Trong ngành công an có còn Vũ Nhôm không?

13/08/2018 15:25
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chiều nay (13/8), trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Theo báo cáo của Bộ Công an, những năm qua, tình hình vi phạm, tội phạm về kinh tế, tội phạm về chức vụ vẫn diễn biến phức tạp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực, gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân.

Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, đã phát hiện 26.599 vụ vi phạm, tội phạm về kinh tế và 363 vụ phạm tội về tham nhũng, chức vụ. Khởi tố mới 2.410 vụ/3.159 bị can về án kinh tế và 327 vụ/617 bị can về án tham nhũng. Thu hồi tài sản án kinh tế gần 24.000 tỷ đồng (đạt 44,84%) và tài sản án tham nhũng gần 2.700 tỷ đồng (đạt 38,76%).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh chụp màn hình: Đỗ Thơm)
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh chụp màn hình: Đỗ Thơm)

Phương thức, thủ đoạn tội phạm kinh tế, tham nhũng rất đa dạng và tinh vi.

Đáng lưu ý là tình trạng thông đồng móc ngoặc giữa các đối tượng thoái hoá, biến chất trong đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước với các đối tượng bên ngoài, giữa khu vực công và khu vực tư dưới các hình thức như thành lập các công ty “sân sau”, “công ty gia đình” dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án; thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước...

Sự móc nối giữa hai khu vực trong và ngoài Nhà nước tạo thành chu trình khép kín, lợi dụng các khe hở của cơ chế, chính sách để hoạt động phạm tội, gây thiệt hại tài sản đặc biệt lớn.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu, Nhân dân và cử tri rất bức xúc về loại tội phạm có tổ chức, trong đó có một số tướng lĩnh công an vi phạm.

Trong đó, có vụ Vũ Nhôm là điển hình cho cài cắm nhân cốt để từ đó lợi dụng quyền hạn Nhà nước giao cho nhằm phạm tội trục lợi.

Sau vụ Vũ Nhôm, Bộ Công an có rà soát xem còn có tổ chức kiểu Vũ Nhôm không và Bộ có giải pháp như thế nào để tránh tình trạng như vụ Vũ Nhôm tái diễn?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh, vi phạm của một số tội phạm có tổ chức liên quan đến các tướng công an vừa qua đã được xử lý.

Trong đó, vụ Vũ Nhôm liên quan đến 5 vụ án.

Chúng tôi đã điều tra, đưa ra xét xử vụ án thứ nhất về làm lộ bí mật Nhà nước.

Và đã xử lý một số tướng lĩnh công an. Cụ thể là 2 tướng công an đã xử lý theo quy định pháp luật.

Trong ngành công an có còn Vũ Nhôm không? ảnh 2Hôm nay, Bộ trưởng Bộ Công an sẽ trả lời chất vấn

“Đây là bài học trong công tác quản lý cán bộ, nghiệp vụ, để hình thành tổ chức bình phong tạo điều kiện thuận vi phạm pháp luật.

Đây là bài học rất đắt giá cho lực lượng công an.

Thời gian tới, chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng chức vụ nữa. Giải pháp chính là không để xảy ra vụ Vũ Nhôm”, Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp chất vấn, tình trạng tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Có vụ đối tượng hành động dã man như vụ các hiệp sỹ bị sát hại.

Xin hỏi Bộ trưởng, mô hình hiệp sỹ có nên khuyến khích và nhân rộng hay không? Quan điểm chính thức của Bộ Công an về vấn đề này?

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời, cướp và cướp giật xảy ra nhiều hơn ở thành phố lớn và điều này có tính quy luật.

Năm thành phố lớn trực thuộc Trung ương chiếm 25%, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chiếm khoảng 20% vụ hình sự.

Qua theo dõi, Thành phố Hồ Chí Minh phạm pháp hàng năm đứng đầu toàn quốc. Qua thống kê, 6 tháng qua, số vụ phạm pháp ở Thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 2.005 vụ, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh có đủ lực lượng và biện pháp để đấu tranh.

Tỷ lệ khám phá ở Thành phố Hồ Chí Minh được nâng cao, giúp cho công tác phòng chống tội phạm này đạt một số kết quả tốt.

Đỗ Thơm