Ngày 10/7, trường Đại học Đông Á phối hợp với Viện nghiên cứu CNRS và Đại học Charles de Gaulle.Lille 3 (đều thuộc Cộng hòa Pháp) tổ chức hội thảo quốc tế về: “Bảo tồn di tích và phát triển du lịch”.
Tham dự hội thảo, các nhà khoa học, học giả đến từ các viện nghiên cứu, cơ quan quản lý về du lịch ở miền trung… đã trình bày 10 báo cáo chuyên đề.
Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế đã cùng mổ xẻ nhiều vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản. Ảnh: PC |
Mang đến những góc nhìn đa chiều về xu thế toàn cầu hóa và địa phương hóa du lịch, giải bài toán giữa yêu cầu phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa, du lịch bền vững…
Giáo sư Lê Hữu Khóa – Giám đốc ban cao học châu Á (Đại học Charles de Gaulle.Lille 3) đã chỉ ra những mâu thuẫn và cơ hội trong việc bảo tồn di tích và phát triển du lịch.
Mọi tác động lên bán đảo Sơn Trà đều phải được nghiên cứu trên cơ sở khoa học(GDVN) - Cử tri mong muốn chính quyền có chiến lược phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà một cách bền vững, phát triển phải đi đôi với bảo vệ đa dạng sinh học. |
“Toàn cầu hóa đem đến cho ngành du lịch cơ hội mở cửa để giới thiệu văn hóa, cảnh quan địa phương đến du khách thập phương tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm.
Cùng với những giá trị bản sắc mang tính tiềm năng được khai thác phục vụ du lịch, du lịch bền vững cũng yêu cầu sự tôn trọng con người, văn hóa, kinh tế địa phương, thiên nhiên và di tích của những người thụ hưởng trực tiếp là du khách” Giáo sư Khóa nói.
Thảo luận tại hội thảo lần này, các nhà nghiên cứu tại Pháp đặt vấn đề, có hay không sự phát triển bền vững khi mà tại các quốc gia mỗi năm đều bị thúc ép bởi các chỉ tiêu phải phát triển thêm bao nhiêu %, mở rộng thêm các ngành công nghiệp mới?
“Chính phát triển bền vững đã đưa đến một khu vực kinh tế xanh, giúp bảo vệ môi sinh, chống ô nhiễm và tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm…
Đây chính là xu thế tất yếu và là một lựa chọn thông minh mà nhân loại đang hướng đến” giáo sư Jaques Barou – Nhà dân tộc học, Giám đốc Viện nghiên cứu CNRS (Cộng hòa Pháp) nhấn mạnh.
Ông cũng chỉ ra rằng, phản xạ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của người dân là hết sức quan trọng và có ý nghĩa lớn trong việc gìn giữ di sản và phát triển du lịch.
Ông Hồ Tấn Cường – Phó Giám đốc Sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh Quảng Nam chia sẻ, địa phương này xem phát triển du lịch là cơ sở bảo tồn di sản.
Theo đó, Quảng Nam có nhiều ưu thế về thiên nhiên đa dạng, di sản văn hóa, truyền thống lịch sử đặc sắc… trở thành tiềm năng lớn để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
“Công tác quản lý, bảo tồn di tích đã được xã hội hóa, ý thức bảo tồn di sản của người dân và du khách rất tích cực. Trong đó, người dân địa phương đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng tu sửa các di tích thuộc sở hữu tư nhân.
Nhiều công trình thuộc sở hữu tập thể như đình, chùa, lăng miếu… sau khi tu bổ xong đã được trả về với cộng đồng theo chức năng phục vụ nhu cầu tinh thần của nhân dân địa phương” ông Cường cho biết thêm.