LTS: Tái hiện trận chiến đánh quân Nguyên - Mông của quân đội nhà Trần trên sông Bạch Đằng năm 1288, Đại tá Đặng Việt Thủy giúp chúng ta hình dung rõ hơn về nghệ thuật quân sự của Việt Nam, đồng thời truyền tải những giá trị tốt đẹp qua chiến thắng đầy tự hào của dân tộc ta.
Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả bài viết.
Trận chiến xảy ra cách đây vừa tròn 730 năm trên sông Bạch Đằng (ngày 9-4-1288), là trận phục kích đường sông của quân đội nhà Trần (Đại Việt), do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy diệt quân Nguyên - Mông rút chạy, kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba (1287-1288).
Trong vòng 30 năm (1258 - 1288), đế quốc Mông - Nguyên đã liên tiếp ba lần tiến công xâm lược Đại Việt.
Lần thứ nhất, năm 1258, hơn 3 vạn kỵ binh Mông Cổ dưới quyền chỉ huy của tướng Ngột Lương Hợp Thai (Uriangkhadai) tiến vào Đại Việt.
Trước thế mạnh của giặc, quân ta buộc phải rút lui khỏi Kinh thành Thăng Long về vùng sông Thiên Mạc (Hưng Yên).
Quân xâm lược chiếm được một kinh thành trống rỗng, không có lương ăn.
Ngày 29 tháng 1 năm 1258, quân đội nhà Trần mở cuộc phản công. Bằng trận tập kích chiến lược Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ bị thất bại nặng nề, đám tàn quân chạy một mạch về Vân Nam (Trung Quốc).
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất vào năm Nguyên Phong thứ 7 (1258) đã giữ vững được nền độc lập và chủ quyền của quốc gia Đại Việt.
Đất nước hòa bình trong hơn một phần tư thế kỷ (1258 - 1284).
Lần thứ hai, năm 1285, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt (Khubilai) huy động 50 vạn quân do con trai là Thoát Hoan chỉ huy, tiến công Đại Việt.
Quân dân ta dưới sự lãnh đạo của hai vua Trần (Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông) mà trực tiếp là Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn đã anh dũng chiến đấu ngăn chặn các mũi tiến công của quân giặc.
Ảnh minh họa trận chiến trên sông Bạch Đằng, nguồn: violet.vn |
Cả nước thực hiện cuộc chiến tranh toàn dân, thực hiện vườn không nhà trống, triệt nguồn lương thảo của giặc và liên tục tiến hành đánh nhỏ, phục kích và tập kích, đánh tiêu hao quân xâm lược.
Tháng 5 năm 1285, khi quân giặc đã mệt mỏi, sức lực suy yếu, sa vào thế bị động, quân ta mở cuộc phản công chiến lược bằng một loạt các trận đánh lớn như: A Lỗ (Thái Bình), Tây Kết, Hàm Tử (Hưng Yên), Chương Dương (Hà Nội), tiêu diệt nhiều sinh lực địch, rồi thừa thắng bao vây và tiến công mạnh quân địch ở Thăng Long.
Bị thất bại liên tiếp, Thoát Hoan và các tướng giặc tìm đường tháo chạy về nước.
Nhưng chúng bị chặn đánh ở Sông Cầu và bị thua to ở Vạn Kiếp (Hải Dương). Đạo quân Toa Đô cũng bị đánh tan ở Tây Kết. Toa Đô bị chém đầu tại trận.
Cuối tháng 6 năm 1285, toàn bộ quân xâm lược bị quét sạch khỏi bờ cõi nước ta.
Lần thứ ba, vào cuối năm 1287, đầu năm 1288, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt dốc toàn bộ lực lượng quyết tâm đánh chiếm Đại Việt.
Hai lần xâm lược, hai lần thất bại thảm hại. Hốt Tất Liệt vô cùng tức tối, tổ chức cho được cuộc xâm lược lần thứ ba.
Khác với hai lần trước, lần này ngoài bộ binh và kỵ binh, nhà Nguyên còn huy động một lực lượng thủy binh hùng mạnh và mang theo lương thực đầy đủ.
Tổng số quân Nguyên khoảng 50 vạn do Trấn Nam vương Thoát Hoan thống lĩnh, chia thành ba đạo tiến vào Đại Việt:
- Đạo quân do Thoát Hoan chỉ huy chiếm phần lớn quân số, tiến từ Quảng Tây theo đường Lạng Sơn tiến vào.
- Đạo quân do Ái Lỗ (Aruc) chỉ huy từ Vân Nam theo sông Hồng tiến xuống.
- Đạo quân thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy với khoảng 600 chiến thuyền từ Khâm Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) theo sông Bạch Đằng tiến vào rồi hội quân ở Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương).
Ảnh minh họa trận chiến trên sông Bạch Đằng, nguồn: violet.vn |
Ngoài ra còn có đoàn thuyền lương do Trương Văn Hổ cầm đầu gồm 70 chiếc thuyền chở 170.000 thạch lương theo sau.
Các tướng giặc chỉ huy cuộc viễn chinh lần thứ ba đều là những tên thiện chiến, hầu hết đều rất quen thuộc với chiến trường Đại Việt.
Thoát Hoan giữ chức Tiết chế tổng chỉ huy là kẻ cầm đầu cuộc xâm lược lần trước.
Quân dân Đại Việt bước vào cuộc kháng chiến lần thứ ba hết sức chủ động vì lúc đó nước ta đã chuẩn bị đầy đủ các mặt kinh tế, chính trị, quốc phòng.
Từ khi được tin quân Nguyên chuẩn bị xâm lược thì việc huấn luyện, diễn tập của quân đội được đẩy mạnh và tăng cường. Vua Trần Nhân Tông đã lệnh cho các vương hầu, tôn thất mộ thêm binh lính, chấn chỉnh lực lượng.
Chiến thuyền, khí giới được gấp rút chế tạo, tu sửa. Các vương hầu đem quân đóng ở các nơi hiểm yếu, sẵn sàng chống giặc.
