm trực tuyến có liên quan các khu vực địa lý khác nhau, do đó đòi hỏi giới chức điều tra phải nỗ lực hành động đồng bộ, xuyên biên giới.
Tuy vậy, có thể thấy, việc truy tìm dấu vết trên mạng xã hội để vạch trần bộ mặt thật của các đối tượng buôn người phần nào đã phát huy hiệu quả khi mới đây giới chức điều tra đã phát hiện và bắt giữ thành viên của một nhóm tội phạm có tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ đưa người nhập cư trái phép vào Slovenia trên một tàu chở hàng cùng 12 người di cư bất hợp pháp.
Tại Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ, đã bắt đầu xuất hiện một số hình thức lừa đảo, lợi dụng mạng xã hội như facebook, zalo, ola... để làm quen rồi tiến hành bán nạn nhân đi nước ngoài.
Nhiều thiếu nữ nhẹ dạ, cả tin vẫn tin vào những lời đường mật trên mạng xã hội để lãnh những hậu quả đáng tiếc.
Trong khi đó, một đại diện của Facebook tuyên bố bất kỳ ấn phẩm nào liên quan đến nạn buôn người đều trái với các tiêu chuẩn của cộng đồng Facebook và sẽ bị gỡ bỏ ngay khi đội ngũ quản lý trang mạng này phát hiện được.