Những điều ít biết về 80 ngày đêm đấu trí trước giải phóng Thủ đô

10/10/2014 07:18
Ngọc Quang (ghi)
(GDVN) - Âm mưu thâm độc của cả Pháp và Mỹ là làm cho Hà Nội bị rối loạn về chính trị; xơ xác, tiêu điều... trước khi lực lượng cách mạng Việt Nam tiếp quản Thủ đô.

Đại tá Trần Ngọc Long - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam bình luận, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến, quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia), đồng thời rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, Thực dân Pháp vẫn còn được phép có thêm 80 ngày trước khi rút quân, và đây là một khoảng thời gian "đen tối" với nhiều âm mưu phá hoại Thủ đô.

Đại tá Trần Ngọc Long - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Đại tá Trần Ngọc Long - Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.

Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn những nỗ lực chiến tranh của Thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.

Một ngày sau đó, Hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức khai mạc. Sau những cuộc đấu trí, tranh luận căng thẳng, đêm 20 rạng sáng 21/7/1954, đại diện các nước tham dự Hội nghị Giơ-ne-vơ đã ký vào bản tuyên bố cuối cùng (trừ Mỹ) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Trong giai đoạn này, Bộ chỉ huy quân sự Pháp chủ trương thu hẹp phạm vi chiếm đóng, buộc phải lệnh cho các đơn vị co về giữ một số khu vực trọng yếu như Hà Nội, Hải Phòng, dọc trục tuyến đường 5. Để tránh xảy ra một “Điện Biên Phủ mới” ở Hà Nội, Paris cho phép Tổng chỉ huy Navare được toàn quyền quyết định việc triệt thoái khỏi Hà Nội khi cần thiết.

Lễ chào cờ cuối cùng của quân Pháp ở Hà Nội.
Lễ chào cờ cuối cùng của quân Pháp ở Hà Nội.

Hiệp định Giơ-ne-vơ đã buộc quân Pháp phải rút khỏi miền Bắc, nhưng theo thỏa thuận thì Hà Nội vẫn nằm trong vùng tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Liên quan đến vấn đề này không thể không đề cập đến Hội nghị quân sự Trung Giã họp từ 4 – 27/7/1954 giữa đoàn đại biểu Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam và Đoàn đại biểu Bộ Tổng chỉ huy Quân đội Liên hiệp Pháp bàn những vấn đề quân sự do Hội nghị Giơ-ne-vơ đặt ra nhằm thực hiện cụ thể hóa việc ngừng bắn và chuyển quân đã được thỏa thuận.

Ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 quân tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản thủ đô: "Các cháu sắp bước vào một chiến dịch hòa bình, bước vào một cuộc đấu tranh chính trị gay go và gian khó. Trước đây các cháu ra trận với phi cơ, xe tăng, đại bác thì bất khuất, nhưng bây giờ trước những viên đạn bọc đường các cháu có thể bị ngã quỵ nếu không đề cao kỷ luật".

Trong việc chuyển giao Hà Nội, phía Pháp phải chịu trách nhiệm tạo mọi điều kiện cho các hoạt động phục vụ công cộng như điện, nước, giao thông… diễn ra bình thường sau khi rút quân. Các ông chủ của các lĩnh vực trên phải đến cam kết ngay tại diễn đàn hội nghị.

Tuy nhiên, với âm mưu trước sau như một của thực dân Pháp và can thiệp của Mỹ là gây khó khăn toàn diện cho công cuộc tiếp quản Hà Nội, cố tình tìm mọi cách làm rối loạn trung tâm đầu não chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa – xã hội… những cam kết đã bị phía Pháp vi phạm một cách nghiêm trọng cũng là điều dễ hiểu.

80 ngày là khoảng thời gian mà cả Pháp và Mỹ mặc dù có mâu thuẫn với nhau, nhưng đều đã lợi dụng để một mặt mua chuộc, lôi kéo, cài người vào hàng ngũ của ta, kích động nhân dân… mặt khác, tàn phá Hà Nội, gây khó khăn trước mắt và lâu dài cho công tác tiếp quản và khôi phục thành phố.

Âm mưu thâm độc của cả Pháp và Mỹ là làm cho Hà Nội bị rối loạn về chính trị; xơ xác, tiêu điều về bộ mặt đô thị; tê liệt mạng lưới dịch vụ công cộng; kiệt quệ về kinh tế trước khi lực lượng cách mạng Việt Nam tiếp quản thành phố.

