Sáng nay, trong khuôn khổ phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu tiến hành chất vấn nội dung liên quan việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại đây, đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người được đặc biệt quan tâm trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục - đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - ông Đỗ Văn Chiến, các Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - đoàn Thanh Hóa), đại biểu Y Nhàn - đoàn Kon Tum... đặt câu hỏi về việc trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc và giải pháp giảm nghèo bền vững; giải pháp hỗ trợ đồng bào dân tộc rất ít người; đầu tư hạ tầng, nước sinh hoạt cho vùng sâu, vùng xa...
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: vov.vn) |
Trả lời chất vấn, ông Đỗ Văn Chiến cho biết, đây là vấn đề day dứt, trăn trở của nhiều cấp, ngành và chính bản thân Bộ trưởng.
Số hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm 52,66%, thu nhập bình quân chỉ được 7-8 triệu đồng/người/năm...
Trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc là cơ quan tham mưu chính, phối hợp với các bộ ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ vấn đề này.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cho biết, Ủy ban đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (đất, vay vốn, đào tạo nghề...).
Tuy nhiên việc thực thi chính sách còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp chủ yếu về:
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông; phát triển giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào; giải quyết ổn định vấn đề đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt.
Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường; tăng cường tuyên truyền vận động để bà con tự hào về nguồn cội, tự tin vào bản thân, tự lực vươn lên không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; nghiên cứu tích hợp các chính sách để tập trung chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đồng bào dân tộc thiểu số...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - ông Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn. (Ảnh: vov.vn) |
Cũng theo Bộ trưởng, với 16 dân tộc thiểu số dưới 10.000 người, Ủy ban đã tham mưu ban hành được 1 chính sách đặc thù để hỗ trợ cho từng dân tộc rất ít người.
Cùng với đó, đã đầu tư trực tiếp cho 4 dân tộc thiểu số rất ít người, dưới 1.000 người, xác định nhiệm vụ đầu tư cụ thể cho từng thôn bản, từng dân tộc...
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, khi nhận nhiệm vụ ông đã tới tất cả những vùng khó khăn nhất của cả nước, nên nắm rất rõ và thấu hiểu những khó khăn của đồng bào.
Tuy nhiên, vừa qua do sự chuyển giao giữa 2 khóa nên việc đầu tư ngân sách cho đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn, vướng mắc...
Ủy ban Dân tộc cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ xây dựng nghị quyết, trình Quốc hội xem xét để bố trí vốn hợp lý.
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – đoàn Bến Tre phát biểu, qua giám sát và khảo sát cho thấy các chương trình dự án đầu tư cho khu vực dân tộc miền núi có nhiều nội dung chồng chéo, dẫn đến phân tán nguồn lực, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của Uỷ ban và giải pháp cho vấn đề nêu trên?
Đồng bào di cư vào Tây Nguyên hiện không có giấy tờ tuỳ thân, khó khăn tiếp cận học tập. Bộ trưởng có giải pháp gì?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, chúng ta có 13 nhóm chính sách phân công cho 14 Bộ chủ trì.
Các Bộ đôn đốc còn địa phương tập trung triển khai.
Do đó, tốt hay chưa tốt có trách nhiệm của Bộ nhưng vai trò chính là ở địa phương.
Có chính sách mấy Bộ đề xuất nhưng không trùng lặp, sự hưởng lợi khác nhau chứ không trùng nhau. Tuy nhiên điều này là không tốt.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, ông thiết tha đề nghị có nghiên cứu tầm quốc gia để giải quyết cho 14 triệu đồng bào có đời sống tốt hơn, bởi đây là vùng có vị trí chiến lược.
Nếu tích hợp chương trình và có ban điều hành, theo dõi, đôn đốc thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Hiện Uỷ ban hoạt động là cơ quan ngang Bộ, không phải là Bộ nhưng thực hiện quản lý Nhà nước.
“Do đó, chúng tôi mạnh dạn đề xuất, nếu không thành lập được Bộ thì đề nghị cấp có thẩm quyền để Uỷ ban hoạt động trở lại đúng nghĩa là Uỷ ban”, Bộ trưởng nói.
Về di cư tự do, ông Đỗ Văn Chiến khẳng định, không phải chỉ di cư tự phát ở Tây Nguyên mà còn một số nơi, nhưng nổi lên là Tây Nguyên.
Các tỉnh chưa giải quyết được hộ khẩu và chứng minh nhân dân, nhưng địa phương đã quan tâm bố trí trường học nhưng kiểu không chính thức. Do đó cần chia sẻ của một số Bộ khác.