Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938

25/06/2018 06:31
Đại tá Đặng Việt Thuỷ
(GDVN) - Có thể nói trận Bạch Đằng năm 938 là trận quyết chiến chiến lược lớn nhất, có ý nghĩa to lớn nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam từ thế kỷ X về trước.

LTS: Nhân kỷ niệm 1080 năm chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Đại tá Đặng Việt Thuỷ, người chuyên nghiên cứu về lịch sử và nghệ thuật quân sự Việt Nam chia sẻ bài viết này.

Toà soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Cách đây tròn 1080 năm, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nam Hán lần thứ hai (năm 938), trận Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy là trận quyết chiến chiến lược, là cuộc đọ sức quyết liệt giữa dân tộc ta và giặc Nam Hán.

Đây là trận phục kích đường sông, có những nét rất độc đáo và có ý nghĩa to lớn trên nhiều lĩnh vực.

Bạch Đằng là một dòng sông không dài lắm, khoảng hơn 20 km tính từ thượng lưu nối với sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. 

Phía trên, sông Bạch Đằng tiếp nước sông Đá Bạc từ sông Lục Đầu qua sông Kinh Thầy đổ xuống và các dòng nước sông Gia Đước, sông Thải, sông Giá bên hữu ngạn, sông Khoai, sông Xinh bên tả ngạn đổ về.

Từ đó, dòng sông mở rộng đưa nước ra biển qua cửa Nam Triệu và các chi lưu vốn xưa là lạch thoát triều, như sông Chanh, sông Kênh (cửa sông này đã bị lấp), sông Nam (hay sông Rút).

Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa to lớn trong lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh mang tính minh hoạ: Vietnamtrongtoi.net
Chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 có ý nghĩa to lớn trong lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh mang tính minh hoạ: Vietnamtrongtoi.net

Thượng lưu và trung lưu sông Bạch Đằng chảy giữa hai huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Yên Hưng (Quảng Ninh).

Cửa Nam Triệu nằm giữa đảo Cát Hải và Vũ Yên - Đình Vũ (Hải Phòng) ngày nay.

Do gần biển, nước sông Bạch Đằng lên xuống theo thủy triều.

Lúc triều dâng, mặt sông mênh mông trải rộng đôi bờ đến vài km.

Lòng sông khá sâu, trung bình khoảng 8 - 11 mét, có chỗ sâu đến 16 mét và cửa sông giáp biển cũng sâu 13 - 14 mét.

Độ chênh lệch giữa mức nước lên cao nhất và mức nước xuống thấp nhất vào kỳ nước cường khoảng 2,5 - 3,2 mét và vào kỳ nước kém khoảng 0,5 - 1 mét.

Về phương diện giao thông, sông Bạch Đằng giữ một vị trí quan trọng trong hệ thống các đường thủy vùng Đông Bắc nước ta.

Đặc biệt, cửa sông Bạch Đằng là một trong những cửa biển nhìn ra vịnh Bắc Bộ và nối liền với con đường biển trọng yếu giữa nước ta và Trung Quốc.

Đó là con đường ven biển từ cửa biển Bạch Đằng đến cửa biển Khâm, Liêm (Quảng Đông, Trung Quốc).

Phía trong là bờ biển, phía ngoài là một loạt các đảo lớn nhỏ của vịnh Hạ Long và Bái Tử Long ngăn cách với biển cả, tạo thành một dải nước khá yên lặng rất thuận lợi cho sự đi lại của các tàu thuyền ngày xưa chạy bằng buồm và mái chèo.

Do vị trí giao thông đường thủy của nó, sông Bạch Đằng và cửa biển Bạch Đằng trước hết là một trục giao lưu kinh tế - văn hóa ở trong nước cũng như giữa trong nước và ngoài nước.

Trong thời Bắc thuộc, nhiều thuyền buôn Trung Quốc từ Quảng Châu đã theo con đường ven biển qua cửa biển Bạch Đằng để buôn bán với Giao Châu. 

Nhưng mặt khác, kẻ thù xâm lược, trong thời cổ đại và trung đại chủ yếu là các đế chế phong kiến phương Bắc, cũng lợi dụng sông Bạch Đằng như con đường xâm lược thuận tiện nhất về mặt đường thủy.

Từ các bến cảng Khâm, Liêm (Quảng Đông), thủy quân có thể vượt qua vịnh Bắc Bộ nếu có gió thuận hoặc theo đường ven biển vào cửa Bạch Đằng rồi ngược sông Bạch Đằng lên sông Lục Đầu.

Quân bộ có thể hành quân theo đường ven biển vịnh Bắc Bộ hoặc có thể từ Quảng Tây theo các đường bộ tiến sang và hội quân với quân thủy ở vùng Lục Đầu.

Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 ảnh 2Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288

Cửa sông Bạch Đằng có một vị trí chiến lược về quân sự đặc biệt quan trọng và xung yếu.

Năm 931, cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lược lần thứ nhất dưới sự lãnh đạo của Dương Đình Nghệ thắng lợi.

Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, tiếp tục sự nghiệp của của họ Khúc, lo củng cố chính quyền tự chủ vừa giành lại được.

Năm 937, Dương Đình Nghệ bị người nha tướng là Kiều Công Tiễn, hào trưởng đất Phong Châu giết hại để đoạt chức Tiết độ sứ.

Hành động đó đã gây nên sự phẫn nộ của các tầng lớp quân, dân.

Từ châu Ái (Thanh Hóa), Ngô Quyền là tướng và là con rể của Dương Đình Nghệ, sửa soạn tiến quân ra bắc diệt trừ tên phản bội.

Trước sự căm ghét và phản kháng của nhân dân cả nước, Kiều Công Tiễn lo sợ, tự thấy thế cô lực yếu, đã đê hèn cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán.

Đây là dịp tốt để vua Nam Hán thực hiện âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa.

Ngô Quyền (897-944) người làng Cam Lâm (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Thành phố Hà Nội), là một làng quê rất giàu truyền thống yêu nước và có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc trong cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ chống giặc phương Bắc.

Cha Ngô Quyền là Ngô Mân từng giữ chức Châu mục bản châu (châu Đường Lâm).

Ngô Quyền sớm tỏ rõ chí khí phi thường hiếm thấy. Vốn thông minh, có thân thể cường tráng, lại thường xuyên luyện tập võ nghệ nên tiếng tăm Ngô Quyền lan rộng cả một vùng.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư mô tả Ngô Quyền "vẻ khôi ngô, mắt sáng như chớp, dáng đi như cọp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc, giơ cao".

