Ông Hà Hùng Cường nên trả lại nhà công vụ để giữ thể diện cho mình

17/06/2017 07:19
QUỐC TOẢN
(GDVN) - Tính thượng tôn pháp luật luôn công bằng với mọi công dân trong xã hội dù họ là ai đi nữa. Ông Hà Hùng Cường cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.

Câu chuyện về các cựu quan chức chây ì trong việc bàn giao nhà công vụ không còn là vấn đề mới mẻ.

Trước đó, hứng chịu nhiều “búa, rìu” của dư luận nhất về việc sử dụng nhà công vụ có lẽ vẫn là nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền.

Cựu quan chức này không những khiến nhiều người phát hoảng với khối tài sản khổng lồ về nhà, đất, mà còn là độ “lì” trong việc giao trả nhà công vụ.

Theo đó, sau khi đã nghỉ hưu gần 3 năm ở tỉnh Bến Tre, ông Trần Văn Truyền mới trả lại nhà công vụ ở Hà Nội cho nhà nước.

Tiếp bước ông Truyền, ông Hoàng Văn Nghiên – Nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng biến căn biệt thự công tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa thành “của để dành”.

Ông Nghiên được cho là “liều” đến mức, 8 năm sau khi về hưu, vị này vẫn chưa chịu trả lại biệt thự công cho nhà nước, thay vào đó ông lại giao căn biệt thự cho gia đình người con trai.

Và nếu có giải thưởng dành cho người chây ì nhất trong việc trả nhà công vụ, có lẽ ông Nghiên sẽ đoạt giải... quán quân.

Và chỉ cách đây mấy ngày, câu chuyện về nhà công vụ tiếp tục được hâm nóng khi nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kêu khó, kêu khổ, không có nhà ở nên muốn giữ lại nhà công vụ…

Ông Cường đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét cho phép gia đình ông được kéo dài thời hạn thuê nhà ở công vụ đến ngày 30/6/2018 hoặc cho ông Cường được mua lại căn hộ công vụ số 1203, tầng 12, tháp B, nhà chung cư CT1 - CT2, khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội.

Nếu sự khó khăn về nhà ở của ông Cường là có thật thì có thể thấy, về phương diện kinh tế, ông Cường còn thua xa so với một số người từng được coi là đồng cấp với

Nguyên Bộ trưởng kêu khó, kêu khổ về nhà ở và sự liêm sỉ của người cán bộ

ông, bởi "nếu nói mức lương của Bộ trưởng hiện nay khó sống thì rất vô cùng.

Thực tế thì không ai (Bộ trưởng) khó sống, mà lại sống rất đoàng hoàng…”, như cách nói của Tiến sĩ Cao Sỹ Khiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi phản biện quan điểm cho rằng, với mức lương Bộ trưởng, trưởng ngành hiện nay chỉ trên 14 triệu đồng/tháng thì rất … khó sống.

Thậm chí, nguyên Bộ trưởng Tư pháp có khi còn phải "xách dép" cho một số cựu quan chức “hạng xoàng” về khả năng "làm kinh tế" như trường hợp của ông Hoàng Sỹ Bình.

Vị nguyên Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa từng khiến nhiều người trầm trồ, thán phục về nghề tay trái và khả năng “nuôi lợn, sửa xe, buôn ti vi”, để sở hữu khối tài sản lớn về nhà, đất tại thành phố Thanh Hóa.

Và nếu theo lý giải của ông Cường, dư luận có thể hiểu rằng, ông Cường tự cho mình là trong sạch, chẳng dám tham lam như một số vị quan chức khác, bởi có người “làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỷ đồng, thậm chí cả nghìn tỷ đồng”, như cách nói của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ – Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Bến Tre nói tại phiên thảo luận ở tổ đại biểu Quốc hội về dự án Bộ luật hình sự (sửa đổi) chiều 26/5/2015.

Ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (ảnh đăng trên Báo congly.vn).
Ông Hà Hùng Cường, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp (ảnh đăng trên Báo congly.vn).

Và sự khó khăn về nhà ở của ông Cường cũng có thể hiểu theo cách lý giải của Bộ Nội vụ cách đây không lâu rằng, “lương Bộ trưởng cũng chỉ hơn 14 triệu đồng mỗi tháng nên cũng khó sống”?.

Nhưng cái vô lý và khó chấp nhận được lại nằm ở chỗ, ông Hà Hùng Cường từng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ về mảng pháp luật, không lẽ vị này không hiểu quy định về quản lý, sử dụng nhà công vụ?

Và nếu không còn thuộc diện sử dụng nhà công vụ, thì tất cả lý do vị này đưa ra để lý giải cho việc chây ì trả nhà công vụ đều không đủ sức thuyết phục.

Bởi lẽ, chẳng có vị quan chức nào có thể cho phép hay xin phép "gia hạn" thời gian ở nhà công vụ, khi đã có quy định của pháp luật về việc này.

Ông Cường càng không thể đứng trên pháp luật để nhận sư ưu ái đặc biệt của nhà nước bởi, tính thượng tôn pháp luật luôn công bằng với mọi công dân trong xã hội dù họ là ai đi nữa.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng không thể ngoại lệ.

Thậm chí, nếu so sánh cái gọi là "khó khăn về nhà ở" (thực tế gia đình ông có nhà riêng tại số 10 dãy D, Khu 142 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội với diện tích 62,4 m2) của ông Cường với những khó khăn về cuộc sống của hàng nghìn hộ dân trên đất nước Việt Nam đang gặp phải, chắc cũng chẳng thấm vào đâu. 

Vậy mà có ai than khổ, xin xỏ gì đâu, trong khi nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp thì...?

Bởi thế mới nói, việc xin xỏ này còn là lòng tự trọng của người từng là cán bộ cao cấp.

Cho nên, ông Hà Hùng Cường nên nhanh chóng bàn giao nhà công vụ cho nhà nước để giữ thể diện cho mình.

QUỐC TOẢN