Trách nhiệm phần nhiều của người lớn
Những ngày qua cuộc sống của người dân xã Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) ít nhiều bị xáo trộn trước thông tin em Y bị các bạn trong lớp đánh đến mức nhập viện.
Đi đến đâu cũng thấy người ta xì xào bàn tán. Quán nước trước đền thờ Phạm Ngũ Lão, bà Mận vừa rót nước cho khách vừa thêm vào câu chuyện.
“Mấy ngày trước cả hiệu trưởng lẫn giáo viên đều bị kỷ luật, cấp Ủy chi bộ trên trường cấp 2 bị cách chức hết.
Bố nó dở, ông nó dở, con bé Y này hiền lành mà đánh nó như thế.
Không chỉ đánh một lần mà nó bị đánh nhiều lần rồi”.
Nhiều người dân mỗi người góp một câu. Đa phần đều tỏ ra bức xúc với hành vi đánh bạn của 5 nữ sinh trên.
Ông Phạm Văn Mùi tiết lộ một chi tiết rất quan trọng: Có 2 trong số 5 em học sinh đánh em Y có quan hệ họ hàng và là vai bác trong họ của Y.
Em Y cũng đã bị đánh một lần vào năm ngoái nhưng gia đình lựa chọn các giải quyết tình cảm:
“Ở quê tôi trẻ con đánh nhau người lớn thường nể nhau mà thương lượng, giải quyết tình cảm.
Việc cái Y bị đánh năm ngoái cũng đã xảy ra. Trong số những đứa đánh Y năm ngoái thì năm nay cũng đánh tiếp lại có 2 đứa vai bác họ trong dòng tộc.
Nhưng lần này chúng nó đánh dã man quá chúng tôi xem mà cũng không cầm lòng được.
Mấy ngày nay, hàng xóm, phóng viên qua nhà em Y đông lắm. Ai xem video cũng thấy thương cháu nó. Hoàn cảnh gia đình như thế bố lại bị tâm thần”.
Về phía 5 học sinh đánh bạn, người dân cho biết những đứa trẻ này đều là thành phần nghịch ngợm, đã từng đánh bạn nhiều lần.
Thương Y Một thì ông Mùi, bà Mận lại trách cô giáo, trách nhà trường Mười:
“Nhà trường, giáo viên biết nhưng không lên tiếng. Chúng tôi ở đây ai cũng giận dữ cả.
Giáo viên họ cố tình bao che là vì sợ thành tích, bị trừ điểm. Trường này lại là trường chuẩn Quốc gia.
Cháu nó bị đánh lần này là nhiều lần rồi. Xóm làng cũng biết nhưng ở đây nông thôn nên gia đình họ nói chuyện tình cảm.
Chủ yếu phải là ở các thầy cô, nhà trường phải răn đe con trẻ”.
Bà Tía năm nay đã 80 tuổi, tóc bạc da mồi nhưng cả đời chưa bao giờ chứng kiến một cảnh đánh nhau nào man rợ hơn.
“Mấy hôm trước con cháu trong nhà xôn xao xem clip. Chúng đưa tôi xem thì nhận ra cái Y cháu bà Nhường.
Xem clip chúng đánh Y mà đau xót quá. Toàn con gái cả, chúng nó man rợ quá, con bé bị lột hết quần áo.
Cầm đầu nhóm này là con bé Tr.(axit) năm lớp 7, lớp 8 nó đã kéo xuống tận làng dưới để đánh một cháu khác”.
Nỗi buồn của người dân xã Phù Ủng những ngày qua (Ảnh: Vũ Ninh) |
Buổi chiều hiu hiu, những cơn gió thổi tạt mùi khói thuốc lào từ hàng nước của bà Mận.
Ông Mùi trầm ngâm: “Có lẽ sau lần này chúng tôi cũng phải tự nhìn nhận lại cách dạy con cháu mình nhà báo ạ!”
Ông Mùi nói tiếp: “Đành rằng hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Nhưng chuyện gì phải ra chuyện đấy.
Trẻ con bồng bột nó đánh nhau nhưng người lớn phải có trách nhiệm con ngăn.
Ở đây từ người thân, giáo viên chẳng ai lên tiếng nên chúng nó mới đánh con bé đến mức như vậy.
Nếp quê thường cư xử theo lối đóng cửa bảo nhau nên mới ra cơ sự này.
Bây giờ thì cả xã hội họ nhìn vào xã Phù Ủng chúng tôi cũng thấy xấu hổ lắm chứ.
Giá như ngày đó chẳng ai im lặng thì đã không nên cơ sự này”.
Chỉ vài ngày nữa em Y có thể xuất viện và đi học trở lại. Những học sinh đánh Y có thể đối mặt với án phạt nghiêm khắc từ nhà trường và pháp luật.
