Ngọn đèn 800 đêm không tắt trong nhà bà lão bị vu “giết con"

06/10/2011 05:36
Theo Pháp luật & Thời đại
Đã hơn 800 đêm, ngọn đèn dầu trong ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ngàn (SN 1944, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) không khi nào tắt.
Đã hơn 800 đêm, ngọn đèn dầu trong ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Ngàn (SN 1944, ngụ ấp Tân Hòa, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) không khi nào tắt. Đêm nào bà lão cũng chong đèn thâu đêm, chập chờn lúc tỉnh lúc mê mong đứa con gái trở về. Niềm tin con mình nhất định còn sống vẫn cháy trong lòng bà như ngọn đèn không tắt, bất chấp việc có lúc những người hàng xóm vu oan cho bà “giết con giấu xác” và kéo đến giật đổ nhà.



Vụ mất tích oan nghiệt
Về lại ấp Tân Hòa, hỏi những người dân nơi đây về vụ gây rối trật tự tại nhà bà Ngàn, không ai không biết. Mặc dù sự việc đã xảy ra cách đây 2 năm nhưng đến tận bây giờ họ vẫn nhớ như in diễn biến cái đêm “ chất động cả xã” này. Anh Tân, một người hàng xóm của bà Ngàn nhanh miệng: “Bây giờ bả tội nghiệp lắm. Nhà cửa thì đóng suốt ngày, không dám qua lại với ai hết ”.
Tìm đến nhà bà Ngàn, trước mắt tôi là hình ảnh một bà lão gầy còm với từng bước đi dò dẫm. Bà nhìn tôi với ánh mắt đầy dò xét. Khi tôi giới thiệu mình là phóng viên, bà mới niềm nở mở cửa mời tôi vào. Bà từ tốn giải thích: “Chú thông cảm, bây giờ tôi sống có 1 mình nên cái gì cũng phải cẩn thận, sợ  mấy đứa nó vào gây chuyện một lần nữa”.
Ngồi trên cái ghế ghép từ khúc cây, chân khập khễnh do bị hư hại trong đêm kinh hoàng đó, bà Ngàn hồi nhớ về cái ngày đầu tiên bà gặp Nguyễn Thị Trâm (SN 1993) đứa con nuôi của bà. Năm 1999, sang nhà hàng xóm chơi, bà Ngàn tình cờ thấy Trâm đang ngồi khóc nức nở với tấm thân lem luốc.

