Ngày 30/5, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, vừa có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về việc: “liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đà Nẵng phản hồi những ý kiến đóng góp
Trong đó xác định, bán đảo này có vị trí quan trọng đặc biệt đối với an ninh, quốc phòng không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung. Đà Nẵng cũng đưa ra hệ thống các văn bản pháp lý quan trọng liên quan đến hoạt động quy hoạch, phát triển kinh tế ở bán đảo Sơn Trà.
Hàng loạt các công trình xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang "băm nát" Sơn Trà. Ảnh: TT |
Về quy hoạch, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 25 dự án, trong đó có 18 dự án du lịch có lưu trú. Một số dự án đã đi vào hoạt động, còn số khác đang tạm dừng hoặc chưa triển khai.
Không thể làm thêm các dự án biệt thự ở Sơn Trà!(GDVN) - “Cần thiết ngăn chặn áp lực, xu hướng khai thác ngắn hạn chộp giật, lợi dụng trong thời gian ngắn bất chấp hủy hoại thiên nhiên, di sản để mưu lợi”. |
Trong báo cáo trình Thủ tướng, Đà Nẵng cũng dẫn lại những kiến nghị của ông Huỳnh Tấn Vinh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và một số tổ chức khác cũng như đưa ra các phản hồi chính thức.
Cụ thể, đối với kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Đà Nẵng lý giải rằng, theo số liệu thống kê năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng là 575 cơ sở, đón được gần 2,6 triệu lượt khách.
Để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm (gần gấp 3) đến năm 2030 thì cần phải có gần 58.000 phòng. Đến nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó, việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng là chưa phù hợp.
Kiến nghị thứ hai, chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan, giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng của du khách.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, sẽ quy hoạch khu du lịch quốc gia Sơn Trà với nhiều chức năng: tham quan, vui chơi, giải trí, lưu trú… tạo nên sự đa dạng hấp dẫn mà vẫn đảm bảo yếu tố bảo tồn thiên nhiên nếu có các giải pháp tốt về quy hoạch, kiến trúc, xât dựng…
Đà Nẵng ghi nhận kiến nghị thứ ba là hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển, tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu…
Trong quá trình triển khai quy hoạch chung xây dựng khu vực bán đảo Sơn Trà sẽ nghiên cứu lồng ghép một cách phù hợp.
Đối với kiến nghị hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế.
Đà Nẵng cho rằng, vấn đề này cần phải được xem xét, nghiên cứu một cách khoa học. Thành phố sẽ phối hợp với Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học có liên quan tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng xác nhận, hiện rừng đặc dụng Sơn Trà có diện tích hơn 2.591 hecta.
Quan điểm của Đà Nẵng về quy hoạch Sơn Trà
Trong bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng đã nêu ý kiến của địa phương này đối với “quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà”
Đà Nẵng báo cáo Thủ tướng về dự án khu du lịch trên bán đảo Sơn Trà(GDVN) - Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Ủy ban thành phố hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan để triển khai dự án theo quy định. |
Cụ thể, phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa – tâm linh.
Phát triển du lịch bảo đảm với phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường. Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Việc phát triển khu du lịch bền vững, phù hợp với chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam.
Về phương án phát triển, nội dung quy hoạch xác định quy mô 1.600 buồng phòng khách sạn đến năm 2030 là phù hợp.
Về tổ chức không gian các khu chức năng, cơ bản phù hợp với đồ án quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tuy nhiên, khi triển khai các bước tiếp theo cần nghiên cứu mở rộng ranh giới quy hoạch ra vùng biển bao quanh để đảm bảo yếu tố bảo tồn đa dạng sinh học.
Đà Nẵng xác định, Sơn Trà có vị trí đặc biệt quan trọng về cảnh quản tự nhiên, quốc phòng, an ninh, đa dạng sinh học và tiềm năng phát triển du lịch.
Do đó, đề xuất tiếp tục triển khai phát triển khu vực bán đảo Sơn Trà phù hợp với tinh thần nghị quyết 33 của Bộ Chính trị.
Việc quy hoạch, phát triển tại bán đảo Sơn Trà theo hướng bền vững, đảm bảo phương châm: “bảo tồn đi đôi với phát triển, phát triển để bảo tồn”.
Bán đảo Sơn Trà cần được bảo vệ và kiểm soát bằng một cơ chế đặc biệt nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát triển.
Đề xuất, việc tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu trên sẽ ảnh hưởng đến các dự án tại khu vực bán đảo Sơn Trà.
Do đó, Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức rà soát và làm việc với các nhà đầu tư, có báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/8/2017.