9 chiến sĩ ra đi trên chiếc máy bay CaSa – 212 số hiệu 8983 trong thời tiết rất xấu. Các anh có quyền lựa chọn không bay trong tình huống ấy, nhưng vì đồng đội Trần Quang Khải vẫn đang ở giữa trùng khơi biển cả, các anh quyết lên đường và đã hy sinh.
Những anh lính cụ Hồ là như vậy, họ luôn nhận về mình hiểm nguy, dẫu có hy sinh cũng chẳng nề hà.
Cảm phục những người lính anh dũng, hàng nghìn người dân, đồng đội đã tập trung trước di hài cái liệt sỹ để dự lễ truy điệu, tiễn đưa những chiến sĩ quả cảm về với đất mẹ.
Tổ quốc mãi khắc ghi sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ. ảnh: TTXVN. |
Trong không khí buồn thương ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động viết trong sổ tang: “Vô cùng thương tiếc các đồng chí cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Lữ đoàn không quân 918, Quân chủng Phòng không - Không quân trong khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, không may máy bay gặp sự cố xảy ra tai nạn đã anh dũng hy sinh.
Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân ta mãi mãi ghi công sự hy sinh cao cả của các đồng chí vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Con gái nhỏ hơn 2 tuổi của trung tá Lê Văn Đình (nhân viên tuần thám trên không) trong lễ tang. ảnh: VNE. |
Những người mẹ, những người vợ và những đứa con thơ dựa vào nhau khóc lặng trước những mất mát không gì bù đắp nổi.
Lặng người trước mất mát, đau thương ấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi trong sổ tang: “Đây là sự mất mát to lớn để lại niềm tiếc thương vô hạn, sự kính trọng của gia đình, người thân, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước.
Sự hy sinh anh dũng của các đồng chí tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, anh hùng, thấm đẫm tình đồng đội của Quân chủng Phòng không-Không quân, của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
Bằng Tổ quốc ghi công cho 10 liệt sĩ hy sinh trong 2 vụ tai nạn máy bay |
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, các chiến sĩ giành nhau nguy hiểm cho mình.
Có những người lính xung phong nhận thay nhiệm vụ của đồng đội “vì tớ chưa có gia đình”. Một quả lựu đạn rơi xuống chiến hào mà đồng đội cùng lao vào che trở cho nhau. Chẳng ai mảy may nghĩ đến tính mạng của mình.
Và rồi trong lúc đất nước thanh bình, những người lính vẫn âm thầm thao luyện để bảo vệ nền độc lập của dân tộc trước sự nhòm ngó của kẻ thù.
Có mấy ai biết rằng, những người lính phi công khi làm nhiệm vụ trên biển sẽ gặp muôn vàn hiểm nguy, đối mặt với rủi ro lớn hơn nhiều lần trên đất liền.
Các anh có thể bị chìm xuống biển, có thể bị sặc nước, bị sốc nước, bị va đập mạnh... và thậm chí bị ngất xỉu, rơi vào trạng thái mất nhận thức vì áp xuất đột ngột thay đổi, cơ hội sống xót lạ thấp hơn.
Luôn phải đối diện giữa sự sống và cái chết nhưng họ chẳng hề nao núng, luôn một lòng hướng về Tổ quốc và sẵn sàng hy sinh thân mình vì đồng đội giữa biển khơi trùng điệp.
Chưa ai quên vụ tai nạn trực thăng huấn luyện một năm trước tại Bình Chánh (TP.Hồ Chí Minh) khiến 4 sỹ quan của Trung đoàn Không quân 917, Sư đoàn Không quân 370 hy sinh.
Chưa ai quên những cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371 tử nạn khi chiếc Mi 171 rơi tại huyện Thạch Thất (Hà Nội).
Trong thời khắc nguy khốn ấy, những người lính cụ Hồ vẫn bình tĩnh điều khiển chiếc máy bay lao ra phía cánh đồng, tránh thiệt hại cho người dân.
Và, còn rất nhiều những chiến sĩ trên hải đảo xa xôi, nơi đầu sóng ngọn gió với muôn vàn hiểm nguy vẫn luôn chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc. Họ mạnh mẽ trước kẻ thù, trước bão tố phong ba, nhưng rất giàu lòng vị tha, ấm tình đồng đội
Trò chuyện với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV xúc động nói rằng, ông luôn cảm thấy đau nhói trong tim mỗi khi hay tin có chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Họ là những người lính bất tử trong lòng Tổ quốc.
Chiếc Casa – 212 số hiệu 8983 và những người lính bất tử sẽ trở thành bài học quý giá cho những thế hệ trẻ sau này về sự dũng cảm, giàu lòng vị tha của những người con đất Việt.
Có chiến sĩ ra đi vĩnh viễn khi tuổi đời chưa tới 30 (Đại úy Đỗ Văn Mạnh, SN 1989) và nhiều chiến sĩ chỉ mới ngoài 30 tuổi.
Các anh đã về với đất mẹ, để lại sau lưng những người vợ trẻ và con thơ. Có những đứa trẻ đang nằm trong bụng mẹ chỉ mới 7 tháng tuổi, chưa một lần được nhìn mặt cha. Có những đứa trẻ chỉ mới 2 – 3 tuổi, còn quá nhỏ để cảm nhận được mất mát, đau thương.
Rồi một ngày, chúng sẽ hỏi: Bố của con đâu rồi, mẹ?! Mẹ sẽ nói với con rằng: Bố đang bảo vệ biển trời quê hương!