Ngô Quyền đã theo Dương Đình Nghệ đánh thành Đại La, cướp chính quyền, sau đó lại đánh thắng quân xâm lược Nam Hán do Trần Bảo chỉ huy, bảo vệ được chủ quyền dân tộc.

Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 ảnh 3"Dùng người tài, hướng lòng dân một dạ không lìa để xây thành giữ nước"

Vì có tài nên Dương Đình Nghệ giao cho Ngô Quyền cai quản đất Ái Châu và gả con gái cho.

Trong 5 năm (934-938), Ngô Quyền đã đem lại yên vui cho đất Ái Châu, tỏ rõ là người có tài đức.

Khi được tin tên phản phúc Kiều Công Tiễn ám hại chủ tướng và cũng là bố vợ của mình là Dương Đình Nghệ, đoạt quyền Tiết độ sứ cùng với hành động phản trắc đê hèn cầu ngoại viện của hắn, Ngô Quyền đã nhanh chóng tập hợp lực lượng từ Ái Châu kéo ra Giao Châu diệt trừ nội phản, tiếp tục sự nghiệp giữ vững nền tự chủ còn dang dở của họ Dương.

Từng hâm mộ tài đức của Ngô Quyền, hào trưởng từ nhiều nơi đem binh về với ông.

Ngoài những lực lượng quân sự đó, quần chúng nhân dân lúc nào cũng là lực lượng đông đảo nhất và nhiệt thành nhất tham gia đánh giặc bảo vệ đất nước.

Tất cả các lực lượng đã nhanh chóng tập hợp dưới trướng của Ngô Quyền và Ngô Quyền lúc này đã trở thành vị thủ lĩnh tối cao với một lực lượng quân sĩ khá hùng mạnh, có mặt ở khắp các vùng từ châu Ái vào châu Hoan ra tới tận châu Giao, khiến lực lượng của Kiều Công Tiễn ở Đại La càng trở nên bị cô lập và hoàn toàn bất lợi.

Khi đã tập hợp xong lực lượng và nhận thấy nguy cơ xâm lược của nhà Nam Hán đã đến gần, vào tháng 9 năm Mậu Tuất (10 - 938), Ngô Quyền cho quân tiến từ châu Ái ra Đại La khí thế như vũ bão, diệt trừ tên phản bội Kiều Công Tiễn, bêu đầu hắn trước cổng thành.

Thù trong đã diệt xong, Ngô Quyền rảnh tay đối phó với giặc ngoài là quân Nam Hán.

Về phía nhà Nam Hán, được tin cầu cứu của Kiều Công Tiễn, vua Nam Hán là Lưu Cung cho đây là cơ hội đặc biệt thuận lợi, nên đã họp triều thần bàn mưu tính kế.

Vấn đề mà vua Nam Hán cần đưa ra bàn định trong triều là bằng cách nào để có thể chiếm được Giao Châu nhanh gọn nhất, vì trận thất bại cách đó 7 năm (năm 931) vẫn còn là bài học nhớ đời.

Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 ảnh 4Danh tướng Trần Khánh Dư với chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288

Sùng văn sứ là Tiêu Ích, một viên quan có địa vị cao trong triều, là người am hiểu tường tận về tình hình Giao Châu lúc đó, đã bày tỏ sự khó khăn và khuyên nhủ vua Nam Hán rằng:

"Hiện nay mưa dầm mấy tuần, mà đường biển thì hiểm trở xa xôi, Ngô Quyền là người kiệt hiệt chớ nên khinh xuất.

Đại quân đi phải nên cẩn thận chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi mới nên tiến" (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, H.1972, trang 146).

Nhưng vì cơ hội tái chiếm Giao Châu đã đến gần nên vua Nam Hán đã không thèm đếm xỉa gì tới lời bàn lợi hại đó của Tiêu Ích và một số triều thần, mà vẫn tự mình chuẩn bị một kế hoạch xuất quân sang Giao Châu để nhanh chóng thực hiện mưu đồ nung nấu từ lâu. 

Lần xuất quân lần này, vua Nam Hán đã có kinh nghiệm hơn.

Nam Hán đã tận dụng thế mạnh của mình là binh thuyền và đi theo đường biển từ Quảng Đông sang.

Người được vua Nam Hán Lưu Cung giao trọng trách chỉ huy đội quân đánh chiếm Giao Châu lần này chính là con trai mình, Vạn Vương Hoằng Tháo (có sách chép là Hoàng Thao, Hoành Thao).

Trước khi xuất quân, vua Nam Hán đã đổi tước phong cho Hoằng Tháo từ Vạn Vương sang làm Nam Giao Vương với kỳ vọng rằng, nếu chiếm được Giao Châu sẽ lấy Giao Châu làm nơi phong thực ấp cho con.

Không những thế, chính bản thân vua Nam Hán còn đích thân dẫn đầu một đạo quân ra đóng ở trấn Hải Môn (huyện Bác Bạch, Quảng Đông) sát biên giới, làm kế thanh viện, kịp thời yểm trợ cho Hoằng Tháo.

Với kế hoạch như vậy, cộng với sự tin tưởng là đã có Kiều Công Tiễn làm nội ứng, khi quân Nam Hán tới nơi thì hai bên hợp đồng tác chiến, thực hiện kế "nội công ngoại kích", nhanh chóng đánh chiếm đất nước ta.

Cuộc chiến tranh quy mô lớn và mang đầy tham vọng đó của nhà Nam Hán được che đậy dưới chiêu bài "cứu giúp" Kiều Công Tiễn.

Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 ảnh 5Nghệ thuật trong bang giao quốc phòng của tổ tiên ta

Quân đội Nam Hán đã dày dạn trong chiến tranh ở vùng Hoa Nam và trong cuộc đàn áp các phong trào chống đối của các "Man trại" ở  vùng Quảng Đông và Quảng Tây.

Từ khi lên ngôi hoàng đế, Lưu Cung càng lo củng cố và tăng cường quân đội của mình để chờ dịp bành trướng xuống phía Nam.

Như vậy, Hoằng Tháo vừa được sự tiếp ứng của vua cha Lưu Cung phía sau, vừa có lực lượng nội ứng của bọn phản bội Kiều Công Tiễn ở ngay trong nước ta.

Lúc đó, Kiều Công Tiễn đang cố gắng cố thủ ở thành Đại La để chờ quân cứu viện nhà Nam Hán.