Qua tìm hiểu, bà biết ba mẹ Trâm ở Thoại Sơn (An Giang) mang em lên đây bán để sinh sống. Không kiềm chế được lòng mình, bà về nhà bán đi một mảnh đất để có tiền nhận nuôi Trâm. Khi đó Trâm vưa tròn 6 tuổi. Tuy trên giấy tờ, bà Ngàn là mẹ nhưng trong cuộc sống, bà luôn coi Trâm như cháu nội của mình.
Tất tả sớm hôm để lo cho cả gia đình với mớ ve chai oằn gánh nhưng chưa bao giờ bà Ngàn tỏ thái độ khó chịu với Trâm, mà ngược lại, bà hết mực thương yêu Trâm như cháu ruột của mình. Thế nhưng vào ngày 19/03/2009, Trâm đột ngột mất tích trong sự sững sờ, lo lắng của bà. Bao nhiêu đồ đạc, tư trang của Trâm cũng bất ngờ “không cánh mà bay”. Sau vài ngày lặn lội đi tìm nhưng vẫn không thấy, bà Ngàn quyết định đến công an xã trình báo.
Chính bà Ngàn cũng không thể ngờ, sự mất tích bí ẩn của Trâm đã để lại một tấn bi kịch cho gia đình bà kéo dài suốt hơn 800 ngày qua. Vài ngày sau vụ mất tích, con song trước nhà bà Ngàn bỗng bốc mùi hôi thối làm một số người xấu bụng thêu dệt và cho rằng “bà Ngàn đã giết chết con và vứt xác xuống sông”. Một bà thầy bói tiếp tục phán: “Chồng bà cùng 2 người con trai đã thay nhau cưỡng hiếp cô gái, sau đó giết chết và chon luôn ở nhà bếp, giáp ranh chuồng heo”. Nghe lời… thầy bói, từ đó mỗi ngày, hàng chục người dân tìm đến nhà bà Ngàn la ó, chửi bới. Bà Ngàn bồi hồi nhớ lại: “Có người còn đem tỏi, nhang đến trước nhà tôi lập đàn làm phép để kêu hồn Trâm về”.
Đêm kinh hoàng
Bi kịch chưa dừng lại ở đó, tối ngày 2/6/2009, trong khi bà Ngàn đang ngủ, bất chợt nghe một tiếng nổ rất lớn do bị ném bom xăng vào nhà làm mọi người sợ hãi nhảy dựng. Từ tong nhà, bà nhìn thấy mấy trăm người đang bu chặt kín cả sân nhà, la ó om sòm. Chưa kịp hoàn hồn xem chuyện gì đang xảy ra, bỗng nhìn sang bên hông nhà, bà nhìn thấy rất nhiều người đang dùng cuốc hì hục xới tung cả mảnh đất trong tiếng hô hào vang trời
Lúc này các con bà Ngàn vội vàng đóng chặt các chốt cửa, cố thủ bên trong. Do không đuổi được gia đình bà Ngàn ra khỏi nhà để tiến hành đào xới bên trong nên một đối tượng liền vác đá ghè cửa khiến khung sắt bung ra rồi ồ ạt leo vào.
Bà Ngàn không kìm được nước mắt: “Lúc đó, tôi sợ quá, chỉ biết chui rút xuống gầm giường mà khóc nức nở. Một vài đứa lấy đèn pin pha vào nhà tìm thằng con tôi rồi hăm dọa chém chết. Nghe vậy tôi sợ quá, bò ra quỳ lạy, năn nỉ tụi nó. Dù tôi đã nói hết lời là gia đình tôi không giết con tram nhưng tụi nó vẫn không chịu tin mà tiếp tục chửi bới, đạp phá, đào khắp nhà”.
Mặc dù công an đã vào cuộc, ra sức cản ngăn nhưng vẫn không ngay lập tức dập được sự quá khích của người dân. Sau 4 tiếng cật lực đào nát cả mảnh đất nhà bà Ngàn cũng không tìm thấy chứng cứ của vụ “giết người giấu xác”, mọi người mới ra về, trật tự mới dần dần ổn định. Bà Ngàn ngậm ngùi nhớ lại: “Sau đêm đó, công an cứ thay nhau canh gác trước nhà để bảo vệ gia đình tôi gần một tuần, sợ mọi người kéo đến gây chuyện lần nữa. Rồi cũng nhờ mấy chị em trong hội phụ nữ qua phụ tôi cả tháng trời dọn dẹp lại nhà cửa. Nhà có gần 50 cái lu nhưng bị đạp vỡ chỉ còn lại 2 cái. Mền mùng thì bị cháy hết, không có gì để đắp ”.
Sau khi tiến hành điều tra, công an đã tìm ra kẻ chủ mưu vụ gây rối này chính là bà Điệp, một người hàng xóm. Do ngày xưa hai gia đình từng có xích mích nhỏ trong vụ tranh chấp ao cá nên bà Điệp lợi dụng cơ hội này để trả thù bà Ngàn. Dù công an bắt buộc gia đình bà Điệp trả số tiền tổn thất hư hại trong nhà bà Ngàn hơn 60 triệu, nhưng cho đến nay gia đình bà Điệp vẫn chưa đưa một đồng, ngược lại còn chửi bới bà suốt ngày. Bà Ngàn nước mắt giàn giụa tâm sự: “Chồng con Điệp ngày nào cũng nhậu, nhậu xong là chửi đổng qua đây um sùm, trách tôi hại vợ nó vô tù”.
Nỗi đau nhân đôi
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, công an đã mở cuộc điều tra, khẩn trương đi tìm tung tích em Trâm. Được biết trước khi mất tích, Trâm đã bán đôi bông tai và chiếc nhẫn tại một tiệm vàng chợ Tân Hòa, sau đó không về nhà, chứ không phải do gia đình bà Ngàn “giết người lấy vàng” như người dân bàn tán. Về nguyên nhân con sông bốc mùi hôi thối, theo ông Nguyễn Văn Sáu (công an ấp Tân Hòa): “Con sông này thường xuyên bị người dân vứt rác và xác động vật bừa bãi, nên việc bốc mùi hôi thối là chuyện thường xuyên xảy ra”.
Sau cái đêm kinh hoàng đó, bà Ngàn lên cơn tai biến, khả năng vận động kém đi. Giờ đây làm gì bà cũng phải dùng cả hai tay mới có thể cầm nắm. Con cái bà đều đã lập gia đình, chồng bà cũng vừa bị chém do hàng xóm lấn đất sai trái mà không chịu bồi thường.

Ông kêu bà cùng về mảnh đất ở trong vườn, nhưng bà không nỡ bỏ đi vì bà “sợ con Trâm ngày nào về bất chợt không thấy”. Nên giờ đây chỉ còn lại một mình bà trong ngôi nhà hoang vu, ảm đạm này. Bao nhiêu vết hỏng vủa vụ tấn công năm nào vẫn còn đó do bà không đủ tiền để sắm sửa cái mới, chỉ còn cách chắp vá lại sử dụng.
Dù vụ việc đã xảy ra hơn 2 năm, nhưng với bà Ngàn, đó là một nỗi ám ảnh không bao giờ có thể xóa bỏ. Tôi hỏi bà có sợ không khi một số đối tượng trong đêm gây rối đó sắp mãn hạn tù? Bà gạt dòng nước mắt chia sẻ: “Sợ chứ sao không sợ chú. Nếu nó tội nghiệp bà lão này thì khỏe, còn không thì đành chịu trận chứ biết làm sao bây giờ”.
Theo Pháp luật & Thời đại