Thủy điện xả lũ ồ ạt "đúng quy trình" nhưng... hại dân!

18/10/2016 14:47
Nguyễn Duy Xuân
(GDVN) - Thế hóa ra là làm thủy điện, các ông cứ ung dung ngồi thu lãi còn tai vạ xả lũ, hủy hoại môi sinh, tàn phá nhà cửa, gây chết người thì không cần quan tâm đến?

Những ngày qua, cả nước nín thở trong xót xa, âu lo theo dõi người dân miền Trung đang gồng mình chống chọi với mưa lũ kinh hoàng.

Hiện tại, mưa ở các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị đã ngớt, nước lũ bắt đầu rút chậm.

Tính đến ngày 16/10 đã có 24 người chết, 9 người mất tích; trong đó Quảng Bình có 18 người chết, 7 người mất tích và 13 người bị thương; Hà Tĩnh có 3 người chết, một người mất tích; Nghệ An 2 người chết; Thừa Thiên - Huế 1 người chết, 1 người mất tích.

Có 98.000 ngôi nhà bị ngập, tập trung ở Quảng Bình với hơn 71.000; Hà Tĩnh 24.000; Nghệ An 2.800.

Diện tích hoa màu bị ngập ở 3 tỉnh trên là hơn 9.000 ha; hệ thống giao thông, thủy lợi và các đầm hồ thủy sản cũng bị thiệt hại nặng.

Do nước còn ngập ở nhiều nơi nên việc thông kê chưa thể hết được, con số thiệt hại chắc chắn còn tăng lên sau khi nước rút hoàn toàn.

Tổn thất này là quá lớn đối với một vùng đất luôn phải hứng chịu nhiều thiên tai, bão tố. Chưa kịp gượng dậy sau thảm họa môi trường biển, miền Trung lại bị giáng đòn nặng bởi sự "nổi giận" của ông… Trời! Nhưng không chỉ có thiên tai, người miền Trung còn phải hứng chịu đau khổ vì… nhân tai nữa!

Thủy điện Hố Hô xả lũ vào ngày 16/10 giáp ranh giới Hà Tĩnh, Quảng Bình (Ảnh: nld.com.vn).
Thủy điện Hố Hô xả lũ vào ngày 16/10 giáp ranh giới Hà Tĩnh, Quảng Bình (Ảnh: nld.com.vn).

Góp phần vào thiệt hại nói trên, không thể không nhắc đến chuyện xả lũ của thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh.

Ai cũng biết quy trình xả lũ là các nhà máy thuỷ điện cần phải xả lũ từ trước, một khi đã có những dự báo về áp thấp nhiệt đới.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, khi mực nước lòng hồ thủy điện Hố Hô vượt cao trình thiết kế thì họ mới cho xả lũ. Mức xả lũ lũ ồ ạt với lưu lượng 1.800 m3/s trong 4 giờ vào ban đêm kèm theo mưa lớn khiến mực nước lên rất nhanh, dân không kịp trở tay.

Ông Trần Kim Hoàng, người dân xóm Thái Thượng cho biết:

Việc xả lũ của thủy điện Hố Hô, gia đình tôi không hề nhận được thông báo. Lũ to thì có nhiều rồi nhưng lũ về nhanh như kẻ cướp rứa (như thế này) thì chưa từng có, nó y như sóng thần.

Lũ về nhanh quá, gia đình tôi di chuyển đồ đạc, tài sản không kịp…”.

Ông Nguyễn Kim Thân, trưởng xóm Thái Thượng khẳng định, tầm khoảng 19 - 20 giờ ngày 14/10, khi nước đã vào nhà dân rồi ông nhận được điện thoại của Chủ tịch xã bảo thông báo với dân về việc thủy điện Hố Hô xả lũ: “Lúc đó thì mất điện rồi. Mất từ 16 giờ rồi nên tôi có nói lại với Chủ tịch là mất điện rồi thì thông báo chi được nữa”.

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Hương Khê, Lê Ngọc Huấn cho biết mãi đến 16 giờ ngày 14/10, Uỷ ban Nhân dân huyện mới nhận được thông báo xả lũ qua điện thoại của đại diện nhà máy tới một Phó chủ tịch huyện nên cả huyện hoàn toàn bị động.

