Thủ tướng: Dư luận về tham nhũng, lợi ích nhóm vẫn còn ở nhiều cơ quan

22/10/2018 11:32
Đỗ Thơm
(GDVN) - Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 nêu rõ.

Sáng 22/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020).

Về xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật, cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, bản báo cáo nêu rõ, công tác xây dựng và thực thi pháp luật được tập trung chỉ đạo.

Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua 22 dự án luật .

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm ; cơ bản không còn nợ văn bản thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong công tác xây dựng, giám sát thực thi pháp luật.

Ban hành các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Theo đó, đã giảm số lượng lớn các Tổng cục, Vụ, cục thuộc Bộ và giảm trên 86,3 nghìn biên chế, trong đó có 12,4 nghìn công chức.

Chính phủ đã thành lập Ủy ban quốc gia, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia .

Ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, kết nối liên thông, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Đối thoại trực tiếp với công nhân, nông dân, trí thức; nâng cao hiệu quả tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp thông qua các Cổng thông tin điện tử.

Triển khai thực hiện hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp giữa Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp với các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Công tác dân vận ở các cấp đạt được kết quả thiết thực.

Báo cáo nhấn mạnh, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; ban hành kết luận thanh tra đối với nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, cảng Quy Nhơn, Hãng phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường. Tích cực thực hiện Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Công tác phòng chống tham nhũng được quyết liệt triển khai.

Nghiêm túc thực hiện kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các cuộc họp của Lãnh đạo chủ chốt.

Xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp.

Tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm (như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”…), được cử tri cả nước đồng tình, ủng hộ”.

Về tồn tại, hạn chế, báo cáo cũng chỉ rõ, một số quy định pháp luật còn bất cập, thiếu khả thi, chồng chéo, chậm được sửa đổi, kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm.

Công tác cán bộ còn những yếu kém, phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trong một số lĩnh vực chưa cao.

Cải cách thủ tục hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp.

"Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Dư luận về tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn còn ở nhiều cơ quan, đơn vị.

Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, làm giảm sút niềm tin của nhân dân”, Thủ tướng phát biểu.

Đỗ Thơm