Việc Ngô Quyền đã nhanh chóng ra tay diệt trừ tên phản bội Kiều Công Tiễn trước khi quân Nam Hán kéo vào nước ta đã làm cho quân giặc hoàn toàn bị bất ngờ.

Thành công này của Ngô Quyền đã làm thất bại ngay từ đầu âm mưu dùng nội ứng của địch, vừa tạo ra thế chủ động cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta.

Bấy giờ, Hoằng Tháo đã được lệnh chỉ huy đạo thủy quân tiến vào sông Bạch Đằng.

Trước tình hình đó, tại thành Đại La, Ngô Quyền họp các tướng bàn rằng:

"Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi.

Quân ta sức còn mạnh địch với quân mỏi mệt, tất phá được. Song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được.

Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta dễ bề chế ngự.

Không kế gì hơn kế ấy cả" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Sđd, tr.146).

Tướng sĩ nghe nói ai cũng vui mừng, tin rằng chắc thắng. Nhận định của Ngô Quyền chứng tỏ ông là một vị tướng biết địch biết ta.

Ông đã nắm vững và phản ánh đúng tình hình địch, cho rằng quân giặc tuy đông, vũ khí, trang bị mạnh, nhất là các thuyền chiến lớn, nhưng cũng có nhiều hạn chế.

Điểm yếu chí tử của chúng là tướng giặc (Lưu Hoằng Tháo) còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trận mạc, kiêu ngạo, chủ quan khinh địch.

Dưới mắt ông "Hoằng Tháo chỉ là một đứa trẻ dại" mà thôi. Quân địch từ xa đến, địa hình xa lạ, hiểm trở, còn mệt mỏi, lại mất kẻ nội ứng, tinh thần yếu kém.

Trong khi đó khí thế quân ta đang mạnh, lại làm chủ địa hình và biết đánh.

Đó chính là điều kiện dẫn tới sự tất thắng của quân ta, sự bại vong không thể tránh khỏi của địch.

Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 ảnh 6Vua Lê Đại Hành với việc xây dựng và bảo vệ đất nước

Ngô Quyền cũng chỉ ra cái lợi thế của địch chính là việc chúng có thuyền chiến mạnh, nếu ta chủ quan không phòng bị chu đáo thì kết cục thắng hay bại của cuộc kháng chiến chưa thể lường trước được.

Nam Hán không phải là một triều đại lớn ở Trung Quốc.

Quân đội Nam Hán tuy đã từng trải chiến tranh, nhưng cũng từng nếm mùi thất bại trong lần xâm lược năm 931, nay lại tổ chức một cuộc chiến tranh mới trong điều kiện đầy khó khăn.

Tất nhiên, rút kinh nghiệm lần trước và để giành thắng lợi trong lần này, quân Nam Hán đã phát huy thế mạnh, sử dụng những thuyền chiến vừa to vừa chắc chắn, có trang bị đầy đủ và có khả năng chiến đấu trên sông biển.

Từ hàng ngàn năm, Quảng Châu là một trung tâm thương mại lớn, có nhiều thuyền buôn trên biển.

Nam Hán có thủy quân mạnh và quân đội của họ đã trải qua kinh nghiệm trận mạc.

Lực lượng chiến đấu của thủy quân hầu hết là những người đã từng làm nghề đánh cá, làm muối, những thủy thủ và bọn cướp biển - những người lính đã được huấn luyện chu đáo vì mục đích chinh phục và ăn cướp.

Vũ khí trang bị là bạch binh, ngoài câu liêm, móc treo, gươm giáo và áo giáp, còn có nhiều cung nỏ.

Nỏ có nhiều loại, trong đó có nỏ nặng với hiệu suất chiến đấu cao và được trang bị tối đa.

Quân Nam Hán rất giỏi sử dụng nỏ, sử Trung Quốc gọi họ là đội quân "Thần nổ".

Những điều đó, Ngô Quyền đều biết và ông đánh giá cao những lợi thế về thuyền và khả năng thủy chiến của giặc.

Sử cũ không cho biết rõ lực lượng cụ thể của địch, của ta trong cuộc chiến tranh là bao nhiêu.

Tuy nhiên, qua lời bình của sử gia Lê Văn Hưu về cuộc kháng chiến chống Nam Hán của sách Đại Việt sử ký toàn thưcòn ghi lại:

"Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương...", thì có thể thấy được tương quan lực lượng giữa ta và địch là rất chênh lệch.

Quân đội của Ngô Quyền lúc này tuy không hùng hậu lắm về số lượng nhưng là đội quân được trưởng thành trong cuộc chiến tranh vệ quốc, có lòng yêu nước cao độ, có kỷ luật nghiêm minh, mưu trí, gan dạ và dũng cảm.

Họ đã từng theo Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền chiến đấu trong trận vây đánh thành Đại La, đuổi Thứ sử Lý Tiến, giết Thừa chỉ Trần Bảo vào năm 931 và đặc biệt họ cũng vừa cùng chủ tướng của mình tham gia trừng trị tội nghịch thần, phản chủ, phản quốc của Kiều Công Tiễn, nên khí thế ra trận của họ rất hăng hái, mãnh liệt.

Quân đội của Ngô Quyền còn có quân của các tướng, các hào kiệt địa phương đến tụ hội và các đội dân binh do các làng xã tổ chức để chống giặc ngoại xâm.

Tuy nhiên, về mặt vũ khí, chiến thuyền còn nhiều hạn chế so với quân Nam Hán.

Trước họa xâm lăng, bên cạnh lực lượng quân đội do Ngô Quyền thống lĩnh, có những đội dân binh ở các làng xã theo tiếng gọi cứu nước đã được tổ chức đội ngũ sẵn sàng tham gia kháng chiến.

Trong quá trình gấp rút chuẩn bị đánh giặc, Ngô Quyền đã đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng thủy quân, cho sửa chữa, đóng mới và huy động nhiều thuyền phục vụ quân đội.

Có thể lúc đó quân đội của Ngô Quyền đã dùng nhiều loại thuyền, trong đó có thuyền "mông đồng" mà sử sách thường nói tới.

Thuyền "mông đồng" theo Đại Việt sử ký toàn thưghi thì, "mỗi thuyền có 25 chiến thủ, 23 tay chèo, thuyền chèo ngược xuôi nhanh như gió", là loại thuyền hẹp và dài, có hai đáy, lớn nhỏ khác nhau, rất tiện sử dụng trong chiến đấu.

