Ngày 1/3 chuyên mục Quốc phòng của Đài phát thanh tiếng nói Trung Quốc (CNR) phỏng vấn thiếu tướng Kim Nhất Nam, một giáo sư chuyên nghiên cứu chiến lược quốc tế của quân đội Trung Quốc về chuyến thăm Việt Nam của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson.
Ông Kim Nhất Nam đã đưa ra một số bình luận về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, đặc biệt là những mối liên hệ với cục diện Biển Đông hiện nay. Vị giáo sư này cho rằng:
"Thực ra đây là sự kéo dài của chính sách thời chính phủ Barack Obama. Năm đầu tiên khi ông Donald Trump lên cầm quyền, Mỹ có nhiều vấn đề phải giải quyết nên không thể ngó đến Biển Đông.
Từ nửa cuối 2017, Lầu Năm Góc gây áp lực ngày càng lớn cho Tổng thống Donald Trump về vấn đề Biển Đông.
Ông Kim Nhất Nam, ảnh: Thời báo Hoàn Cầu. |
Còn thực ra ngay từ khi tranh cử, ông ấy đã nói rõ, Biển Đông chả liên quan gì đến nước Mỹ, nhưng hiện tai do áp lực nên phải thay đổi lập trường (?!)."
Mục đích của động thái ông Kim Nhất Nam miêu tả là, một mặt nâng cao ý thức của người dân Mỹ, mặt khác thông qua các hoạt động quân sự ở Biển Đông để gây sức ép với Trung Quốc về kinh tế.
Cho nên theo ông Kim Nhất Nam, Biển Đông có thể trở thành phương hướng gây áp lực chủ yếu của Mỹ với Trung Quốc. Viên tướng này bình luận:
"USS Carl Vinson vốn dĩ không thuộc biên chế Hạm đội 7, mà thuộc Hạm đội 3 Thái Bình Dương.
Nhưng do hiện tại Mỹ cảm thấy một mình Hạm đội 7 khó có thể đối phó với Trung Quốc, nên tăng cường USS Carl Vinson đến Biển Đông thị uy, chẳng qua là để thích nghi với tình hình".
Về khả năng hoạt động của Mỹ trên Biển Đông năm 2018, ông Kim Nhất Nam nói với CRI:
"Thực ra Mỹ có rất nhiều trọng điểm chiến lược toàn cầu, ví dụ như Trung Đông, châu Âu, tất nhiên cũng có cả đối phó với Trung Quốc, mà Biển Đông là một hướng.
Người ta nói Mỹ có nhiều lợi ích ở Biển Đông nên phải tuần tra tự do hàng hải. Nhưng thực ra Mỹ có hàng hóa đi qua Biển Đông không? Không có. Vậy Biển Đông (với Mỹ có ý nghĩa) là gì?
Theo cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, 48% giá trị thương mại toàn cầu (đi qua Biển Đông), nhưng chủ yếu là các nền kinh tế trong khu vực, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines...
48% giá trị thương mại của các nước này phải qua Biển Đông."
Tàu sân bay USS Carl Vinson tại Đà Nẵng, ảnh: Navy Times. |
Xung quanh chuyến công du Việt Nam của cụm tàu sân bay USS Carl Vinson, viên tướng Trung Quốc này nhận định: cụm hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam là biên đội "đi chơi" nhiều hơn "tác chiến".
Biên tập viên CRI đặt câu hỏi:
Biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Việt Nam chỉ có 1 tàu tuần dương và 1 tàu khu trục, phải chăng điều này phản ánh thực lực cứng cũng như ảnh hưởng mềm của Mỹ đang giảm sút rõ rệt?
Ông Nam trả lời:
"Một mặt điều này phản ánh thực lực của Mỹ đang giảm sút, vì 1 cụm tàu sân bay hoạt động thường có chi phí rất lớn. Tháp tùng 1 tàu sân bay thông thường có từ 4 đến 5 chiến hạm, chưa kể tàu ngầm, tàu hậu cần, tàu tuần dương đi theo.
Nửa cuối nhiệm kỳ Barack Obama và nửa đầu nhiệm kỳ của Donald Trump, do ngân sách quốc phòng khó khăn, nhiều lần Mỹ phải dừng hoạt động của các cụm tàu sân bay trên thế giới.
Lần này họ cảm thấy Biển Đông căng thẳng nên buộc phải xuất dương. Có điều nếu xuất hiện với đội hình lớn và thể hiện rõ ý đồ 'khiêu khích' thì kinh phí không cho phép, nên lần này họ giảm bớt quy mô.
Bởi vậy lực lượng tháp tùng USS Carl Vinson là để tuần du chứ không phải một đơn vị tác chiến.
