Oan sai, ai ra quyết định sau cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường

20/06/2017 13:22
Trinh Phúc
(GDVN) - Ngày 20/6, với 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình trình bày, về xác định cơ quan giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự (các điều 34, 35 và 36), đa số ý kiến thống nhất với quy định xác định cơ quan giải quyết bồi thường như dự thảo Luật.

Tức là theo nguyên tắc chung là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng chịu trách nhiệm bồi thường.

Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm bồi thường tại khoản 3 Điều 34 của dự thảo Luật thuộc về Viện kiểm sát vì cho rằng, trong giai đoạn này Viện kiểm sát đã thực hành quyền công tố và do đó cần xác định Viện kiểm sát là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường.

Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Có ý kiến đề nghị xác định trách nhiệm liên đới bồi thường giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong hoạt động tố tụng hình sự, các trường hợp gây oan cho công dân thường liên quan đến trách nhiệm của nhiều người thi hành công vụ trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã tham gia điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

Để giải quyết bồi thường cho người bị oan, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hiện hành và dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đều thống nhất nguyên tắc xác định cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng sẽ chịu trách nhiệm thay mặt Nhà nước giải quyết bồi thường.

Tuy nhiên, trong thực tế, đặc biệt là trong các giai đoạn tiến hành tố tụng có những “điểm rơi” khó xác định một cách rành mạch cơ quan nào là cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng.

Oan sai, ai ra quyết định sau cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường ảnh 2Tạm giam kéo dài gần 4 năm như bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết là chuyện không tưởng

Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội đã quy định rõ hơn việc giải quyết vấn đề này trên cơ sở nguyên tắc nêu trên, đồng thời bảo đảm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong từng giai đoạn tố tụng…

Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ nội dung này như được thể hiện tại các điều 34, 35 và 36 của dự thảo Luật.

Về bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 4 Điều 27), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự kể cả trong trường hợp người đó còn sốn.

Bởi vì, trên thực tế, người thân thích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự cũng chịu những tổn thất nghiêm trọng về mặt tinh thần mà không phụ thuộc vào việc người bị oan còn sống hay đã chết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Khoản 4 Điều 27 của dự thảo Luật quy định việc bồi thường thiệt hại về tinh thần chỉ trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết.

Quy định như vậy là kế thừa quy định của Luật hiện hành, đồng thời phù hợp với quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Hơn nữa, bồi thường thiệt hại về bản chất là bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại, nhưng trong trường hợp người đó đã chết thì người thừa kế được hưởng.

Oan sai, ai ra quyết định sau cùng phải chịu trách nhiệm bồi thường ảnh 3Thương lượng không phải là cò kè thêm bớt với dân

Vì vậy, nếu quy định bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với người thân thích của người bị thiệt hại trong trường hợp người đó còn sống thì không hợp lý và dễ phát sinh phức tạp trong quá trình thực hiện.

Mặt khác, vấn đề này chưa được tổng kết, đánh giá tác động và nghiên cứu kỹ các nội dung liên quan. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật. 

 Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng báo cáo giải trình về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, về nguyên tắc bồi thường và giải quyết bồi thường nhà nước; về lập dự toán, quyết toán kinh phí bồi thường…

Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật với 454/458 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (4 đại biểu không tán thành).

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) gồm 9 Chương, 78 Điều quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án;

Thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thông qua Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi).

Trinh Phúc