Xét trên góc độ tiềm lực vật chất, trang bị quân sự thì có thể quân ta còn thua kém quân giặc.

Song sức mạnh chiến đấu của quân đội mỗi bên tham chiến ngoài nhân tố tiềm lực vật chất - kỹ thuật, còn được tạo nên bởi các nhân tố khác như chế độ chính trị của đất nước, tinh thần chiến đấu của quân đội, tài thao lược của tướng lĩnh, những điều kiện thiên nhiên thuận lợi... hoặc theo cách nói của người xưa là các nhân tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa".

Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938 ảnh 7Mười điểm nổi bật về thiên tài quân sự của Hoàng đế Quang Trung

Nếu đem so sánh tương quan giữa địch và ta về các mặt thì quân ta mạnh hơn quân Nam Hán xâm lược.

Chính vì vậy, Ngô Quyền đã khẳng định quân địch sẽ "dễ bề chế ngự" và "tất phá được".

Từ phân tích, đánh giá tình hình một cách chính xác tương quan lực lượng giữa ta và địch, thấy mặt mạnh của địch và mặt hạn chế của ta, đồng thời lại thấy rõ mặt yếu chí mạng của địch và mặt mạnh cơ bản của ta mà ở đây, trong cuộc chiến đấu sắp tới, những nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa và tài thao lược của tướng lĩnh lại là những nhân tố hợp thành nguyên nhân quyết định sự thành công hay thất bại của mỗi bên tham chiến, Ngô Quyền đi đến xác định mưu lược đánh bại cuộc tiến công xâm lược của địch bằng kế tổ chức một trận đánh lớn tiêu diệt đạo binh thuyền giặc ngay tại vùng cửa sông Bạch Đằng, nơi chúng tất phải đi qua để có thể tiến vào nội địa nước ta.

Trong lời bàn với các tướng, Ngô Quyền đã đề xuất kế sách đánh thủy quân giặc là sai người đem cọc lớn vạt nhọn đầu bịt sắt đóng ngầm trước ở cửa sông và lợi dụng quy luật lên xuống của thủy triều để chế ngự thuyền giặc, không cho chúng chạy thoát.

Đó chính là mưu lược phản công với quyết tâm đánh thắng giặc ngay khi chúng vừa xâm phạm đến bờ cõi nước ta, nhanh chóng giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến bằng trận phản công, kết hợp giữa phục kích và vận động chiến nhằm tiêu diệt gọn đạo quân xâm lược ngay từ cửa ngõ Tổ quốc.

Qua mưu lược chống giặc mà Ngô Quyền đã bàn với các tướng có thể thấy được mục đích của trận đánh là nhằm tiêu diệt toàn bộ binh thuyền lớn do Hoằng Tháo chỉ huy khi chúng vượt biển tới vùng cửa sông Bạch Đằng.

Đạo binh thuyền lớn của Hoằng Tháo là đạo quân xâm lược đi đầu, đạo quân chủ lực của địch.

Còn đạo quân do Lưu Cung trực tiếp chỉ huy đóng ở trấn Hải Môn là đội quân tiếp sau, thê đội hai, lực lượng dự bị của địch.

Nếu Hoằng Tháo tiến sang thuận lợi, hoặc chỉ bị quân ta chặn đánh tiêu hao, nhưng vẫn tiếp tục tiến sâu được vào nội địa nước ta, thì đội quân dự bị của Lưu Cung ắt sẽ tràn sang tăng cường để đè bẹp lực lượng kháng chiến.

Nhưng nếu đội quân Hoằng Tháo bị ta chặn đánh tiêu diệt gọn một cách nhanh chóng thì đạo quân Lưu Cung sẽ không kịp sang tăng viện, mà chỉ còn cách duy nhất là hạ cờ rút lui để bảo toàn tính mạng.

Do vậy, một khi thực hiện được mục đích trận đánh là nhanh chóng tiêu diệt gọn đạo binh thuyền Hoằng Tháo khi chúng vừa tiến vào cửa sông Bạch Đằng, làm cho Lưu Cung kinh hoàng khiếp sợ, buộc phải rút quân về, thì đã đạt được mục đích chiến lược của cuộc kháng chiến: tiêu diệt lực lượng quân địch, làm tan rã ý chí xâm lược của nhà Nam Hán, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh giữ nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền của dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Qua lời Ngô Quyền định kế chống giặc trên, có thể thấy rõ một số điểm thuộc cách đánh trong trận quyết chiến này như sau:

Về đối tượng tác chiến: toàn bộ đoàn binh thuyền lớn của địch do Hoằng Tháo chỉ huy, gồm hàng vạn quân với hàng trăm thuyền chiến cỡ lớn.

Về địa bàn tác chiến: Ngô Quyền chọn một cửa sông mà khả năng quân địch sẽ tiến vào để bố trí trận địa mai phục, đó là cửa sông Bạch Đằng, nơi có địa thế hiểm trở có thể bố trí một trận thủy chiến.

Về cách đánh: Ngô Quyền chủ trương bố trí trận địa mai phục với những cọc gỗ bịt sắt nhọn đóng ngầm dưới nước để cản phá thuyền giặc, kết hợp giữa vận động tiến công và mai phục, đợi khi nước triều lên sẽ khiêu chiến nhử địch vào trận địa cọc ngầm rồi tiến công tiêu diệt chúng khi nước triều xuống.

Về sử dụng lực lượng: Lực lượng chiến đấu sẽ có hai bộ phận: một lực lượng với những chiến thuyền nhỏ và nhẹ, cơ động nhanh có nhiệm vụ khiêu chiến, nhử địch; bộ phận chủ lực gồm phần lớn quân thủy bộ bố trí mai phục để tiến công tiêu diệt khi chúng đã lọt vào trận địa cọc ngầm.

Quân đội chủ lực của Ngô Quyền sửa soạn chiến đấu trong sự phối hợp với các đội dân binh của các làng xã và sự tham gia phục vụ chiến đấu của nhân dân trong vùng.

Theo thần tích, truyền thuyết dân gian và gia phả họ Dương ở làng Ràng (Dương Xá, Thiệu Hóa, Thanh Hóa), ngoài Ngô Quyền là vị chỉ huy tối cao, tham gia trận quyết chiến này còn có các tướng Ngô Xương Văn (con cả Ngô Quyền), Dương Tam Kha (con Dương Đình Nghệ, em vợ Ngô Quyền), Đỗ Cảnh Thạc (hào trưởng Đỗ Động)...

