Sau cuộc giao lưu trực tuyến với Báo Giáo Dục Việt Nam chiều ngày 6/2 vừa qua, Ông Vũ Mão – Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia tiếp tục có những chia sẻ sâu sắc với phóng viên trong vụ việc Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Ông Vũ Mão nhấn mạnh, cần rút kinh nghiệm sâu sắc từ quản lý vĩ mô sau vụ Vụ Đoàn Văn Vươn.
Nhìn lại vụ cưỡng chế đất đai đối với ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng), có những ý kiến cho rằng, chúng ta không những phải xử lý thật nghiêm minh với những cán bộ làm sai, mà còn phải rút kinh nghiệm ở tầm vĩ mô. Quan điểm của ông thế nào?
Ông Vũ Mão: Sau cuộc giao lưu trực tuyến với độc giả của Báo Giáo Dục Việt Nam, những ngày qua, tôi vẫn cập nhật mọi thông tin xung quanh vụ việc cưỡng chế đất đai đối với anh Đoàn Văn Vươn. Tôi nhìn nhận vấn đề này ở hai nội dung: Thứ nhất là các cơ quan chức năng sẽ xem xét, phân tích và xử lý cụ thể vụ việc người dân chống lại lực lượng chức năng và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Việc này đã có nhiều cán bộ lão thành, nhiều nhân sĩ, trí thức cả nước đã nói rồi, tôi không đề cập sâu nữa.
Ông Vũ Mão _ Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội |
Tuy nhiên, nội dung thứ hai mà tôi muốn nói mới là thực sự quan trọng, đó là qua sự việc lần này, chúng ta phải rút ra được bài học sâu sắc, từ Trung ương tới các địa phương khác. Về phía quản lý vĩ mô, chúng ta cần phải xem xét lại các văn bản luật, đặc biệt là luật đất đai xem nó có thực sự phù hợp với Hiến pháp và với tình hình thực tế hay không. Tôi cho rằng, hiện nay văn bản luật của chúng ta có nhiều chỗ còn sơ hở. Nó chính là cơ hội cho một số đối tượng lợi dụng để trục lợi, dưới danh nghĩa của các cơ quan công quyền.
Việc xử lý hành động sai trái của anh Đoàn Văn Vươn và những người có liên quan thì hiển nhiên rồi, chẳng ai bàn là không xử lý việc đó. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta phải xem lại gốc rễ của vấn đề: Cách hành xử của chính quyền địa phương có đúng không, cả về lý và tình? Tôi cho rằng xử lý như vậy là quá yếu kém. Tôi đã từng là Bí thư huyện ủy của một huyện biên giới, miền núi, trong thời kỳ chiến tranh biên giới phía Bắc, tình hình lúc đó rất phức tạp, không được thuận lợi như bây giờ, cho nên tôi hiểu được và hình dung được trách nhiệm của một người lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện là như thế nào. Trong trường hợp này, người đứng đầu chính quyền huyện Tiên Lãng đã thể hiện anh ta không đủ trình độ lãnh đạo và thiếu cả tấm lòng.
Thưa ông, Đại tướng Lê Đức Anh và một số chuyên gia khác đã nhắc tới cả trách nhiệm của những cơ quan có liên quan trong vụ việc này. Ông có đồng tình với những quan điểm như vậy?
Ông Vũ Mão: Tôi rất mong các đồng chí lãnh đạo Trung ương sẽ xử lý, làm rõ động cơ trong lối hành xử này của những lãnh đạo cấp dưới. Mục đích thu hồi khu đất đó để làm gì, khi mà người nông dân đã phải chịu một nắng hai sương, vô cùng vất vả để khai hoang và còn chưa kịp được hưởng thành quả từ đó? Vai trò của Đảng Bộ huyện Tiên Lãng trong vụ việc này ra sao? Rồi thì vai trò của Hội đồng nhân dân, của Ban Dân vận, của Mặt trận tổ quốc... của huyện Tiên Lãng thế nào? Đây là những cơ quan không trực tiếp xử lý vụ việc như UBND huyện, nhưng cũng không thể nói là “đứng ngoài cuộc”, đặc biệt là vai trò của tổ chức Đảng ở địa phương.