Khi chưa mưa thì không xả, lại nhè lúc mưa lớn để xả. Nước trên đổ về, nước sông dâng lên, tôi đề nghị dừng lại từ 1- 2 tiếng cho nước rút bớt, điều kiện lúc đó có thể dừng xả 1 tiếng nhưng lãnh đạo nhà máy không chấp thuận” - ông Huấn bức xúc nói.

Thủy điện xả lũ ồ ạt "đúng quy trình" nhưng... hại dân!   ảnh 2

Xưa đến giờ, cái cổng cũng chỉ để làm ranh giới và treo đèn kết hoa khi có lễ

Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh cũng cho rằng thủy điện không thể xả ồ ạt như vậy được.

Những phản hồi ban đầu của chính quyền sở tại đã cho thấy, Công ty Cổ phần thủy điện Hồ Bốn - Chủ đầu tư công trình thủy điện này không vô can trước thảm họa hàng ngàn ngôi nhà, ruộng vườn của người dân huyện này bị ngập úng nặng.

Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Hùng (Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô, Công ty cổ phần thuỷ điện Hồ Bốn) vẫn khẳng định, việc xả lũ tại Hương Khê là đúng quy trình.

Ông Hùng còn cho rằng, Công ty không có trách nhiệm thông báo tới Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện.

Chuyện thủy điện Hố Hô xả lũ có đúng quy trình hay không, xin đợi kết luận của tổ công tác điều tra của Bộ Công thương đang trên đường vào Hà Tĩnh để tiếp cận nhà máy, khảo sát hiện trường, nghiên cứu hồ sơ tài liệu…

Chỉ e là sau cuộc điều nghiên này, tất cả lại "đúng quy trình" và lỗi vẫn là tại… ông trời?

Biếm họa trên Tuổi Trẻ Cười.
Biếm họa trên Tuổi Trẻ Cười.

Nhưng điều mà ông Giám đốc Nhà máy thủy điện Hố Hô nói rằng Công ty không có trách nhiệm thông báo tới chính quyền địa phương là điều không thể chấp nhận được nếu không nói là vi phạm pháp luật.

Thế hóa ra là làm thủy điện, các ông cứ ung dung ngồi thu lãi còn tai vạ xả lũ, hủy hoại môi sinh, tàn phá nhà cửa, gây chết người thì các ông không cần quan tâm đến?

Quan điểm kinh doanh như thế, cho thấy một sự thật phũ phàng, rằng các ông đang kiếm lợi trên thân xác và tài sản đồng bào đấy, thưa ông Giám đốc!

Từ việc xả lũ "đúng quy trình" của thủy điện Hố Hô vừa qua, có thể khẳng định rằng một số đập thủy điện đã và đang là tác nhân góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng mưa lũ lâu nay vì những tính toán bất chấp khoa học về địa chất, tiêu chuẩn kĩ thuật, lưu lượng nước và lòng tham trước nguồn lợi khổng lồ mà nó mang lại cho doanh nghiệp.

Thủy điện xả lũ ồ ạt "đúng quy trình" nhưng... hại dân!   ảnh 4

Bộ Công Thương họp khẩn, lập tổ điều tra xả lũ tại Thủy điện Hố Hô

Sự cố vỡ đập thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) hồi giữa tháng 9 vừa qua là bài học đắt giá về việc xây dựng thủy điện ồ ạt, bất chấp tác động môi trường và dân sinh.

Dư luận bảo đấy là những quả bom nước, quả không sai, những quả bom nước ấy có thể ập xuống đầu dân bất cứ lúc nào như Sông Bung 2, như Hố Hô.

Sẽ có bao nhiệu sinh mạng người dân bị cướp đi trong tương lai, bao nhiêu thiệt hại về tài sản của Nhà nước, đặc biệt là cơ nghiệp của dân tích cóp một đời vì đại họa thiên tai cộng với sự "giúp sức" của thủy điện? Không ai có thể trả lời được câu hỏi này!

Rất cần một sự khảo sát, đánh giá một cách khoa học, trung thực của các bộ ngành về chất lượng và tác động môi trườngcủa các đập thủy điện hiện nay; mạnh dạn loại bỏ ngay những công trình thủy điện mà lợi bất cập hại để tránh cho dân phải hứng chịu những thảm họa trong tương lai.

Nguyễn Duy Xuân