Sau khi đánh tan bọn phản bội Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền và bộ tham mưu tiến quân về vùng biển Đông Bắc cùng nhân dân địa phương chuẩn bị thế trận đón đánh quân Nam Hán.

Vùng sông Bạch Đằng, nơi Ngô Quyền chọn làm chiến trường quyết chiến là một vùng địa lý quan trọng, là cửa ngõ phía Đông Bắc và là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta.

Theo cửa Nam Triệu vào Bạch Đằng, địch có thể ngược mãi lên và tiến đến thành Cổ Loa hoặc thành Đại La hoàn toàn bằng đường sông.

Cửa biển Bạch Đằng to rộng, rút nước từ vùng Đông Bắc Bắc Bộ đổ ra vịnh Hạ Long.

Từ cửa biển ngược lên gần 20km là đến cửa sông Chanh.

Phía hữu ngạn có dãy núi đá vôi Tràng Kênh với nhiều hang động, sông lạch và thung lũng hiểm trở.

Trước cửa sông Bạch Đằng, về phía Bắc là những đảo nhỏ từ vịnh Hạ Long kéo tới.

Thuyền từ biển vào sông, len qua vùng quần đảo này khi gặp sóng to gió mạnh vẫn bảo đảm an toàn.

Hai bên bờ sông, nay là đồng ruộng và xóm làng nhưng xưa kia còn nhiều cánh rừng rậm, cây cối um tùm che lấp bờ sông, thuận lợi cho quân ta che giấu, mai phục lực lượng, hạ lưu sông chịu ảnh hưởng của thủy triều khá mạnh.

Lúc triều dâng, nước trải đôi bờ đến vài ki lô mét . Với cơ chế nhật triều, thời gian từ lúc nước triều lên cho đến lúc xuống thấp nhất chỉ trong vòng một ngày.

Ngô Quyền đã khẩn trương xây dựng một thế trận mai phục lợi hại để chủ động phá giặc, huy động quân dân vào rừng đẵn gỗ, vót nhọn, bịt sắt rồi cho đóng xuống dòng sông thành hàng dài, tạo nên một bãi cọc, một bãi chướng ngại dày đặc ở hai bên cửa sông.

Khi nước triều lên mênh mông thì cả bãi cọc ngập chìm, khi triều xuống thì hàng cọc nhô lên cản trở thuyền qua lại. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Định kế rồi, (Ngô Quyền) mới cho đóng cọc ở hai bên cửa biển".

Để bố trí được bãi cọc trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền đã khéo chọn những người giỏi địa lý trực tiếp theo dõi và tìm hiểu trong dân nắm chắc quy luật (thời điểm, mức độ, tốc độ) thủy triều lên, xuống hàng ngày và vị trí thuận lợi để đóng cọc.

Nhờ huy động được lực lượng quân, dân nên chỉ trong thời gian ngắn, hàng nghìn cây gỗ lim, sến đầu vạt nhọn, bịt sắt đã được bí mật cắm xuống lòng sông, thành những hàng dài chắc chắn, đầu cọc hướng chếch về phía nguồn.

Khi triểu rút, các hàng cọc mới phơi ra, còn lúc sáng sớm nước đang mênh mông thì thuyền lớn qua lại ven hai bờ vẫn như không.

Trận địa cọc được tiến hành rất gấp rút và chỉ trong khoảng thời gian hơn một tháng là mọi việc đã hoàn thành.

Trận địa cọc ngầm là một nét độc đáo, sáng tạo của nghệ thuật thủy chiến Việt Nam mà Ngô Quyền là người khởi xướng đầu tiên.

Khi chuẩn bị trận địa, Ngô Quyền không những lợi dụng địa hình thiên nhiên, mà còn lợi dụng cả chế độ thủy triều. 

Đây cũng là một trận đánh biết lợi dụng con nước thủy triều sớm nhất trong lịch sử quân sự nước ta, mở đầu cho truyền thống lợi dụng thủy triều nhiều trận thủy chiến sau này.

Trận địa cọc có vị trí đặc biệt quan trọng trong toàn bộ thế trận của Ngô Quyền.

Nó sẽ giúp quân ta "dễ bề chế ngự" đoàn thuyền địch, như lời Ngô Quyền đã khẳng định với tướng sĩ.

Song trận địa đó sẽ mất hết tác dụng nếu đoàn thuyền giặc không bị đánh bại ở phía trong hàng cọc.

Vì vậy, đồng thời với việc xây dựng trận địa cọc ngầm, Ngô Quyền đã tập trung công sức bố trí một thế trận quy mô lớn phía trong hàng cọc vùng hạ lưu và cửa biển Bạch Đằng.

Các bộ sử cũ không ghi chép cụ thể về vấn đề này, nhưng qua kết quả khảo sát thực địa, nghiên cứu dấu tích thành lũy, di tích và phong tục thời Ngô Quyền, Ngô Xương Ngập, các truyền thuyết dân gian có liên quan và nhất là qua một số thần tích, ngọc phả sưu tầm được ở vùng cửa sông Bạch Đằng, các nhà nghiên cứu có thể hình dung được phần nào sự bố trí lực lượng của Ngô Quyền.

Ở phía tả ngạn sông Bạch Đằng được bố trí lực lượng thủy binh thiện chiến, giàu kinh nghiệm sông nước do Dương Tam Kha chỉ huy phối hợp với đội binh thuyền địa phương do Đào Nhuận dẫn đầu.

Cánh quân này phục sẵn ở các kênh rạch bên sông, lợi dụng thuận dòng nước triều xuống, bất ngờ chặn đầu, tiến công thẳng vào đoàn thuyền địch, hãm chúng sa vào trận địa cọc ngầm.

Một cánh quân khác do Đỗ Cảnh Thạc và Ngô Xương Ngập chỉ huy bố trí và đánh địch từ phía hữu ngạn sông Bạch Đằng.

Cánh quân này chiến đấu có sự kết hợp chặt chẽ với lực lượng dân binh địa phương, những đội dân binh của anh em Lý Minh, Lý Bảo, Lý Khả ở Hoàng Pha (xã Hoàng Động, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và của chàng trai họ Nguyễn ở Lâm Động (Thủy Nguyên).

Lực lượng do Đỗ Cảnh Thạc chỉ huy gồm cả bộ binh và thủy binh, cả quân chủ lực và dân binh.

