"Phải tìm cách nhanh chóng thoát khỏi sợi dây thòng lọng"

18/07/2014 07:07
Ngọc Quang
(GDVN) - Trung Quốc rút giàn khoan là chuyện đã được dự báo từ trước, nhưng chắc chắn lãnh đạo nước này không dễ dàng từ bỏ mưu đồ bá chủ Biển Đông.

Đây là nhận định của GS. Nguyễn Minh Thuyết  –  nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trong cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam.

Một mũi tên nhắm nhiều đích

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa, tối 15/7 Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan 981 về đảo Hải Nam.

Hành động đó đã làm nảy sinh nhiều nghi ngại, liệu có phải là một âm mưu mới của nước láng giềng?

GS. Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Trong suốt hơn 70 ngày hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã liên tục gây sự, tấn công các lực lượng thực thi pháp luật của ta. Tàu Trung Quốc còn đâm chìm tàu cá của Việt Nam, và có hành vi vô nhân đạo ngăn cản công tác cứu hộ những ngư dân trên con tàu bị đâm chìm.

Trước sự phản đối kịch liệt của nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới, Trung Quốc vẫn ngoan cố sử dụng một lượng lớn tàu quân sự và máy bay để bảo vệ giàn khoan trái phép này. Vì vậy, chúng ta phải thấy rằng, việc họ rút giàn khoan vào thời điểm này là kết quả của những toan tính mới, chứ không phải vì đã hiểu được một chút đạo lý hay thay đổi mưu đồ bành trướng thâm căn cố đế của mình”.

Theo GS Thuyết, Việt Nam có chính nghĩa, vì nhiều bằng chứng lịch sử do chính giới và các nhà nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài công bố đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng điều đang gây nghi ngại và bất bình lớn nhất của các nước có liên quan là hành vi của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông và hậu quả của những hành vi này đối với tự do hàng hải trong khu vực. Đây là điều dễ thuyết phục nhất, dễ tập hợp nhất sự đồng tình, ủng hộ đối với lập trường chính nghĩa của nước ta.

GS. Nguyễn Minh Thuyết: Phải cảnh giác cao với những âm mưu mới từ Trung Quốc.
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Phải cảnh giác cao với những âm mưu mới từ Trung Quốc.

GS Thuyết phân tích, Trung Quốc rút giàn khoan 981 không phải chuyện lạ, bởi vào dịp tháng 7, tháng 8 thường có bão rất lớn. Giàn khoan của Trung Quốc sẽ không thể trụ vững trước bão lớn nên họ tạm thời kéo giàn khoan đến nơi an toàn, nhưng ẩn sau đó lại là âm mưu khác.

Rút giàn khoan vào thời điểm ngay sau cuộc đối thoại chiến lược Mỹ - Trung và thời điểm Thượng viện Mỹ ra nghị quyết yêu cầu Trung Quốc trả lại hiện trạng như trước ngày 1/5/2014 ở vùng biển đã hạ đặt giàn khoan trái phép có thể cũng là một tính toán của Trung Quốc nhằm đánh lạc hướng sự quan tâm của chính giới Mỹ và dư luận quốc tế.

“Đối với Việt Nam, việc rút giàn khoan có thể nhằm củng cố lập trường “chủ hòa” (nói cho đúng là “chủ … lùi”) ở một số người, tạo ưu thế cho lập trường này, để có chỗ dựa tiến lên “chơi ép sân” ở những bước tiếp theo.

"Phải tìm cách nhanh chóng thoát khỏi sợi dây thòng lọng" ảnh 2Mây “ảo vọng”

(GDVN) - Cách hành xử và ngôn từ của những người cộng sản Trung Quốc đã, đang dùng cho thấy, với họ “chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển” cao hơn tất cả.

Dù với bất cứ lý do nào, việc Trung Quốc rút giàn khoan chỉ là tạm thời, bởi một khi họ đã đặt bành trướng lên thành quốc sách thì không có chuyện gì họ không dám làm như thực tế hàng chục năm qua đã chứng minh. Nên nhớ là ngoài mục tiêu bành trướng lãnh thổ, việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 và các giàn khoan khác trong tương lai còn nhắm tới mục tiêu xa hơn là đẩy lùi các cường quốc khác ra khỏi khu vực Đông Á và Đông Nam Á, một mình xưng bá xưng hùng”, GS Thuyết nói.

 Đừng để bị ru ngủ

Từ khi hai nước lập lại quan hệ bình thường, doanh nghiệp, hàng hóa Trung Quốc có điều kiện tiến vào thị trường 90 triệu dân của Việt Nam. Với lợi thế công nghệ cao hơn, hàng hóa đa dạng hơn, giá cả phù hợp với túi tiền người Việt Nam (phù hợp với cách đấu thầu của Việt Nam), lại giỏi “đi đêm” vận động, qua cả đường tiểu ngạch lẫn chính ngạch, doanh nghiệp, hàng hóa, nhân công Trung Quốc dần dần chiếm lĩnh gần như trọn vẹn thị trường này, thao túng thị trường này.

