“Sơn Trà có những di sản quý báu mà khi mất đi thì không bao giờ tái tạo được”

16/07/2017 07:22
Tấn Tài
(GDVN) - Phải vận động các doanh nghiệp vì thương hiệu, vì trách nhiệm xã hội và tinh thần yêu nước để chấp nhận hy sinh một phần vì Sơn Trà, đó cũng là vinh dự lớn.

Đó là quan điểm của Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh tại buổi hội thảo “Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà” ở Đà Nẵng ngày 15/7 do Viện sinh thái học miền Nam phối hợp Hiệp hội du lịch Đà Nẵng tổ chức.

Tham dự hội thảo có 180 nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu về bảo tồn, các nhà quản lý cùng đại diện các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Hệ sinh thái bị đe dọa

Tại buổi hội thảo, các chuyên gia đã tập trung đánh giá về hiện trạng đa dạng sinh học tại Sơn Trà.

Ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc thu hồi các dự án ở Sơn Trà là bài toán khó. ảnh: TT.
Ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc thu hồi các dự án ở Sơn Trà là bài toán khó. ảnh: TT.

Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Trường - Viện trưởng viện sinh thái học miền Nam, Sơn Trà có một hệ sinh thái tự nhiên vô cùng giá trị và đặc biệt với hơn 1.000 loài thực vật, trong đó có 43 loài nằm trong danh mục sách đỏ Việt Nam, 21 loài nằm trong sách đỏ thế giới…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi những dự án, những công trình xây dựng đang “tàn phá” Sơn Trà cả ở trên bờ lẫn mặt nước.

Tiến sĩ Hà Thăng Long - Trung tâm Green Viet phải thốt lên chua xót rằng, không muốn mai này, loài Vọc chà vá quý hiếm ở Sơn Trà phải đu dây diện để qua vùng sống của nó.

“Sơn Trà có những di sản quý báu mà khi mất đi thì không bao giờ tái tạo được” ảnh 2

Ai trả tiền xây kè chắn sạt lở ở Sơn Trà, nơi có 40 móng biệt thự không phép?

(GDVN) - Nếu có áp lực từ doanh nghiệp là áp lực phải xử lý bồi thường, hỗ trợ khi rà soát, cắt giảm một số dự án ở bán đảo Sơn Trà.

Đó là hệ quả của việc khai thác các tuyến đường du lịch, dẫn đến các khu nghỉ dưỡng nằm rải rác quanh bán đảo này, gây chia cắt vùng sinh sống của loài Vọc

Ở dưới mặt nước, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hòa - Viện Hải dương học Nha Trang cũng đưa ra cảnh báo về việc suy giảm các rạn san hô ở ven bờ.

“Diện tích rạn san hô tại đây khoảng 80,9 hec-ta năm 2006 thì đến năm 2016 đã giảm xuống còn 34 hec-ta.

Khu vực bãi Bắc thì san hô gần như chết hoàn toàn” ông Hòa cho hay. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tác động đô thị hóa ven bờ, khai thác thủy sản, ô nhiễm từ các khu du lịch...

Ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu quan điểm nên giữ nguyên hiện trạng bán đảo Sơn Trà, quản lý đa dạng tự nhiên theo phương thức bền vững.

Đưa bán đảo này trở thành điểm du lịch độc đáo, lấy môi trường, đa dạng sinh học làm trung tâm.

Ngoài ra, nhiều nhà khoa học cũng đưa ra các đề xuất, giải pháp nhằm bảo vệ bán đảo Sơn Trà trước những tác động tiêu cực của quá trình khai thác, phát triển kinh tế - du lịch.

Doanh nghiệp hy sinh vì Sơn Trà sẽ được dân hoan nghênh

Tại hội thảo lần này, ông Trương Trọng Nghĩa - đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định những giá trị di sản quý báu của Sơn Trà. Nếu những di sản này mất đi thì không bao giờ tái tạo được.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học lo ngại về việc bán đảo Sơn Trà bị hủy hoại bởi nhiều dự án du lịch, xây dựng. Ảnh: TT
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học lo ngại về việc bán đảo Sơn Trà bị hủy hoại bởi nhiều dự án du lịch, xây dựng. Ảnh: TT

Trong đó, chính quyền Thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn bán đảo Sơn Trà.

“Chính người dân Đà Nẵng mới là chủ tài nguyên thiên nhiên của thành phố này”, ông Nghĩa nói. 

Về việc thu hồi các dự án tại Sơn Trà, ông Nghĩa nhận định, đây là một bài toán khó. Và để giải bài toán này thì phải dựa trên cơ sở pháp lý, sự quan tâm của cả nước, Chính phủ, công luận…  

“Sơn Trà có những di sản quý báu mà khi mất đi thì không bao giờ tái tạo được” ảnh 4

Đà Nẵng báo cáo với Thủ tướng về quy hoạch Sơn Trà như thế nào?

(GDVN) - Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức rà soát và làm việc với các nhà đầu tư ở Sơn Trà, có báo cáo trước ngày 30/8/2017.

“Cái gì trái phép là dẹp, thậm chí trừng trị nếu nghiêm trọng. Những cái gì hợp quy trình, hợp pháp nhưng nay không còn hợp lý nữa, nếu tiếp tục không có lợi thì cùng nhau tìm giải pháp đáp ứng lợi ích các bên.

Phải vận động chính các doanh nghiệp vì thương hiệu của anh, vì trách nhiệm xã hội, tình thần yêu nước nếu các doanh nghiệp có chịu thiệt hại một phần nào đó, có hi sinh một phần nào đó vì Sơn Trà là vinh dự.

Và nó làm tăng lòng yêu mến của người dân với thương hiệu đó”, ông Nghĩa phân tích.

Theo quan điểm của đại biểu Nghĩa, để bảo vệ Sơn Trà nếu các doanh nghiệp có bị thiệt hại thì phải đền bù.

Nhưng nếu quá sức chịu đựng thì vận động doanh nghiệp hy sinh một phần. Sự hy sinh đó sẽ được nhân dân hết sức hoan nghênh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh -  Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng khẳng định quan điểm của thành phố là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đi đôi với bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên.

Trong đó, tập trung phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh.

Tấn Tài