“Một đảng cách mạng muốn thực hiện tốt trọng trách cầm quyền của mình đối với nhà nước và xã hội, thì ngoài việc quan tâm xây dựng đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thì cần phải chăm lo xây dựng đảng trong sạch về đạo đức.
Đây là cái gốc của vấn đề trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Không những vậy, xây dựng Đảng trong sạch về đạo đức còn góp phần làm giàu sức mạnh nội sinh trong Đảng”.
Đó là khẳng định của GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Hội đồng Lý luận Trung ương.
Phóng viên: Thưa ông, là một nhà nghiên cứu lý luận chính trị lâu năm, ông có thể cho biết lý do vì sao Đại hội XII của Đảng đã chính thức đặt vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức phải được quan tâm chăm lo ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức?
GS. TS Hoàng Chí Bảo: Nói đến đạo đức là nói đến những giá trị, chuẩn mực văn hóa cao đẹp mà con người ta luôn hướng tới và cố gắng rèn luyện, tu dưỡng để đạt được những giá trị, chuẩn mực đó.
Người có đạo đức bao giờ cũng được xã hội tôn trọng, cộng đồng quý mến, tin yêu.
Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền đối với nhà nước và xã hội. Với trọng trách cao cả đó của mình, Đảng phải thể hiện rõ là một tổ chức có văn hóa, giàu đức hy sinh, hết lòng vì nhân dân, vì đất nước.
Bên cạnh có đường lối chính trị đúng, hệ tư tưởng tiên tiến và có hệ thống tổ chức chặt chẽ từ trên xuống dưới, Đảng phải có đạo đức để bảo đảm cho đường lối chính trị, hệ tư tưởng và hệ thống tổ chức của mình luôn phù hợp với những giá trị, chuẩn mực đạo đức của xã hội và phù hợp với ý chí, nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân.
"Chỉ sau một cuộc bỏ phiếu, có người bỗng khệnh khạng, oai vệ và bề trên hơn” |
Từ trong bản chất, đạo đức có sức thuyết phục, lay động tâm can con người rất tinh tế, sâu sắc và hiệu quả. Do vậy, Đảng có đạo đức thì mới có sức hấp dẫn, lôi cuốn quần chúng tin theo, đi theo mình.
Trên thực tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta cũng rất quan tâm đến vấn đề chăm lo rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, Bác Hồ đã chỉ ra vai trò to lớn và tầm quan trọng đặc biệt của đạo đức cách mạng đối với người cộng sản; đồng thời sớm cảnh báo các căn bệnh mà những người cộng sản có thể mắc phải như quan liêu, hách dịch, xa rời quần chúng, đặc quyền, đặc lợi, hủ hóa...
Tuy nhiên, do có lúc chúng ta chưa nhận thức thấu đáo vấn đề này và có lúc lại buông lỏng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nên để một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Trong khi đó, tự thân “một bộ phận không nhỏ” này lại thiếu ý thức rèn luyện, tự sa ngã, biến chất nên làm cho nhân dân suy giảm niềm tin đối với Đảng và chế độ.
Nếu không sớm cải thiện tình hình, nguy cơ Đảng mọt ruỗng về bản chất cách mạng là khó tránh khỏi.
Đó là lý do để Đại hội XII chính thức đưa vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Giao lưu văn nghệ chào mừng Đại hội Đảng bộ Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020. (Ảnh: Minh Anh) |
Sinh thời, Bác Hồ đã từng cảnh báo rằng: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
GS.TS Hoàng Chí Bảo: Phải nói rằng, trong số các lãnh tụ cộng sản trên thế giới, ít có lãnh tụ nào đã tiên lượng, dự báo được những vấn đề có thể xảy ra đối với một đảng cầm quyền như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Vì giữ vai trò cầm quyền nên Đảng rất có thể lạm quyền, thậm chí chuyên quyền, độc đoán nếu như “lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
“Lòng dạ” ở đây có thể hiểu là đạo đức, lương tâm của Đảng nói chung, của người cộng sản nói riêng.
Một khi lòng không trong, dạ không sáng, tức là cái đức, cái tâm của anh đã bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, bị vẩn đục, bị bôi đen, thì anh làm sao có thể giáo dục, lãnh đạo, dẫn dắt được ai nữa.
Kinh nghiệm thực tế đã cho thấy, khi người lãnh đạo mà thiếu tư cách đạo đức, thiếu lương tâm trong sạch, lại còn “sa vào chủ nghĩa cá nhân” thì không những không được quần chúng yêu mến, mà còn bị họ xa lánh, ghét bỏ.
Đó là một trong những nguy cơ lớn mà đảng cầm quyền phải nhận thức thấu đáo và phải có biện pháp phòng ngừa hiệu quả, nếu muốn vị thế của mình không bị lung lay từ gốc rễ.
Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp gần đây, chỉ trong vòng 5 năm, Đảng ta đã hai lần tổ chức Hội nghị Trung ương để bàn sâu về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà trọng tâm là ngăn ngừa, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Ý chí chính trị quyết tâm của Đảng đã rất rõ ràng. Vấn đề cần kíp nhất hiện nay, theo ông, là gì?
GS.TS Hoàng Chí Bảo: Phải biến cam kết, ý chí quyết tâm chính trị thành hành động chính trị. Phải làm thật sự, làm quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, làm hiệu quả thực chất.
Cần phải nhắc lại rằng, những giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) và Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) nêu ra là đồng bộ, nhất quán, trong đó có nhiều giải pháp đột phá, có tính khả thi.
Nếu thực hiện tốt các giải pháp này, tôi tin chắc Đảng ta sẽ không chỉ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mà còn góp phần làm trong sạch đội ngũ, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ trong Đảng, qua đó góp phần không ngừng bồi đắp và làm giàu đạo đức, văn hóa trong Đảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, muốn cho tình hình được chuyển biến tốt hơn, nhanh hơn, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải nêu cao trách nhiệm gương mẫu của đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu ở các cấp, các ngành.
Gương mẫu ở đây phải được hiểu là hành động tự thân, tự giác của mỗi cán bộ lãnh đạo các cấp trong việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng.
Phải thấm nhuần và thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ: Muốn hướng dẫn nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải làm mực thước trước cho người khác làm theo và Một tấm gương có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Gương mẫu của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, chính là hành vi đạo đức cao đẹp nhất, có sức thuyết phục và lan tỏa sâu rộng nhất đối với quần chúng, đối với cộng đồng.
Đảng muốn trong sạch về đạo đức, thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, đề cao lòng tự trọng, tính liêm sỉ, biết cảnh giác và tránh xa “cái bả” ham muốn vật chất và chạy theo “tiền tài danh vọng”, đồng thời tự nguyện đặt lợi ích của cá nhân mình vào lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và xã hội.
Nếu bản thân cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo mà thiếu tư cách đạo đức thì không những làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của Đảng, mà còn không lãnh đạo, giáo dục được quần chúng.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!