Formosa xin lập đặc khu kinh tế Vũng Áng: Không thể chấp nhận được!

30/06/2014 10:31
Chuyên gia Bùi Kiến Thành
(GDVN) - Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trước thông tin Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh đề xuất xin lập đặc khu kinh tế.

Dư luận những ngày qua  đặc biệt quan tâm trước thông tin Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa) gửi công văn số 1406022/CV-FHS lên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, xin thiết lập đặc khu kinh tế Vũng Áng nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện...

Việc xin thành lập đặc khu kinh tế và những ưu đãi “vô tiền khoáng hậu” là tiền lệ chưa từng có vượt quá khuôn khổ pháp lý của Việt Nam. Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, nghiên cứu vấn đề chính sách kinh tế vĩ mô, ông Bùi Kiến Thành đã có bài viết gửi đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam nhận định về vấn đề này.

Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh.
Nhà máy gang thép Formosa Hà Tĩnh.

Sai lầm trong thu hút đầu tư

Năm 2013, công suất thép dư thừa của thế giới là 517 triệu tấn, tăng hơn gấp đôi so với con số 229 triệu tấn năm 2000. Trước đó, công suất dư thừa đã lên đến đỉnh điểm 579 triệu tấn vào năm 2009 do cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu.

Ngay tại Mỹ, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty thép trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu thép nước ngoài ở Mỹ đã gây ra tổn thất lớn cho ngành thép của nước này trong hai năm qua. Chỉ tính riêng trong năm 2013, ngành công nghiệp thép của Mỹ đã báo cáo lỗ ròng tới 1,2 tỷ USD.

Trong khi đó Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, do thị trường xây dựng chưa hồi phục nên lượng thép tiêu thụ tháng 4 chỉ đạt 443.600 tấn, giảm gần 15% so với tháng trước. Lượng thép tồn kho hơn 255.000 tấn. Nhiều nhà máy vẫn phải tiết giảm sản xuất, chỉ chạy 50-60% công suất.

Từ số liệu đó lật lại việc cấp phép đầu tư cho Formosa là sai lầm trong thu hút đầu tư. Bởi vì phát triển ngành sắt, thép không phải là ngành công nghệ cao mang lại lợi ích phát triển cho quốc gia chính vì thế các nước trên thế giới không mặn mà đầu tư ngành này. Nói các khác trong thế giới số hiện đại đang tìm mọi cách để đẩy ngành sắt thép ra xa thì Việt Nam lại ôm vào.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Cá nhân tôi yêu sách này không thể chấp nhận được cả trên tư cách một nhà đầu tư và cần loại bỏ.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Cá nhân tôi yêu sách này không thể chấp nhận được cả trên tư cách một nhà đầu tư và cần loại bỏ.

Ngành công nghệ sắt, thép bị thế giới quay lưng vì tác động của nó tới môi trường nước, không khí. Bên cạnh đó ngành công nghiệp nặng này còn sử dụng quá nhiều năng lượng điện, phụ thuộc vào khoáng sản quặng hoặc phụ thuộc vào nguồn sắt thép qua sử dụng nhập từ các nước để tái chế… Tóm lại khi đưa ngành sắt, thép vào Việt Nam sẽ biến Việt Nam trở thành xưởng gia công công nghiệp nặng, là bãi rác của thế giới.

Đến đây câu chuyện chiến lược thu hút đầu tư nên được đưa ra nhìn nhận khách quan, tại sao thế giới dư thừa thép, doanh nghiệp trong nước phải tiết giảm sản xuất thì địa phương nào cũng có nhà máy thép, cũng có dự án sản xuất sắt, thép. Bài học xi măng vừa qua chúng ta đã thấy rõ, nhưng tại sao vẫn mắc phải?.

Thẳng thắn trong vấn đề này là bệnh thành tích, lâu này chúng ta luôn tự hào thu hút được bao nhiêu tỉ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, tự hào vì có hàng trăm hàng nghìn dự án FDI đến Việt Nam. Nhưng nhìn lại phải xem dự án đó là như thế nào? Có lợi có hại gì? Có thể chính quyền địa phương tỉnh, huyện chưa thấu đáo nhưng Bộ ngành Trung ương thì biết rõ, đáng nhẽ phải chỉ ra ngay từ đầu để có chiến lược thu hút đầu tư rõ ràng.

