Vụ cán bộ thi trượt vẫn có bằng ở Nghệ An:

Tất cả là bằng giả, mua ở chợ

20/03/2014 08:51
Xuân Hòa
(GDVN) - Để có được bằng tốt nghiệp THPT sau khi đã thi trượt tốt nghiệp một số cán bộ xã tại huyện Thanh Chương đã tìm cách “kiếm bằng” tốt nghiệp với nhiều cách.
Hai bằng tốt nghiệp cùng năm, khác phôi là bằng giả
Như bài viết trước chúng tôi đã nêu việc vấn đề có nhiều cán bộ tại một số xã tại huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An không thi đậu tốt nghiệp mà vẫn có bằng tốt nghiệp THPT. Cùng với đó, hiện tại những cán bộ này lại đang là những cát bộ cốt cán đứng chức trưởng hoặc phó một số ban nghành tại các xã. 

Trong đó, trường hợp bà Nguyễn Thị Oanh – Chủ tịch hội phụ nữ và ông Ngô Trí Khoa – Phó trưởng công an xã Hạnh Lâm còn “trưng” được bằng tốt nghiệp THPT khi mà cả hai vị này đều không đậu tốt nghiệp trong kỳ thi vào năm 2009 tại Trung tâm GDTX huyện Thanh Chương.

Ông Ngô Trí Khoa thừa nhận bằng tốt nghiệp mà mình có là là người cháu mua hộ
Ông Ngô Trí Khoa thừa nhận bằng tốt nghiệp mà mình có là là người cháu mua hộ

Để xác minh hai tấm bằng này là bằng thật hay bằng giả, chúng tôi đã gửi những tấm ảnh và bản sao ghi lại hai tấm bằng của hai vị cán bộ này đã cho Sở GD&ĐT Nghệ An kiểm tra.

Sau khi kiểm tra, Phòng Thanh tra – Sở GD và ĐT Nghệ An đã có biên bản số 03/TTr, Thanh tra Sở GDĐT xác nhận: Nguyễn Thị Oanh và Ngô Trí Khoa - học sinh Trung tâm GDTX Thanh Chương  không có tên trong danh sách đậu tốt nghiệp lưu tại Sở GD&ĐT Nghệ An.

Văn bản của Sở GD&ĐT Nghệ An xác nhận ông Ngô Trí Khoa và Bà Nguyễn Thị Oanh không có trong danh sách thi đậu tốt nghiệp THPT lưu tại sở này.
Văn bản của Sở GD&ĐT Nghệ An xác nhận ông Ngô Trí Khoa và Bà Nguyễn Thị Oanh không có trong danh sách thi đậu tốt nghiệp THPT lưu tại sở này.
Tại sao bằng được cấp có dấu của Sở GD&ĐT Nghệ An và có cả chữ ký của Giám đốc Sở phía dưới nhưng lại không có trong hồ sơ lưu của Sở khiến ai cũng đặt câu hỏi: Những cán bộ này sao lại có những tấm bằng kia? 
“Cháy nhà mới ra mặt chuột”
Sau khi xác minh được vấn đề trên thì lúc này cả ông Khoa lẫn bà Oanh mới lộ ra chân tướng thật của những tấm bằng mà họ có được.
Như vậy, bằng tốt nghiệp THPT ông Khoa cung cấp cho phóng viên là bằng không hợp pháp
Như vậy, bằng tốt nghiệp THPT ông Khoa cung cấp cho phóng viên là bằng không hợp pháp

Ông Ngô Trí Khoa phân trần: “Việc có tấm bằng đó là do sau khi biết thông tin tôi thi không đậu tốt nghiệp, một đứa cháu gọi tôi bằng dượng sinh sống tại TP.Vinh mách nước sẽ giúp tôi có bằng. Sau đó đứa cháu này dặn tôi phô tô hồ sơ học gửi cho nó. Nó nói, nhờ có mấy người chơi thân nên mua được tấm bằng đó cho tôi. Khi nó đưa bằng cho tôi nói hết bao tiền tôi gửi nhưng nó nói không đáng bao nhiêu nên nó không lấy tiền. Nó cũng là đứa chơi bời nên dính vào nghiện ngập ma túy và nay đã mất rồi”.

Ông Khoa cho biết thêm: “Tuổi tôi lúc đó học không theo được những người trẻ nên khó mà thi đậu được. Với lại năm thi tốt nghiệp đúng cái năm 3 không gì đó nên càng khó. Tôi cũng chỉ muốn có cái bằng để làm việc cho an tâm chứ không nghĩ đến chuyện gì cả”.
Ngoài trường hợp của bà Oanh, ông Khoa thì một số cán bộ tại các xã khác tại huyện Thanh Chương cũng cho biết mình có bằng tốt nghiệp THPT nhưng sau khi sự việc được “bóc mẽ” họ cũng thừa nhận để có được tấm bằng đó là do họ “mua”.
Bằng của bà Oanh cũng không hợp pháp, được bà Oanh mua sau khi không đậu tốt nghiệp
Bằng của bà Oanh cũng  không hợp pháp, được bà Oanh mua sau khi không đậu tốt nghiệp

Như trường hợp ông Trần Đình Hòa, Phó trưởng CA xã Thanh Đức; bà Lê Thị Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Mỹ. Cả hai vị này đã thừa nhận: “sau khi không đậu tốt nghiệp đã nhờ người mua hộ bằng”. Bà Tuyết còn cho biết, để có tấm bằng đó bà đã phải chi ra một triệu đồng.

Theo ông Hoàng Tiến Thọ - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ thì ngoài trưởng hợp bà Tuyết tại xã còn có trường hợp ông Võ Văn Tịnh – Trưởng công an xã vẫn trình được bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trong khóa học năm 2009 ông Tịnh cũng nằm trong danh sách thí sinh thi trượt tốt nghiệp.
Khi trao đổi vấn đề này ông Tịnh nói: “Khóa học năm đó tôi thi trượt nên chỉ lên xin chứng nhận đã học hết chương trình 12 chứ không có bằng tốt nghiệp. Nhưng khi đó chính quyền cũng chỉ cần xác nhận học hết chương trình phổ thông chứ không đòi bằng”.
Cũng theo tiết lộ của một cán bộ tại Trung tâm Chính trị huyện Thanh Chương thì ông Nguyễn Đình Kỷ, cán bộ khuyến nông xã Thanh Ngọc hiện đang học tại đây cho vị này biết ông Kỷ có bằng trung cấp nông lâm là bằng thật. Nhưng để có tấm bằng trung cấp nông lâm trên thì ông Kỷ lại thừa nhận dùng bằng tốt nghiệp THPT giả.
Việc các cán bộ một số xã tại huyện Thanh Chương thi không đậu tốt nghiệp bổ túc văn hóa nhưng họ vẫn nghiễm nhiên có bằng thì đã rõ. Số bằng đó đều được họ “dùng ảo thuật” là mua bằng tiền để chứng minh mình đã tốt nghiệp THPT. Không ít trong số những cán bộ này còn được cử lên đi học hệ trung cấp, đại học. Một số đã học xong có bằng như trường hợp ông Kỷ. Vậy tại sao những cán bộ này sử dụng bằng bất hợp pháp trong thời gian dài lại không bị phát hiện mà vẫn vô tư lọt “sàng” qua nhiều lớp như vậy để có những tấm bằng khác? 
Xuân Hòa