Vua Trần hỏi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: "Thế giặc năm nay thế nào?".
Trần Quốc Tuấn trả lời: "Nước ta thái bình lâu ngày, dân không biết việc binh, cho nên năm trước quân Nguyên xâm lấn, hoặc có người đầu hàng trốn tránh.
Nhờ được uy linh của tổ tông và thần võ của bệ hạ đã quét sạch được rợ Hồ.
Nay nếu nó lại sang thì quân ta đã quen việc đánh dẹp mà quân họ thì ngại về đi xa; vả lại họ đã cạch về sự thất bại của Hằng và Quán, không có lòng chiến đấu nữa.
Cứ ý thần xem thì tất đánh tan được" (Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, H.1971, tr.63 - 64. Hằng và Quán là tướng Nguyên bị quân ta bắn chết khi bảo vệ Thoát Hoan chạy về nước, trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ hai).
Cuối tháng 12 năm 1287, quân xâm lược vượt biên giới tiến công Đại Việt.
Theo kế hoạch của Quốc công Tiết chế, quân ta chủ động rút lui, không quyết chiến buổi đầu với giặc, nhằm bảo toàn lực lượng, từng bước đánh kìm chân địch và dẫn dắt quân thù vào thế trận của ta, tạo thời cơ phản công tiêu diệt.
Trong khi các cánh quân bộ binh, kỵ binh của Thoát Hoan và Ái Lỗ ào ạt tiến vào Đại Việt thì đạo thủy quân của chúng cũng lên đường.
Trên hướng đường thủy, quân ta do phó tướng Trần Khánh Dư chỉ huy không thể ngăn chặn được bước tiến của đạo thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp cầm đầu.
Tuy nhiên, sau đó thủy quân của ta đã giành được một thắng lợi có ý nghĩa lớn, đó là chiến thắng Vân Đồn - Cửa Lục, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Danh tướng Trần Khánh Dư với chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 |
Quân Trần thu được lương thực, khí giới của giặc rất nhiều không kể xiết.
Còn tên chỉ huy đoàn thuyền tải lương của quân Nguyên là Trương Văn Hổ vội vã lấy thuyền nhẹ chạy trốn ra Quỳnh Châu (đảo Hải Nam, Trung Quốc).
Về phía quân Nguyên, sau khi hội quân ở Vạn Kiếp, Thoát Hoan đã cố xây dựng ở vùng này thành một căn cứ quân sự lớn cho cả quân bộ lẫn quân thủy.
Đến ngày 27 tháng 1 năm 1288, Thoát Hoan bắt đầu chia quân tiến về Thăng Long. Quân dân nhà Trần đã đặt phục binh đánh giặc rồi lại rút lui.
Thoát Hoan lại chiếm được Kinh thành Thăng Long. Từ Thăng Long, Thoát Hoan huy động một lực lượng thủy quân lớn có sự hỗ trợ của bộ binh đuổi theo quân đội nhà Trần hòng bắt sống vua Trần và triều đình.
Tướng giặc Ô Mã Nhi đe dọa vua Trần: "Ngươi chạy lên trời, ta theo lên trời; ngươi chạy xuống đất ta theo xuống đất; ngươi trốn lên núi ta theo lên núi; ngươi lặn xuống nước ta theo xuống nước" (Từ Minh Thiên, Thiên Nam hành kỉ, bản thuyết phu (tài liệu Trung Quốc) tr.12).
Thế nhưng ý đồ của quân Nguyên không thực hiện được, chúng không sao bắt được những người lãnh đạo chủ chốt của triều đình nhà Trần.
Quân giặc tức tối thẳng tay tàn sát nhân dân. Tướng giặc Ô Mã Nhi đã cho quân sục vào phủ Long Hưng (Tiên Hưng, Thái Bình), nơi có lăng mộ của họ Trần, cho khai quật lăng Trần Thái Tông để trả thù lần thất bại trước của hắn.
Bấy giờ vua Trần và triều đình đã theo cửa Thiên Trường (Giao Thủy) ra biển.
Quân giặc còn triệt hạ điền trang thái ấp, tàn phá nhiều làng mạc, gây ra trăm ngàn tội ác với nhân dân ta.
Một dải đồng bằng từ Thăng Long đến các lộ Hồng, Khoái tiêu điều xơ xác.
Tuy nhiên đi đến đâu, chúng cũng gặp vườn không nhà trống và bị quân dân địa phương chống lại quyết liệt.
Chúng cũng không thể cướp được lương thực vì nhân dân đã mang hết thóc, gạo cất giấu đi nơi khác.
Ngày 6 tháng 2 năm 1288, không đuổi kịp được vua Trần, Thoát Hoan đành cho quân trở lại Thăng Long.
Việc thiếu lương thực đã trở thành nguy cơ nghiêm trọng đối với đạo quân khổng lồ của nhà Nguyên.
Đã gần hai tháng đóng quân ở Thăng Long, mấy chục vạn quân Nguyên lâm vào tình trạng nguy khốn.
Quân Nguyên tuy chiếm được một vùng rộng lớn, nhưng ý đồ đánh nhanh thắng nhanh, tiêu diệt quân chủ lực và bộ máy lãnh đạo kháng chiến của nhà Trần không thực hiện được.
Bấy giờ quân ta tiến công ở nhiều nơi, quân Nguyên ốm yếu và thiếu lương ăn, tinh thần chiến đấu sa sút, rệu rã.
Thoát Hoan đã thấy chán nản, muốn rút quân về. Bọn tướng Nguyên cũng bàn với Thoát Hoan nên rút quân về nước.
Thoát Hoan chấp nhận rút quân, nhưng rút bằng cách nào là cả một vấn đề mà các tướng Nguyên phải bàn bạc.
Kẻ thì đề nghị hủy thuyền đi bộ, kẻ khác muốn đi cả bộ lẫn thuyền.
