Tại kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2015), Quốc hội khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và tán thành nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng góp nhiều ý kiến về các điều, khoản cụ thể.
Nêu ra Khoản 2 Điều 16 dự án luật quy định: “Căn cứ vào chương trình kỳ họp, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị của cử tri, vấn đề mà xã hội quan tâm, Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội”, bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, quy định như vậy là quá hẹp, vì Hiến pháp cho phép Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Cử tri mong các Đại biểu Quốc hội luôn quyết liệt trong hoạt động chất vấn. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Đồng tình với ý kiến trên, Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội - ông Nguyễn Đức Hiền cho rằng, Điều 16 quy định như vậy là thu hẹp quyền chất vấn của đại biểu, do đó cần bám sát Hiến pháp.
Đối với quy định về việc không tổ chức chất vấn giữa hai kỳ họp HĐND cấp xã, ông Hiền đề nghị cần quy định cụ thể trong luật để đảm bảo thống nhất chung quyền giám sát của Hội đồng nhân dân.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội: “Quyền chất vấn và quyền yêu cầu thông tin là khác nhau. Đại biểu có quyền chất vấn, nhưng đối tượng bị chất vấn và trả lời thì phải theo quy định. Chất vấn đúng quy trình thủ tục thì trả lời là bắt buộc và nguyên tắc công khai trước kỳ họp để các đại biểu khác cùng biết. Còn quyền yêu cầu cung cấp thông tin thì tùy thuộc vào từng vấn đề cụ thể mà người bị yêu cầu có thể cung cấp hay không”. |
“Các hoạt động chất vấn và chất vấn là hình thức giám sát rất có hiệu quả, do đó cần có quy định cụ thể để nâng cao chất lượng chất vấn. Quyền hạn của Hội đồng nhân dân các cấp đã được thể hiện rõ trong Hiến pháp do đó cần thống nhất.
Ta đang hướng về cơ sở, về người dân, phát huy dân chủ nên chất vấn tại Hội đồng nhân dân là sát dân, là phát huy dân chủ của người dân, liên quan đến sinh kế và quyền lợi của người dân. Do đó, tôi cần để thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã tổ chức để Hội đồng nhân dân chất vấn giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân”, ông Hiền nói.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội – ông Ksor Phước cho rằng, Khoản 3 Điều 80 của Hiến pháp đã quy định, Đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu trong thời hạn luật định. Tuy nhiên, trong thực tế có vấn đề chất vấn ngoài cả ở kỳ họp chứ không phải chỉ trong kỳ họp. Trong khi quy định trong luật giám sát của Quốc và Hội đồng nhân dân thì không đề cập đến vấn đề ngoài kỳ họp là thế nào.
Ông KSor Phước nêu thí dụ: “Khi đi qua cầu, Đại biểu Quốc hội thấy phí không hợp lý thì có thể xuất thẻ hỏi ai quy định thu phí này không? Nếu họ nói ông Chủ tịch huyện quy định thì người đại biểu đó có quyền chất vấn ông Chủ tịch huyện không?
Nếu không được thì giải thích với cử tri thế nào? Bởi vì cử tri biết là ông Đại biểu Quốc hội chất vấn trong kỳ họp Quốc hội, thế ngoài đời thì ông không giám sát được à?”.