Còn bài ở học ở tầm vĩ mô thì sao, ông có thể chia sẻ rõ hơn?
Ông Vũ Mão: Đối với quản lý vĩ mô, tôi cho rằng, nếu chỉ xử lý vụ việc này với riêng địa phương ở Hải phòng thì chưa đủ đâu, chúng ta cần nghiêm khắc xem xét lại một cách tổng thể ở vĩ mô, đó là hệ thống luật của ta mà đặc biệt là luật đất đai, rất may tới đây Chính phủ, Quốc hội sẽ đưa ra xem xét một cách tổng thể. Tôi mong mọi chính sách được điều chỉnh sẽ có thêm nhiều thuận lợi cho bà con nông dân, bởi chính họ là một phần vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Cả trước đây, bây giờ và sau này cũng vậy, bà con nông dân luôn cần nhận được sự quan tâm thường xuyên, vì họ cũng chính là những người nghèo nhất.
Người nông dân phải đổi biết bao mồ hôi, nước mắt mới làm ra được hạt gạo |
Anh Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường đã nhận định rằng: “Những gì đã xảy ra ở vùng đất những người nông dân đã khai phá, thuần dưỡng đất bãi bồi ven biển ở Tiên Lãng là đỉnh điểm của những bất cập về thực thi pháp luật về thu hồi đất đai hiện nay ở địa phương. Nhiều cơ quan hành chính ở địa phương có quan niệm không đúng về chuyện thu hồi đất. Đã có rất nhiều ý kiến phản ảnh rằng các cán bộ thừa hành ở cấp huyện hay nói ‘Nhà nước có quyền muốn thu hồi đất của ai thì thu’. Đây là một cách nói vừa thể hiện kém hiểu biết pháp luật và cũng làm mất uy tín của Nhà nước ta. Cơ chế nhà nước thu hồi đất phải được thực hiện theo đúng pháp luật. Lý do phải đúng và trình tự, thủ tục phải rõ ràng”.
Đại tướng Lê Đức Anh cũng đã nhấn mạnh rằng: “Qua vụ việc ở Tiên Lãng chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm”.
Quả thực, luật đất đai của chúng ta hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập lắm, nói đất đai là sở hữu toàn dân, là công thổ quốc gia, nhưng thực tế cho thấy đang có không ít vụ tham nhũng từ đất đai. Chúng ta xây khu đô thị, khu công nghiệp khắp nơi, nông dân thì bị mất đất, được đền bù với mức giá rẻ mạt. Mấy năm qua, báo chí đã nói ra rả chuyện thu hồi đất nông nghiệp của dân với giá thấp, rồi xây thành các tòa nhà mấy chục tầng, đem bán lại với mức giá cao ngất ngưởng. Ban đầu thì người dân chưa biết, chưa hiểu, nhưng tới bây giờ thì họ đã hiểu ra vấn đề và chắc chắn là sẽ không chấp nhận điều đó. Điều đáng nói nữa là không chỉ người dân mất đất mà Nhà nước cũng chẳng thu được tiền, mà nguồn lợi lại rơi vào tay của một số doanh nghiệp đầu cơ, tất nhiên là các doanh nghiệp muốn làm được việc ấy họ phải có sự hậu thuẫn của một số người có chức vụ và quyền hạn nhất định.
Tổng kết của các đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy, mỗi năm số vụ khiếu nại chiếm tới trên 70% là liên quan tới đất đai. Nếu chúng ta không sửa chữa về mặt vĩ mô thì những vụ việc kiện cáo về đất đai sẽ còn tiếp diễn, mà nông dân thì cách hành xử của họ cũng rất thẳng thắn, còn ở địa phương thì chuyện bao che, đá bóng trách nhiệm vẫn xảy ra đều đều, chỉ có điều là chúng ta có muốn nhìn thẳng vào vấn đề để xử lý hay không. Tôi mong rằng, vụ việc xảy ra ở Tiêng Lãng phải được xử lý công minh, đúng người đúng tội, quyết không bao che, dung túng cho bất kỳ trường hợp nào, có như vậy mới giữ vững được lòng tin của nhân dân.