Để đạt được điều đó, bộ máy tuyên truyền của địch tập trung xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với những người phục vụ cho chế độ cũ, giới tiểu thương, học sinh, sinh viên và đặc biệt là giới tri thức; đẩy mạnh việc lôi kéo, cưỡng ép và cổ súy cho làn sóng di cư vào Nam; sử dụng bọn lưu manh, các phần tử thoái hóa trà trộn trong dân tung tin đồn nhảm, gây sự nghi kỵ lẫn nhau, phá hoại khối đại đoàn kết; dùng thủ đoạn mờ ám trong trao trả tù binh…

Ngày 9/10, quân Pháp rút qua Cầu Long Biên, bàn giao hoàn toàn Hà Nội cho Việt Nam.
Ngày 9/10, quân Pháp rút qua Cầu Long Biên, bàn giao hoàn toàn Hà Nội cho Việt Nam.

Về mặt kinh tế, địch tìm mọi cách di chuyển các cơ sở vật chất – kỹ thuật, các cơ sở sản xuất, tài liệu máy móc, hệ thống kho tàng ra khỏi thành phố. Trắng trợn hơn, chúng còn ngừng cung cấp than cho các nhà máy điện, ngừng cung cấp nước… gây khó khăn cho đời sống người dân thành phố; làm tê liệt hệ thống giao thông, gây trì trệ cho sản xuất.

Về mặt quân sự, chúng tiến hành “quân sự hóa” công chức và sinh viên; huy động lực lượng quân đội đàn áp phong trào đấu tranh của quần chúng; trang bị vũ khí, điện đài và hỗ trợ cho các băng nhóm phản động hoạt động. Cái gọi là “Phái đoàn quân sự Sài Gòn – SMM) có trụ sở ở Hà Nội đã lên kế hoạch phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa ở Hà Nội, trong đó có một số mục tiêu quan trọng như: Các nhà máy điện, máy nước, cầu Long Biên, cảng sông Hồng. Ngang ngược hơn, ngày 10/9/1954, địch cho nổ mìn phá Chùa Một Cột.

Tình hình trở nên hết sức căng thẳng, do đó ngoài việc bổ sung lực lượng quan sự, Trung ương đã cử một số cán bộ dày dặn kinh nghiệm như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Nguyễn Xuân Thủy, Tố Hữu… về trực tiếp chỉ đạo công tác tiếp quản Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dù bộn bề công việc nhưng vẫn thu xếp gặp và căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô. Người đã nói: “Chúng ta tuyệt đối không nên có ảo tưởng rằng hòa bình đến một cách mau chóng và dễ dàng. Hòa bình cũng như độc lập phải đấu tranh gian khổ mới giành được”.

Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến cuối tháng 9, được sự hỗ trợ của lực lượng tự vệ, công nhân cùng với một số công chức được giác ngộ đã kiên trì đấu tranh, vạch mặt và chặn đứng âm mưu thủ đoạn phá hoại, cướp tài sản, máy móc của giới chủ và quân Pháp. Đồng thời vận động được đội ngũ tri thức ở lại làm việc, gắn bó với Hà Nội, không để địch lôi kéo di cư vào Nam.

Rạng sáng ngày 10/10, các đơn vị quân đội tiến vào nội thành Hà Nội trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân.
Rạng sáng ngày 10/10, các đơn vị quân đội tiến vào nội thành Hà Nội trong niềm hân hoan của hàng vạn người dân.

Trước tình hình địch hoang mang cực độ, ta chủ trương đẩy mạnh mũi đấu tranh binh vận, coi đó là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ngăn chặn dã tâm chia rẽ nhân dân Thủ đô. Trên mặt trận này, chỉ tính từ ngày Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết cho đến ngày 10/10, Hà Nội đã làm rã ngũ trên 12 nghìn sĩ quan, binh lính địch, thu được nhiều loại vũ khí khác nhau, 35 tấn đạn, 12 tấn dụng cụ máy móc…

Cùng thời gian này, cuộc đấu tranh trên bàn Hội nghị ngoại giao ở Phù Lỗ cũng giành thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải chuyển giao thành phố cho quân giải phóng theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Hiệp định Genève. Đúng 16h ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên.

5 giờ sáng ngày 10/10, từ các cửa ô, các đơn vị quân đội rầm rập tiến vào nội thành Hà Nội. Hà Nội rợp bóng cờ hoa, hân hoan chào đón thời khắc lịch sử, kết thúc thắng lợi cuộc trường chinh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất oanh liệt, vẻ vang.

Ngọc Quang (ghi)