Bên cạnh đó cũng nói thẳng việc lãnh đạo địa phương, lãnh đạo trên nhìn ra nhưng vì quyền lợi cá nhân lù mờ quyền lợi của đất nước, của nhân dân. Bản thân Formosa đang được nhận ưu đãi rất lớn như thuê đất 70 năm, ưu đãi thuế đất… những ưu đãi này là đã quá lớn, vậy tại sao Formosa vẫn muốn xin thành lập đặc khu kinh tế? Chắc chắn câu chuyện không chỉ là mục đích lợi nhuận kinh tế của một doanh nghiệp.

Vị trí nhạy cảm

Với đặc khu kinh tế như đề xuất, Formosa xin nhiều ưu đãi đầu tư “khủng” ngoài những ưu đãi thông thường. Cụ thể: Đề nghị Chính phủ thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép, ưu đãi cân đối ngoại tệ; được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài miễn thuế khấu trừ tại nguồn và vay vốn ngân hàng trong nước với mức nợ cấp tín dụng gấp 4 lần vốn tự có của ngân hàng; đưa nhân viên kỹ thuật công trình nước ngoài vào làm việc trong đặc khu...

Đáng lưu ý, Formosa cũng đề nghị Việt Nam không được lấy mục đích chung, phát triển kinh tế hoặc các mục đích khác mà thu hồi đất đặc khu. Nếu vì mục đích an toàn quốc phòng phải thu hồi đất đặc khu, ban quản lý và phía đầu tư trước khi thu hồi phải thảo luận vấn đề bồi thường để đi đến thống nhất ý kiến.

Trong những đề xuất này chúng ta phải lưu ý chi tiết khi một nhà đầu tư lại dám đưa yêu sách nước sở tại không thể thu hồi khu đất đã giao cho doanh nghiệp vì mục đích phát triển kinh tế và mục đích an ninh quốc phòng? Cá nhân tôi yêu sách này không thể chấp nhận được cả trên tư cách một nhà đầu tư và cần loại bỏ. 

Nên nhớ đặc khu kinh tế nó giống như một đất nước nhỏ, ở đó có quy định riêng. Nhìn sang Trung Quốc, vì diện tích rộng chính quyền trung ương Trung Quốc phải chấp nhận cho thành lập đặc khu kinh tế, khu tự trị. Nhưng mỗi đặc khu kinh tế, khu tự trị đều có quy định riêng không giống quy định luật pháp chung vì thế mới có câu chuyện phân biệt Trung Quốc Đại lục và Hồng Kông.

Hơn thế khu kinh tế Vũng Áng là vị trí nhạy cảm chiến lược, từ Vũng Áng lên biên giới Lào chỉ chừng 50 – 60 km, từ Vũng Áng chạy ra biển theo đường vòng ngược lên Vịnh Bắc Bộ cũng không bao xa. Có thể nói Vũng Áng điểm thắt trong bản đồ đất nước, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng. 

Nên nhớ đây là nhà đầu tư nước ngoài, đứng trước vấn đề Biển Đông hiện nay chúng ta càng cần thận trọng hơn.

Trong công văn số 1406022/CV-FHS gởi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, Lãnh đạo Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đề xuất thiết lập đặc khu kinh tế gang thép.

Theo văn bản, Tổng giám đốc công ty Hưng Nghiệp Formosa Dương Hồng Chí lý giải việc thiết lập đặc khu kinh tế nhằm phục vụ cho quá trình xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện...

Trong đó, nhà đầu tư 100% vốn Đài Loan này dự thảo sẵn một bản điều lệ về quản lý thiết lập đặc khu với một số điều kiện ưu đãi bên ngoài những điều kiện đã được hưởng theo giấy chứng nhận đầu tư dự án, chẳng hạn như hưởng cơ chế bảo hộ ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, miễn thuế thu nhập khấu trừ tại nguồn, miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...

Ngoài ra, Formosa đề xuất được xây ký túc xá hộ gia đình để cho thuê, bán lại cho nhân viên, trong đó nhân viên người Việt có thể nhận được quyền sử dụng đất lâu dài trong đặc khu. Thậm chí, mô hình khép kín có thể được hình thành với bệnh viện, trường học, nhà trẻ, lớp học song ngữ hoặc trường song ngữ.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành