Chuyện tình "nhà ngâu" của cô Tiến sĩ
Những ngày gần đây, câu chuyện về một cô Tiến sĩ trẻ tuổi vừa mới sinh hạ 2 người con trai song sinh khỏe mạnh nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ tinh trùng được lưu giữ của người chồng đã qua đời 4 năm trước đã thu hút sự chú ý lớn của dư luận.
Cô tiến sỹ ấy là Hoàng Thị Kim Dung (33 tuổi), hiện đang là Giảng viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Các đây 4 năm, vào tháng 3/2010, chồng chị Dung là anh Hồ Sỹ Ngọc đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Anh Ngọc ra đi vào thời điểm chỉ sau hơn 1 năm kết hôn, chị Dung vừa mới sang Pháp bảo vệ luận án Tiến sĩ về nước và đứa con gái đầu lòng của 2 người chỉ mới 6 tháng tuổi.
Quá đau đớn trước sự ra đi của chồng, chị Dung đã quyết định nhờ tới các bác sỹ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn phẫu thuật và lấy 14 mẫu tinh trùng từ thi thể anh Ngọc đem đi lưu trữ theo phương pháp khoa học.
Vài năm trôi qua, khi con gái đầu lòng cứng cáp hơn thì chị Dung đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm từ mẫu tinh trùng của người chồng nói trên. Kết quả, ngày 9/12 vừa qua, chị đã sinh hạ được 2 bé trai kháu khỉnh. Cả 2 cháu được đặt tên theo họ bố, cháu cả là Hồ Sỹ Hoàng Đức, cháu còn lại là Hồ Sỹ Hoàng Hải.
Hai bé trai song sinh Hồ Sỹ Hoàng Hải và Hồ Sỹ Hoàng Đức. |
Khi biết đến câu chuyện sinh nở lần đầu có ở Việt Nam này, phần lớn mọi người đều tỏ ra khâm phục cô Tiến sĩ trẻ tuổi. Nhiều người cho rằng, quyết định của chị Dung chỉ xuất phát từ một tình yêu thủy chung hiếm có của chị đối với người chồng quá cố.
Vào buổi chiều muộn ngày cuối cùng của năm 2013 Dương lịch, phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam cũng đã có dịp tới thăm mẹ con tiến sĩ Dung trong một căn hộ nhỏ tại khu đô thi Pháp Vân (Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội).
Trò chuyện với chị Dung, chúng tôi phần nào cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ của người mẹ này qua những nụ cười luôn nở rạng rỡ trên khuôn mặt phúc hậu của chị.
Với giọng nói đậm chất xứ Nghệ, chị Dung đã chia sẻ với chúng tôi đôi điều về chuyện tình đẹp giữa chị với người chồng quá cố mà theo như chị nói giống như chuyện của “nhà Ngâu”.
Chị Dung cho biết, chị và chồng đều sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, Nghệ An. Nhà 2 người chỉ cách nhau chừng hơn 1km nhưng thời còn nhỏ tuổi, chẳng ai biết ai cả. Mãi đến những năm học cấp 3, qua những lần đi học thêm ở trường thì mới biết nhau. “Nhưng khi đó chỉ là biết nhau vậy thôi chứ chưa nói chuyện với nhau và cũng chưa nảy sinh tình cảm gì cả,” chị Dung nói.
Sau này, tình cờ cả chị Dung và anh Ngọc đều thi đỗ vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hai người học khác lớp, nhưng cùng khóa và cùng là hệ chất lượng cao. Cho tới năm thứ 3 đại học, thông qua những buổi họp đồng hương Nghệ An, chị Dung và anh Ngọc bắt đấu quý mến rồi yêu nhau lúc nào không hay.
“Mình là dân kỹ thuật, lớp phần lớn cà con trai nhưng không hiểu sao không nảy sinh tình cảm với ai trong lớp cả. Nhưng với chồng mình khi đó, chỉ sau vài lần nói chuyện là cả hai đều cảm thấy quý mến nhau.
Vợ chồng mình yêu nhau từ năm thứ 3 đại học. Sau khi ra trường, mình sang Pháp du học mất 5 năm liên tiếp. Khi cưới nhau, mình cũng chỉ ở nhà được vài tháng rồi lại đi. Khi về nước hẳn thì vài tháng sau anh ấy bị tai nạn và qua đời. Có lẽ cũng vì vậy mà nhiều bạn bè nói chuyện tình cảm của vợ chồng mình giống như chuyện của ‘nhà Ngâu’ vậy,” chị Dung tâm sự.
"Mình muốn tận hưởng từng giây phút hạnh phúc với các con"
Suốt 5 năm chị Dung đi du học, thời gian vợ chồng chị gặp nhau thực sự chỉ được tính bằng ngày. Chỉ có một tình yêu thực sự lớn thì đôi tình nhân này mới có thể duy trì được tình cảm mặn nồng từng ấy năm.