Tập trung mấy chục vạn quân rút theo đường bộ thì quá chậm chạp, thật khó mà an toàn tính mạng.
Bài học "Hằng , Quán" cũng như vết nhục và nỗi sợ "chui vào ống đồng" trước đây vẫn ám ảnh viên chủ tướng.
Cũng cần nói thêm rằng, trong cuộc xâm lược Đại Việt lần trước, Thoát Hoan đã thất bại thảm hại.
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
"Tháng 6-1285, Lý Hằng đem quân hộ vệ Thoát Hoan chạy về Tư Minh.
Quân ta lấy tên thuốc bắn trúng vào đầu gối bên trái của Hằng, Hằng chết, tỳ tướng là Lý Quán thu nhặt 5 vạn quân còn lại lấy đồ đồng giấu Thoát Hoan vào trong để trốn về Bắc.
Đến Tư Minh, Hưng Võ Vương đuổi theo, lấy tên thuốc bắn trúng Lý Quán, Quán chết. Quân Nguyên cả vỡ" (Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Sđd, tr. 61 - 62).
Cuối cùng, Thoát Hoan quyết định lần này chia quân làm hai đường thủy bộ rút về nước. Kế hoạch rút lui của giặc như sau:
- Quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy, có A Bát Xích (Abatri) dẫn kỵ binh đi trước mở đường rút theo đường Lạng Sơn.
- Quân thủy do Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp chỉ huy rút về theo đường sông Bạch Đằng ra biển.
Ảnh minh họa trận chiến trên sông Bạch Đằng, nguồn: violet.vn |
Cùng rút với đạo quân thủy còn có thân vương Tích Lệ Cơ và viên quan vạn hộ thủy quân Trương Ngọc. Để bảo vệ cho đoàn thủy binh rút lui có đội kỵ binh dọc theo sông hộ tống.
Về phía ta, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cùng hai vua Trần (Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông) luôn theo dõi chặt chẽ mọi âm mưu và hành động của giặc.
Trần Quốc Tuấn biết chắc rằng, Thoát Hoan không còn cách gì hơn là tháo chạy. Vì thế, trên khắp các ngả đường mà quân Nguyên có thể chạy qua, quân đội Đại Việt đã được lệnh bố trí lực lượng để chặn đánh.
Một cạm bẫy lớn đã được giăng ra, đặc biệt trên hướng đường thủy ở Bạch Đằng, sẵn sàng đánh đòn quyết định tiêu diệt giặc Nguyên.
Trong lực lượng chủ lực được huy động vào trận Bạch Đằng, có phần lớn thủy binh và những lực lượng bộ binh tinh nhuệ của nhà Trần như đạo quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, đạo quân của hai vua Trần, đạo quân Thánh dực nghĩa dũng do tướng Nguyễn Khoái chỉ huy, đạo quân Hữu vệ thánh dực của Phạm Ngũ Lão, đạo quân của các con Trần Quốc Tuấn (như Hưng Trí Vương Hiến), quân của Trần Quốc Bảo...
Đáng chú ý trong trận Bạch Đằng, cùng tham gia chuẩn bị và trực tiếp chiến đấu với quân đội chủ lực còn có nhiều đội dân binh và sự đóng góp hết sức to lớn của nhân dân vùng ven biển Hạ Hồng (Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh), trong đó có đông đảo nhân dân hai xã bên bờ sông Bạch Đằng.
Toàn bộ lực lượng quân sự trên đây đều đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Dưới quyền ông là những danh tướng "sức dư trăm trận" như: Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão, Nội minh tự Đỗ Hành - người đã từng tham gia "bẻ gãy giáo giặc ở bến Chương Dương, bắt sống giặc Hồ ở cửa Hàm Tử".
Có những tướng soái thuộc dòng tôn thất như Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Bảo; có người chỉ huy giỏi xuất thân từ gia nô hay bình dân như Yết Kiêu, Dã Tượng; có những quan văn giỏi mưu kế như Nguyễn Xuân, có nhiều võ tướng anh dũng người địa phương như Vũ Đại, Hoàng Thản, Hoa Duy Thành, và còn biết bao nhiêu người chỉ huy dân binh dũng cảm, mưu trí khác.
Một trận địa bãi cọc ngầm được chuẩn bị, bày sẵn. Đó là bãi cọc gỗ nằm ở cửa sông Chanh sát liền với sông Bạch Đằng, ngày nay ta quen gọi là bãi cọc Yên Giang và các bãi cọc kết hợp khác ở sông Kênh, sông Rút...
Tất cả kết hợp với nhau kéo dài như một phòng tuyến ngầm dàn ra ở các cửa sông, sẵn sàng chặn đánh quân địch tháo chạy.
Bộ binh của ta một phần mai phục ở núi Tràng Kênh để phối hợp với thủy binh chiếm giữ các điểm cao và sẵn sàng đánh bật địch xuống sông nếu chúng dám liều lĩnh đổ bộ lên bờ.
Lực lượng mai phục trong những cánh rừng và bãi sú vẹt kín đáo ven sông bên tả ngạn, nhiều nhất là ở vùng cửa sông Chanh, sông Kênh...
Đây là nơi mà hàng trăm thuyền chiến địch sẽ dồn lại và lực lượng thủy bộ của ta phối hợp với nhau đánh giặc cả trên sông, trên bờ, tiêu diệt toàn bộ quân giặc.
Nhiều thuyền nan, thuyền nứa chứa đầy củi khô tẩm các thứ nhựa, dầu cháy đã được chuẩn bị sẵn sàng ở chân núi Tràng Kênh để thực hiện kế hoạch hỏa công. Một đội thuyền nhẹ của ta sẵn sàng khiêu chiến nhử địch.
Về phía quân Nguyên, thực hiện kế hoạch đã định, từ căn cứ Vạn Kiếp, Thoát Hoan cho đạo quân thủy của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp rút lui trước.
Trên bờ có đội kỵ binh hộ tống do Hữu thừa Trình Bằng Phi và Thiêm tinh Đạt Truật chỉ huy.