Họ mai phục trong rừng cây ven sông, rạch, phối hợp với cánh quân bên tả ngạn của Dương Tam Kha, từ hai phía tiến công vào đoàn thuyền chiến của quân Nam Hán.

Có thể lúc đó có một đạo thủy quân mạnh phục sẵn làm nhiệm vụ chẹn đầu, chờ khi nước xuống sẽ xuôi dòng đánh vỗ mặt đội hình tiến công của quân giặc.

Quân thủy bộ, dưới sự thống lĩnh của Ngô Quyền đã bố trí mai phục sẵn ở phía trong bãi cọc, trong khoảng hạ lưu và trung lưu sông Bạch Đằng; giấu quân trong các nhánh sông dưới rừng cây hai bên sông.

Trong thế trận của Ngô Quyền, lực lượng mai phục trên sẽ giữ vai trò quyết định; trận địa cọc ngầm ở cửa sông nhằm cản phá, chặn đường tháo chạy của giặc.

Sự bố trí kết hợp giữa hệ thống bãi cọc ngầm và quân mai phục chứng tỏ quyết tâm chiến lược của Ngô Quyền nhằm tiêu diệt hoàn toàn đạo quân xâm lược bằng một trận đánh quyết định.

Như vậy, chiến trận Bạch Đằng diễn ra trong một cuộc đọ sức quyết định giữa ta và địch.

Quân địch quyết tâm xâm chiếm nước ta. Quân ta quyết tâm đánh một trận tiêu diệt triệt để, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Về diễn biến và hình thái cuộc chiến tranh, toàn bộ cuộc kháng chiến được thực hiện bằng một trận quyết chiến chiến lược lớn.

Tháng 12 năm Mậu Tuất (938), đoàn binh thuyền Nam Hán do Hoằng Tháo chỉ huy, hung hăng từ Quảng Đông (Trung Quốc) vượt biển xâm phạm vào lãnh thổ nước ta.

Đoàn chiến thuyền thuận chiều gió đông bắc theo đường Đông Kênh qua châu Vĩnh An, theo trại Đại Bàng (đảo Kế Bào ngày nay) thuộc Ngọc Sơn, len qua các đảo nhỏ tiến vào vịnh Hạ Long.

Dọc đường chúng không gặp một sự kháng cự nào, Hoằng Tháo là viên tướng trẻ tuổi hung hăng, rất chủ quan khinh địch, vội vàng thúc quân tiến thẳng vào cửa sông Bạch Đằng.

Khi những chiếc thuyền chiến đầu tiên của quân Nam Hán vừa đến vùng cửa biển Bạch Đằng thì đội quân khiêu chiến của ta trên những chiếc thuyền nhẹ bỗng nhiên xuất hiện.

Dưới quyền chỉ huy của tướng Nguyễn Tất Tố, quân ta chiến đấu rất dũng cảm, quyết liệt, vừa cố kìm chân giặc chờ nước triều lên cao, vừa để chúng không hoài nghi, giữ bí mật tuyệt đối cho trận địa mai phục.

Quân Nam Hán vừa tiến vừa đánh; lợi dụng quân đông khí thế đang hăng và lúc nước triều dâng cao, chúng tăng tốc tiến sâu vào vùng cửa sông Bạch Đằng.

Lúc nước triều đã dâng cao ngập cọc thì đội thuyền chiến của Nguyễn Tất Tố "dường như không còn sức", họ vừa đánh vừa rút, để nhử địch vào trận địa đúng lúc, đúng chỗ theo kế hoạch của chủ tướng Ngô Quyền.

Thấy quân ta ít lại đang tìm cách tháo chạy, Hoằng Tháo đắc chí ra lệnh đuổi theo tiêu diệt.

Càng đuổi, quân Nam Hán càng tiến sâu vào cửa sông và lọt vào trận địa mai phục của quân ta. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Khi nước triều dâng lên, Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả cách thua để dụ địch. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào" (Sđd, trang 146).

Khi đoàn chiến thuyền của Hoằng Tháo vượt qua vùng cửa sông Bạch Đằng thì nước triều bắt đầu xuống; đó cũng là lúc toàn bộ đội hình quân giặc lọt vào trận địa mai phục của ta.

Đúng lúc đó đội quân khiêu chiến của Nguyễn Tất Tố được lệnh đánh quật trở lại và Ngô Quyền đích thân chỉ huy đại quân đổ ra từ ba phía, tiến đánh dữ dội.

Trận tiến công bất ngờ, mãnh liệt của thủy quân ta từ thượng lưu đánh xuống chặn đầu, kết hợp với quân thủy bộ mai phục ở hai bên bờ sông đánh tạt ngang vào đội hình quân giặc.

Đoàn thuyền chiến của ta nhỏ nhẹ cơ động "nhanh như gió" lại xuôi theo dòng nước lao thẳng vào đội hình thuyền chiến của giặc khiến cho chúng không kịp chống đỡ, bị rối loạn, lúng túng.

Các cánh quân của các tướng Dương Tam Kha, Đỗ Cảnh Thạc, Ngô Xương Ngập, Nguyễn Tất Tố cùng các lực lượng dân binh nhất tề tiến công quân giặc.

Toàn bộ đoàn binh thuyền của Hoằng Tháo nằm trọn trong vòng vây của quân ta.

Quân Nam Hán bị đánh chặn quyết liệt ở phía trước, bị liên tiếp tiến công từ hai bên cạnh sườn.

Lúc này, tất cả các lực lượng thủy bộ của quân ta cùng phối hợp chặt chẽ tiến công tiêu diệt các thuyền chiến của địch.

Quân Nam Hán cố tìm cách chống đỡ, nhưng chúng dường như bất lực trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta.

"Hoằng Tháo không kịp chỉnh đốn binh thuyền", tổ chức chống đỡ yếu ớt và định tìm đường rút chạy ra biển, nhưng không kịp, chúng đã sa vào bãi cọc ngầm của quân ta.

Sử cũ chép rằng: "Hoằng Tháo phải chống cự luôn tay, mà nước triều xuống rất nhanh, thuyền bè đều bị vướng vào cọc.

Quyền đánh hăng, đại phá được Hoằng Tháo" (Việt sử lược, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, H.1960, trang 41); và "Khi binh thuyền của Hoằng Tháo đã vào bên trong hàng cọc rồi, nước triều rút, cọc nhô lên, Quyền mới tiến quân đánh.

