Tiến sĩ Phạm Thế Dân – nguyên giảng viên khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vừa chuyển đến cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam vấn đề sao chép trong đề tài nghiên cứu khoa học tại ngôi trường này.
Trong đó, Tiến sĩ H.Đ.T. là một lãnh đạo của khoa Vật lý thuộc Trường Đại học Sư phạm thành phố bị ông Phạm Thế Dân tố đã dùng luận văn Thạc sĩ của mình “biến” thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở.
Ngoài ra, ông H.Đ.T. còn bị nói đã sao chép nhiều phần trong khóa luận tốt nghiệp Đại học của một sinh viên hồi năm 2011, do chính ông T. là người hướng dẫn, lấy chép vào đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở của mình vào năm 2012.
Cụ thể, vào tháng 7/2009, ông T. đã bảo vệ luận văn Thạc sĩ của mình tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố.
Đề tài luận văn đó là “Nghiên cứu xác định liều bức xạ beta hàng năm trong mẫu gốm bằng vật liệu LiF: Mg,Cu, P.
Năm 2010, cũng chính ông T. đã “biến” nó (luận văn nêu trên) thành một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, mã số CS.2009.19.66 do chính ông làm chủ nhiệm đề tài.
Năm 2011, một nữ sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp Đại học với đề tài “Xác định hoạt độ của các đồng vị phóng xạ trong mẫu Moss – Soil bằng hệ phổ kế gama phông thấp cho bài toán so sánh quốc tế của IAEA”.
Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ông T. đang làm lãnh đạo khoa (ảnh: P.L) |
Khóa luận này do ông T. làm người hướng dẫn cho nữ sinh viên nói trên. Vào năm 2012, ông H.Đ.T. cũng làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, mã số CS.2011.19.53, với đề tài “Xác định hoạt độ của các đồng vị phóng xạ trong mậu Moss – Soil và Spiked Water bằng hệ phổ kế gama phông thấp cho bài toán so sánh quốc tế của IAEA”.
Tiến sĩ Phạm Thế Dân nói rằng, ông T. đã sao chép nhiều phần trong khóa luận tốt nghiệp của sinh viên, vào trong đề tài nghiên cứu khoa học của mình.
Luận văn Thạc sĩ của Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh lại bị tố cáo |
Báo cáo giải trình với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ngày 13/6/2016, ông H.Đ.T. nói mình thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở từ tháng 3/2008, trước thời điểm thực hiện luận văn Thạc sĩ.
“Việc đăng ký đề tài cấp cơ sở không nằm ngoài bất cứ mục đích gì khác, ngoài việc phục vụ cho học tập, nghiên cứu của bản thân, qua đó gián tiếp nâng cao chất lượng giảng dạy.
Thực tế, chính nhớ từ kinh phí đề tài cấp cơ sở , mà ông T. đã có kinh phí tiến hành các thí nghiệm tại Hà Nội, hoàn thành luận văn Thạc sĩ đúng thời hạn” – Trích phần giải trình của ông T.
Với nội dung thứ 2, ông T. đã giải trình: Chính ông T.đã sửa lại lỗi chính tả ở chương 1, chỉnh sửa lại phần nội dung ở chương 2 và chương 3 trong khóa luận tốt nghiệp Đại học của sinh viên.
Khi báo cáo đề tài nghiên cứu khoa học, ông T. đã sử dụng lại những phần này (những phần mà ông này đã chỉnh sửa cho sinh viên).
Vì ông T. cho rằng, đây chính là sản phẩm, công sức và trí tuệ của cả thầy và trò, nên người hướng dẫn được sử dụng kết quả này để viết báo cáo, do nó là sản phẩm của đề tài đã được đăng ký.
Việc hướng dẫn sinh viên cũng nằm trong kế hoạch của đề tài từ trước đó, do vậy, ông T. sử dụng sản phẩm của quá trình hướng dẫn sinh viên là hoàn toàn có cơ sở.
Ngày 4/8/2016, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận số 238, thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Như vậy, đối với nội dung đầu tiên có liên quan đến ông H.Đ.T., nhà trường kết luận: Các phần giống nhau giữa đề tài nghiên cứu khoa học và luận văn Thạc sĩ là tên công trình và tên đề tài, một phần nội dung chương 1 là giống nhau, chương 2 hoàn toàn giống nhau, kết luận giống nhau.
Trường Đại học Sư phạm thành phố tóm lại: Giữa công trình nghiên cứu khoa học và đề tài luận văn Thạc sĩ là hoàn toàn giống nhau.
Nhà trường thành lập Hội đồng xem xét, đánh giá việc bồi hoàn kinh phí đã chi cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của ông T.
Còn việc xử lý kỷ luật ông T. là không thể thực hiện được, do đã quá hạn việc xem xét, xử lý đối với viên chức (theo khoản 1, điều 7, mục 2 của Nghị định 27/2012 của Chính phủ).
Với nội dung thứ 2, nhà trường kết luận, khóa luận tốt nghiệp Đại học của sinh viên bảo vệ năm 2011, do ông T. hướng dẫn là một phần của đề tài nghiên cứu khoa học CS.2011.19.53 cũng do chính ông T. làm chủ nhiệm đề tài.
Dù ông T. chỉnh sửa nhiều phần trong khóa luận tốt nghiệp của sinh viên, nhưng khóa luận này đã được bảo vệ và công bố trước, nên ông T. cần phải đảm bảo quyền tác giả của sinh viên.
Kết luận, nhà trường yêu cầu ông T. phải bổ sung thêm Khóa luận tốt nghiệp Đại học của nữ sinh viên này vào phần trích dẫn nguồn tài liệu tham khảo đề tài nghiên cứu khoa học của mình.