Liên quan đến dự án xây dựng phòng nghỉ tại bán đảo Sơn Trà, dư luận rất bất ngờ khi Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký văn bản yêu cầu đề nghị xử lý phát ngôn về Sơn Trà đối với ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng.
Trong bối cảnh, Luật tố cáo đang được các Đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi, việc bảo vệ người tố cáo được xem là nội dung trọng tâm thì công văn đòi xử lý người có ý kiến phản biện trong một cuộc hội thảo tổ chức công khai khiến dư luận vô cùng bức xúc vì cho rằng quá đáng.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái: Tôi xin lỗi anh Vinh và nhận trách nhiệm với Phó Thủ tướng |
Văn bản này không ít người cảm thấy sự hách dịch, bề trên của cơ quan chức năng - ở đây là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đối với cá nhân có đóng góp tâm huyết trong việc xây dựng và bảo vệ danh thắng Sơn Trà, Đà Nẵng là ông Huỳnh Tấn Vinh.
Sau gần 3 ngày văn bản này được ký, ngày 4/6, ông Huỳnh Vĩnh Ái đã ký văn bản thu hồi vì lý do có những nội dung chưa phù hợp khiến dư luận hiểu nhầm.
Ngoài ra, ông Ái còn yêu cầu Tổng cục du lịch làm rõ trách nhiệm trong quá trình tham mưu.
Lần này dư luận phản ứng vì cách ông Huỳnh Vĩnh Ái truy trách nhiệm cấp dưới.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch - người trực tiếp tham mưu cho ông Ái ký văn bản gây bão đã trả lời báo chí rằng: “Tôi không hiểu nhầm ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng.
Tôi vẫn nghĩ chỉ đạo của Phó Thủ tướng đúng và kịp thời, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy khi thể hiện bằng văn bản đã có sai sót.
Những lỗi như thế này cơ quan quản lý cần nghiêm túc phải rút kinh nghiệm. Hiện nay, tôi đang làm báo cáo để giải trình.
Là người đứng đầu tôi xin nhận trách nhiệm về mình, tôi không đổ lỗi cho bất kỳ ai về sai sót trong vấn đề này.
Mong dư luận thông cảm và chia sẻ, sự việc này sẽ được giải quyết trong thời gian tới”.
Theo dõi vụ việc, dư luận không bằng lòng về ứng xử của ông Ái, ông Tuấn. Thực tế, những văn bản ban hành ra kiểu “trên trời” của ông Ái ký và ông Tuấn cố vấn không hiếm ở nước ta.
Trước đây, để bao biện, những người có trách nhiệm thường biện lý do ra đời những văn bản kiểu này là do “lỗi đánh máy”.
Nay, khi nghe ông Tuấn lý giải vì “thể hiện văn bản có sai sót” – thì dư luận lại nghĩ ông Tuấn đã phát triển ý tứ của “lỗi đánh máy” lên một cấp độ cao hơn.
Đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Bàn luận xung quanh vấn đề trên, bên hành lang Quốc hội, kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 14, Đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, ông theo dõi khá kỹ các thông tin liên quan đến Sơn Trà cũng như văn bản sai sót phải thu hồi vừa qua của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo Đại biểu Dương Trung Quốc: “Cá nhân nào đó khi có sai sót mà đổ lỗi cho cấp dưới tham mưu sai bộc lộ sự thiếu bản lĩnh của chính khách.
Nếu anh sai thì nhận sai rồi sửa chứ có gì đâu.
Còn ở đây, khi lãnh đạo Bộ, Tổng Cục Du lịch đã xin lỗi thì cũng nên chấp nhận nhưng quan trọng phải xem sửa lỗi như thế nào".
Nói về văn hóa ứng xử quan trường xưa nay, về việc đổ lỗi cho cấp dưới tham mưu, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bình luận: “Thời xưa, nhờ đạo lý mà người ta biết xấu hổ để tránh khi ứng xử không đúng chuẩn mực.
Văn hóa quan trường là có công được hưởng, có tội thì phải chịu, xuống chức”.
Ông Dương Trung Quốc lấy ví dụ: “Ông Nguyễn Công Trứ, có lúc làm chức Thượng thư nhưng có thời điểm dáng chức xuống thành người đi hiệu lệnh, đi đày.
Bây giờ chúng ta gọi luân chuyển nhưng xưa, chế độ quan trường tiến hành luân chuyển hơn chúng ta nhiều.
Trong điều kiện giao thông khó khăn, một ông quê ở Hà Tĩnh như Nguyễn Công Trứ lại lên tận Cao Bằng, xuống tận An Giang, Thái Bình, Ninh Bình để làm đủ mọi công việc. Điều đó làm cho con người có động lực.
Giờ ai cũng muốn an toàn, ai cũng muốn thoát hiểm. Họ cứ ngại, muốn né tránh, không dám nhận trách nhiệm. Sợ vì một "phốt" có thể làm thay đổi chức vụ đang đảm nhiệm".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu đoàn Nghệ An (ảnh nguồn quochoi.vn). |
Liên quan đến công văn đòi xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu – Giám đốc công an tỉnh Nghệ An cho rằng: “Tôi rất bức xúc về việc này.
Khi mình đang thảo luận Luật tố cáo, bảo vệ người tố cáo nhưng một đại biểu trong một hội thảo người ta phát biểu mà bắt người ta kiểm điểm như thế không thể chấp nhận được.
Khi nói công khai trong một hội thảo với tư cách là một thành viên, người ta có quyền nói. Phản biện xã hội có nghĩa tôi có quyền nói ngược lại thì mới là phản biện.
Tranh luận để tìm ra chân lý, đại biểu thì có quyền được nói, không giấu diếm gì, nói rất đúng mà bắt kiểm điểm thì vô lý quá”.
Bàn về, có nên tiếp tục cho phép phát triển các dự án phòng nghỉ ở Sơn Trà nữa hay không, ông Dương Trung Quốc và ông Nguyễn Hữu Cầu đều đồng quan điểm không vì lợi ích kinh tế ngắn hạn mà đánh đổi một danh lam.
Sợ rằng, khi có tiền rồi sau này muốn có một khu rừng đẹp như Sơn Trà thì không còn cơ hội.
Trước đó, ngày 2/6, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã ký văn bản gửi Hiệp hội Du lịch Thành phố Đà Nẵng đề nghị xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, tại một buổi tọa đàm.
Văn bản này cho rằng, những phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh tại buổi tọa đàm "Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà" ngày 30/5 là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề.
Vì thế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trước ngày 15/6 để Bộ báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Ngay sau đó, trưa ngày 4/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich lại gấp rút ra văn bản thu hồi lại văn bản do Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái ký và đồng thời yêu cầu Tổng cục Du lịch làm rõ trách nhiệm quá trình tham mưu ban hành văn bản trên.
Văn bản này cũng khẳng định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục lắng nghe các ý kiến đóng góp khách quan và khoa học về vấn đề quy hoạch Sơn Trà để đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.