Cọc Bạch Đằng. (Ảnh: violet.vn) |
Đạo quân bộ của Thoát Hoan vẫn đóng ở Vạn Kiếp để hỗ trợ cho quân thủy rút lui an toàn rồi mới rút theo đường bộ qua Lạng Sơn.
Số chiến thuyền quân Nguyên sử dụng trong cuộc rút lui này khoảng 600 chiếc.
Theo những tài liệu đương thời thì mỗi thuyền chiến của quân Nguyên có thể chở được trên dưới 100 người. Như vậy số quân địch rút quân bằng đường thủy có khoảng trên 6 vạn binh sĩ.
Ngày 30 tháng 3 năm 1288, đạo thủy quân do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy bắt đầu rút.
Đoàn kỵ binh hộ tống của Trình Bằng Phi gặp nhiều khó khăn, tiến chậm chạp do bị quân ta triệt phá cầu đường và liên tục đánh chặn.
Khi đến chợ Đông Triều (Quảng Ninh), không thể vượt qua sông được, đoàn kỵ binh này quay trở lại.
Vì cầu đường đã bị phá và biết tin quân ta đang chờ chặn đánh nên Trình Bằng Phi không dám trở về theo đường cũ, đang đêm chúng cưỡng bức các hương lão đã bị chúng bắt, đưa đường khác trở về Vạn Kiếp để còn kịp theo Thoát Hoan rút chạy về nước.
Ta không tốn nhiều sức mà đội kỵ binh của địch mới đi được mươi dặm đã phải quay trở lại, bỏ mặc đạo binh thuyền Ô Mã Nhi đang hành trình trên sông.
Việc tách được đoàn thuyền chiến khỏi đội kỵ binh hộ tống, đã tạo điều kiện thuận lợi cho trận chiến sau đó.
Do đánh nhau liên tục với quân ta trong mấy tháng trời, vừa trở về Vạn Kiếp nay lại phải ra đi, đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi gặp rất nhiều khó khăn.
Quân sĩ mỏi mệt, bọn tướng chỉ huy thì run sợ, hoang mang lo lắng. Chúng miễn cưỡng tiến hành cuộc hành quân bằng đường thủy, điều mà chúng hoàn toàn không muốn, nhất là trong trường hợp này.
Trước đây, chúng đã bao phen bị đại bại khi đụng đầu với thủy binh Đại Việt ở An Quảng, Đại Bàng, Tháp Sơn và giờ đây quân ta đang đợi chúng trên đường về.
"Chúng ta phải nói cho con cháu biết bản chất thật của quân xâm lược" |
Dọc đường từ Vạn Kiếp qua sông Kinh Thầy, quân ta đã tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao địch.
Nhiều trận tập kích đã xảy ra kìm hãm bước tiến của chúng.
Vì không có quân hộ tống nên đoàn thuyền của Ô Mã Nhi di chuyển vô cùng chậm chạp.
Ngày 8 tháng 4, tiền vệ của địch do do tướng Lưu Khuê chỉ huy tiến đến đầu sông Giá.
Chúng vừa thăm dò lực lượng quân ta vừa tìm đường gần nhất để theo sông này ra sông Bạch Đằng.
Đến vùng Trúc Động, Lưu Khuê bị quân ta đón đánh (Trúc Động nay thuộc xã Lưu Kiếm, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng). Trận Trúc Động là trận phục kích nghi binh diễn ra cả ngày lẫn đêm.
Qua một ngày đêm chiến đấu, mưu trí và linh hoạt, quân dân ta đã đánh cho đội quân Lưu Khuê thất bại hoàn toàn, phần lớn bị tiêu diệt, số còn lại quay ra dòng Đá Bạc xuôi cùng đoàn thuyền Ô Mã Nhi.
Trúc Động là trận đánh chặn bảo vệ, chuẩn bị cho trận Bạch Đằng.
Trần Quốc Tuấn không để địch xuôi theo sông Giá; vì nếu địch hành quân theo đường này thì lực lượng bố trí của ta bị lộ, thế chủ động bất ngờ của trận Bạch Đằng không còn nữa.
Thắng lợi Trúc Động đã bảo vệ an toàn cho lực lượng ta bố trí trên sông Giá, sông Thải và các dãy núi hai bên bờ.
Thắng lợi đó bảo đảm bí mật cho trận địa Bạch Đằng và buộc địch phải đi theo đường mà ta đã dự kiến.
Sáng sớm ngày 9 tháng 4 năm 1288, đoàn thuyền của Ô Mã Nhi theo sông Đá Bạc tiến xuống. Đội tiền quân do Tham chính Phàn Tiếp chỉ huy.
Lúc đó nước triều vẫn còn mênh mông, thuyền địch đi chậm chạp.
Ngày hôm đó, đúng vào độ nước cường, thủy triều dâng cao và lên xuống mạnh, dự tính về con nước lúc cao nhất vào nửa đêm hôm trước là 3,20m và thấp nhất là 0,90m vào buổi trưa ngày hôm sau, như vậy độ chênh lệch là 2,30m. Khi triều xuống thấp thì nước chảy rất mạnh.
Quân Đại Việt trên các mỏm đá đã sẵn sàng cung tên, giáo dài, chờ vào lúc nước triều xuống mạnh và đạo binh thuyền Ô Mã Nhi qua sông Đá Bạc, lọt vào sông Bạch Đằng mới đổ ra quyết chiến.
Khoảng 6 đến 7 giờ sáng (giờ mão) nước triều từ từ xuống, tức là gần đến khi các bãi cọc phát huy tác dụng, cũng là lúc cuộc chiến đấu bắt đầu.
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ra lệnh "cho quân khiêu chiến, rồi giả cách thua, quân giặc đuổi theo, quân ta cố sức đánh lại" (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr, 67). Đội quân của Phàn Tiếp đuổi theo và tiến lên phía trước.
