Lễ ký biên bản hợp tác cảnh sát biển Việt- Mỹ năm 2013 (ảnh minh họa) |
Sự kết hợp giữa củng cố sức mạnh nội tại với chính sách đối ngoại linh hoạt, khôn khéo đã đem lại hiệu quả to lớn: bảo vệ vững chắc độc lập, giữ vững hòa bình để xây dựng đất nước, củng cố, tăng cường sức mạnh phòng thủ.
Vì vậy, trước nạn ngoại xâm thường xuyên đe dọa, các nhà nước phong kiến Việt Nam trước đây đã thực sự huy động tiềm lực của toàn dân, tập hợp lực lượng cả nước chống giặc, tranh thủ tối đa cơ hội bang giao hòa hiếu với lân bang, từ đó, bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ.
Với thắng lợi của trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, nước ta đã giành lại được nền độc lập tự chủ. Ngay từ những buổi đầu, để giữ vững nền độc lập, tự chủ của đất nước, ngăn ngừa, giảm thiểu nguy có xâm lược, xâm lấn lãnh thổ của phong kiến phương Bắc, các triều đình phong kiến tự chủ ở nước ta đã tích cực, chủ động và khôn khéo tìm cách quan hệ bang giao hòa hiếu nhưng luôn thực hiện nguyên tắc bất biến là giữ vững độc lập, chủ quyền thực sự và toàn vẹn lãnh thổ với các triều đình phong kiến phương Bắc.
Thời Tiền Lê, Lê Hoàn thi hành chính sách ngoại giao linh hoạt, khôn khéo nhưng kiên quyết.
Chẳng hạn để răn đe, ngăn chặn ý định xâm lược của chúng bằng cách phô trương sức mạnh phòng bị của Đại Cồ Việt, khi đón tiếp sứ thần nhà Tống là Tống Cảo và Vương Ích Tắc ở trại Nại Chính, Trường Châu, Hoa Lư, Lê Hoàn cho “bày thủy quân và chiến cụ để biểu dương lực lượng”.
Để ngăn ngừa các hoạt động do thám nhằm xâm lược nước ta của nhà Tống, Lê Hoàn khéo léo đề nghị: “Sau này nếu có quốc thư thì nên giao nhận ngay ở đầu địa giới, không phiền sứ thần đến đây nữa”[1]. Sau đó, “Cảo về tâu, vua Tống bằng lòng”[2].
Năm 997, nhân khi vua Tống băng hà và việc nhà Tống phong cho Lê Hoàn làm Nam Bình Vương, vua Lê Hoàn sai sứ sang Tống đáp lễ, trước hành động đó của Lê Hoàn, vua Tống đã “ban chiếu thư khen ngợi”[3].
Cũng nhờ phong cách ứng xử biết người, biết mình của Lê Hoàn mà nhà Tống đã thay đổi chính sách đối ngoại theo hướng có lợi cho nước ta. Đó là, nếu trước kia sứ Tống thường mượn cớ để yêu cầu nước ta cống nạp thì khi Tống Chân Tông lên ngôi, biết hành động đáp lễ của Lê Đại Hành như vậy, nên mỗi khi có quốc thư, hay ban chiếu đối với Đại Cồ Việt, nhà Tống “chỉ sai quan giữ biên giới đến nhận mệnh, không sai người sang sứ nữa”[4].
Đây là các hoạt động đấu tranh ngoại giao quốc phòng thời Tiền Lê thông qua quy định, luật lệ và được thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú với thái độ mềm mỏng mà không yếu ớt đã làm đối phương phải tôn trọng, hợp tác với ta, nhờ đó ngăn chặn được các hành động phá hoại giữ yên bờ cõi.
Thời nhà Lý, việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và độc lập, tự chủ của dân tộc được quan tâm thường xuyên. Trước mưu toan mở rộng lãnh thổ của nhà Tống, triều đình nhà Lý luôn cảnh giác với nguy cơ xâm lược từ phương bắc.