Chúng (quân Nam Hán) đều liều chết mà đánh, không kịp chỉnh đốn thuyền mà nước triều rút xuống mạnh, thuyền đều vướng vào cọc mà đắm, rối loạn tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa" (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang 146).

Bị cọc chặn, bị quân đánh, thuyền địch không thể nào thoát ra biển được.

Toàn bộ chiến thuyền của giặc bị đánh chìm, hầu hết quân giặc bị tiêu diệt.

Đạo thủy quân xâm lược của Nam Hán đã vĩnh viễn bị nhấn chìm xuống dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Chủ soái của giặc là Lưu Hoằng Tháo bị giết tại trận. Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư đều ghi: "Quyền thừa thắng đuổi theo đánh, bắt được Hoằng Tháo đem giết".

Trong trận đánh, quân Nam Hán mới biết thế nào là tiến thoái lưỡng nan một cách vô cùng quẫn bách không chiều xoay xở.

Trước mặt, sau lưng, bên phải, bên trái, trên bờ, dưới nước đều bị đánh tới tấp.

Hầu hết thuyền lớn thuyền nhỏ đều bị cọc nhọn đâm thủng, va chạm vào nhau mà bị chìm xuống sông.

Viên chủ tướng trẻ Hoằng Tháo lúc đầu hung hăng, ngạo mạn bao nhiêu thì đến đây càng bị mất tinh thần, hoảng loạn, khiếp đảm bấy nhiêu, cuối cùng bị quân của Ngô Quyền bắt và giết tại trận.

Cuộc chiến đấu cam go quyết liệt diễn ra và kết thúc chỉ trong vòng một con nước triều, nghĩa là chỉ trong vòng một ngày; thời gian chiến đấu ác liệt nhất là lúc nước triều xuống mạnh cho đến lúc nước rặc, nghĩa là chỉ trong nửa ngày.

Toàn bộ đạo quân xâm lược hùng hổ, hung hăng với đoàn thuyền chiến lớn đã bị tiêu diệt ngay tại vùng cửa biển Bạch Đằng - nơi địa đầu sông nước của Tổ quốc.

Cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán lần thứ hai này kết thúc thắng lợi nhanh, gọn trong một trận quyết chiến chiến lược.

Đây cũng là một trong những cuộc chiến tranh chống xâm lược tiêu biểu nhất cho lối đánh thần tốc có hiệu quả cao của dân tộc ta.

Lúc Hoằng Tháo đang bị bao vây và bị thất bại thảm hại ở hạ lưu và cửa sông Bạch Đằng thì Lưu Cung cùng đạo quân ở trấn Hải Môn vẫn hoàn toàn không hay biết gì.

Trận Bạch Đằng diễn ra nhanh chóng, triệt để đến mức vua Nam Hán đang đóng quân ở sát biên giới mà không sao tiếp ứng kịp cho con.

Nghe tin thất bại quá kinh hoàng và bất ngờ, vua Nam Hán rụng rời chân tay, vô cùng thất vọng, thương khóc, đành thu nhặt tàn quân quay về nước.

Sử chép: "Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân còn sót lại mà lui. Vua Hán cho tên Cung là xấu là vì thế (Lưu Cung tức là Lưu Yểm)" (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr. 146).

Chiến thắng Bạch Đằng đã phá tan kế hoạch xâm lược của Nam Hán.

Từ đó, triều Nam Hán phải vĩnh viễn từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, không dám đụng đến chủ quyền lãnh thổ nước ta nữa.

Điểm nổi bật trong trận Bạch Đằng là quyết tâm tiêu diệt địch, là tinh thần chủ động, kiên quyết của Ngô Quyền tiêu biểu cho quyết tâm ý chí của dân tộc.

Có thể nói trận Bạch Đằng năm 938 là trận quyết chiến chiến lược lớn nhất, có ý nghĩa to lớn nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam từ thế kỷ X về trước.

Trận đánh đã kế thừa và phát huy có hiệu quả cao truyền thống thủy chiến của dân tộc ta.

Cả cuộc chiến tranh chỉ giải quyết nhanh gọn bằng một trận quyết chiến, chỉ diễn ra trong vòng một ngày, bắt đầu từ lúc nước triều lên và kết thúc vào lúc nước triều xuống thấp.

Đó là một trận tiêu diệt nhanh, gọn, triệt để nhất, đánh tan quân xâm lược ngay từ cửa ngõ của đất nước.

Trận Bạch Đằng (năm 938) là trận phục kích đường sông kết hợp với vận động tiến công tiêu diệt địch trên sông nước.

Lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, Ngô Quyền đã lợi dụng thế "thiên hiểm" của sông Bạch Đằng để bố trí trận địa phục binh, kết hợp ém binh mai phục với bãi cọc ngầm vót nhọn bịt sắt và lợi dụng nước thủy triều lên xuống để đánh giặc.

Việc xác định không gian và thời gian quyết chiến của Ngô Quyền đều nhằm triệt để lợi dụng địa hình, phát huy cao độ uy thế thủy chiến của quân dân ta trong điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hòa để đánh địch.

Trận địa cọc ngầm đã có tác dụng to lớn; lối đánh nghi binh lừa và nhử địch vào trận địa phục binh đã được thực hiện chính xác, đúng ý định chủ tướng Ngô Quyền và bộ tham mưu của ông.

Chiến thắng Bạch Đằng đã thể hiện trình độ tổ chức chỉ huy tài tình, khéo léo, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời của Ngô Quyền và các tướng lĩnh.

Để trận quyết chiến chiến lược kết thúc thắng lợi trong một lần thủy triều lên xuống là việc không hề đơn giản.

Nếu tính toán của ta không chính xác, "lực không mạnh, thế không vững", không buộc địch phải rút chay đúng thời điểm (thủy triều xuống) thì trận đánh không những không thắng lợi mà có thể phải chịu thất bại nặng nề, đất nước sẽ lại chịu trong cảnh nô lệ.

Trong trận quyết chiến chiến lược này, Ngô Quyền đã khéo phán đoán, xử lý và dẫn dắt tình huống, chuyển hóa thế trận một cách linh hoạt, có lợi nhất để từng bước phá vỡ đội hình hành quân đường dài của địch, không cho chúng triển khai đội hình chiến đấu, tiêu diệt từng bộ phận, tiến lên đánh bại toàn bộ quân địch.

