Ngày 29/11, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII.
Tại đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng: “Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.
Theo Nghị quyết 39, mỗi năm cả nước phải tinh giản 70.000 người, thế nhưng sau 2 năm thực hiện thì thực tế lại tăng lên 96.000 người.
Bên cạnh đó, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều, chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan trung ương còn nhiều”.
Ông Phạm Minh Chính cũng cho rằng, cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó. Đã thế, việc quy định “hàm” còn bị lạm dụng.
Có Bộ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có đơn vị còn có tới 19 hàm phó vụ trưởng".
Ông Phạm Minh Chính băn khoăn: “Đến nay chưa có ai được khen thưởng hay kỷ luật liên quan đến việc công tác tinh giảm biên chế”.
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Để có cái nhìn sâu sắc hơn về thực trạng tinh giản biên chế nhưng biên chế cứ phình ra, không kiểm soát được, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, Ủy viên Ủy ban thường trực các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng: “Báo cáo kết quả giám sát chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 của Đoàn giám sát Quốc hội thì tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều đầu mối, nhiều cơ quan đơn vị có nhiều tầng nấc trung gian, duy trì cấp phòng trong vụ, từ đó dẫn đến tăng biên chế;
Cơ quan cấp tỉnh còn cồng kềnh, trung bình có 8,1 phòng và tương đương, tỷ lệ người giữ chức vụ lãnh đạo còn cao;
Sáp nhập các tỉnh thành, bộ ngành với nhau sẽ giảm được biên chế rất lớn |
Số lượng cán bộ không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tăng nhanh (tăng 108.148 người trong giai đoạn từ tháng 8/2011 đến tháng 12/2016);
Còn 11 địa phương sử dụng vượt biên chế được giao; việc tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đã đề ra; Chậm thực hiện chính sách về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Nhìn chung, một số cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chưa quyết liệt, sâu sát trong tinh giảm biên chế, tổ chức lại bộ máy tinh gọn, thậm chí còn lỏng lẻo trong khâu tuyển dụng.
Một số cán bộ lãnh đạo còn tranh thủ tuyển dụng người nhà trong giai đoạn tiền tinh giảm biên chế. Đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ yếu năng lực, lợi dụng sơ hở trong quá trình thực hiện chính sách cán bộ”.
Trước bất cập hiện nay, biên chế muốn giảm nhưng cứ tăng trong khi không có một cá nhân nào bị khiển trách hay kỷ luật vì để biên chế tăng, vị đai biểu Quốc hội của đoàn Bến tre có quan điểm:
“Cần thiết phải có chế tài mạnh để răn đe những người đứng đầu cơ quan cố tình làm tăng biên chế.
Đồng tình với việc cần tăng cường kiểm soát, giữ vững kỷ luật công vụ và có chế tài nghiêm khắc đối với người đứng đầu”.
Phình to biên chế là do trên nói dưới không nghe, coi thường kỷ cương phép nước |
Giải thích thêm, ông Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: “Vì người đứng đầu được giao quyền lãnh đạo, chỉ đạo mà vẫn để xảy ra tình trạng tăng biên chế, tuyển dụng cán bộ trái pháp luật, chứng tỏ hoặc là yếu kém, hoặc là cố tình để xảy ra vi phạm.
Bất luận thế nào, nếu để tăng biên chế là vi phạm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về tinh giảm biên chế”.
Cũng liên quan đến việc phình to bộ máy, một vấn đề nhức nhối hiện nay đó là loạn cấp phó. Có nhiều cơ quan cấp phó vượt quy định trước thực trạng này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ: “Báo cáo số 392/BC-CP ngày 22/9/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 nêu rõ:
“Số lượng cấp phó tại một số tổ chức hành chính còn vượt so với quy định, còn mất cân đối giữa số lượng người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý và số công chức tham mưu tại một số ổ chức hành chính”.
Theo đó, thống kê cấp thứ trưởng ở các Bộ và cơ quan ngang bộ cho thấy số lượng còn cao, chưa kể còn một số cán bộ tương đương thứ trưởng hoặc nằm trong quy hoạch đang được luân chuyển đi các địa phương.
Ở thời điểm tháng 8/2011 trung bình mỗi bộ, cơ quan ngang bộ có 5,45 thứ trưởng và tương đương thì ở thời điểm giữa tháng 3/2016 có 6,13 người.
Về cấp cục, vụ: năm 2011 có 1.181 người, đến tháng 7/2016 có 1.349 người, tăng 168 người. Về cấp phòng: năm 2011 có 5.880 người thì đến tháng 7/2016 đã tăng lên 6.985 người tức là tăng thêm 1.045 người.
Theo đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: “Sở dĩ có tình trạng nêu trên là do nhiều nguyên nhân, nhưng xét cho cùng chủ yếu là do công tác lãnh đạo chưa nghiêm, bổ nhiệm còn tràn lan, đã có tình trạng trong đơn vị, cơ quan, tổ chức, số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên”.
4 triệu người đang nhận lương, phụ cấp từ ngân sách, chưa tính Công an, Quân đội |
Trong vấn đề xử lý đối với tình trạng bổ nhiệm thừa, bổ nhiệm sai quy định, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Trước hết cần quán triệt đầy đủ và nghiêm túc chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác cán bộ nói chung, công tác tinh giảm biên chế, sắp xếp lại bộ máy nói riêng.
Thứ hai, cần quy định phân cấp mạnh trong công tác cán bộ, giao quyền đồng thời kiểm điểm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật.
Thứ ba, tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, làm tốt công tác quy hoạch và đánh giá cán bộ, nếu không đạt yêu cầu thì kiên quyết miễn nhiệm hoặc không bổ nhiệm lại.
Thứ tư, tăng cường dân chủ, giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm… cán bộ lãnh đạo các cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội hiến kế: “Cần thiết nghiên cứu lập bản đồ công chức quốc gia làm cơ sở quy định và triển khai thực hiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong công tác cán bộ như tuyển dụng, bổ nhiệm người thân thích vào các vị trí có ảnh hưởng chi phối lẫn nhau tạo điều kiện trục lợi hoặc lợi ích nhóm, hình thành “dây”, “ê kíp”, “chủ nghĩa gia đình trị” trong cơ quan, tổ chức, địa phương, từ đó thâu tóm, khống chế công tác cán bộ.
Thời gian tới cần tổng rà soát, đánh giá chật lượng cán bộ, đặc biệt cần xử lý nghiêm, loại bỏ các cán bộ thiếu trung thực trong kê khai, sử dụng, bổ nhiệm người có bằng cấp trái pháp luật, chất lượng công tác yếu kém hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.