Quốc hội chuẩn bị bầu các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đất nước

20/07/2016 07:37
Ngọc Quang
(GDVN) - Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV khai mạc sáng 20/7 tại Hà Nội. Quốc hội dự kiến bầu Chủ tịch nước vào chiều 25/7; bầu Thủ tướng vào chiều 26/7.

Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV sẽ khai mạc lúc 9h sáng ngày 20/7 sau khi các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi Chủ tịch Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát biểu ý kiến.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIII, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, kết quả xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - ông Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021.

Ông Lê Minh Thông - Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cho biết, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV có vai trò đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề cho hoạt động của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.

Kỳ họp dự kiến diễn ra trong 8 ngày, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian để xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Cụ thể, Quốc hội sẽ dành khoảng 6 ngày làm việc (chiều 20/7 đến sáng 28/7) để xem xét, quyết định về công tác nhân sự Nhà nước.

Dự kiến bầu Chủ tịch Quốc hội vào ngày 22/7. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Dự kiến bầu Chủ tịch Quốc hội vào ngày 22/7. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Vào ngày 22/7, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào chiều 25/7; bầu Thủ tướng Chính phủ vào chiều 26/7.

Quốc hội dự kiến bầu Chủ tịch nước vào chiều 25/7. ảnh: TTXVN.
Quốc hội dự kiến bầu Chủ tịch nước vào chiều 25/7. ảnh: TTXVN.

Vào sáng 27/7, Quốc hội tiếp tục bầu một số chức danh khác như: Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Vào sáng 28/7, Quốc hội quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Sáng 29/7, Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh theo tờ trình của Chủ tịch nước.

Tại kỳ họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016 để Quốc hội thảo luận.

Quốc hội dự kiến bầu Thủ tướng Chính phủ vào chiều 26/7. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.
Quốc hội dự kiến bầu Thủ tướng Chính phủ vào chiều 26/7. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội.

Liên quan tới vấn đề hải sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung và môi trường biển bị ô nhiễm nặng nề, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Chính phủ đã có họp báo cụ thể và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đối tượng gây ra sự cố rõ rồi, đối tượng cũng đã nhận trách nhiệm sẽ đền bù.

Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo về vấn đề liên quan đến Formosa. Chính phủ đã có sự chuẩn bị và sẽ báo cáo trước Quốc hội về vấn đề này”.

Trước khi bế mạc kỳ họp vào sáng 29/7, Quốc hội sẽ tiến hành thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Nghi quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo quy định của Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao sẽ thực hiện nghi thức tuyên thệ ngay sau khi được Quốc hội bầu.

Dù cơ bản giữ nguyên như ở kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, nhưng lễ tuyên thệ ở kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV cũng có sự đổi mới.

Để đảm bảo tính trang nghiêm của lễ tuyên thệ, khi các chức danh bước lên bậc tuyên thệ thì Quốc hội trân trọng mời các Đại biểu Quốc hội đứng lên, trang nghiêm như lúc chào cờ và không quay phim, chụp ảnh.

Đoàn Chủ tịch cũng bước xuống phía dưới đứng nghiêm trang như các đại biểu. Sau Lễ tuyên thệ thì không tặng hoa; kể cả khi Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ra mắt cũng không tặng hoa…

Ngọc Quang