Thắng lợi của trận chiến Bạch Đằng là kết quả nghiên cứu, nắm chắc quy luật tự nhiên, theo dõi chặt chẽ "nhất cử, nhất động" của đạo binh thuyền địch.

Từ đó, tính toán nhử, dụ địch vào thế trận bày sẵn của ta để chớp thời cơ tiến công tiêu diệt chúng.

Trong suốt trận đánh, Ngô Quyền luôn nắm và giữ quyền chủ động trên chiến trường, vận dụng linh hoạt các thủ đoạn tác chiến: vừa đánh, vừa lui, vận động tiến công kết hợp với cản phá bằng trận địa cọc, truy kích tiêu diệt địch tháo chạy.

Với nghệ thuật phát triển cách đánh liên tục, sáng tạo theo tiến độ trận đánh nên quân địch đang từ thế chủ động đã lâm vào bị động đối phó, bất ngờ..., đẩy chúng đến chỗ tuyệt vọng, sụp đổ và bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trận chiến Bạch Đằng đã quy tụ và phát huy sức mạnh của cả dân tộc chống quân Nam Hán xâm lược.

Sức mạnh giữ nước trong trận Bạch Đằng là sức mạnh trỗi dậy của cả dân tộc, của chiến tranh nhân dân yêu nước chống giặc ngoại xâm.

Với tư duy chiến lược, Ngô Quyền thấy rõ vai trò sức mạnh của dân tộc.

Chính vì vậy, ông đã nhanh chóng tập hợp được đông đảo lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

Đặc biệt, sau khi ông đã diệt trừ tên phản bội Kiều Công Tiễn, ổn định được tình hình trong nước, nhân dân khắp nơi đồng tình ủng hộ tham gia kháng chiến, các tướng lĩnh, hào kiệt đồng lòng đứng về phía Ngô Quyền quyết tâm đánh giặc, giữ nước.

Vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng đã lên tới vài vạn người, nhiều tướng lĩnh tài giỏi từ các nơi đã xung phong theo ông ra trận. 

Quân chủ lực của Ngô Quyền chiến đấu trong sự phối hợp với các đội dân binh và sự tham gia phục vụ chiến đấu của toàn dân.

Ông còn chủ động khơi dậy tinh thần độc lập dân tộc, cố kết cộng đồng, động viên mọi tiềm lực trong dân, nhất là sức người, sức của cho trận đánh.

Khi nghe tin Ngô Quyền dấy binh đánh giặc, nhân dân khắp nơi nô nức mang lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuyền chiến tham gia và ủng hộ cuộc kháng chiến.

Đặc biệt, quân và dân không quản khó khăn, vất vả, vượt qua đêm tối, mưa rét, tích cực xuyên rừng, vượt núi, chọn và chặt gỗ, vận chuyển đến trận địa đúng quy định.

Trong lịch sử, kẻ thù của dân tộc ta chủ yếu là các thế lực phong kiến phương Bắc ở sát liền biên giới.

Trong nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, quân địch thường tiến vào nước ta theo hướng Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc.

Chúng kết hợp tiến công cả đường bộ và đường thủy, trong đó trên đường thủy quân địch thường theo hướng Vân Đồn - Bạch Đằng tiến vào nội địa nước ta.

Chính vì thế, trận Bạch Đằng của Ngô Quyền năm 938 có ý nghĩa mở ra truyền thống đánh giặc trên sông nước Bạch Đằng.

Nghệ thuật thủy chiến của Ngô Quyền đã để lại những bài học kinh nghiệm lớn mà tổ tiên ta trong các thế kỷ kế tiếp đã vận dụng thành công.

Đó là trận Bạch Đằng năm 981 của Lê Hoàn đánh quân Tống, trận Bạch Đằng năm 1288 đánh quân Nguyên - Mông, thời nhà Trần do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo...

Chiến thắng Bạch Đằng chứng tỏ sự trưởng thành của ý thức dân tộc Việt Nam, sự lớn mạnh của nhân dân ta về trí tuệ và khả năng đánh thắng quân thù không chỉ bằng du kích mà cả bằng chính quy, không chỉ trên bộ mà cả bằng thủy chiến.

Đó là một thí dụ điển hình về mưu trí, sáng tạo, về sự tính toán chính xác trong nghệ thuật quân sự của dân tộc ta.

Chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) là một chiến thắng bất hủ, một võ công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta, nó đánh dấu một mốc son lịch sử, một bước ngoặt vĩ đại, có ý nghĩa vạch thời đại, hoàn toàn chấm dứt nền thống trị hàng nghìn năm của phong kiến phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên mới - độc lập tự chủ thực sự và lâu dài cho toàn dân tộc.

Hơn ba thế kỷ sau, sử gia Lê Văn Hưu - nhà sử học Việt Nam đầu tiên đã hiểu rõ tầm cỡ và đánh giá rất chuẩn xác về những chiến công trong sự nghiệp giữ nước và dựng nước của Ngô Quyền:

"Tiền Ngô Vương có thể lấy quân mới họp của đất Việt ta mà phá được trăm vạn quân của Lưu Hoằng Tháo, mở nước xưng vương, làm cho người phương Bắc không dám lại sang nữa.

Có thể bảo là một cơn giận mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy.

Tuy chỉ xưng vương chưa lên ngôi hoàng đế và đổi niên hiệu, mà chính thống của nước Việt ta ngõ hầu đã nối lại được"(Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang 147, 148).

Sau đó, sử gia Ngô Sĩ Liên cũng bàn rằng: "Lưu Cung tham đất của người ta, muốn mở rộng bờ cõi, đất chưa lấy được mà đã chết mất con và hại nhân dân"(Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, trang 146).

Chiến thắng Bạch Đằng (năm 938) đã thực sự đưa đất nước ta, nhân dân ta thoát khỏi hiểm họa bị diệt vong sau hàng nghìn năm bị dày xéo bởi ách đô hộ ngoại bang.

Chiến công chói lọi này đã gắn liền với tên tuổi vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền, xứng đáng là một chiến công mở màn cho mọi chiến công trong lịch sử chống ngoại xâm, đánh giặc cứu nước của dân tộc ta ở thế kỷ X.

* Tài liệu tham khảo:

Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 1971.

Việt sử lược, Nhà xuất bản Văn Sử Địa, Hà Nội - 1960.

- Phan Huy Lê - Bùi Đăng Dũng - Phan Đại Doãn - Phạm Thị Tâm - Trần Bá Chí, Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1976.

Đại tá Đặng Việt Thuỷ