Chiều 11/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Trưng cầu ý dân.
Theo ông Nguyễn Doãn Khánh – Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, nên tổ chức lấy ý kiến nhân dân trước khi Quốc hội quyết định, nhưng không nên đề cập ở khía cạnh phúc quyết, vì sẽ dẫn đến tốn kém không cần thiết, quá trình trước đây chúng ta tổ chức lấy ý kiến dân rất nhiều năm, kỹ lưỡng rồi
“Ngay cả các nước phương Tây trưng cầu ý dân rất truyền thống cũng làm việc này trước khi Quốc hội quyết định. Ví dụ gia nhập hoặc ra khỏi EU của Anh, Hy Lạp hay một số nước gầy đây là đều tiến hành trên cơ sở dân cho ý kiến rồi Quốc hội mới quyết định vào hay ra. Tức dân quyết trước, dân quyết rồi thì Quốc hội mới làm theo ý dân quyết.
Điều này thể hiện quyền lực cao nhất thuộc về người dân. Nó cũng đảm bảo tính khả thi, phù hợp với Hiến pháp của chúng ta”, ông Khánh nói.
Ông Nguyễn Doãn Khánh nêu vấn đề cần thiết đặt ra trưng cầu ý dân khi miễn nhiệm thành viên Chính phủ. ảnh: Ngọc Quang. |
Cũng theo ông Khánh, về nội dụng trưng cầu ý dân, nếu quy định như dự thảo luật thì không đủ rõ xác định dân có quyền gì và Quốc hội có quyền gì.
Ông Khánh nêu: “Tôi đồng tình với quan điểm không nêu ra quá cụ thể, nhưng phải chỉ rõ những vấn đề có tính nguyên tắc, hay nhóm những công việc mà Quốc hội lấy ý kiến dân và dân được tham gia. Gồm có 2 nhóm chính: Nhóm thứ nhất là các vấn đề Quốc hội có quyền chủ động đưa ra lấy ý kiến dân. Nhóm thứ 2 là nhóm vấn đề do các chủ thể có sáng kiến, có quyền đề xuất và trên cở sở có đủ điều kiện sẽ đưa ra để lấy ý kiến dân.
Ngoài ra tôi đề nghị nghiên cứu thêm 2 nhóm việc nữa, rất quan trọng về mặt lý thuyết có thể xảy ra, nhưng trong thực tế ta hy vọng là không có, đó là việc miễn nhiệm hoặc chấp thuận từ chức tập thể của cả nội các Chính phủ. Được biết nếu lấy phiếu tín nhiệm theo quy luật của nó mà tất cả thành viên Chính phủ có phiếu tín nhiệm thấp trong hai nhiệm kỳ liên tiếp thì có thể đưa ra bãi nhiệm cả nội các. Nhưng mà vấn đề thay đổi nội các Chính phủ là vấn đề hệ trọng có thể liên quan đến vận mệnh đất nước… Đây cũng là vấn đề đặt ra có thể thành một nhóm vấn đề”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải tổ chức trưng cầu ý dân đối với những vấn đề an ninh đối ngoại ảnh hưởng tới đất nước; trưng cầu ý dân về những vấn đề kinh tế xã hội có ảnh hưởng trên diện rộng tới quốc kế dân sinh. Phải đảm bảo nguyên tắc nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ nhân dân. |
Bên cạnh đó, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng cho rằng, nên lấy ý kiến trong phạm vi toàn quốc chứ ko nên lấy ý kiến cục bộ địa phương và đặt vấn đề: “Dân được quyền thể hiện chính kiến khi tham gia trưng cầu vấn đề gì, và dân có quyền giám sát xem Quốc hội có thực hiện đúng vấn đề liên quan đến trưng cầu ý dân không.
Tôi thấy có trường hợp khác cũng có thể xảy ra tạm dừng, tạm hoãn, chấm dứt trưng cầu cũng cần đặt ra để có quy định xử lý. Ví dụ quá trình đưa ra vấn đề trưng cầu nhưng thấy không cần thiết nữa có thể dừng lại. Hoặc các cơ quan đề nghị trưng cầu người ta xin rút lại thì cũng cần xem xét dừng, hoãn, chấm dứt trưng cầu”.
Đối với vấn đề công nhận, công bố kết quả trưng cầu, ông Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, nên lấy nguyên tắc đa số trong đa số, chứ không phải đa số trong thiểu số để kết quả trưng cầu dân ý có tính đại diện.
“Theo tôi, nên nghiên cứu trưng cầu ý dân hợp lệ khi có trên 60% số cử tri trong danh sách đủ điều kiện tham gia và ý kiến tán thành đảm bảo hơn 50% số lượng cử tri có trong danh sách được tham gia trưng cầu ý dân thì mới được công nhận hợp lệ. Ngoài ra, trong trường hợp biểu quyết cả tán thành và không tán thành đều có giá trị ngang nhau, vì thế đều phải được công bố; chứ không phải đa số ý kiến tán thành mới được công bố”, ông Khánh nêu quan điểm.