Cánh cửa của 6 đứa trẻ đều tối và hẹp lại. Người Phù Ủng nghiêm túc nhìn nhận lại mình: Phải chăng nếu không có sự im lặng và lối hành xử đóng cửa bảo nhau thì có lẽ cơ sự đã không đến mức này?
"Kỷ luật hiệu trưởng chúng tôi cũng đau lắm nhưng là việc cần thiết"
Trong căn nhà nhỏ tại làng La Mát, ông Trần Đình Thuộc vừa là ông trẻ của cháu Y vừa là chú của 2 trong số 5 nữ sinh đánh Y (theo vai vế trong họ) không giấu nổi bức xúc.
Ông cho rằng căn nguyên dẫn đến sự việc ngày hôm nay đó là việc hiệu trưởng và ban giám hiệu không xử lý ngay từ lần đầu.
Tội ác dưới mái trường là tất yếu của sự dung dưỡng những điều dối trá |
Ông Thuộc kể lại: “Hôm đó chiều thứ 6, gia đình tôi có đến trường cấp 2 Phù Ủng để nói chuyện với ban giám hiệu thì ông hiệu trưởng nói mọi việc có như thế nào thì để đến ngày thứ Hai.
Tôi có bức xúc đề nghị nhà trường phải xử lý thì ông hiệu trưởng nói rằng mai là thứ bảy là ngày nghỉ của các cháu.
Tại sao là người lớn, lại là giáo viên mà có thể im lặng và thờ ơ với nỗi đau của con trẻ như vậy”.
Trẻ con ở quê giữa làng này và làng kia không phải không biết chuyện trẻ con đánh nhau. Người này, người kia vì nể tình coi như không có chuyện gì xảy ra.
Thế nhưng nếu có được sự quan tâm của người lớn thì có lẽ cha mẹ của 5 em học sinh không lớn tiếng thách thức bà nội 70 tuổi của Y.
Họ cứ nghĩ rằng việc gỡ clip và chút quà thăm hỏi là xong câu chuyện. Những người thân của cháu Y như ông Thuộc từ mấy ngày nay ai cũng đứng ngồi không yên.
Khi có tin hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm bị cách chức ai cũng cảm thấy đau lòng cả. Thương có nhưng trách cũng nhiều.
Ông Thuộc đã từng đến gặp hiệu trưởng cấp 2 Phù Ủng để nói chuyện cháu Y bị đánh nhưng không được giải quyết (Ảnh: Vũ Ninh) |
“Tôi có hỏi mấy học sinh nam học cùng lớp với Y chúng nó bảo thấy Y bị đánh như vậy học sinh có nói với cô giáo chủ nhiệm.
Nhưng cô bảo không được về kể với phụ huynh. Chúng tôi là những người nông dân ít học nhưng các thầy cô là những người học cao, học rộng mà lại hành xử như vậy.
Trẻ con chúng nó sai thì người lớn phải có trách nhiệm uốn nắn đặc biệt là giáo viên.
Nếu như vụ việc này nhà trường xử lý từ trước thì chúng nó không đánh Y đến mức như này”.
Nói về 5 nữ sinh đánh Y, một em cũng bỏ đi vì bị áp lực từ dư luận, một số em cũng có hoàn cảnh gia đình kém may mắn.
Có thể thấy trong vụ việc này cả nạn nhân và thủ phạm đều bị ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và học tập.
Nhưng khi trách các em thì phụ huynh, người lớn, giáo viên cũng cần phải nhìn nhận lại chính mình.
Thói cư xử kiểu đóng cửa bảo nhau, sự im lặng của người lớn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự việc trầm trọng hơn.
Liên quan đến vụ việc trên, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Trong vụ việc xảy ra tại Hưng Yên, không thể khởi tố được bởi các học sinh còn ít tuổi, chưa đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Cần phải kết hợp các biện pháp giáo dục vì chỉ riêng những hình phạt răn đe sẽ không giải quyết tận gốc vấn đề. “Ngoài hình phạt ra thì cần một biện pháp tổng thể, đầu tiên là sự quan tâm của gia đình, nhà trường. Với nạn nhân cũng vậy, nếu con em mình được sự quan tâm thì người khác cũng không thể xâm hại được. Trong trường hợp này xử lý cũng rất là khó, nếu xử lý quá nghiêm quá thì cũng gây sốc”, luật sư Thiệp nêu quan điểm. Luật sư này cũng lý giải, trường hợp 5 học sinh đánh bạn là một dạng nghiện mạng xã hội, quay rồi tung clip… đây là vấn đề hệ lụy xã hội cần phải giải quyết. Với các học sinh đánh bạn, nặng nhất cũng chỉ cho lưu ban một năm, sang năm học lại, điều này còn gây tốn kém cho gia đình, xã hội chưa chưa phải là gốc vấn đề. |