Nhà Lý kiên trì thực hiện chính sách đối ngoại mềm dẻo bằng việc chủ động cử sứ giả sang Tống cầu phong vương, xin kinh Đại tạng, chấp nhận cống nạp và là phiên thần. Ngoài bang giao chính thức thông qua các sứ bộ, còn có các giao dịch khác, nhất là hoạt động buôn bán, trao đổi ở khu vực biên giới.
Điển hình là khi đấu tranh ngoại giao để đòi lại đất Quảng Nguyên, Tô Mậu, năm 1078, Lý Nhân Tông đã sai Đào Tống Nguyên đem biếu nhà Tống 5 con voi thuần. Đáp lại thịnh tình này, “năm 1079 nhà Tống đem Thuận Châu trả cho nhà Lý”[5] (nhà Tống đổi tên Quảng Nguyên thành Thuận Châu). Theo đó, năm 1081, Lý Nhân Tông trả cho nhà Tống số dân và lính bị bắt.
Năm 1084, Lý Nhân Tông “sai lang bộ binh Lê Văn Thịnh đến trại Vĩnh Bình cùng người Tống bàn việc cương giới. Định biên giới, nhà Tống trả lại cho ta 6 huyện 3 động”[6]. Với sự kiện này, người Tống cho rằng, vì tham voi Giao Chỉ mà nhà Tống bỏ mất vàng Quảng Nguyên.
Như vậy, cùng với sức mạnh nội tại và chiến lược ngoại giao khôn khéo, về sau quan hệ giữa nhà Lý và nhà Tống bớt căng thẳng hơn và nhà Tống phải từ bỏ ý định xâm chiếm Đại Việt.
Thời nhà Trần, mặc dù đã một lần đánh thắng quân Tống xâm lược, ba lần đánh thắng đế quốc Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc biên cương phía bắc, nhiều lần đánh thắng và đẩy lùi hiểm họa xâm lược từ phía tây và phía nam, đã tạo được thế và lực vững chắc cho đất nước, nhưng Đại Việt vẫn thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, nhượng bộ có nguyên tắc với nhà Nguyên để ngăn ngừa âm mưu tái chiến tranh xâm lược nước ta, tạo môi trường hòa bình, ổn định để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững nhà Trần trong 175 năm.
Thời Lê Sơ, sau khi đánh bại quân xâm lược nhà Minh, để ngăn ngừa chiến tranh tái diễn, Lê Lợi đã mở vòng vây, tha tù binh, cấp thuyền bè, lương thực cho binh lính nhà Minh an toàn về nước.
Đồng thời nhà Lê đã thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao không khéo buộc nhà Minh công nhận nền độc lập, tự chủ của nước Đại Việt và giải quyết hậu quả chiến tranh.
Trước hành động xâm lấn lãnh thổ biên giới của nhà Minh, vua Lê Thánh Tông chủ trương hòa hiếu để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Điển hình là: năm 1467, tướng Lý Lân của nhà Minh xâm lấn châu Hạ Lang, Cao Bằng, vua Lê Thánh Tông đã sử dụng biện pháp hòa đàm bằng cách: “gửi thư cho Lân hỏi duyên do đem quân xâm lược”[7].
Tuy mềm dẻo, linh hoạt trong biện pháp, song hoạt động đấu tranh ngoại giao quốc phòng thời này luôn kiên trì và kiên quyết thực hiện nguyên tắc bất biến, đó là khẳng định và giữ vững toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.
Năm 1473, khi giao nhiệm đi sứ, vua Lê Thánh Tông dặn sứ giả: “Một thước núi một tấc sông của ta không nên vứt bỏ, ngươi kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian”[8].
