Ngày 4/12, tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2018, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.
Trước câu hỏi của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc Trường Tiểu học Tả Thanh Oai thực hiện thu khi chưa được Ủy ban Nhân dân huyện phê duyệt thì xử lý thế nào?
Ông Đặng Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Trì cho biết: “Qua giám sát của Ban (Ban Văn hóa – xã hội, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội - PV) Trường Tiểu học Tả Thanh Oai có việc thu chưa đúng.
Tuy nhiên, việc thu này không phải là chủ trương của ban giám hiệu nhà trường đặt ra. Phụ huynh đã có ý kiến về việc này. Lãnh đạo huyện Thanh Trì đã yêu yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường rút kinh nghiệm, đồng thời hạ bậc đánh giá”.
Ông Đặng Đức Quỳnh cũng cho biết, muốn biết thêm thông tin đề nghị phóng viên liên hệ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Trì sẽ cung cấp thêm thông tin.
Ông Đặng Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch huyện Thanh Trì cho biết, một số khoản thu tại Trường Tiểu học Tả Thanh Oai không phải do ban giám hiệu nhà trường đặt ra. Ảnh: Vũ Phương. |
Trước đó, báo cáo kết quả khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội tới Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ rõ việc một số trường tự ý đặt ra những khoản thu không đúng quy định, thực hiện thu xã hội hóa không đúng quy trình như: thu tiền túi kiểm tra, photo tài liệu, tiền vệ sinh, thu tiền để mua bàn ghế, tiền trái tuyến, thu tiền xã hội hóa điều hòa và thiết bị giảng dạy… gây bức xúc trong phụ huynh học sinh.
Cụ thể như ở huyện Hoài Đức, Trường Trung học phổ thông Hoài Đức B thu tiền túi kiểm tra, photo tài liệu, tiền vệ sinh; Trường Mầm non An Khánh A thu 500.000 đồng tiền trái tuyến của 33/73 học sinh trái tuyến; Trường Tiểu học An Khánh A đã thu 1 triệu đồng/học sinh/5 năm của 109/130 học sinh lớp 1 mới chuyển đến định cư ở địa bàn.
Tại huyện Đông Anh, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Huy Tưởng có lớp 6A1 dự kiến thu 1,5 triệu đồng để mua bàn ghế; Trường Mầm non Xuân Canh thu tiền vệ sinh và đồ chơi.
Tại Quận Cầu Giấy, Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng Hậu thu quỹ phụ huynh lớp 1,5 triệu đồng/kỳ, thu cào bằng một mức, không lập dự toán thu chi, riêng khối 6 thu thêm 500.000 đồng/học sinh tiền xã hội hóa lắp điều hòa.
Huyện Mê Linh có Trường Tiểu học Tráng Việt A thu 500.000 đồng tiền mua máy chiếu để dạy các môn văn hóa…
Tại huyện Thanh Trì, Trường Tiểu học Tả Thanh Oai thực hiện một số khoản thu khi chưa được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.
Cũng theo Ban Văn Hóa - Xã hội (Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội), ở một số trường, ban giám hiệu hợp tác với các nhà may, công ty để đặt đồng phục cho học sinh. Trung bình mỗi bộ đồng phục có giá từ 150.000 - 270.000 đồng và mỗi học sinh có tối thiểu 3 bộ (mùa hè, mùa đông và đồng phục thể dục).
Tuy nhiên, không ít trường quy định học sinh phải mặc đồng phục trong cả tuần, do đó thực tế phụ huynh phải mua số lượng đồng phục cho học sinh từ 5-6 bộ, gây tốn kém cho phụ huynh.
Cũng trong buổi giao ban báo chí, về công tác giáo dục và đào tạo, ông Đặng Đức Quỳnh cho biết, công tác giáo dục và đào tạo đạt kết quả tốt. Chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững. 100% các trường mầm non thực hiện chương trình mầm non mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giáo dục.
99,98% học sinh tiểu học được đánh giá “tốt” và đạt về phẩm chất và năng lực. 100% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, riêng Trường trung học cơ sở Chu Văn An có 100% học sinh đỗ vào các trường trung học phổ thông công lập.
Chất lượng giáo dục mũi nhọn được quan tâm và đạt kết quả cao, số học sinh giỏi, học sinh năng khiếu các cấp vượt chỉ tiêu đề án với 2 huy chương cấp quốc tế, 4 huy chương cấp quốc gia, cấp thành phố đạt 156 giải thưởng về văn hóa và thể thao, cấp huyện đạt 2.792 giải.
Toàn huyện có 53/68 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,94%. Dạy và cấp chứng chỉ biết bơi cho 5.129 học sinh, đạt 97,5% kế hoạch.