Chị Dung trò chuyện với phóng viên. |
Nói về tính cách của chồng, chị Dung cho biết, anh Ngọc là một người trầm tính, nhưng tâm lý và có hiểu biết sâu sắc. Trước khi qua đời, anh đã có bằng Thạc sĩ. Anh vốn có ý định lo cho vợ học xong thì sẽ tính tới chuyện ra nước ngoài học lên tiến sĩ. Tuy nhiên, khi dự định chưa được thực hiện thì anh đã ra đi mãi mãi. Đó cũng là một trong những lý do khiến chị Dung quyết định lưu giữ tinh trùng chồng rồi sinh thêm con như một cách để giữ hình bóng của chồng bên cạnh.
“Mình yêu chồng mình bởi anh là một người tâm lý, hiểu biết sâu sắc. Mỗi khi mình giận dỗi là anh ấy liền có cách để làm cho mình cười và mình hầu như chẳng giận được lâu bao giờ. Cũng vì vậy mà chuyện tình cảm của vợ chồng mình rất êm đềm. Suốt 5 năm mình du học bên Pháp, anh ấy là nguồn động viên lớn nhất của mình. Hồi đó, dù chưa cưới nhau nhưng anh ấy luôn đi lại chăm sóc cho bố mẹ đẻ của mình,” chị Dung nhớ lại kỷ niệm với người chồng thân yêu.
Khi được hỏi, làm cách nào hai người có thể duy trì tình cảm sau nhiều năm xa cách như vậy, chị Dung nói: “Hồi còn du học ở Pháp, mình nhớ anh ấy lắm. Dù bận học tập nhưng vợ chồng mình thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại và internet. Thường thì cứ 2 ngày chúng mình lại gọi điện nói chuyện một lần. Mỗi cuộc điện thoại như vậy thường kéo dài tới vài ba tiếng đồng hồ.”
Sau 7 năm yêu nhau, trong đó có 5 năm du học với những cuộc điện thoại dài “vài ba tiếng” đồng hồ ấy, cuối cùng chị Dung cũng về nước và đám cưới của hai người được tổ chức tại quê nhà Nghệ An với sự chúc phúc của đông đảo anh em, bạn bè. Nhưng không ngờ, chỉ hơn 1 năm sau ngày cưới, vợ chồng chị Dung đã phải xa nhau mãi mãi.
“Tết Dương lịch hàng năm cũng là kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng mình. Ngày 1/1/2009 hai vợ chồng cưới nhau. Tháng 6 cùng năm đó, mình lại phải sang Pháp hoàn thiện nốt việc học tập. Khi mình về nước không lâu, đến tháng 3/2010 thì anh ấy mất,” chị Dung cho biết.
Nói về lý do khiến chị quyết định giữ lại tinh trùng chồng rồi sinh thêm 2 đứa con trai kháu khỉnh, chị Dung bảo: “Mình làm như vậy không phải vì trách nhiệm phải sinh con trai để nối dõi dòng họ nội, bởi chồng mình vẫn có một người em trai ruột nữa. Mình sinh thêm con là vì chồng, vì con gái đầu lòng và cả bản thân mình nữa.
Trước khi chồng mất, chúng mình có tâm sự và thống nhất với nhau là sẽ sinh thêm con dù đó là gái hay trai. Khi chồng qua đời, nhiều người cũng khuyên mình là suy nghĩ tới việc đi bước nữa vì tuổi còn trẻ. Nhưng nếu đi bước nữa thì người đàn ông đó dù có yêu thương mình cũng chưa chắc đã yêu thương con gái của mình. Bởi vậy, mình không bao giờ nghĩ đến chuyện đi bước nữa cả. Mình đã lấy được một người chồng yêu thương mình thực sự, đó là điều may mắn. Đối với mình bây giờ, các con là niềm hạnh phúc quá lớn rồi.”
Vẫn biết rằng, 3 “thiên thần” nhỏ chắc chắn là niềm hạn phúc lớn của chị Dung. Nhưng rồi đây, việc phải chăm lo cho các con khi không còn chồng bên cạnh sẽ là một khó khăn lớn, đặc biệt là đối một giảng viên đại học như người phụ nữ này.
Chị Dung cũng hình dung được những chông gai trước mắt, nhưng chị vẫn tỏ ra lạc quan: “Có thể sẽ có đôi chút khó khăn, vất vả, nhưng tương lai đến đâu hay đến đó. Tạm thời mình thấy mọi việc vẫn ổn, mình muốn tận hưởng từng giây phút hạnh phúc với các con,” chị Dung nói./.