Thời nhà Tây Sơn, mặc dù đã đánh tan hơn 20 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, Nguyễn Huệ vẫn chủ trương giải hòa với nhà Thanh để xoa dịu và ngăn ngừa âm mưu phục thù của chúng khi nước ta mới vừa ra khỏi chiến tranh, chưa xây dựng được tiềm lực mọi mặt. Ông nói: đợi mười năm nữa, khi nước ta đã mạnh thì sẽ không phải sợ chúng nữa.
Vì vậy, Nguyễn Huệ đã cử người đóng giả mình sang chầu vua Mãn Thanh và thực hiện nhiều hoạt động đấu tranh ngoại giao quốc phòng khác. Từ đó buộc nhà Thanh công nhận độc lập của nước Nam; bỏ lệ cống người, vàng, đòi lại được 7 châu xứ Hưng Hóa bị nhà Thanh chiếm đoạt; buộc nhà Thanh phải thay đổi cách nhìn về vị thế nước Nam, tôn trọng chủ quyền và văn hóa Việt Nam trong quan hệ giữa hai nước[9].
Thời nhà Nguyễn sau này, cũng đã tiến hành đấu tranh ngoại giao quốc phòng buộc nhà Thanh công nhận quốc gia độc lập, có chủ quyền, công nhận quốc hiệu tự đặt là “Việt Nam” thay cho An Nam quốc trước đây, bảo vệ lãnh thổ miền biên giới và trên biển.
Đặc biệt, những hoạt động đối nội thời kỳ này, như việc vua nhà Nguyễn cử các đội quân, dân đi khai phá đảo hoang, thu lượm các sản vật và thực hiện quyền quản lý trên thực tế với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - khi ấy còn là đảo hoang vô chủ - cũng có tác dụng đấu tranh ngoại giao quốc phòng.
Nhờ việc làm này mà chủ quyền của Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu địa lý, lịch sử… trên thế giới đã ghi nhận trong các tấm bản đồ có chú thích rõ Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Bên cạnh đó là các ấn bản triều Nguyễn về việc cử người đi trông giữ và quản lý hai quần đảo này (hiện nay ta vẫn còn lưu giữ được) là bằng chứng lịch sử không thể chối cãi về chủ quyền của Việt Nam trong thời gian sau này và trong công cuộc đấu tranh ngoại giao quốc phòng hiện nay nhằm bảo vệ chủ quyền của nước ta với hai quần đảo này.
Ngày nay, đấu tranh ngoại giao quốc phòng là sự kế thừa bang giao quốc phòng của tổ tiên ta, là tổng thể các hoạt động đấu tranh trên mặt trận ngoại giao nhằm góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngăn ngừa, ngăn chặn nguy cơ chiến tranh xâm lược, tạo môi trường hòa bình, ổn định thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và củng cố sức mạnh phòng thủ của đất nước.
Để nâng cao hiệu quả đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc hiện nay thiết nghĩ cần vận dụng sáng tạo kinh nghiệm đấu tranh ngoại giao quốc phòng của cha ông ta từ thời kỳ các triều đại phong kiến theo hướng:
Thực hiện biết mình, biết người, hiểu thời, biết thế trong đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Thực hiện chính sách đối ngoại linh hoạt, đúng đắn, phù hợp đối với từng đối tượng và thời thế trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Kết hợp giữa củng cố sức mạnh nội tại với chính sách ngoại giao linh hoạt, khôn khéo trong đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Huy động tiềm lực của toàn dân, tập hợp lực lượng cả nước trong đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
[1] Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, Các triều đại Việt Nam, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2006, tr.75.
[2] Đại Việt Sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2006, tập 1, tr.217-218.
[3] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, tập 1, tr.222.
[4] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, tập 1, tr.222.
[5] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, tập 1, tr.306.
[6] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, tập 1, tr.308.
[7] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, tập 2, tr.275.
[8] Đại Việt Sử ký toàn thư, Sđd, tập 2, tr.317.
[9] Nguyễn Thế Long, Bang giao Đại Việt (thời Tây Sơn), Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.14.