“Chúng ta đừng để bị ru ngủ về việc Trung Quốc rút giàn khoan mà phải tỉnh táo để từng bước bớt lệ thuộc vào họ” – GS Thuyết nói.

Dẫn ra hàng loạt vụ việc thương lái Trung Quốc gây rối ở thị trường Việt Nam, mà đau nhất là vụ hướng dẫn nông dân trộn bùn vào chè, rồi đem chè ấy đốt tại Thế vận hội Bắc Kinh trước sự chứng kiến của hàng nghìn quan khách quốc tế, GS. Nguyễn Minh Thuyết chỉ rõ: Với một kẻ có nhiều thủ đoạn hèn hạ và xảo quyệt như vậy, lẽ ra chúng ta phải có ý thức ngăn chặn ngay từ đầu. Lâu nay dư luận nói nhiều về tác hại của con đường tiểu ngạch (nhập và xuất lậu hàng qua biên giới), nhưng làm cho kinh tế nước ta phụ thuộc vào Trung Quốc lại là … chính ngạch, qua những cuộc đấu thầu, những hợp đồng kinh tế kiểu thấy lỗ chổng vó vẫn làm và sự buông lỏng quản lý lao động phổ thông... Chắc chắn qua những vụ phá hoại kinh tế và vụ giàn khoan 981, Việt Nam ta phải nhìn nhận nghiêm túc về người láng giềng và về cách hành xử như dẫn đường cho kẻ cướp của người nhà mình.

Dư luận thế giới bàng hoàng trước sự việc tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam.
Dư luận thế giới bàng hoàng trước sự việc tàu Trung Quốc cố ý đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam.

GS Nguyễn Minh Thuyết đặt ra một loạt câu hỏi rất đáng phải suy ngẫm: Vì sao nhiều năm nay hàng hóa Trung Quốc kém chất lượng, rồi thực phẩm độc hại dễ dàng tuồn vào thị trường Việt Nam? Vì sao thương lái Trung Quốc mặc sức gây rối ở nhiều tỉnh thành, dư luận, báo chí nêu đã lâu mà gần đây vấn đề mới được quan tâm? Vì sao lao động phổ thông Trung Quốc tràn ngập các khu công nghiệp, đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn, Bộ trưởng cúng đã hứa hẹn kiểm tra, giải quyết mà đến nay vẫn không có chuyển động gì? Rất nhiều công trình ở Việt Nam đều do nhà thầu Trung Quốc thi công, có phải vì giá của họ rẻ hơn không? Giá chào rẻ nhưng nảy sinh biết bao chuyện trong quá trình thi công, rốt cuộc có rẻ thật không và có bảo đảm chất lượng không?.

"Phải tìm cách nhanh chóng thoát khỏi sợi dây thòng lọng" ảnh 4Tranh chấp chủ quyền: Chọn hữu nghị viển vông hay quốc gia, dân tộc?

(GDVN) - Trung Quốc từng giúp Việt Nam, nhưng cũng từng bán đứng và xâm lược Việt Nam... Đến nay, chủ quyền lãnh thổ, có nên xem xét dưới góc "đồng chí, anh em"?

Trung Quốc có tích lũy ngoại tệ lớn, đang là chủ nợ của cả những nền kinh tế giàu có như Mỹ, châu Âu, chắc chắn họ cũng đã biến Việt Nam thành con nợ.  Phải tìm cách nhanh chóng thoát khỏi sợi dây thòng lọng này. Các cụ ta thường nói: Mạnh về gạo, bạo về tiền. Có độc lập và có thực lực về kinh tế thì mới giữ vững được độc lập, chủ quyền.

“Giàn khoan Trung Quốc đã tạm rút về. Nhưng các lực lượng chấp pháp của ta vẫn phải thường xuyên tuần tiễu, bảo vệ chủ quyền, bảo vệ ngư dân. Tranh thủ thời gian “nghỉ giữa hai hiệp đấu” này, chúng ta phải tiếp tục củng cố hồ sơ, tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia quốc tế, chuẩn bị sẵn sàng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu họ đưa giàn khoan quay trở lại các vùng biển của nước ta.

Nếu chúng ta không có những phản ứng đủ mạnh để bảo vệ độc lập chủ quyền của mình, thì rất khó để cộng đồng quốc tế ủng hộ chúng ta. Với một láng giềng tham lam, trắng trợn như vậy, chẳng có lý gì để chúng ta phải tiếp tục nhún nhường. Người đứng đắn không bao giờ nhận anh em với quân trộm cướp, giết người”.

Ngọc Quang