Sẽ hỗ trợ ngư dân 70% giá trị hải sản không an toàn buộc phải tiêu hủy

11/05/2016 07:18
HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG
(GDVN) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngư dân cần yên tâm vươn khơi, bám biển; người dân yên tâm sử dụng, tiêu thụ hải sản an toàn.

Ngay sau quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho người dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế của Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến công tác thực tế tại một số địa phương ở miền Trung để nắm bắt tình hình khắc phục hậu quả cá chết đồng thời thăm hỏi, động viên ngư dân và kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hải sản tại những tỉnh này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của ngư dân. Ảnh: B.S
Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát trực tiếp lắng nghe tâm tư nguyện vọng của ngư dân. Ảnh: B.S

Trực tiếp lắng nghe dân nói

Ngày 10/5, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng với đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã có chuyến thăm, làm việc tại tỉnh Thừa Thiên – Huế. Có mặt tại Cảng cá Thuận An, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát và lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân bị ảnh hưởng bởi hiện tượng cá chết hàng loạt xảy ra trên địa bàn thời gian vừa qua.

Trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngư dân được bày tỏ những khó khăn đang vướng mắc. Đồng thời kiến nghị nhà nước có sự hỗ trợ kịp thời cho người dân tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tại buổi làm việc, đại diện Cảng cá Thuận An cho biết sản lượng đánh bắt tại đây đã bị sụt giảm gần 31% so với cùng kỳ năm trước từ khi có thông tin cá chết bất thường.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do hải sản không tiêu thụ được, tàu thuyền không thể ra khơi đánh bắt. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục tại cảng hiện đang bị xuống cấp nghiêm trọng, quy mô hạn chế, hệ thống xử lý nước thải, môi trường không đảm bảo; trong khi số lượng tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ ngày càng tăng.

Lãnh đạo cảng đã kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần quan tâm, đề xuất Trung ương sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng, xây dựng Cảng cá Thuận An đáp ứng yêu cầu neo đậu, tránh trú bão...

Nguyên nhân chính sản lượng đánh bắt giảm sụt đến 31% so với năm ngoái là do hải sản không tiêu thụ được, tàu thuyền không thể ra khơi đánh bắt. Ảnh B.S
Nguyên nhân chính sản lượng đánh bắt giảm sụt đến 31% so với năm ngoái là do hải sản không tiêu thụ được, tàu thuyền không thể ra khơi đánh bắt. Ảnh B.S

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngư dân cần yên tâm vươn khơi, bám biển; người dân yên tâm sử dụng, tiêu thụ hải sản an toàn.

Hải sản đánh bắt từ 20 hải lý trở ra đều ăn được, người dân không nên lo ngại. “Các bộ, ngành cũng đã quan trắc môi trưởng nước biển, mẫu cá đều cho kết quả an toàn. Sáng kiến của tỉnh TT – Huế là cấp giấy chứng nhận hải sản an toàn làm cơ sở, điều kiện để người dân yên tâm sử dụng. Các sở, ngành liên quan của tỉnh cần phát huy cách làm này”.

Trước đó, nhằm kiểm tra mức độ an toàn của các sản phẩm thủy hải sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế, các cơ quan chức năng tỉnh này đã tiến hành lấy 17 mẫu thủy hải sản tại các cảng cá và các chợ để kiểm nghiệm, và vừa có kết luận.

Theo đó, 17 mẫu gồm mẫu cá cá loại, tôm, nghêu, mực được lấy tại cảng cá Thuận An, biển Quảng Công và các chợ Phú Tân, Bến Ngự. Các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm nghiệm chỉ tiêu các kim loại nặng như Crom, Niken, Đồng, sắt, kẽm, mangan, chì, thủy ngân…

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, các chỉ tiêu xét nghiệm trong các mẫu đã lấy ở trên đều nằm trong giới hạn cho phép.

Hỗ trợ kịp thời cho ngư dân

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có gần 1.800 lồng cá nuôi bị chết, hoạt động đánh bắt thủy hải sản cũng như các hoạt động du lịch dịch vụ bị ngưng trệ, ước tính thiệt hại 135 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ việc tiêu thụ hải sản đánh bắt của bà con ngư dân, từ ngày 1/5 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp hơn 155 giấy xác nhận khai thác thủy sản xa bờ cho 660 tấn cá các loại.

Theo kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp, ngoài các chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ, tỉnh cũng đề nghị trung ương sớm hỗ trợ 600 tấn gạo, 15 tỷ đồng cho bà con ngư dân của 2.950 tàu thuyền khai thác hải sản gần bờ, 20 tỷ đồng cho 641 hộ nuôi trồng thủy sản có cá nuôi bị chết.

Trong ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã tặng quà cho các hộ gia đình ở thị trấn Thuận An bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng hiện tượng cá chết thời gian qua. Ảnh B.S
Trong ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã tặng quà cho các hộ gia đình ở thị trấn Thuận An bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng hiện tượng cá chết thời gian qua. Ảnh B.S

Liên quan đến một số kiến nghị của người dân, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Chính phủ đã có chủ trương, chỉ đạo hệ thống ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất… cho dân.

Thủ tướng Chính phủ cũng vừa mới ký Quyết định số 772 QĐ-TTg, ngày 9/5/2016 về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.

Theo đó, sẽ hỗ trợ hộ nông dân, ngư dân, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng cá chết bất thường theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ gia đình là chủ tàu, hộ gia đình có lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy, hoặc lắp máy dưới 90 CV và các hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng.

Chính phủ hỗ trợ một lần tối đa 5 triệu đồng/tàu không lắp máy, hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV đánh bắt ven bờ, vùng lộng do tạm ngừng ra khơi đánh bắt.

Đối với hải sản khai thác trong vùng biển từ 20 hải lý trở vào thuộc vùng biển từ các tỉnh Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, khi cơ quan chức năng xác nhận không an toàn buộc phải tiêu hủy thì được hỗ trợ không quá 70% giá trị sản lượng; đồng thời hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã tặng quà cho các hộ gia đình ở thị trấn Thuận An bị thiệt hại nặng do ảnh hưởng hiện tượng cá chết thời gian qua.

HOÀNG TUẤN - BẢO SƯƠNG