Thủy triều xuống mạnh càng đưa thuyền địch lao nhanh. Phàn Tiếp vội đưa thuyền áp sát về phía Tràng Kênh rồi thúc quân "chiếm lấy đỉnh cao", hòng ngăn chặn quân ta phía núi, hỗ trợ cho trung và hậu quân tiến lên.
Địch lọt vào trận địa mai phục của ta. Trống hiệu nổi lên, cờ hiệu tung bay phấp phới thôi thúc đoàn quân chiến đấu.
Thủy binh ta trên các thuyền nhẹ từ các ngả sông, nhánh sông, từ trong các lùm cây, bãi sú bất ngờ xông ra.
Bộ phận quân ta gồm cả quân chủ lực và dân binh dưới quyền chỉ huy của tướng Trần Quốc Bảo đóng ở các áng núi, lạch sông, mai phục sẵn ở núi Tràng Kênh lao ra quyết chiến.
Từ trên núi cao quân ta đánh hất địch xuống hết đợt này đến đợt khác để giữ vững vị trí.
Thủy quân Hải Đông - Vân Trà từ các phía Điền Công, Gia Đước, sông Thải, sông Giá nhanh chóng tiến ra sông Bạch Đằng.
Quân Thánh dực nghĩa dũng lộ Hồng Khoái (Hải Dương, Hưng Yên) do tướng quân Nguyễn Khoái chỉ huy với hàng trăm chiến thuyền cùng quân các lộ căng tay chèo lao nhanh ra sông, dựa vào Ghềnh Cốc lập thành một dải chiến thuyền hùng vĩ chặn đầu quân địch, "chắn chiến hạm ở ngang sông".
Đại quân địch do Ô Mã Nhi thống lĩnh lúc đó cũng vừa đổ vào sông Bạch Đằng.
Thuyền chiến của giặc san sát, phần nhiều là loại thuyền Quảng Đông to lớn đóng bằng thứ gỗ tốt nặng nề trôi về hướng Ghềnh Cốc.
Bộ phận đi đầu cố tránh quãng ghềnh cạn, dồn đội hình lại, định vượt qua quãng ghềnh sâu nhưng bị ngay thủy quân ta tiến công vào giữa đội hình.
Một số thuyền giặc luống cuống va vào quãng ghềnh cạn, chiếc bị đắm, chiếc lật nghiêng.
Những chiếc khác hốt hoảng dạt sang một bên, bị thủy quân ta xông vào tiêu diệt.
Các thuyền chiến của tướng quân Nguyễn Khoái tả xung hữu đột trên quãng sông Ghềnh Cốc khiến quân Nguyên không thể nào vượt qua được.
Tiếng chiêng trống, tiếng hò reo của quân ta khiến quân Nguyên càng hoảng loạn.
Quân ta "bắn tên như mưa" dồn thuyền địch về phía tả ngạn sông. Ô Mã Nhi phải ra lệnh thúc thuyền hướng theo các cửa sông Chanh, sông Kênh, sông Rút để tìm đường tháo chạy ra biển.
Bấy giờ là quãng giữa trưa. Thủy triều rút nhanh, nước xuống đến mức thấp nhất.
Các trận địa cọc im lìm bấy lâu ẩn dưới làn nước triều mênh mông bỗng nhiên xuất hiện, như vùng lên cùng người đánh giặc.
Bị nước đẩy xuôi, lại bị đánh gấp phía sau lưng, thuyền giặc hết lớp trước đến lớp sau bị dồn vào bãi cọc.
Nhiều thuyền chiến của giặc bị nghẽn trước cửa sông Chanh, một số thuyền bị cọc đâm thủng, nhiều chiếc va vào Ghềnh Cốc, một số dồn lại trước cửa sông Kênh, sông Rút.
Số thuyền giặc bị đắm hoặc bị mắc cạn không thể tiến lên được nhiều vô kể.
Cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Từng trận mưa tên tẩm thuốc độc trùm lên đầu giặc.
Thuyền chiến của quân ta cơ động nhanh áp sát vào thuyền địch đánh gần; quân ta dùng gươm, câu liêm hai lưỡi, lưỡi quắm, giáo dài, ngạch lớn, dùi bốn cạnh đâm chém giết chết vô số quân giặc.
Quân ta càng đánh khí thế càng hăng.
Đúng lúc đó, các bè nứa, thuyền nan chứa đầy chất dễ cháy giấu sẵn ở vùng Tràng Kênh, từ các làng Do Lễ, Phục Lễ, Phả Lễ được các đội dân binh nổi lửa đốt lên, thả xuôi dòng nước lao thẳng vào giữa đội hình thuyền chiến của giặc đang hỗn loạn, bị nghẽn tắc trước hàng cọc gỗ.
"Dùng người tài,hướng lòng dân một dạ không lìa để xây thành giữ nước" |
Thuyền giặc bắt lửa, bốc cháy ngùn ngụt, thiêu sống bọn giặc trên thuyền.
Trận hỏa công dữ dội đã gây ấn tượng mạnh mẽ, đến tận ngày nay nhân dân địa phương vẫn còn lưu truyền câu ca:
"Bạch Đằng nhất trận hỏa công
Tặc binh đại phá, huyết hồng mãn giang".
(Bạch Đằng một trận hỏa công
Phá tan quân giặc, máu hồng đầy sông).
Trên đà thắng lợi, quân ta càng hăng hái đánh địch. Phía núi Tràng Kênh, quân ta vừa dùng cung tên bắn, vừa đánh giáp lá cà, khiến cho toàn đội binh thuyền Phàn Tiếp phải nhảy xuống sông.
Địch bị chết, bị thương không kể xiết. Tướng giặc là Phàn Tiếp bị trúng tên, nhảy xuống nước, bị quân ta dùng câu liêm móc lên, bắt sống.
Giữa lúc trận thủy chiến và hỏa công đang diễn ra quyết liệt thì đoàn thuyền chiến của hai vua Trần theo kế hoạch đã kịp xông tới hợp sức tiến công địch.