Trong cuộc họp báo chiều ngày 7/2 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng đã nhận lỗi trước Bộ Chính trị, trước nhân dân. Theo thông tin từ cuộc họp báo thì một loạt những người có trách nhiệm ở huyện Tiêng Lãng như Chủ tịch huyện, Phó Chủ tịch huyện, Trưởng Công an huyện… đều bị xử lý trách nhiệm. Ông có suy nghĩ gì?
Ông Vũ Mão: Bí Thư Thành ủy Hải Phòng thẳng thắn nhận lỗi như vậy là rất tốt. Đại tướng Lê Đức Anh cũng rất quan tâm tới vụ việc này và đã nói rằng “Làm sai chỗ nào thì phải nhận sai ở chỗ đó, không được trả lời loanh quanh và không được che giấu sai phạm”. Tôi cho rằng, không chỉ phải xử lý những người có chủ trương thực hiện việc cưỡng chế này, mà còn phải xử lý cả những cán bộ lãnh đạo phát ngôn bừa bãi, coi thường nhân dân, đặc biệt là chuyện đổ cho dân phá nhà anh Vươn.
Tôi cũng nói thẳng ra là người nông dân bị áp bức nên mới có sự phản kháng, cho dù họ phản kháng như vậy là sai và phải chịu trách nhiệm trước cái sai ấy. Rất may là Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã chỉ rõ, huyện Tiên Lãng làm không đúng quy trình của pháp luật. Đây cũng là câu trả lời mà hàng triệu người dân cả nước đang chờ đợi, vì nhờ đó mà chúng ta biết được căn nguyên Đoàn Văn Vươn chống trả khi bị cưỡng chế đất đai.
Qua nhiều năm công tác tại Quốc hội, tôi nhận thấy, ở các cấp người ta có thể lợi dụng sự không chặt chẽ về mặt luật pháp, lấy cớ thu hồi đất của Nhà nước để làm công trình nọ, công trình kia, nhưng thực tế thì chưa chắc đã thực hiện đúng như vậy. Thậm chí, người ta có thể đánh tráo dự án, nói với người dân là làm công trình này, rồi sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng theo hướng khác, khi ấy thì người dân cũng đành phải chịu, vì họ đã nhận tiền đền bù rồi.
Chúng ta đang xây dựng Nhà nước pháp quyền, xảy ra việc này là điều không hay, nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại hệ thống luật pháp, bổ sung những gì còn thiếu xót. Hiến pháp quy định đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng luật đất đai thì có 5 quyền và như vậy là có sự mâu thuẫn; các văn bản luật có hai nhược điểm quan trọng là, có chỗ chưa phù hợp với Hiến pháp, đồng thời lại chưa đủ sự minh bạch, rõ ràng. Thời hạn sử dụng đất được quy định trong luật cũng chưa hợp lý, ví dụ như thời gian được giao sử dụng 20 năm cũng là quá ngắn. Bên cạnh đó, công tác quản lý của chúng ta tại địa phương bị buông lỏng, đối với vụ ông Đoàn Văn Vươn đang sử dụng một khu đất rộng đến mấy chục hec-ta thì thẩm quyền làm sao mà lại thuộc cấp huyện được?
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội có nguồn gốc xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, dưới thời thực dân phong kiến, ông bà, cha mẹ bị bần cùng hóa rồi phải lưu lạc ra Hà Nội kiếm sống, nên ông thấu hiểu nỗi đau của người nông dân. Bản thân ông đã trải qua nhiều năm tháng công tác ở địa phương, nên ông càng thấm nhuần sâu sắc thêm điều đó. Ông cho rằng, dù gì đi chăng nữa thì nước ta chủ yếu vẫn là nông nghiệp, cái gốc này đã tồn tại bao nhiêu đời nay và cho dù sau này chúng ta có tiến lên được thành nước công nghiệp đi chăng nữa (mà đó là điều mà rất nhiều quốc gia mong mỏi) thì xin đừng quên cái gốc rễ từ đâu. Mời độc giả đón độc kỳ 2 vào sáng 10/2.