Chiến đấu cơ trên tàu sân bay USS Carl Vinson, ảnh: AP. |
Chưa kể USS Carl Vinson là hàng không mẫu hạm "già" nhất trong đội tàu sân bay của Mỹ, chuẩn bị đến tuổi nghỉ hưu. Một tàu sân bay già cỗi chỉ có 1 tàu khu trục đi cùng, điều này cho thấy khó khăn kinh phí với quân đội Mỹ là rất dễ thấy."
Trả lời câu hỏi của CRI rằng, sau chuyến thăm này của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, Việt Nam có đi theo quỹ đạo của Hoa Kỳ hay không, ông Kim Nhất Nam bình luận:
"Thực ra Việt Nam luôn tìm cách khôn khéo đánh bài. Khả năng họ hoàn toàn theo Mỹ là không thể.
Chúng ta không được quên rằng trong Chiến tranh Việt Nam, tàu sân bay là căn cứ chủ yếu để Mỹ không kích và tạo thành thương vong vô cùng lớn cho Việt Nam.
Vì thế người dân Việt Nam khi nhắc đến tàu sân bay, phi công Mỹ, những người già đều căm phẫn.
Đây là một mối quan hệ rất đặc biệt, vì lợi ích mà một mặt Mỹ muốn lợi dụng Việt Nam để đối phó với Trung Quốc, mặt khác Mỹ lại không hoàn toàn ủng hộ thể chế chính trị của Việt Nam, hy vọng phái dân chủ lên nắm quyền theo cái nhìn "cách mạng màu" của họ." [1}
Andrew Korybko, một nhà phân tích chính trị người Nga chuyên nghiên cứu về chiến lược của Hoa Kỳ, Vành đai và Con đường của Trung Quốc ngày 10/3 bình luận trên trang Global Research tại Canada:
Tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson lần đầu tiên đến Việt Nam kể từ sau 1975, đây là bước tiến chưa từng thấy trong quan hệ hậu chiến tranh giữa Hoa Kỳ với quốc gia thành viên ASEAN này.
Nhà nghiên cứu người Nga Andrew Korybko, ảnh: Youtube. |
Ông viết:
"Hà Nội không còn coi Washington như kẻ thù, mà xem họ như một đồng minh không chính thức vì sự sẵn sàng của Lầu Năm Góc để giúp Việt Nam nâng cao năng lực hải quân trước những lợi thế của Trung Quốc trong lĩnh vực này.
Mặc dù không có nhiều cơ hội đạt được trên mặt trận này, nhưng tương lai thực sự rất hứa hẹn. Có thể Việt Nam sẽ đóng một vai trò nào đó tuy không chính thức, trong cái gọi là bộ tứ Mỹ-Nhật-Ấn-Úc để đối phó với Trung Quốc...
Trung Quốc sẽ bảo vệ các yêu sách trên biển (phi lý) của họ trong khu vực khi đối mặt với thách thức từ bộ tứ. Điều này có thể dẫn đến một căng thẳng trong khu vực.
Trên thực tế, cái gọi là kịch bản leo thang có kiểm soát có thể là những gì bộ tứ hy vọng đạt được trong việc tạo ra một cuộc khủng hoảng cường độ thấp;
Họ xem đó như một phương tiện biện minh cho sự hợp tác của Việt Nam với quan hệ đối tác quân sự đa phương này.
Tuy nhiên còn quá sớm để nói vấn đề này chính xác là những gì được lên kế hoạch cho tương lai..."
Chúng tôi cho rằng, việc tìm hiểu các phân tích, đánh giá của giới nghiên cứu nước ngoài về các hoạt động bang giao, đối ngoại quân sự, hợp tác quốc phòng của Việt Nam là cần thiết.
Dù đúng dù sai, tiếng nói của họ phần nào cũng phản ánh một mặt bằng nhận thức về Việt Nam, về Biển Đông và các quan hệ quốc tế có liên quan đến chúng ta.
Sự khác biệt trong đánh giá của 2 học giả Trung Quốc và Nga nói trên cũng cho thấy, dường như ông Kim Nhất Nam vẫn dựa trên tư duy thời Chiến tranh Lạnh, hoặc giả ông đang phục vụ mục đích tuyên truyền cho người dân Trung Quốc nhiều hơn là đánh giá một cách khách quan các hoạt động của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á.
Phân tích của học giả người Nga cho thấy một góc nhìn từ bên ngoài về cục diện Biển Đông cũng như các vận động, dịch chuyển có liên quan, mà tất cả đều bắt nguồn từ hoạt động đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, hướng tới mục tiêu độc chiếm vùng biển này.
Nguồn:
[1]http://news.sina.com.cn/o/2018-03-01/doc-ifyrzinh1221192.shtml
[2]https://www.globalresearch.ca/vietnam-an-unofficial-ally-of-the-u-s-against-china/5631630