Trước đó, đạo quân của hai vua đóng ở vùng Hiệp Môn bên bờ sông Giáp (sông Kinh Thầy, vùng Kinh Môn) làm nhiệm vụ đánh tiêu hao và kiềm bước địch.
Khi biết giặc đã lọt vào sông Bạch Đằng, hai vua Trần sẵn sàng đội ngũ, cờ hiệu rợp sông, theo đà nước, tiến gấp để kịp thời đánh địch.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Hai vua đem quân tiếp đến, tung quân đánh hăng, quân Nguyên chết đuối không xiết kể, nước sông đến nỗi đỏ ngàu" (Sách đã dẫn, tr.67).
Đòn của hai vua Trần đánh vào sau lưng địch đã khiến cho chúng càng bị động, lúng túng và thiệt hại nặng.
Ô Mã Nhi, viên tướng Nguyên mang danh hiệu "dũng sĩ" ấy không thể nào chống đỡ nổi đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân nhà Trần.
Tình thế không thể xoay chuyển được. Thủy triều xuống thấp, chiến thuyền quân Nguyên vướng cọc bị đốt, đắm và phá hủy ngày càng nhiều.
Đến chiều hầu như toàn bộ chủ sự của quân Nguyên bị tiêu diệt. Chủ tướng chỉ huy thủy quân giặc là Ô Mã Nhi bị quân ta bắt sống.
Viên Vạn hộ thủy quân Trương Ngọc tử trận. Rất nhiều tướng giặc bị bắt, trong đó có viên đại quý tộc Mông Cổ tước vương Tích Lệ Cơ (Si rê ghi) và quan giữ văn thư theo Ô Mã Nhi là Lý Thiên Hựu cùng bọn thuộc hạ bị bắt sống.
Hơn 400 thuyền giặc lọt vào tay quân dân Đại Việt.
Một bộ phận quân Nguyên hốt hoảng bỏ thuyền chạy lên bờ tả ngạn Yên Hưng hòng tìm đường trốn thoát. Nhưng khi chúng vừa lên bờ đã vấp phải bộ binh quân ta dưới quyền chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, phục sẵn từ trước.
Cuộc chiến đấu trên bộ cũng diễn ra hết sức quyết liệt.
Nếu như trận thủy chiến trên sông đã tiêu diệt phần lớn sinh lực địch thì trận đánh trên bộ lại bồi thêm cho chúng những đòn chí tử, tướng giặc Phạm Nhan bị bắt, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt.
Trương Hán Siêu, nhà văn, nhà chính trị nổi tiếng thời Trần đã mô tả rằng: "Chiết kích trầm giang, khô cốt doanh khâu", nghĩa là: giáo mác chìm sông, xương khô đầy gò.
Cho đến nay, nhân dân các xã vùng Hà Nam còn lưu truyền câu ca dao nói về cuộc chiến đấu gay go trên bộ ấy:
"Bạch Đằng giang là sông cửa ải
Tổng Hà Nam là bãi chiến trường".
Đến chiều, trận đánh vô cùng ác liệt và oai hùng trên sông Bạch Đằng kết thúc. Cả đạo thủy binh hùng mạnh của Ô Mã Nhi bị tiêu diệt hoàn toàn.
Trong khi toàn bộ đoàn thuyền binh của quân Nguyên tan tác trên sông Bạch Đằng thì cánh quân bộ của Thoát Hoan cũng đang khốn đốn trên đường tháo chạy khỏi biên giới Đại Việt.
Trên tất cả các đường rút của bộ binh và kỵ binh giặc đều bị quân đội nhà Trần phục kích chờ đánh.
Thoát Hoan dẫn quân chạy đến cửa quan Nội Bàng thì lại lọt vào trận địa phục kích đã được bố trí sẵn. Bọn chúng phải ra sức chống lại mới mở đường máu rút được.
Nhưng quân Trần vẫn tiếp tục truy kích, Thoát Hoan phải cho Vạn hộ Trương Quân chỉ huy ba nghìn quân tinh nhuệ đi sau hộ vệ.
Quân Nguyên vừa ra khỏi cửa Nội Bàng, chưa kịp hoàn hồn thì được tin quân Trần đã đóng ở cửa quan Nữ Nhi và núi Khưu Cấp. Quân ta đã rải quân suốt hơn một trăm dặm để chặn đường về của giặc.
Tin đại thắng trên sông Bạch Đằng nhanh chóng truyền lan khắp nước, càng làm nức lòng quân dân Đại Việt, trở thành nguồn động viên mạnh mẽ đối với tất cả các chiến sĩ miền biên giới hăng hái xông lên tiêu diệt đạo quân Thoát Hoan.
Những chiến thắng to lớn ở cửa quan Hãm Sa, các ải Nội Bàng, Nữ Nhi, Khưu Cấp (đều thuộc Bắc Giang, Lạng Sơn) đã liên tiếp giáng cho đạo quân này những đòn thất bại nặng nề.
Hàng vạn quân Nguyên phải rải xác trên đường tháo chạy. Những hố sâu được đào và ngụy trang rất khéo léo để làm bẫy diệt kỵ binh giặc.
Quân ta từ trên núi cao bắn tên độc xuống. Tướng giặc là Abatri trúng ba mũi tên độc, đầu cổ đùi đều sưng lên rồi chết.
Cuối cùng, quân Nguyên cũng về được đến phủ Tư Minh (Quảng Tây, Trung Quốc) vào ngày 19 tháng 4 năm 1288, Thoát Hoan cho rải tán đám tàn quân.
A Ruc đem quân trở về Vân Nam, Agurutri dẫn quân về Bắc. Trần Ích Tắc lại lẽo đẽo theo bọn tướng tá Nguyên trở về Ngạc Châu.
Chín ngày sau trận đại thắng Bạch Đằng, ngày 18 tháng 4 năm 1288 Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông về phủ Long Hưng, đem bọn tù binh Ô Mã Nhi, Tích Lệ Cơ, Phàn Tiếp và nhiều tên Vạn hộ, Thiên hộ khác của giặc làm lễ mừng thắng trận trước lăng Trần Thái Tông, vị vua anh hùng đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Cổ lần thứ nhất năm 1258.
Trong buổi lễ trang nghiêm, vua Trần Nhân Tông nhớ lại những ngày gian khổ, cảm khái đọc:
"Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu".
(Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng).
Ngày 28 tháng 4 năm 1288 xa giá hai vua Trần và triều đình trở về Kinh đô Thăng Long.
Giữa cung điện bị thiêu hủy, kinh thành bị tàn phá nặng nề, vua Trần ban lệnh đại xá thiên hạ, miễn tô dịch toàn phần cho những nơi bị giặc cướp phá.
Trận Bạch Đằng năm 1288 hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ tiêu diệt đạo quân rút lui đường thủy do Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy, là trận quyết chiến lớn nhất, kết thúc cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ ba.
Một đạo quân lớn trên 6 vạn người, giàu kinh nghiệm viễn chinh xâm lược, những tên tướng quý tộc, cao cấp thân cận của Hốt Tất Liệt, sừng sỏ và độc ác như Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ, Lưu Khuê... sau mấy lần giày xéo đất nước ta, đã phải đền tội.
Chiến thắng Bạch Đằng cùng với những chiến công khác trong cuộc chiến tranh đã đánh tan mấy chục vạn quân Nguyên xâm lược, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, khẳng định sự tồn tại vững vàng không thể lay chuyển được của cả nước Đại Việt, một đất nước ở sát cạnh một đế chế cường thịnh nhất thế giới đương thời đầy âm mưu xảo quyệt và tham vọng bành trướng.
Chiến thắng của quân dân nhà Trần đã đập tan âm mưu chiếm nước ta làm căn cứ, làm bàn đạp để tiến hành xâm lược các nước phương Nam, ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Mông - Nguyên xuống Đông Nam Á.
Chiến thắng Bạch Đằng cùng với những chiến thắng khác đã gây chấn động ở nhiều nước và nó đã có tác dụng góp phần bảo vệ nền độc lập dân tộc cho các nước láng giềng.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là hình ảnh tập trung tiêu biểu nhất của sức mạnh tổng hợp về tinh thần và vật chất của quân và dân ta, là biểu tượng của khí phách anh hùng, ý chí quật cường bất khuất và tinh thần đoàn kết dân tộc thời bấy giờ.
Đặc biệt, chiến công này đã thể hiện trí tuệ và tài thao lược của ông cha ta thế kỷ XIII mà tiêu biểu là nhà quân sự kiệt xuất - anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Trước hết, đó là tư tưởng chủ động về chiến lược cũng như chiến thuật của Trần Quốc Tuấn và các nhà lãnh đạo kháng chiến.
Cũng như trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai (1285), trong cuộc kháng chiến lần này Trần Quốc Tuấn lại được cử làm Quốc công Tiết chế, lĩnh sứ mệnh tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang.
Qua kinh nghiệm dày dặn phong phú của hai cuộc kháng chiến trước, Trần Quốc Tuấn đã đề ra kế hoạch đánh giặc rất chủ động, tài giỏi.
Buổi đầu, trước thế mạnh của giặc, quân ta rút về vùng ven biển để bảo toàn lực lượng.
Nhưng ở khắp nơi, nhân dân các địa phương trên đường giặc đi qua và trong vùng bị tạm chiếm đóng đều được lệnh cất giấu lương thực, kiên quyết triệt nguồn lương thảo của chúng; đồng thời dân binh đẩy mạnh hoạt động đánh địch làm cho chúng tiêu hao sức lực, ăn không ngon, ngủ không yên, đẩy quân địch vào thế bị động, mệt mỏi, hao kiệt cả về tinh thần lẫn vật chất, cuối cùng mở cuộc phản công chiến lược đánh bại hoàn toàn quân địch.
Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ ba, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và triều đình rất chú trọng đến chiến trường ven biển Đông Bắc.
Đây là đường tiến quân của thủy binh và đoàn thuyền tải lương của giặc.
Phó tướng Trần Khánh Dư được Trần Quốc Tuấn tin tưởng giao cho mọi công việc biên thùy ven biển, có nhiệm vụ chặn thủy quân giặc, tiêu diệt đoàn thuyền lương, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của chúng.
Đây là một đòn hiểm, đánh thẳng vào "dạ dày" của giặc.
Tuy nhiên trên thực tế, từ hai cuộc kháng chiến lần trước chứng minh: bị thua thảm bại, tướng chết quân tàn, phải chạy về nước, nhưng quân Mông - Nguyên vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, vẫn ngoan cố quay trở lại.
Vì giặc Mông - Nguyên là một đế chế lớn, có tiềm lực kinh tế và quân sự rất mạnh, ý đồ mở rộng phạm vi thống trị rất xảo quyệt.
Chưa nếm đòn thật đau, thật hiểm thì chúng chưa chịu từ bỏ tham vọng quay trở lại xâm lược nước ta.
Bởi vậy, Trần Quốc Tuấn và Bộ tham mưu kháng chiến đã nhằm đúng thời cơ, lúc địch mệt mỏi, suy yếu, buộc địch phải tháo chạy, để tập trung sức lực đánh đòn quyết định tiêu diệt toàn bộ đạo quân thủy của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp.
Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 cũng như tác động của nó đối với chính sách sau này của nhà Nguyên quả là một thành công tiêu biểu của tư tưởng tiến công, tư tưởng chủ động chiến lược của Trần Quốc Tuấn.
Quân Nguyên tuy phải rút lui, nhưng lực lượng của chúng còn đông tới hàng chục vạn và lại rút bằng hai đường thủy và bộ.
Trong so sánh lực lượng lúc bấy giờ, ta chưa đủ sức để đồng thời tiêu diệt cả hai cánh quân.
Có ai nghĩ rằng, một lúc nào đó, chúng ta sẽ không có thày dạy sử? |
Trần Quốc Tuấn đã từng tổng kết và nêu thành một phương châm chỉ đạo chiến lược:
"Tóm lại, giặc cậy trường trận, ta cậy đoản binh, lấy đoản chế trường là việc thường của binh pháp.
Nếu thấy quân giặc đến ồ ạt như lửa cháy gió thổi thì thế dễ chế ngự.
Nếu nó đi chậm như cách tằm ăn, không cần của dân, không cần được chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thì mà làm, có thu được quân lính một lòng như cha con thì mới dùng được" (Đại Việt sử ký toàn thư, Sđd, tr.88 - 89).
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Bộ tham mưu đã có chủ trương trước hết tập trung lực lượng tiêu diệt cánh quân rút lui theo đường thủy, rồi sau đó thừa thắng tiêu diệt một bộ phận cánh quân đi bộ.
Đây là sự lựa chọn đúng đắn và là quyết tâm chiến lược sáng suốt, chính xác của một nhà chiến lược lớn có tầm nhìn bao quát rộng, có trí tuệ phân tích và phán đoán sắc sảo minh mẫn.
Cánh quân thủy khi đã bị tiêu diệt gọn thì cánh quân bộ sẽ phải rút lui trong cảnh hoảng loạn, sợ hãi và sẽ là đối tượng chặn đánh, truy kích dễ dàng của quân dân ta để giáng thêm những đòn tổn thất nặng nề cho quân địch.
Trần Quốc Tuấn đã biết nhằm đúng chỗ yếu nhất của địch để tập trung sức tiến công, phát huy cái sở trường của ta để đánh vào cái sở đoản của địch.
Với chủ trương và quyết tâm chiến lược như trên, khúc sông Bạch Đằng, ở vùng thượng lưu đã được Trần Quốc Tuấn chọn làm điểm quyết chiến chiến lược.
Việc xác định không gian và thời gian quyết chiến đều nhằm triệt để lợi dụng địa hình thiên nhiên, phát huy cao độ ưu thế thủy chiến trong điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa thuộc về ta.
Trần Quốc Tuấn đã nghiên cứu rất tường tận địa hình, sông nước, chế độ thủy triều của sông Bạch Đằng và sử dụng thành công trong việc xây dựng trận địa quyết chiến và bài binh bố trận.
Để tăng thêm thế lợi hại của trận địa mai phục, Trần Quốc Tuấn đã kế thừa truyền thống của Ngô Quyền và Lê Hoàn trong kháng chiến chống quân Nam Hán (năm 938) và chống Tống (năm 981), đã cho đóng cọc gỗ nhằm cản phá đội hình, chặn đường tháo chạy của thuyền chiến địch, bao vây và tiêu diệt triệt để quân xâm lược.
Trận địa quyết chiến với bãi cọc ngầm chỉ phát huy được tác dụng khi nước triều xuống, nên nó đòi hỏi người chỉ huy điều hành trận chiến đấu phải biết lợi dụng chế độ thủy triều với cả một nghệ thuật dẫn dắt thuyền giặc vào trận địa đúng lúc, đúng chỗ.
Trận Bạch Đằng năm 1288 là trận đánh mai phục kết hợp với vận động tiến công quy mô lớn nhằm bao vây, tiêu diệt gọn đoàn binh thuyền đông đến hàng mấy trăm chiếc với hàng vạn quân địch.
Trong trận chiến đấu này, dĩ nhiên thủy binh giữ vai trò chủ yếu.
Là một dân tộc có lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời trên một lãnh thổ có nhiều sông biển, ao hồ, nên nhân dân ta quen thuộc với nghề sông nước.
Quân đội Đại Việt có truyền thống giỏi thủy chiến.
Thuyền chiến của ta có thể không lớn và chắc như thuyền địch, nhưng thủy binh của ta lại quen thuộc với sông nước quê hương, có tinh thần chiến đấu quả cảm và lối đánh cơ động, lợi hại theo phương châm "dĩ đoản chế trường".
Điểm nổi bật là trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng có sự phối hợp chặt chẽ giữa quân thủy và quân bộ, giữa quân chủ lực với quân địa phương và dân binh, giữa đánh thủy và đánh bộ.
Trần Quốc Tuấn đã vận dụng cách đánh tiến công kiên quyết, kết hợp nhiều lối đánh phong phú, đa dạng nhằm phát huy tổng hợp tất cả thế mạnh của chiến tranh nhân dân yêu nước, của truyền thống thủy chiến, của điều kiện thiên nhiên để giành thắng lợi trọn vẹn và triệt để nhất.
Trận đánh tiêu diệt trên sông Bạch Đằng năm 1288 là một mẫu mực về mọi phương diện: chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ, giữ bí mật cao độ, tính toán thời gian chuẩn xác, mưu kế tài tình, tiến công mãnh liệt.
Trận đánh trên bộ cũng là kết quả tất yếu của thế bố trí chủ động, không kẽ hở.
Trên đường rút chạy, địch liên tục bị đánh chặn phía trước, truy kích phía sau.
Cả một đoàn quân lớn tan tác, không ứng cứu được nhau, lần lượt bị tiêu diệt và bắt sống, chỉ còn một nhóm nhỏ chạy thoát về bên kia biên giới.
Cuộc kháng chiến lần thứ ba chống quân Nguyên - Mông thắng lợi oanh liệt. Ý chí xâm lược của địch hoàn toàn bị bẻ gãy.
Hốt Tất Liệt, hoàng đế nhà Nguyên kiêu ngạo, hiếu chiến buộc phải thừa nhận sự tồn tại của nước Đại Việt. Nền độc lập dân tộc và bờ cõi của nước ta được giữ vững.
Tài liệu tham khảo chính:
- Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội - 1971.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.
- Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Bộ Quốc phòng, 20 trận đánh trong lịch sử dân tộc (Thế kỷ X - Thế kỷ XVIII), Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2002.