LTS: Mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại tổ chức ăn uống. Và mỗi dịp ăn uống thì chẳng thể nào thiếu rượu bia.
Câu chuyện về bia rượu và những hệ lụy đã được đề cập không ít lần trên các mặt báo. Vậy tại sao tình trạng này vẫn chưa thể khắc phục?
Thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ góc nhìn của mình về vấn đề này, hi vọng góp phần cải thiện những hệ lụy từ rượu bia.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Tết gắn liền với tiệc tùng, bia rượu. Đã đến chúc Tết cũng đồng nghĩa với việc nâng ly, chỗ này một ly, chỗ khác vài ly và cứ thế chúng ta đã say xỉn lúc nào không biết.
Những tác hại về rượu bia từ lâu đã là hồi chuông cảnh báo cho mọi người. Nhưng, cảnh báo thì cảnh báo mà khi đã nâng ly là chúng ta quên hết mọi điều.
Ngày trước, mỗi khi Tết đến, xuân về thì đại đa số người dân nước ta chỉ mơ về những bữa cơm no và có thịt, có cá thế là mãn nguyện lắm rồi.
Những gia đình khá giả thì chuẩn bị vài cút rượu gạo và phải là khách quí mới được chủ nhân mời nhấm nháp.
Thời nay, Tết đến đại đa số người dân không nghĩ đến chuyện đói no nữa mà nghĩ đến chuyện ăn uống sang trọng.
Chuyện bia rượu bây giờ mua bán rất dễ dàng. Miễn có tiền là nhấc điện thoại “a lô” vài tiếng sẽ có người mang đến tận nhà, bất kể thời gian nào, dù nắng hay mưa.
Chuyện uống rượu bia trong những bữa ăn kéo theo nhiều hệ lụy đáng tiếc. (Ảnh: VnEconomy.vn) |
Ngày nay, Tết không chỉ là những ấm trà dân dã ngồi chuyện trò bên nhau mà cứ gặp nhau là bia, là rượu, là lên mâm.
Quan niệm ngày Tết là phải vui, là phải chơi hết mình nên chuyện rượu bia cũng được lai rai suốt cả ngày.
Ngày Tết, đi chúc Tết nhau, nơi này vài ly, nơi khác vài lon đã trở thành một thói quen của người Việt Nam hiện đại.
Ngày Tết họ cũng ít phân biệt sang hèn, khinh trọng mà miễn là quí nhau, mến nhau, đến với nhau là… uống.
Chuyện uống rượu, bia của người Việt Nam ta từ lâu đã được cảnh báo.
Uống rượu, bia không chỉ hại về sức khỏe, tốn kém về tiền bạc mà khi đã rượu vào lời ra, khi mà rượu đã ngấm vào người thì nhiều người đã không làm chủ được bản thân.
Tình trạng đánh chém nhau vì bia rượu cũng không phải là chuyện hiếm nữa.
Là một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, thế nhưng năm 2015, nước ta cũng chỉ thu về 2.7 tỉ USD từ việc xuất khẩu 6 triệu tấn gạo.
Tuy nhiên, mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỷ lít bia, tương đương với chi 3 tỷ USD ( xấp xỉ 65.000 tỷ đồng), Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ ba châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Năm 2016 – Một góc nhìn |
Ngoài bia ra thì mỗi năm nước ta cũng tiêu thụ tới 70 triệu lít rượu.
Có lẽ, số tiền để mua bia rượu cũng đủ để nước ta làm được vô vàn những việc có ích khác đang cần hơn như bệnh viện, trường học, đường xá, chống các dịch bệnh…
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong 7 ngày Tết năm Bính Thân 2016 (từ 29 tháng Chạp đến ngày mùng 6 Tết), mỗi ngày đều xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc, lấy đi tính mạng của hàng trăm con người, tổng kết 7 ngày xảy ra 303 vụ tai nạn giao thông, khiến 188 người chết và 304 người bị thương.
Trong những vụ tại nạn giao thông này thì phần lớn có nguyên nhân từ rượu bia.
Nếu chúng ta để ý trên các đường lộ, tình hình vi phạm luật lệ an toàn giao thông diễn ra thường xuyên.
Lỗi nhiều nhất đối với người điều khiển xe máy là không đội mũ bảo hiểm, xe chở 3,4 và lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ.
Tình trạng vi phạm không chỉ ở thanh thiếu niên mà ngay cả những người lớn tuổi, những công – viên chức nhà nước.
Và, rõ ràng những việc vi phạm và gây ra tai nạn giao thông trên thì phần lớn bắt nguồn tự việc lạm dụng rượu bia của người dân trong những ngày Tết.
Tình trạng đánh nhau trong ngày Tết cũng diễn ra khá phổ biến. Khi đã uống rượu bia thì nhiều người không giữ được sự bình tĩnh, chỉ một kích động nhỏ cũng dẫn đến ẩu đả nhau, nhất là đối với thanh niên.
Chỉ trong 3 ngày Tết của năm 2016 vừa qua mà cả nước có tới gần 2000 vụ đánh nhau, một con số đủ cho chúng ta nhói lòng.
Rất nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra có nguyên nhân từ bia rượu, mà những người trước khi gây án họ vẫn hiền lành và sống chưa để mất lòng ai.
Nhưng, rượu bia đã làm cho họ mất đi nhân tính, chỉ một vài giây phút thiếu kiểm soát mà dẫn đến cảnh tang thương của bao gia đình.
Nhiều khi tình máu mủ cũng quên mất nên đã dẫn đến đến những hậu quả khôn lường, chỉ đến khi tỉnh rượu thì đã quá muộn màng.
Vẫn biết văn hóa người Việt chúng ta trọng nghĩa tình. Quí mến nhau đâu cứ phải là mâm cao, cỗ đầy, một ly rượu cũng thấm đượm tình thân.
Vẫn biết tiệc tùng, Tết nhất là có rượu bia nhưng có lẽ đến lúc chúng ta phải biết dừng lại đúng lúc. Hãy là những công dân sống có trách nhiệm trước cộng đồng.
Nếu, chúng ta quá lạm dụng bia rượu, nếu chúng ta cứ mải ham vui thì ắt sẽ để lại những hậu quả khôn lường cho bản thân, gia đình và xã hội.
Mùa xuân mới lại đang về, những người con đi xa lại bắt đầu trở về quê để sum họp gia đình và cũng đồng nghĩa lâu ngày gặp nhau là… nhậu.
Và, cứ thế lai rai trong một quãng thời gian dài không chỉ dịp Tết mà cả trước và sau Tết.
Các cơ quan, công sở cũng bắt đầu rình rang tổng kết cuối năm để chia tay năm cũ. Những buổi tiệc lại không thể nào lại thiếu rượu bia và thế là tất cả lại nâng li và… uống.
Người Việt ngày nay không chỉ lạm dụng về rượu bia mà còn ép nhau uống. Đâu đó vẫn còn tư tưởng phải “hết mình” với nhau mới được xem là “thật lòng” nên đã đang và sẽ tạo thành một thói quen xấu trong thời hiện đại.
Rượu, bia không chỉ hao tốn về tiền bạc, sức khỏe mà chúng ta đang lãng phí rất nhiều thời gian và vô vàn những hệ lụy cho gia đình và xã hội.